Kiện toàn lề luật.
12/06 – Thứ Tư tuần 10 thường niên.
"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".
Lời Chúa: Mt 5, 17-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.
Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
SUY NIỆM 1: Kiện toàn lề luật
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Rắc rối yêu thương
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ. Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt. 5, 17)
Quá nhiều luật lệ!
Hai mươi hoặc ba mươi năm vè trước, người Kitô hữu phải tuân giữ nhiều luật lệ và điều răn hơn hôm nay. Điều gì phải làm hay không được làm đều đã được phân định rạch ròi đến từng chi tiết. Thời ấy người ta rất tỉ mỉ, phải nói là quá tỉ mỉ nữa.
Khoảng mấy năm gần đây, nhiều sự đã thay đổi. Hôm nay người ta thường nghe nói rằng chẳng còn luật lệ gì nữa. Có người tiếc rẻ, người khác lại vui mừng. Những người luyến tiếc mạnh miệng nói rằng Giáo hội bây giờ dễ dãi quá, để mặc cho ai nấy muốn làm gì thì làm.
Đức Giêsu với lề luật
Chúa Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn chăng? Chắc chắn là không.
Như ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không có điều răn nào khác cũng quan trọng.
Để yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất chấp mọi điều khác.
Những điều răn nhỏ nhất phải tuân giữ mà Chúa nói đến ở đây, chính là những điều tế nhị phải có trong khi yêu thương vậy.
Suy Niệm 3: GIỮ LUẬT THEO TINH THẦN CỦA CHÚA (Mt 10, 7-13; hoặc Mt 5, 17-19)
Xem lại CN 6 TN A, Thứ Tư tuần 3 MC
Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn thần đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc?
Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabát, giới lãnh đạo Dothái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Đức Giêsu bất chấp Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Đức Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Pharisêu: "Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề Luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con tuân giữ Lề Luật của Chúa trong sự ép buộc, nhưng là trong lòng mến, để qua đó, nhờ Lề Luật mà làm cho chúng con được gần Chúa và anh chị em chúng con hơn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 4: Để kiện toàn
Suy niệm :
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định :
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.
Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
nguon: http://gplongxuyen.org