Thứ sáu 24/05/2019 – Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh. – Yêu thương và phục vụ.

Yêu thương và phục vụ.

24/05 – Thứ Sáu tuần 5 Phục Sinh.

"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".

 

Lời Chúa: Ga 15, 12-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.

Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con.

Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".

 

 

SUY NIỆM 1: Yêu thương và phục vụ.

Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.

Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.

Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.

Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.

Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hãy sống yêu thương

Cách đây không lâu, Soko Asara, thủ lãnh giáo phái “Chân lý tối thượng” đã bị bắt giữ vì can tội chủ mưu phóng hơi ngạt giết hại 11 người và làm bị thương trên 5.000 người trong một hệ thống đường ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Vị thủ lãnh giáo phái này thường xuất hiện trong một chiếc xe mầu trắng sang trọng. Mười ngàn tín hữu tại Nhật Bản và một số nước khác đã sụp lạy khi ông đi qua, họ uống cả nước tắm gội của ông. Tại một trung tâm của giáo phái nằm dưới chân núi Phú Sĩ vốn là biểu trưng của thanh bình, cảnh sát đã khám phá cả một kho vũ khí hóa học có khả năng sát hại hàng chục triệu người. Đó là sự thật mà cảnh sát Nhật đã nắm bắt được từ giáo phái vốn tự xưng là “Chân lý tối thượng”. Tựu trung, sát hại là khẩu hiệu hàng đầu do vị thủ lãnh giáo phái này truyền đi và được các tín đồ của ông răm rắp tuân theo.

Con người vốn khao khát đi tìm chân lý: nơi nào có người dấy lên tự xưng được giác ngộ và tìm thấy chân lý, nơi đó có những tín đồ chạy theo. Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao người tự xưng là bậc thày như thế. Đã có những bậc thày xoa dịu được nỗi khổ đau của nhân loại, nhưng cũng không thiếu những bậc thầy mà sự xuất hiện chỉ là cơn ác mộng cho nhiều người.

Chúa Giêsu cũng xuất hiện như một bậc thày. Ngài cũng quy tụ một số môn đệ. Thế nhưng trong lịch sử nhân loại chưa từng có một bậc thày nào đã có cuộc sống và cung cách hành xử như Ngài, cũng như chưa từng có một bậc thày nào đã tự xưng mình là chân lý như Ngài; chân lý ấy được mạc khải qua cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài chính là tình yêu.

Tin mừng hôm nay cũng như bao trang Tin mừng khác bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc thày này. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật đã yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả nhất của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.

Cái chết của Chua Giêsu trên Thập giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.

Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng”. Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên CHúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.

Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.

 

SUY NIỆM 3: “YÊU NHƯ THẦY” (Ga15, 12-17)

Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.

Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của người môn đệ, nên Đức Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu thương khi nói: “Anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con hiểu cả! Nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Yêu thương nhau như Thầy

Suy niệm :

Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.

Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.

Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.

Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:

“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).

Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.

Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.

Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,

khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:

“Không ai có tình yêu lớn hơn

tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).

Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.

Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.

Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.

Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.

“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.

Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).

Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,

và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.

Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,

qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.

Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.

Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,

mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14).

Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.

Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,

và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).

Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.

Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ.

Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.

Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.

Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,

các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).

Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.

Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.

Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.

Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,

như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…

Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.

Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

nguon: http://gplongxuyen.org