"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".
Lời Chúa: Mt 18, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy niệm 1: Sửa lỗi người anh em
Suy niệm:
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2: SỬA LỖI
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa thánh thiện không thể chịu được tội lỗi. Tội lỗi phải bị khai trừ. Tuy nhiên cách khai trừ có khác biệt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Thời Cựu Ước cách khai trừ tội lỗi khắc nghiệt. Công lý nhiều hơn tình thương.
Ê-dê-kiên cho thấy cuộc thanh tẩy Giê-ru-sa-lem đầy máu. Thiên Chúa tiêu diệt thành phố tội lỗi: “Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất…các bánh xe cũng chuyển theo”. Và một cuộc trừng phạt tàn sát không xót thương diễn ra: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch”. Thật là nghiệt ngã (năm chẵn).
Ngay cả Mô-sê, một người tôi tớ trung tín suốt đời tận tuỵ phục vụ Chúa, người đã làm biết bao điềm kỳ phép lạ, người giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập, người thiết lập một dân mới, người ban bố lề luật, thế mà cũng bị phạt khắc nghiệt. Thực ra tội của Mô-sê chính là tội của dân. Vì thương dân và chiều theo dân nên bỏ lời Chúa. Thế mà ông bị trừng phạt nặng nề. Không được vào đất hứa. Chết nơi xứ lạ quê người. Không chôn cất mồ mả. “Ông Mô-sê, tôi trung của Đức Chúa, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh Đức Chúa…Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu” (năm lẻ).
Đến thời Tân Ước, tình yêu thương được đề cao hơn công lý. Chúa truyền cho các cộng đoàn phải sửa lỗi anh em trước khi trừng phạt. Khi sửa lỗi cũng phải tế nhị. Trước hết phải kín đáo riêng tư. Khi không thể thuyết phục riêng tư mới dùng đến ảnh hưởng cộng đoàn. Phải cứu sống hơn giết chết. Phải tha thứ hơn kết án. Phải đón nhận hơn loại trừ. Phải sửa chữa hơn vất bỏ. Phải xây dựng hơn phá huỷ. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”. Sự hợp nhất phải xây dựng từ những đớn đau của thương tích, của tha thứ, của chữa lành. Bấy giờ tình yêu thương đoàn kết sẽ vô cùng quí giá và sâu xa. Đó chính là nền tảng để dâng lời cầu nguyện và được Chúa nhận lời: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Họp lại sau những xung khắc lỗi lầm mới thực sự sâu xa bền chặt.
Suy niệm 3: Cầu nguyện.
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa với Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thi hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt. 18, 15-17)
Thật dễ dàng tố cáo Giáo Hội nghiêm khắc với các tín hữu, dựa vào luât khắt khe để phạt vạ tuyệt thông họ. Nhưng ta hãy nghĩ lại xem không phải Giáo Hội đoạn tuyệt, mà tại người đó từ chối vâng theo lời Thiên Chúa và Giáo Hội, họ làm tôi cho thần thế gian.
Trong Giáo Hội, ai từ chối vâng lời, kẻ ấy tự lìa bỏ Giáo Hội. Ai từ chối vâng lời Giáo hội là hội có quyền gải thích về Thiên Chúa thì kẻ ấy lìa bỏ Thiên Chúa.
Sự bất đồng.
Thật rõ ràng kẻ tội lỗi từ chối vâng theo luật Chúa. Luật Chúa không phải là cái ách, nhưhg là phương thế tình yêu giúp sống trung thành với Thiên Chúa. Vì tội lỗi, tôi từ bỏ Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa vứt bỏ tôi, đoạn tuyệt với tôi. Tình yêu của Ngài luôn luôn theo tôi. Sao tôi không gắn bó vời Thiên Chúa, sao tôi chối bỏ Ngài, khinh chê Ngài?
Giáo Hội có thể nhiều lần cảnh giác, khi dùng đe dọa phạt vạ tuyệt thông là để nhắc nhở ta đừng đi vào lầm lạc, làm xa lìa Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ sự nguy khốn. Giáo Hội cảnh giác, giữ gìn, đề phòng cho ta.
Nếu tôi phạm luật đi đường, không phải lỗi của nhà lập luật, phải nhắc nhở ta giữ trật tự, hơn nữa muốn ta gắn bó với hợp đồng chung. Tôi phải chịu trách nhiệm công dân.
Đồng tâm.
Hai câu sau của đoạn Tin Mừng hôm nay, nhắc nhở một sự thực mà người ta thường quên. Không chỉ cùng nhau cầu nguyện mà hơn nữa phải hợp nhất cùng nhau, phải đồng tâm cầu nguyện hướng về một đối tượng. Điều đó rất khó vì ngay trong một gia đình, giữa bạn hữu cũng khó có sự đồng tâm cầu xin về điều này điều kia, ngay cả trong Giáo Hội đôi khi phải ngạc nhiên chẳng nhận được điều chúng ta cầu xin! hãy đồng tâm nhất trí! Một lệnh truyền tốt đẹp…
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
J.M
Suy niệm 4: SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA ( Mt 18, 15-20)
Xem lại CN 23 TN A.
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.
Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.
Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!
Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
* Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của chính mình. Và có lúc lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.
* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: "Một mình anh với nó mà thôi".
* Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.
* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.
* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âutinh con của ngài!
* Sửa lỗi trong cầu nguyện: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng: sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự thân, chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 5: SỨ VỤ HÒA GIẢI
(http://giaoducconggiaohdgm.org)
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên những sứ giả hòa giải. Người dạy cho chúng cách thức hòa giải để có thể “đến với người khác” và “đón nhận người khác”. Việc hòa giải này rất khó khăn vì đòi hỏi sự khai mở từ hai phía: chủ thể hòa giải và đối tượng được hòa giải. Trách nhiệm tình huynh đệ chân chính đòi hỏi chúng ta không được phép bỏ mặc một người anh em đi vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhưng phải hết sức cố gắng đưa họ trở lại với đường ngay nẻo chính. Sứ vụ này đòi hỏi thái độ sám hối và hòa giải đến cả từ hai phía. Bởi vì một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận rằng đã là người ai chẳng có lầm lỗi. Trong thâm tâm người Kitô hữu, ai cũng ước muốn được Thiên Chúa tha thứ, mà sự thật thì chính Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x.Rm 5, 10-11), vậy lẽ nào chúng ta lại không thể tha thứ cho anh em mình? Lời Chúa soi sáng cho chúng ta thấy rõ Thiên Chúa mới là chủ thể hòa giải đích thực, và chúng ta được mời gọi tham dự vào sứ mạng hòa giải này. Quyền cầm buộc và tháo gỡ được Chúa Giêsu thiết lập và trao ban không nhằm thể hiện quyền bính nhưng được thực hiện dưới ánh sáng của tình yêu. Bởi vì chính nhờ tình yêu mà chúng ta được cứu độ. Do đó, sứ mạng hòa giải phải được đặt trong tương quan hiệp thông. Chính trong sự hiệp thông này mà Chúa Giêsu trở nên chủ thể hòa giải: “Thầy ở giữa những người ấy” (x.Mt 15, 20).
Trong thế giới ngày nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực kiến tạo nền hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc. Chiến tranh, hận thù, chia rẽ là điều ai cũng sợ vì chúng chỉ mang lại chết chóc, bất an và mất mát. Tuy nhiên, chúng vẫn hiện diện đâu đó trong xã hội loài người, cộng đoàn tín hữu và các gia đình, nhất là tiềm ẩn trong lòng mỗi người. Là người Kitô hữu, chúng ta mang trong mình sứ vụ hòa giải. Vì vậy, trước hết người Kitô hữu được mời gọi hãy làm một cuộc xuất hành để ra khỏi chính con người mình để đến những nơi, những con người Chúa muốn. Đó là một thế giới đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Khi làm như vậy là chúng ta đang góp phần xây dựng một thế giới mới mang màu sắc của nền văn minh tình thương, một thế giới thấm nhầm tình huynh đệ.
Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa trên thập giá là lời mời gọi chúng con sống sứ mạng hòa giải. Sứ mạng này cho chúng con thấy sự liên đới mật thiết giữa hai chiều kích hòa giải với nhau và hòa giải với Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra thân phận tội lỗi để biết thay đổi chính mình và ý thức sống tinh thần hòa giải trong tương quan với Chúa và anh em. Nhờ đó chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, vì chính lúc cho đi là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.
Suy niệm 6: SỬA LỖI CHO ANH EM
(GKGĐ Giáo Phận Phú Cường)
Trong tương giao xã hội, ai trong chúng ta cũng thích sự tế nhị nơi người khác và cũng mong muốn thủ đắc sự tế nhị để thành công trong cuộc sống. Vì "điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người" được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ trong giao tiếp, ứng xử, thể hiện là con người có hiểu biết, có văn hóa; đồng thời, cũng thể thể hiện sự tôn trọng người khác.
Thánh sử Mátthêu thuật lại lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các môn đệ khi xưa, cũng là cho chúng ta hôm nay về sự tế nhị góp ý, giúp nhau xây dựng đời sống hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5, 48): “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18, 15).
Có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi người khác là cần thiết trong cộng đoàn, gia đình và Giáo Hội. Vì tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác. Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh. Trong khi theo tính khí và khuynh hướng tự đề cao mình, chúng ta thường có thói quen chỉ trích, chê bai công khai, nói xấu hay quyết liệt gièm pha, phản ứng gay gắt khi đối diện với những điều trái ý, phật lòng, khi bắt gặp những sai phạm hay khuyết điểm của người khác. Thiên Chúa mời gọi người Kitô hữu trong tình bác ái huynh đệ, những lúc như thế, chúng ta hãy gặp riêng người anh chị em, chỉ một mình ta với họ mà thôi. Việc gặp gỡ riêng tư giúp hai người đối thoại cởi mở hơn, bộc bạch với nhau và hiểu nhau hơn. Hơn nữa, gặp gỡ riêng tư trong giúp nhau hoàn thiện nên tốt hơn còn giúp chúng ta giữ gìn thanh danh và uy tín của nhau, kể cả người được góp ý và người góp ý. Bởi lẽ, người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thọc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng. Ngược lại, tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết. Và con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống.
Mong thay, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi chúng ta luôn nỗ lực sống tôn trọng và tế nhị với mọi người. Bởi lẽ, mọi người dù xấu hay tốt đều là con cái của Chúa.
nguon:http://gplongxuyen.org/News