Thứ Sáu 23/04/2021 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân.

Thứ Sáu 23/04/2021 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân.

"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".

 

Lời Chúa: Ga 6, 53-60

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Capharnaum.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Nhờ tôi mà được sống

Suy niệm:

Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,

nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy

đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.

Câu 51 là một bước chuyển quan trọng

trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.

Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.

Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).

Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.

Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.

Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.

Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,

nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).

Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.

Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,

khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao

mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.

Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài

qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.

Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.

Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.

Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.

Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,

mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi

thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).

Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,

thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).

Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,

chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.

Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.

Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.

Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,

thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,

Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

Chúa là thức ăn, thức uống của con.

Càng ăn, con càng đói;

càng uống, con càng khát;

càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con

hơn cả tầng mật ong,

vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?

Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,

con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,

đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,

vì con không muốn từ bỏ

những thói quen của con

để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,

ca ngợi và tôn vinh Chúa,

bởi đó là sự sống đời đời cho con. Amen. (Ruy Broeck)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: ĂN THỊT UỐNG MÁU

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa ban cho ta Thịt và Máu Chúa. Đó là bí tích Thánh Thể. Là Sự Sống Muôn Đời. “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời”. Nhưng sự sống này không phải là bùa chú tự nhiên thành. Cần phải ăn uống theo qui định. Hôm nay Chúa dạy ta qui định đó.

Qui định thứ nhất: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”. Cuộc trao đổi phải có hai chiều. Cho đi và nhận lãnh. Hai động từ “ở lại” thuộc hai chiều trao đổi. Ta ở lại trong Chúa. Chúa ở lại trong ta. Ở lại là biến đổi. Chúa ở lại trong ta nên đã biến đổi nên giống ta. Chúa đã từ trời xuống thế. Thiên Chúa đã trở nên con người. Sống như con người. Đói khát như con người. Đau khổ như con người. Chết như con người. Ta muốn ở lại trong Chúa cũng phải biến đổi nên giống Chúa. Thánh thiện như Chúa. Yêu thương như Chúa. Quảng đại như Chúa. Điều này được khẳng định bằng qui định thứ hai.

Qui định thứ hai: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”. Chúa Giê-su sống nhờ Chúa Cha. Từ suy nghĩ, lời nói đến hành động, Chúa Giê-su không nói gì làm gì tự mình, theo ý riêng. Nhưng tất cả đều phát xuất từ Chúa Cha, theo ý Chúa Cha. “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”(Ga 4,34). Thậm chí đến cả cái chết. Chúa Giêsu “đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thánh giá”(Pl 2,8). Ta cũng phải sống nhờ Chúa Giê-su như vậy. Không nghĩ tưởng, nói năng, hành động gì theo ý riêng. Nhưng lời nói, tư tưởng và hành động của ta phải là của Chúa Giê-su.

Để Chúa Giê-su ở lại trong ta ta phải từ bỏ mình. Ta phải từ bỏ máu thịt hay chết, tội lỗi, trần tục của mình để Máu Thịt hằng sống, thánh thiện, thần linh của Chúa Giê-su Thánh Thể ở lại trong ta.

Thánh Phao-lô được Chúa chuẩn bị cho cuộc kết hợp sâu xa với Chúa. Nên hôm nay Chúa bắt ngài phải từ bỏ con người cũ. Phải ngã xuống con người cao ngạo. Phải đui mù con người tự hào thông minh khôn ngoan. Phải đánh gục con người cứng cỏi. Thánh Phao-lô đã ngoan ngoãn từ bỏ hết. Để Thiên Chúa chiếm đoạt. Để từ nay không còn sống cho mình nữa. Mà sống cho Chúa. Ngài đã thay máu thay thịt mình bằng Máu Thịt Chúa Giêsu. Ngài đã bắt đầu cuộc sống thần linh. Ngài đã bắt đầu cuộc sống vĩnh cửu.

 

SUY NIỆM 3: Con đường hiến thân

Bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ, Nga đã đưa du khách đầu tiên vào không gian. Vị du khách này là một triệu phú người Mỹ, tên là Dennis Titô. Ông Titô đã rời căn cứ phi thuyền không gian vào tối thứ Bảy tháng 4 năm 2001 và được đưa lên trạm không gian quốc tế.

Sở dĩ cơ quan không gian Hoa Kỳ là NASA phản đối chuyến đi này là vì cho rằng ông Titô có thể gây ra nguy hiểm cho các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Nga cam đoan rằng sứ mạng của ông Titô sẽ được bảo đảm trong suốt chuyến du hành vào không gian. Ðược biết, vé du lịch không gian của ông Titô là hai mươi triệu mỹ kim.

Phải bỏ ra một số tiền kếch xù như thế để ra khỏi trái đất tìm một chút cảm giác thoát tục để trở thành một con người nổi tiếng quả là điều không cân xứng. Trong khi con người muốn bay lên trời cao bằng những phương thế và xác thịt riêng của mình, thì Ðấng từ trời cao đã xuống trần gian, để chỉ cho con người cách thế đúng đắn nhất để lên trời cao.

Thật ra khoảng không gian mà con người có thể bay lên được chỉ là vô nghĩa so với cõi trời cao từ đó Ngài đưa con người xuống; và con đường Ngài mở ra để cho con người ra khỏi trời cao ấy hoàn toàn trái ngược lại với con đường mà con người tự vạch ra. Con đường mà Ngài đã khai thông là con đường của tự hạ, hy sinh, quên mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân. Với Ngài, chỉ khi nào thoát khỏi mọi thứ vướng bận của trần tục, con người mới có thể nhẹ nhõm để bay lên khỏi trời cao. Trở thành tấm bánh và được bẻ ra để trao ban cho con người, Ngài đã đi cho đến tận cùng con đường đã hiến thân, Ngài đã chỉ ra cho con người con đường đích thực của sự siêu thăng. Tiếp rước Ngài, ăn lấy tấm bánh là chính Ngài, con người đón nhận sự sống của Ngài để rồi chia sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ bằng con đường hiến thân vô vị lợi, con người mới tìm lại được bản thân mà thôi.

Với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thế giới sâu xa này càng thu hẹp với con người, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng ngắn lại, đường lên không gian cũng được mở ra. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng lớn hơn. Cách biệt giữa giàu nghèo ngày càng vời vợi, con người đi vào không gian và cũng ngày càng xa cách nhau. Người nghèo Lazarô quằn quại bên cửa nhà hay ngay cả dưới gầm bàn ăn mà người giàu có cũng nhìn thấy. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người, Ngài ngồi đồng bàn với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài kết thân với những người tội lỗi, Ngài chịu đồng hóa với những người nghèo hèn và khẳng định rằng trong ngày sau hết, chính dựa trên cách cư xử với người nghèo hèn mà con người sẽ được xét xử.

Nguyện xin lương thực thần linh mà chúng ta đón nhận trong bí tích Thánh Thể bồi bổ chúng ta trong cuộc cử hành trần thế, để chúng ta luôn tiến bước trong hân, tin tưởng và quảng đại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Ngôn ngữ Lễ Hy Sinh

Người Do-thái liền tranh luận với nhau. Họ nói:

“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.

Đức Giêsu nói với họ:

“Thật, tôi bảo thật các ông

nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,

các ông không có sự sống nơi mình

Ai ăn thịt và uống máu tôi,

Thì được sống muôn đời

Và tôi sẽ cho người ấy sống lại

Vào ngày sau hết. (Ga. 6, 52-54)

Những vấn nạn về tiệc Thánh Thể, về Mình và Máu Thánh Đức Kitô vẫn khó giải đáp. Chúng ta hiểu theo ngôn ngữ thực tế ư? “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” là vây quanh một xác chết, là tiêu hóa những miếng thịt của một cơ thể loài người từ hai ngàn năm nay sao? Dứt khoát là không.

Ngược lại với lối giải thích trên, người ta hiểu theo nghĩa biểu tượng: “Ăn thịt Ta và uống máu Ta” chỉ là nhớ đến thịt và máu Đức Giêsu, tức là nhớ đến đời sống của Người, đến sinh hoạt của Người để gợi cảm hứng.

Đối với tôi, lời Đức Kitô rất rõ nét và súc tích. Tôi yêu lối giải thích cho bạn về lời Đức Kitô theo ngôn ngữ tế lễ hy sinh. Chúng ta được linh ứng theo lối giải thích của Kinh thánh để hiểu sự phân phát Mình thánh Đức Kitô.

Sự thông phần trong các lễ hy sinh, có sự phân phát của ăn cho các người tham dự. Của ăn đó là thịt con chiên hay con bê. Người ta lấy máu nó rảy trên dân chúng và dành một phần thiêu nó trên bàn thờ, một phần phân phát cho người dự lễ.

Phần dâng lên thì thuộc về Thiên Chúa với lời chúc tụng của dân chúng, điều đó có nghĩa là dân chúng nhận biết hồng ân Thiên Chúa và những việc lạ lùng Ngài làm cho dân.

Nhưng việc tế lễ đó không chỉ là do động lực của con người. Thiên Chúa tự mình nêu lên ý nghĩa cho những cử chỉ hy tế này. Hy tế trình bày quyền phép của Thiên Chúa trong hành động và khêu gợi cho con người đến tham dự.

Nguyên lý quan trọng nhất của tế lễ Thánh Thể không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa xuống trong những dấu chỉ, nhưng chính Thiên Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được ở trong Ngài, cho chúng ta được liên kết với Ngài, được giao ước với Ngài.

Chúng ta vẫn còn được mời gọi tham dự vào tế lễ Thánh Thể này.

 

SUY NIỆM 5: Sống bằng sự sống của Thiên Chúa

Triết gia Nietzsche của Đức đã cho rằng: Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.

Thật ra, con người không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy, Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, chỉ trong Ngài con người mới thấy được Thiên Chúa. Ngài đã nói với các môn đệ: “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta”, “Ta và Cha Ta là một”. Bởi vì con người chỉ có thể sống nhờ Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một, cho nên để sống thật sự, con người phải sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống”. Tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu cũng loan báo chính cái chết của Ngài. Thật thế, vừa xác quyết mình từ trời xuống nghĩa là bởi Thiên Chúa mà ra và là chính Thiên Chúa, vừa tự xưng là lương thực cần thiết cho con người, Chúa Giêsu đã đọc lên chính bản án của Ngài. Người Do Thái đã giết Ngài vì Ngài tự xưng là Thiên Chúa nghĩa là Ngài đã lộng ngôn. Như vậy cái chết của Ngài trên thập giá là một mạc khải Thiên tính của Ngài.

Bí tích Thánh Thể, vì là tưởng niệm cái chết ấy, nên cũng là một bày tỏ và tuyên xưng Thiên tính của Chúa Giêsu. Chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban cho con người như lương thực để con người được sống. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu tuyên xưng rằng con người không thể sống mà không có Thiên Chúa. Chỉ có sức sống thần linh mới làm cho con người được sống và sống dồi dào. Thế nhưng lương thực trường sinh mà người tín hữu đón nhận trong Thánh Thể cũng là một cam kết. Tuyên xưng rằng con người chỉ có thể sống bằng sự sống của Thiên Chúa, người tín hữu cũng phải sống thế nào để cuộc sống của họ là một bằng chứng của sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong con người. Sức sống của Thiên Chúa mà con người cần đến sẽ được tỏ hiện qua niềm vui, tình huynh đệ, lòng quảng đại, sự tha thứ trong cuộc sống người tín hữu.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG (Ga 6,53-60)

Tin Mừng hôm nay trình thuật lời tuyên bố của Đức Giêsu về một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Ngài và tới tất cả những ai tin Ngài, đó là “Bánh Hằng Sống”. Ngài không nói quanh co bóng gió, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Khi tuyên bố như thế, ngay sau đó, Ngài liền khẳng định: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

Như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu không chỉ ao ước, cũng như không chỉ có ý định trở thành lương thực cho con người, nhưng Ngài còn thực sự muốn và thực hiện điều đó. Vì thế, Ngài nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống"; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 54-56).

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu cho thấy, lương thực Ngài ban tặng chính là lương thực Thần Linh, hoàn toàn khác biệt với những thứ lương thực trong đời thường, bởi vì Bánh mà Đức Giêsu trao ban chính là Ngài.

Khi trao ban cho con người chính bản thân mình, Đức Giêsu mong muốn được trở thành nguồn nuôi sống và nhất là thông truyền sự sống Thần Linh của Ngài cho nhân loại. Sự liên kết này được thể hiện qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa trong niềm tin. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.

Nói như thế, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị và ý thức cách xứng đáng để tương xứng với hồng ân cao trọng mà vì yêu, nên Đức Giêsu sẵn sàng trao hiến cho con người.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu được sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và ý thức được giá trị của việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7Hiệu quả của Thánh Thể

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)     

Câu chuyện

Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin Lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau: “Sao các ông lại hỏi tôi? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào Lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi! Nhưng tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời”.

Câu trả lời của Daniel Connell cho ta thấy: Niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là điều kiện để ta được ơn cứu độ (Vietcatholic).

Suy niệm

Tin Mừng Ga 6,53-60, là phần kết của diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum (x. Ga 6,22-58), sau khi Chúa Giêsu khẳng định chính Ngài là bánh ban sự sống được Giáo hội gọi là bí tích Thánh Thể. Chúa Kitô cho chúng ta biết ba hiệu quả của Thánh Thể: Thánh thể cho ta được sống muôn đời, Thánh Thể làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Thánh Thể làm chúng ta sống nhờ sự sống của Chúa Giêsu, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha.

Thánh Thể ban cho ta được sống muôn đời và được sống lại như Người phán: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Nếu như ngày xưa manna là của ăn được ban để nuôi thân xác, ngày nay hơn bất cứ của ăn nào, Mình Máu Chúa Kitô ban cho ta ơn thần hóa vĩnh cửu: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,48-50.58). Bằng những lời xác quyết như thế, Chúa Giêsu giới thiệu cách long trọng bánh hằng sống, bánh muôn đời tồn tại và đầy quyền năng trao ban ơn sống đời vĩnh cửu cho tất cả những ai rước lấy trong đức tin với lòng trong sạch, đơn sơ, ngay lành.

Hiệu quả thứ hai của bí tích Thánh Thể - bí tích Tình yêu, làm cho ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu như Người khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,56). Cách nói “ở lại trong” và “ở trong người ấy” (x. Ga 14,10-20; 15,4-5; 1Ga 3,24; 4,15-16) chỉ một sự trao đổi, kết hiệp vừa thân mật vừa hỗ tương. Chính dụ ngôn cây nho và các cành sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa này hơn nữa (x. Ga 15,1-17): Người rước Thánh Thể ở lại trong sự sung mãn của Chúa Kitô, đón nhận sự sống Người tuôn chảy vào trong họ như dòng nhựa sống nuôi thân nho đơm trái.

Hiệu quả thứ ba của Thánh Thể là hệ quả của hiệu quả thứ hai khi kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô thì được sống nhờ sự sống của Ngài, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Đức Giêsu với Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Ta, cũng sẽ nhờ Ta mà được sự sống như vậy” (Ga 6,57).

Với ba hiệu quả trên, trong Thánh Thể, Chúa Kitô trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, Ngài trở nên như cơm bánh là sức sống của chúng ta. Cho nên, rước Thánh Thể là cách thức duy nhất giúp ta tránh được tình trạng suy nhược thiêng liêng và cái chết linh hồn. Rước Thánh Thể là rước Chúa Kitô, sức sống của ta được tiếp sức sống của Chúa Kitô. Nếu chúng ta hiệp thông đều đặn vào sự sống này của Người, chúng ta đã được đặt để trong tình trạng ân phúc, và tình trạng này sẽ triển nở thành vinh quang trong cuộc sống vĩnh cửu. Như người cô đơn tìm được nguồn an ủi; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau đớn tìm được sự chữa lành; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần; người mất niềm tin vào cuộc đời tìm được chỗ nương thân… nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm.

Ý lực sống: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,58b).

 

SUY NIỆM 8: Bí tích Thánh Thể

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể: Đức Giêsu càng nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là thịt và máu Ngài: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.

Tới đoạn Tin Mừng này, ở câu 55 Ngài tuyên bố thẳng thừng và dứt khoát: “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”.

Như vậy Đức Giêsu nói tới bí tích Thánh Thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người. Và hiệu quả của việc rước lễ: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời... thì kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

2. Hôm nay Đức Giêsu nhắc lại chủ đề mấy ngày hôm trước và đưa ra thêm yếu tố mới. Ngài nói: “Bánh Ta sẽ ban là thịt máu Ta... Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”, nghĩa là trong phần trước, Chúa chỉ nói Ngài là bánh bởi trời đích thật, trong phần này, Chúa nói rõ hơn bánh đó chính là thịt máu Ngài: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”.

Nghe Chúa nói như vậy, phản ứng của người Do thái có vẻ mạnh hơn trước, họ xô xát nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt ông ta mà cho chúng ta ăn được”? Họ đã hiểu lời Chúa theo nghĩa đen và cũng chính là ý nghĩa mà Chúa muốn nói. Cho nên, dù dân chúng có phản đối, các môn đệ có bỏ đi, Chúa chẳng những không rút lời, nhưng lại giải thích rõ hơn và nhấn mạnh hơn: “Quả thật, thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống, ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”.

3. Nếu chúng ta nói: thân xác phải ăn thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn? Dĩ nhiên, linh hồn cũng phải ăn  thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn đó chính là Mình Máu Chúa Kitô.

Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần có thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là  do việc thông hiệp vào thịt máu Đức Giêsu ban cho: “Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của uống”.

Ai lãnh nhận mình máu Chúa Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một, để người ấy có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

4. Trong khi rước lễ, chúng ta coi mình như đón nhận Đức Giêsu, Đức Giêsu ngự vào trong tôi. Chúng ta nói về sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta. Đức Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là Đức Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Đức Giêsu. Đó là ý nghĩa của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và ta ở trong kẻ ấy. Chúng ta có thể nói như thánh Inhaxiô: “Đây là nơi Đức Giêsu bồng ẵm tôi”.

Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp ong hòa lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã diễn ta sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa Kitô.

5. Thánh lễ trong đó có Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho – bánh của sự sống đời đời. Và tất cả chúng ta  đều được nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta  là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no nê.

Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn, tại sao chúng ta không đến dự?

6. Truyện: Mình Thánh Chúa tôi đang cất giấu.

Thời cách mạng Pháp 1789, Giáo hội tại đây bị bách hại dữ dội. Cha xứ Breta cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia đình của cậu bé Benjamin. Cậu bé rất sung sướng, vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ. Đến đó, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có tiếng xì xào, một toán lính đang tiến lại. Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu bé rước, dầu cậu bé chưa được rước lễ vỡ lòng. Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả mặt nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi người chạy một ngã. Vì còn nhỏ, chạy chậm, Benjamin bị toán lính bắt kịp. Một lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha: “Mày cất giấu Mình Thánh Chúa ở đâu”? Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một hồi cũng không thấy Mình Thánh Chúa ở đâu, chúng liền quay sang Benjamin: “Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa, đưa ngay kẻo thiệt mạng”. Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời: “Trong bụng tôi, các ông mổ ra mà lấy”. Điên tiết, bọn lính cũng giết Benjamin tại chỗ, bên một cây sồi già.

Mấy năm sau, Giáo hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn bão làm đổ cây sồi già, dưới gốc cây bị trốc rễ lên, người ta thấy hai xác, trên xác cậu bé, mặt nhật còn đó, sáng ngời.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-sau-23042021