Thứ Tư 05/05/2021 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Sự kết hiệp thâm sâu.

Thứ Tư 05/05/2021 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Sự kết hiệp thâm sâu.

"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".

 

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Thầy là cây nho

Suy niệm:

Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.

Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.

Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.

Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).

Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.

Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.

Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),

người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).

Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.

Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).

“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.

Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,

vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).

Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.

Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.

Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.

Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.

Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.

Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.

Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).

Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.

Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.

Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.

Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,

mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.

Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.

Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.

Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.

Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.

Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).

Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.

Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.

Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa

qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.

Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.

“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).

Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.

Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.

Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện

để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con yếu đuối,

con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,

con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,

cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh

để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,

chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con

vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa

và không đòi phần thưởng nào khác

ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen. (Cha Piô)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: SINH NHIỀU HOA TRÁI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cây nho là hình ảnh quen thuộc của Kinh Thánh. Để diễn tả Dân Chúa, nhà Ít-ra-en. Nhưng Chúa Giê-su dùng cây nho để nói lên đời sống thiêng liêng thâm sâu nhiệm mầu.

Trước hết đó là đời sống kết hợp với Chúa. Hình ảnh cây nho và cành nho nói lên cuộc kết hợp thâm sâu. Nên một. Không chỉ là hình thức. Nhưng còn là sự sống. Cành và cây không chỉ liền lạc với nhau mà còn sống nhờ cùng một dòng nhựa, một sự sống. Sự sống từ thân cây chuyển sang cành cây. Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Người.

Kế đến là đời sống kết hợp với anh em. Cây nho và cành nho là một toàn thể. Tất cả các cành, cùng với gốc rễ và thân, tạo thành một cây nho duy nhất. Sống bằng một dòng nhựa duy nhất. Dân Chúa là một cộng đồng. Không thể có tính cá nhân ích kỷ. Phải có hiệp thông. Với Chúa. Và với anh em.

Sau cùng là kết quả của đời sống kết hợp. Trổ sinh hoa trái. Cây cung cấp nhựa sống. Nhưng cành trổ sinh hoa trái. Để hoa trái tốt đẹp đòi hai điều kiện. Cành phải gắn chặt với thân. Và không được phung phí nhựa vào những cành lá dư thừa. Như thế bên trong ta phải kết hợp mật thiết với Chúa. Bên ngoài phải cắt tỉa những gì dư thừa. Thanh luyện những ô uế. Để sinh nhiều hoa trái.

Cộng đoàn tín hữu sơ khai là một Dân Mới của Chúa. Dân cũ chỉ có người Do thái. Dân Mới gồm cả người gốc Do thái và người gốc dân ngoại. Dân cũ là cây nho. Nhưng Dân Mới có Chúa Giê-su là cây nho thật. Dân cũ sống bằng Lề Luật. Dân Mới sống bằng Thánh Thần của Chúa Giê-su. Dấu chỉ của dân cũ là phép cắt bì. Dấu chỉ của dân mới là phép rửa trong Thánh Thần. Dân cũ cho rằng tự mình nên công chính bằng Lề Luật. Nhưng thực ra đó là những cành nho không gắn liền với thân nho. Nên không sinh hoa kết quả. Dân mới được thành hình và được sống nhờ kết hợp với Chúa Giê-su. Chính trong Chúa Giê-su mà dân mới sinh nhiều hoa trái. Điều đó được chứng nghiệm. Vì dân ngoại chỉ cần chịu phép rửa là nhận được Thánh Thần. Không cần đến phép cắt bì.

 

SUY NIỆM 3: Sự kết hiệp thâm sâu

Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.

Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.

Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.

Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Để sinh nhiều hoa trái

Dụ ngôn cây nho là một phần của bài nói sau bữa tiệc ly. Tin mừng thánh Gio-an đã ngăn chặn sự xa lìa của những kẻ theo Người, có thể vì cái chết trên thập giá của Người hay khi Người lên trời. Người cho họ thấy về sự sống của Người là sự sống cho những kẻ còn hiệp thông với Người, như nhựa cây là sức sống từ thân cây tới những cành, sự sống đó sinh nhiều hoa trái. Điều kiện “ở lại trong Thầy” không phải hiểu như trong hộp kín, dưới sự che chở cô độc, nhưng ở trong một năng lực lớn mạnh. Những cành từ chối không tiếp nhận phát triển, không đáp ứng với nhựa sống vươn lên, sẽ gặp nguy cơ chết khô. Cuộc tranh đấu để sống chỉ nguy hiểm đối với những cành tự tách mình lìa khỏi cây. Người ta gọi nó là tội.

Bao lâu còn nhựa sống lưu thông, bấy lâu sự chết vẫn không đột nhập được.

Trong thời đại chúng ta, thuyết đa dạng là một gương mù thường xuyên. Người ta dễ dàng theo lối sống khô khan, tà giáo và cả vô tín ngưỡng. Phụng vụ khác nhau biết bao từ xứ này qua xứ khác, một linh mục tự diễn cách tự do một số công thức đã xưa rồi. Biết bao tín hữu cố chấp phản đối những cơ cấu tổ chức, đi tới chỗ chỉ trích gay gắt và bi quan, như nói: “Giáo hội đi theo quỷ”.

Không, Giáo hội sẽ tiến theo đường lối của mình băng qua một thế giới và một thời đại đầy khó khăn, như cành cây nho bò leo xoắn xít để đeo bám những đường quanh co của lâu đài và phát sinh ra những đường nét trang trí cho ngôi nhà khô khan bằng những mầu sắc xanh tươi sống động. Đức tin không bảo thủ như những chùm nho đông đặc khô cứng, nhưng sống động nhờ giá trị chiến đấu, nơi người quyết chí hiệp nhất với Đức Kitô. “Ở lại trong Thầy” không phải ẩn mình, khép kín, che thân, nhưng chính là biểu dương sức sống Người đã thông ban cho chúng ta để sinh nhiều hoa trái. Những cây nho sẽ bị ném vào lửa là những cành sợ khô không tiến lên, không leo lên …

Cây nho dẫn chúng ta đến trước chén rượu nho mà linh mục dâng lên và thánh hiến trên bàn thờ. Nó đã bằng lòng đổ nước ra khi chịu gieo xuống đất, chịu cắt tỉa, chịu gặt hái, chịu ép nén đến cùng cực để cho chúng ta có rượu lễ hôm nay. Người tín hữu chúng ta đã sẵn sàng mạo hiểm bắt tay vào việc, liều mạng tới đâu? Chúng ta xum họp quanh bàn thờ để uống với tâm tình ích kỷ hay đón nhận nhựa sống làm cho mình và mọi người lớn lên trong nước trời không?

L.P

 

SUY NIỆM 5: Hệ quả của sự cắt tỉa

Xem thêm ps5 cn B

Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mần non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.

Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt: ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo: thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chua Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài. Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chua Giêsu được diễn ta trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần túy của con người, mà chính là lòng thủy chung của Con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mới mang lại những trái trăng xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa: cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn ngành thừa thãi của ích kỷ.

Giáo Hội – Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo Hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo Hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo Hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo Hội: sức sống của Giáo Hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu giương bên ngoài, hoa trái của Giáo Hội có khi không phải là một chút dễ dãi đạt được do một sự thỏa hiệp nào đó. Giáo Hội chỉ có thể mang lại hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tư do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt: đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo Hội trổ sinh hoa trái dồi dào.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào Giáo Hội và cuộc sống đức tin của chúng ta với một cái nhìn bình thản và tin tưởng. Mỗi kitô hữu là một ngành nho gắn liền với cây nho là chính Chua Giêsu. Để được gắn liền với Ngài và trổ sinh hoa trái chúng ta không thể không chịu cắt tỉa khỏi những gì nghịch với Tin mừng và cốt lõi của Tin mừng là tình yêu. Sự cắt tỉa nào cũng làm chúng ta đau đớn, mất mát nào cũng làm chúng ta tiếc xót, nhưng vì đã được sống theo Tin mừng, chúng ta hãy xem như một lợi lộc cao quí nhất khi bị cắt tỉa và mất mát. Hoa trái phát sinh từ những cắt tỉa và mất mát ấy sẽ mãi  mãi tồn tại. Vả lại ngay trong cuộc sống này, giá trị của con người không được đo lường bằng những gì nó thu tích, mà bằng chính những gì nó hy sinh và cho đi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI (Ga, 15,1-8)

Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt...

Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.

Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công..., để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7:,,,

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Dụ ngôn cây nho và cành nho cho thấy rằng để được sống và trổ sinh hoa trái, người Kitô hữu phải liên kết mật thiết với Chúa Kitô. Đón nhận Lời Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, đó là những điều kiện để đời sống người tín hữu sinh nhiều hoa trái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính vì Chúa muốn con sống cuộc sống của Chúa, mà Chúa đã thông ban cuộc sống của Chúa cho con. Và Chúa thông ban liên lỉ, để cuộc sống của con đích thực là cuộc sống đón nhận từ nơi Chúa. Chính nhờ tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa, mà con trở thành người Kitô hữu, người có Chúa Kitô, người sống cuộc sống của Chúa Kitô.

Chính sự sống của Chúa trong con làm cho các đau khổ, các nghịch cảnh, các khó khăn trong đời sống hằng ngày có một giá trị tích cực, nhờ đó cuộc sống con sinh nhiều hoa trái hơn.

Khi con tách lìa khỏi Chúa, khi con phạm tội, lúc ấy con chết vì thiếu sức sống của Chúa. Bề ngoài, tuy vẫn là Kitô hữu, vẫn tham gia các sinh hoạt trong xứ đạo, nhưng vì con để cho tội lỗi, ích kỷ ngăn cách con với Chúa, nên con đã trở thành những cành nho khô héo.

Xin Chúa giúp con xác tín điều quan trọng này, và cho con biết quý trọng sự sống mà con đã lãnh nhận nơi Chúa, để con luôn luôn kết hiệp với Chúa, siêng năng và sốt sắng lãnh nhận Mình Máu Chúa, đọc và suy niệm Lời Chúa để Lời Chúa thanh luyện con người và cuộc sống của con.

Lạy Chúa, chỉ vì muốn cho con được sống mà Chúa kêu mời con kết hợp với Chúa. Con cảm nhận tình yêu cao vời của Chúa dành cho con. Xin Chúa cho con luôn sống xứng đáng với tình yêu thương vô cùng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

 

SUY NIỆM 8:,,,,,,,,,

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Học trò hỏi tôn sư:

“Con phải làm gì để đạt tới Thượng Đế?”.

“Nếu con muốn đạt tới Thượng Đế, con phải biết hai điều này. Điều thứ nhất là mọi cố gắng để đạt tới Ngài đều hoài công”.

“Còn điều thứ hai?”.

“Con phải hành động như thể con nên một với Thượng Đế” (Một phút minh triết, nên một).

Suy niệm

Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và Thiên Chúa Cha được Ngài nhấn mạnh là người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Hình ảnh cây nho và các cành nho được Chúa Giêsu nhấn mạnh như biểu tượng cho sự gắn bó thầy - trò, sự gắn bó qua Thầy với Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Như thế, người gắn bó với thầy, được biểu tượng bằng hình ảnh sống động của cành cây nho, theo cái nhìn của người trồng nho là những nhánh được chọn từ một số nhánh khỏe nhất, được cắt tỉa, được nuôi dưỡng khi gắn bó với thân nho qua nhựa sống nuôi từ gốc.

“Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi…” (Ga 15,2). Đó là hình ảnh những người được xem gắn bó với Thầy, mang danh là môn đệ Chúa Kitô, nhưng không có tinh thần gắn bó với Chúa Kitô. Họ là những người môn đệ, Kitô hữu “hữu danh vô thực” như thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do Thái giáo (x. Rm 2,17-23). Còn số phận của những kẻ đứng bên ngoài Thầy: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Thánh Vịnh có nói về số phận của kẻ không gắn bó với Thầy: “Kìa ai xa Chúa, sẽ mai một hết… “ (Tv 73,27).

“Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì: “Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên, Tagore luôn cảm nghiệm: “Con nhìn nhận Chúa chính nguồn tình yêu” (Mong chẳng còn gì).

Cành đơm trái được nuôi sống và gắn liền với thân nho, phải luôn được cắt tỉa, là một điều kiện cần thiết để nho sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh cắt tỉa cây nho luôn mang hai ý nghĩa cho người gắn bó với Đức Kitô như cành liên kết với thân nho:

Chịu cắt tỉa trong đau thương để cùng tham dự vào sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17). Khi được cắt tỉa, đau thương nhưng với Đức Giêsu là “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13). Bị cắt tỉa đau thương góp phần sinh hoa trái: “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường” (1Pr 5,10).

Cắt tỉa những lá già, những cành phụ không cần thiết là chiết bỏ những tật hư đam mê xấu, để dành sức sống thẳng tiến trong Chúa Kitô như thánh Clément d'Alexandrie nhận định: “Cây nho không được cắt tỉa trở nên hoang dã, Ngôi Lời là một thanh kiếm cắt tỉa những cành um tùm: Thanh kiếm bẻ gãy những dục vọng để không còn sa ngã và để sinh hoa trái”.

Cắt tỉa để gắn bó với Thầy. Thật thế, chính nhờ sức sống của Thầy chảy trong con người tôi, như nhựa nuôi sống cành nho, như thánh Phaolô cảm nghiệm: “Tôi sống không phải là tôi sống, nhưng là Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Ý lực sống: “Như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

 

SUY NIỆM 9: Dụ ngôn cây nho và cành nho

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu dùng một hình ảnh rất cụ thể, rất đẹp để dạy chúng ta một bài học quí giá, đó là cây nho. Ngài tự ví mình là cây nho và chúng ta là cành nho. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa cửa sự hiệp thông, liên đới và hỗ tương giữa cây và cành nho, và giữa các cành với nhau, tức là giữa Thiên Chúa với chúng ta  và giữa chúng ta với nhau.

2. Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do thái. Cây nho cho họ thứ rượu hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc. Hình ảnh vườn nho hay cây nho cũng được ví như nhà Israel dưới ngòi bút của các tiên tri Isaia, Giêrêmia và Ezékiel. Dân Israel là vườn nho của Chúa trồng lên và chăm sóc bảo vệ chúng, lắm khi chúng đã trở nên tan hoang và nho dại.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan  của Ngài với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời. Cành nho sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây, nhưng không phải hút để ra lá mà là để sinh hoa trái.

3. Nếu Đức Giêsu sinh sống ở Việt nam, Ngài sẽ không nói: “Thầy là cây nho”, nhưng sẽ dùng một loại cây quen thuộc hơn: “Thầy là cây mít, là cây ổi, là cây xoài... còn anh em là cành”, để diễn đạt hình ảnh cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây. Ngài cũng đã dùng một động từ để chỉ sự kết hợp này: “ở lại trong Thầy”. Động từ ấy được lặp đi lặp lại sáu lần trong bài Tin Mừng như lời mời gọi thiết tha, như tiếng van nài khẩn thiết, bởi vì Ngài biết rằng đời ta chỉ có giá trị, sinh hoa trái tốt lành khi ở lại trong Ngài. Muốn sinh hoa trái tốt tươi, cây nho phải được cắt tỉa. Cũng vậy, ta phải vui vẻ để cho Chúa Cha cắt tỉa, cắt đi cái tôi muốn bành trướng cách lộ liễu, tỉa bớt cái bản ngã muốn âm thầm vươn cao, lấn át Chúa và người lân cận (5 phút mỗi ngày).

4. Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho – cành nho này, Đức Giêsu khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa. Cụ thể, sự sống tâm linh của các tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố: “Thầy là sự sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Đức Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ việc cầu nguyện, lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tich Thánh Thể.

5. “Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì: “Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên thi sĩ Tagore luôn cảm nghiệm: “Con nhận Chúa chính nguồn tình yêu”(bài thơ Mong chẳng còn gì).

6. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên là phải sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy... Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ây là cành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.

7. Truyện: Kết hợp với Đức Kitô.

Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore đã viết như sau: “Trên bàn tôi là sợi dây guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.

Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả” (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).

Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 14,5). Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ; ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-tu-05052021-thu-tu-tuan-5-phuc-sinh-su-ket-hiep-tham-sau.html