"Đây là Con Ta yêu dấu".
* Bốn mươi ngày trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Hiển Dung nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Kitô đã muốn ‘chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá’. Nhưng đồng thời lễ này cũng loan báo cho mọi tín hữu biết mình được nhận làm con cái Thiên Chúa, nhờ Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, và loan báo ánh sáng diệu kỳ một ngày kia sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu, tức là Hội Thánh.
Lời Chúa: Mc 9, 1-9
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Được biến đổi hình dạng
Đức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Đức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các mối phúc, núi Tabo nơi Ngài biến hình,
núi Sọ và núi Ô-liu nơi Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào nhau làm nên cuộc hành trình.
Ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của họ,
trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Tabo
chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.
Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Đức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người
vốn bị che khuất, nay được Cha hé mở cho các môn đệ.
Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Đức Chúa
cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.
Đời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa
làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta
đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Đời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa
để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa Giêsu đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.
Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.
Gợi Ý Chia Sẻ
Một số bạn trẻ bỏ rất nhiều tiền để sửa sang sắc đẹp và chạy theo mốt. Bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người?
Cầu nguyện có thể làm con người "biến hình". Bạn có tin điều đó không? Bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?
Cầu Nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản
ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: LỄ CHÚA HIỂN DUNG
A. Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một bài Tin mừng tường thuật cho chúng ta câu chuyện về việc Chuá biến hình trên một ngọn núi cao. Đây là một câu chuyện rất đặc biệt cho nên đã được cả ba Tin Mừng nhất lãm: Mathêô, Marco và Luca đã thuật lại. Nếu đọc lại và so sánh thì chúng ta sẽ thấy cả ba tường thuật lại câu chuyện này theo một bối cảnh chung xuất phát từ truyền thống có trước. Đại cương thì sự việc diễn tiến như sau:
Phêrô tuyên xưng đức tin,
Chúa loan báo về cuộc tử nạn và Phục sinh của Người lần thứ nhất
Chúa đưa ra những điều kiện để được theo Chúa
Chúa biến hình.
Chúa loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh lần của Người lần thứ hai.
Chúa lên Jêrusalem để chịu tử nạn và sau đó Chúa phục sinh.
Câu chuyện biến hình của Chuá xẩy ra vào giữa những biến cố rất quan trọng vào cuối cuộc đời của Chúa. Như vậy nó phải mang một ý nghĩa nào đó. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
B. Chúng ta tự hỏi: Chúa Biến Hình để làm gì?
Mục đích của việc Đức Giêsu biến hình hay hiển dung trên núi trước mặt ba môn đệ không phải là để cho các ông dựng lều ở lại ngay trên đó. Nhưng là để giúp các môn đệ nhận ra thiên tính của một Con Người mà họ đang cùng đồng hành và nói chuyện với họ. Con Người đó không phải chỉ là người nhưng còn là Con Thiên Chúa. Lần thứ nhất Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài bên sông Gio-đan. Và đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu là Con của Ngài trên núi cao. Ngài là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng lời Thánh ý của Thiên Chúa Cha đến đổ máu chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình tỏ vinh quang của Ngài là dấu báo trước chuẩn bị cho cảnh hy sinh trên núi Can-vê.
Sau khi chứng kiến Chúa biến hình thì các môn đệ đã có cơ hội biết rõ hơn Thầy của họ thực sự là ai, và họ được hưởng nếm trước cái vinh quang và hạnh phúc đang chờ đón họ bởi việc đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho họ để khi Thầy của họ bị xỉ nhục bắt bớ thì họ không bị mất niềm tin mà thất vọng.
Thực ra, thoạt đầu khi bước theo Đức Giêsu cả ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như các môn đệ khác đã không biết cái giá họ phải trả khi theo Chúa như thế nào. Chính vì thế mà khi được chứng kiến dung nhan vinh quang của Đức Giêsu trên núi, họ đã sung sướng ngất ngây và muốn ở lại luôn trên đó. Nhưng chương trình của Đức Giêsu và của Thiên Chúa không như thế. Ngài đã dẫn họ xuống núi trở lại và ngăn cấm không cho họ nói với ai về những gì họ đã thấy cho đến khi "Con Người từ cõi chết sống lại."(Mt 17,9) Ngài đã trích dẫn lời chép về Ngài , "Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ."(Mt 16,21) Nhưng họ vẫn không hiểu và hỏi nhau, "Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
C. Qua việc tường thuật là biến có Chúa biến hình hôm nay Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta điều gì? Câu trả lời không khó lắm: Giáo Hội muốn cho chúng ta hãy nghe Lời Đức Kitô.
Trách nhiệm của người Kitô hữu chúng ta là mở tai, mở lòng và mở trí để đón nhận những gì Đức Giêsu giảng dạy và làm gương bằng cuộc sống của Ngài. Lắng nghe lời Ngài không có nghĩa là chỉ nghe những gì Ngài nói, nhưng còn phải chú ý đến những gì Ngài đã làm; đi theo con đường Ngài đã đi; bắt chước cách Ngài đã làm trong việc xử sự với Thiên Chúa và với những người khác. Chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài không phải chỉ bằng việc ca hát tôn vinh, xin ơn và tạ ơn. Nhưng còn bằng việc dốc tâm dấn bước sống theo gương của Ngài. Chúng ta đi theo Ngài lên núi để cảm nghiệm niềm hạnh phúc vinh quang để rồi lại cùng Ngài xuống núi trở về với những phận vụ hằng ngày, đi vào vườn cây dầu để đổ mồ hôi máu, hành trình trên khắp nẻo đường để rao giảng Tin Mừng và làm việc thiện. Sau cùng tiến thẳng lên Giêrusalem, nhận lấy bản án, vác thập giá, và tiến lên đồi Can-vê để chịu chết.
Con đường Đức Kitô đi đã thay đổi lịch sử nhân loại.
Con đường Đức Kitô đi đã mang lại ơn cứu độ cho loài người.
Con đường Đức Kitô đi đã làm thỏa lòng Thiên Chúa Cha.
Con đường Đức Kitô đi đã hấp dẫn nhiều tâm hồn.
Đó cũng là con đường mỗi người chúng ta được mời gọi bước theo.
Việc nghe Chúa, đi theo Chúa dứt khoát phải làm cho chúng ta biế đổi. Biến đổi như thế nào thì thánh Phaolô đã gợi ý: “Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”.
Xin đan cử một thí dụ để minh họa.
Một nhóm doanh nhân đi dự một buổi họp ở Chicago. Họ đã dặn vợ con ở nhà là sẽ trở về nhà để kịp bữa tối. Nhưng rồi cứ hết việc này lại giây sang việc kia khiến cho cuộc họp kéo dài hơn dự định. Sau khi kết thúc họ đã vội vàng chạy ra phi trường cho kịp chuyến bay. Khi họ hấp tấp chạy tới cổng phi trường thì không may một người trong họ đụng vào một chiếc bàn có để một rổ táo của một cô bé đang đứng bán. Tất cả đã không dừng lại, cứ cúi đầu chạy thẳng để kịp chuyến bay. Khi đến nơi họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng rồi một người trong nhóm đã ý thức được mình phải làm gì để cảm thông với cô bé bán táo kia. Anh đã giơ tay ra chào các bạn và quay trở lại. Anh thấy vui vì đã làm như thế. Anh nhận ra cô bé bán táo là một cô gái mù. Anh đã thu lượm các trái táo đổ lăn trên trên lối đi. Anh nhận ra có một số trái táo đã bị dập bể. Anh liền móc túi lấy bóp ra và nói với cô bé bán táo mù đó rằng, "Đây xin cô cầm lấy 10 dollars để đền bù cho thiệt hại chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng cô không buồn."
Khi người thanh niên vừa quay bước đi thì cô bé mù đó sửng sốt hỏi: "Thưa ông! Ông có phải là Chúa Giêsu không?"
Câu hỏi đó đã làm cho người doanh nhân suy nghĩ.
Bạn và tôi, chúng ta có phải là Giêsu không? Chúng ta có đi con đường Giêsu đã đi không? Chúng ta có hành xử như Giêsu đã hành xử không?
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con rạng ngời hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
SUY NIỆM 3: Vinh quang Phục Sinh.
Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay ghi lại biến cố hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabo. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.
Với những ai đang trải qua bóng tối của thập giá, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu là một nguồn nâng đỡ vô biên. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Ðức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Ðức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: "Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi". Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Ðêm Tối, ông đã kêu gọi: "Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu".
Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.
Tất cả những ai đang sống trọn cho niềm tin của mình, tất cả những ai đang thực thi cho đến cùng sứ mệnh của các ngôn sứ đều có trong mình ánh sáng phục sinh ấy. Chính ánh sáng phục sinh ấy mang lại cho họ niềm hy vọng và can đảm để tiến tới trong đêm đen của hận thù, dối trá và đặt niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, họ có đủ lý do để có thể thấy trước sự chiến thắng của ánh sáng, của chân lý và tình yêu.
Nguyện xin Chúa nâng đỡ cho tất cả những ai đang sống cho đến cùng sứ mệnh ngôn sứ cho chân lý.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Xin được chiêm ngưỡng vinh quang Nước Chúa
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa hiện ra với dân Người trong đám mây, ngoài sa mạc, nơi bụi cây. Thiên Chúa hiện ra với Môsê và Êlia trong đám mây thì Ðức Giêsu cũng biến hình trong đám mây trước mặt các tông đồ trên đỉnh núi (Mc 9:2). Thời đó, đám mây được coi là biểu hiệu của việc Chúa hiện diện.
Ðức Giêsu nhận thức rằng cuộc khổ hình mà Người sắp phải chịu, sẽ để lại một kinh nghiệm đau thương cho các tông đồ nhất là cho Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người sẽ chứng kiến cảnh khổ nạn của Người trong vườn cây dầu. Vì thế Người đem ba tông đồ liên hệ lên núi, biến hình trước mắt các ông, cho các ông thấy cảnh vinh quang của nước Chúa và để củng cố đức tin và đức cậy của các ông trong viễn tượng của cuộc khổ hình thập giá. Nếu có ai hỏi vậy thì Ðức Giêsu biến hình trên núi nào? Truyền thuyết cho rằng đó là núi Tabo nằm về phía nam xứ Galilê, cao khoảng 600 thước tây mà nhìn lên thì thấy có vẻ giốc thẳng. Thời nay người ta làm đường trôn ốc vòng quanh núi cho tài xế tắc-xi chở khách hành hương lên. Còn thời đó chắc Chúa phải dùng quyền năng thiêng liêng mà tự nâng mình lên và cất nhắc các tông đồ lên núi.
Vậy thì tại sao trong cảnh Biến hình lại có sự hiện diện của ông Môsê và Êlia (Mc 9:4)? Theo truyền thuyết Do thái giáo, thì Môsê được coi là tác giả thu thập và kết hợp của sách Ngũ kinh, tượng trưng cho giới luật; còn Êlia là một đại ngôn sứ trong Cựu ước, tượng trưng cho các ngôn sứ. Cũng theo truyền thuyết Do thái thời bấy giờ thì ông Môsê và Êlia sẽ trở lại vào cuối thời. Như vậy sự hiện diện của hai vị này có mục đích chỉ cho bộ ba tông đồ thấy rằng đạo Kitô giáo mà Ðức Giêsu sẽ thiết lập sau này, không tách biệt khỏi những gì đã được ghi chép trong Thánh kinh Cựu ước, hầu để các ông vững tâm tiến bước theo Thầy mình mà khỏi bị hoang mang nao núng.
Tương tự như cảnh Biến hình, ngôn sứ Ðanien trong một thị kiến cũng nhìn thấy một cảnh tương tự, cũng dùng từ ngữ Con Người (Ðn 7:13) như Ðức Giêsu dùng trong cảnh Biến hình. Từ ngữ Con Người mà ngôn sứ Ðanien dùng có nghĩa là một nhân vật siêu phàm nào đó (Ðn 7:13). Trong Phúc âm Ðức Giêsu dành cho mình tước hiệu Con Người (Mc 9:9), ám chỉ thiên tính cách siêu việt và cũng nhấn mạnh đến nhân tính của Người. Còn Ðấng Lão Thành mà ngôn sứ Ðanien nói đến (Ðn 7:9,14) ám chỉ về Ðấng phán ra lời: Ðây là Con Ta yêu dấu (Mc 9:7) nghĩa là Thiên Chúa Cha trong cảnh Biến hình. Như vậy ta thấy một trường hợp nữa có sự liên hệ giữa Cựu ước và Tân ước. Nói cách khác Tân ước là sự hoàn thành của Cựu ước.
Ðức Giêsu cho ba tông đồ chủ chốt là Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy cảnh Biến hình để các ông có thể giữ vững đức tin của chính các ông sau ngày Thứ Sáu Chịu nạn và giúp giữ vững đức tin cho các bạn đồng chí hướng. Vậy mà trong dinh thượng tế, vì khiếp sợ, ông Phêrô đã chối Thầy mình ba lần. Phúc thay cho ông Phêrô, khi nghe tiếng gà gáy, ông liền nhớ lại lời Chúa tiên báo, khiến ông: Oà lên khóc (Mc 14:72). Nước mắt ông tuôn trào ra như là ông hối hận nói với Thầy mình: Sao con có thể chối Thầy khi con xin dựng ba lều ỏ trên núi để chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Thầy mà? Rồi con còn tuốt gươm chép đứt tai tên đầy tớ của vị thượng tế để bảo vệ Thầy, mà sao giờ này con lại hèn nhát đến thế? Như vậy những thực tại của cảnh Biến hình: đám mây, áo trắng hơn tuyết, sự hiện diện của ông Môsê và ông Êlia, tiếng phán từ đám mây có mục đích giúp các tông đồ nhận thức rằng cảnh khổ hình và thập giá của Thầy mình, không phải là một thất bại, nhưng chỉ là một sự biến đổi: qua thánh giá tới phục sinh.
Sau cảnh Biến hình, Ðức Giêsu căn dặn các tông đồ không được nói cho ai biết về chuyện này cho tới khi Con Người sống lại từ cõi chết. Và các ông đã tuân giữ lời Chúa. Sau khi Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại thì thánh Phêrô mới thuật lại cảnh biến hình trong thư gừi giáo đoàn và nhắc lại tiếng phán từ trời: Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng qúi mến (2 Pr 1:17). Ðó là tiếng Thiên Chúa Cha phán mà thánh sử Mác-cô đã thuật lại trong Phúc âm hôm nay: Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người (Mc 9:7).
Trong ngày lễ Chúa Biến hình, Giáo hội muốn dạy người tín hữu hai chân lý. Thứ nhất là Ðức Giêsu có hai bản tính: một bản tính Thiên Chúa và một bản tính loài người. Thứ hai là loài người có ngày sẽ được thông phần vào vinh quang của Nước Chúa. Thật là một điều vinh dự và an ủi, khi người tín hữu mang trong mình thân xác yêu đuối, bệnh tật và rồi sẽ chết, lại có thể được chung hưởng vinh quang phục sinh trên nước trời. Thánh Phêrô trong lúc xuất thần có xin Thầy mình để được ở lại trên núi hầu được tiếp tục chiêm ngưỡng cảnh vinh quang của nước Chúa, cho tâm hồn được chìm đắm trong thiên cảnh tuyêt vời. Ông chưa nhận thức được rằng ông còn phải xuống núi đã để làm chứng cho đức tin vào Chúa, để chịu đau khổ và vác thánh giá trước khi được vào vinh quang. Và đó là đường lối của đạo Chúa: qua đau khổ thánh giá, mới tới vinh quang phục sinh. Là môn đệ Chúa, sao ta có thể đi theo con đường khác ngoài đường Chúa đã đi?
Lời cầu nguyện xin cho được chiêm ngưỡng vinh quang của nước Chúa:
Lậy Ðức Giêsu, cũng như Chúa đã biến hình
cho các tông đồ được thấy vinh quang của nước Chúa,
xin ban cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa
ở đời này để con vững tâm theo Chúa
và được thấy vinh quang nước Chúa đời sau.
Xin Chúa là niềm hi vọng và là sự cậy trông của con. Amen.
SUY NIỆM 5: Hãy nghe Người.
Thánh Mác-cô kể cho chúng ta biết thân thể Đức Giê-su chiếu tỏa một thứ ánh sáng cực mạnh xuyên qua những lớp quần áo, chiếu vào đêm tối sáng choang. Trước Người Môise và Êlia đang nghiêng mình thờ lạy. Lạ lùng hơn nữa, tiếng Thiên Chúa bảo đảm sự thật cho lời dạy của Đức Giê-su: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, hãy nghe lời Người”.
Tiếng Thiên Chúa.
Sự biến hình của Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta sự cao cả huy hoàng của Người. Đức Giê-su là con rất yêu dấu của Thiên Chúa, là ánh sáng sinh ra bởi Thiên Chúa là ánh sáng, Ngôi Lời hằng sống của Thiên Chúa. Trong cuộc sống của Đức Giê-su, thần tính của Con Thiên Chúa bị che phủ, người ta thấy Người trước hết là một người tên là Giêsu. Biến hình mặc khải cho chúng ta biết Người là Con Thiên Chúa, nhờ tiếng Chúa phán và lời Người dạy rất đáng tin.
“Hãy nghe Người”:
Sự biến hình làm cho đức tin của chúng ta mạnh mẽ, vững chắc. Chúng ta tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Chúng ta tin Người nhờ lời chứng của các tông đồ, đó chính là lời chứng của Thánh Phêrô mà thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta.
Nhưng chúng ta có nghe lời Đức Ki-tô không? Tai chúng ta có chăm chú nghe lời Người trong phụng vụ không? chúng ta có thể quả quyết với lòng liêm chính rằng Tin Mừng Chúa Giê-su là lương thực nuôi tinh thần, nuôi con tim chúng ta không? là thuốc bổ cho ý chí, là sức nâng đỡ lòng hy vọng của chúng ta không?
Những tin tức được báo chí, phát thanh, truyền hình, dư luận có ảnh hưởng đến phán đoán, lối cư xử của chúng ta có hơn Thiên Chúa không?
Sứ điệp của Ngài có là ánh sáng cho chúng ta biết phán đoán về hạnh kiểm của chúng ta và về những biến cố xã hội, chính trị không?
Khẫn thiết phải làm cho chúng ta tự cảm thấy luôn luôn quay về với đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô và sống xứng đáng là Kitô hữu. Hãy làm cho chúng ta biến hình nhờ lời Chúa, để cho nước Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế trị đến trong xã hội chúng ta.
J.M
SUY NIỆM 6: “Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.
Người ta không thể leo nhanh lên ngọn núi Thabor được, và chính Thabor cũng chỉ là một điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường đến với Thiên Chúa. Mỗi một ngày sống là một chặng đường mà chúng ta cần phải vượt qua. Nhờ vào những gì mà các tông đồ đã sống, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chặng đường mà chúng ta cần vượt qua để đến gần với cõi vĩnh hằng hơn.
Và hôm nay trên núi Thabor chúng ta chứng kiến cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Tại sao Ngài lại chỉ đem theo 3 Tông đồ, mà lại không đem theo thêm những người khác?
Chúng ta, là những người tin Chúa, Chúa mời gọi chúng ta tin vào Người. Tại sao Chúa lại chỉ gọi chúng ta là những người tin Chúa, mà trong khi đó biết bao người đã không tin? Chúng ta cũng là những người Chúa chọn, cũng là những người đặc tuyển leo lên núi Thabor để chứng kiến việc Chúa biến hình. Chúng ta hãy hãnh diện về ơn gọi của chúng ta và sống làm sao để đáp trả ơn gọi đó.
Ba tông đồ đã vượt qua thung lũng và đã được Chúa cho thấy vinh quang của Người trên núi Thabor. Và các ông chỉ muốn thời gian đó kéo dài, đến nỗi Phêrô đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Êlia”.
Chúng ta cũng vậy! Có những khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy cuộc sống sung mãn, hạnh phúc và bình yên, làm ăn phát đạt. Thế giới chung quanh và trong tâm hồn chứa đầy vẻ hài hoà. Rất có thể đó là lúc ngắm cảnh mặt trời lặn hoặc đứng trên núi chứng kiến vẻ hùng vĩ của thiên nhiên; cũng có thể là lúc rung động do một vần thơ, một giọng ca truyền cảm; cũng có thể là một cuộc gặp gỡ tình cờ,… Trong những hoàn cảnh đó chúng ta có thể thốt lên như Phêrô: “Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.
Nhưng dựa vào kinh nghiệm bản thân chúng ta biết rằng: không có tiệc vui nào mà lại không có lúc tàn. Có khi kéo dài dăm ba ngày, có khi chỉ trong khoảnh khắc. Sau đó tất cả lại trở về cuộc sống thường nhật.
Có lẽ những kinh nghiệm đó giúp chúng ta hiểu rõ những gì bài Tin Mừng hôm nay tường thuật. Tác giả mô tả những giây phút quí báu nhất của cuộc đời 3 môn đệ theo chân Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ và Người hiển dung trước mặt các ông. Trong khoảnh khắc các ông có thể cảm nhận sâu xa Đấng Cứu Thế là ai và dung nhan của Đấng Phục sinh như thế nào. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn bỗng chốc buột khỏi tầm tay tất cả. Tất cả đều muốn nắm giữ lấy, muốn xây dựng ở đó ba lều.
Giây phút thần tiên thường hiếm có và ngắn ngủi! Thoáng chốc, Phêrô phải từ chín tầng mây trở về với cuộc sống muôn ngàn sóng gió. Ông phải học để biết rằng: những giây phút này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có thể giữ lấy bo bo cho mình. Ông phải từ trên núi trở về với cuộc sống thường nhật, trở về với con người và những khó khăn phải đương đầu!
Quả thật, cuộc sống con người đầy thăng trầm, và dường như chìm dần trong thung lũng tối. Ngày qua ngày, sương mù dày đặc! Chuỗi ngày kéo dài lê thê ảm đạm! Tất cả dường như vô nghĩa và tẻ nhạt!…Cũng có những giây phút con người không được yên thân, cuộc sống chao đảo, đầu tắt mặt tối với công việc. Việc này chưa xong, thì việc khác đã đứng chực ngoài cửa.
Đời sống đạo và đời sống nội tâm chúng ta từng có những kinh nghiệm như thế. Cũng chính vì vậy mà người ta thất vọng, xao nhãng công việc của cộng đoàn, bỏ luôn cả kinh hạt lễ lạy. Họ nghĩ rằng lễ lạy và kinh hạt cũng thế thôi. Làm ban hành giáo có được gì đâu, mà chỉ thấy kinh tế gia đình mình càng sa sút.
Trong hoàn cảnh này điều cần thiết nhất là nhớ đến những phút giây thiêng thánh nhất trong đời. Đó là những ngày tĩnh tâm, những giờ chầu Mình Thánh, những giây phút chìm lắng trong thinh lặng giúp chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa đích thực của đời sống ơn gọi làm người, ơn gọi tu trì: một cuộc sống sung mãn, hạnh phúc thành công. Chúng ta cần những giây phút thần tiên ấy để giữ gìn cái nhìn toàn diện về cuộc sống. Thiên Chúa hứa đồng hành với chúng ta, đứng về phía chúng ta khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn tủi.
Điều quan trọng chính là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật: tìm cho chính mình một mảnh thiên đàng tại thế. Thabor trước tiên không phải là một nơi chốn, nhưng là sự kiện có thể xẩy ra bất cứ ở đâu trong hoàn cảnh nào. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta sẵn sàng cởi mở tấm lòng tiếp nhận: một cuộc gặp gỡ vô tình, một vẻ đẹp của thiên nhiên, một khoảnh khắc yên tĩnh, một lời khen tặng, một thành công nhỏ, một sự dấn thân cho họ đạo, một kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện. Những lúc chúng ta cảm thấy cuộc đời này còn có nhiều thứ quí báu hơn, chúng ta phải ra sức bảo vệ, duy trì như những kho tàng vô giá trong ký ức. Những kinh nghiệm đó giúp chúng ta thêm can đảm và hăng hái dù phải gặp hoạn nạn éo le. Nhờ đó chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới đích điểm tốt đẹp, là Thiên Đàng, là Thabor Vĩnh Cửu!
Lm.Gioan Đặng Văn Nghĩa
SUY NIỆM 7: Biến hình.
Để một chú rắn con có thể lớn lên, nó phải “thay hình” và “đổi dạng”, phải đau đớn loại bỏ lớp da cũ kỹ, phải “lột xác” để mặc lấy bộ áo mới và trưởng thành hơn.
Đời sống tâm linh của chúng ta cũng vậy. Nếu muốn phát triển và lớn lên mãi trong tình nghĩa với Chúa, chúng ta cũng phải như chú rắn kia. Chúng ta phải can đảm hy sinh chấp nhận mọi đớn đau trong sự “biến hình” và “đổi dạng”, phải từ bỏ những cằn cỗi, già nua của lớp da cũ kỹ là thói tham sân si, ghen ghét, hận thù, bất công, vu oan, cáo vạ,… đồng thời ta phải “thay đổi” nếp sống để trở nên tốt hơn.
Vinh quang mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan được cảm mến khi chứng kiến Đức Giêsu biến hình cũng sẽ là vinh quang của chúng ta mai này, nếu chúng ta trung thành bước theo Chúa, và chấp nhận những khó khăn do việc biến đổi đời sống theo tinh thần Tin Mừng.
Nhưng liệu vinh quang ấy có đủ sức hấp dẫn chúng ta vượt qua mọi thử thách, mọi cám dỗ, mọi cạm bẫy trong cuộc đời để đi trọn con đường mà Chúa mời gọi chúng ta đi vào hay không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình trên núi như một khởi điểm cho sự biến đổi bản thân con. Xin Chúa biến đổi con nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Amen.
(Suy niệm Tin Mừng hằng ngày)
SUY NIỆM 8: Trông mặt mà bắt hình trong
Người ta vẫn thường nói nửa đùa nửa thật với nhau rằng: “trông vậy mà không phải vậy”. Mội lời nói đơn sơ nhưng đầy triết lý cuộc sống.
Có những người “đẹp người nhưng xấu nết”. Có những người miệng nói “nam mô nhưng lại một bồ dao găm”. Có những người bên ngoài làm biết bao điều thiện nhưng chỉ là tìm hư danh. Có biết bao điều diễn ra trước mắt nhưng thực hư lại càng khó phân biệt phải trái, đúng sai.
Nhà văn Pháp Pécaut đã kể một câu chuyện thật cảm động mà chính ông vẫn ân hận mỗi khi nhớ lại chuyện xưa. Ong kể rằng: Một hôm, thằng bé trai bán diêm quẹt cứ van nài ông mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động lòng thương ông rút ví ra định mua, nhưng khổ nỗi trong túi chỉ có toàn tiền chẵn. Ông đang ngần ngại thì thằng bé nói ngay: “Không sao ông ạ, xin ông cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trả lại cho ông”. Thằng bé cầm tiền và chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, chẳng thấy bóng dáng thằng bé quay trở lại trả tiền. Ông thất vọng và nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu lổng đầu đường xó chợ như thế nữa. Cho tới chiều tối, ông lại thấy một đứa bé hơn nữa, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt giống thằng ăn cắp như tạc. Nét mặt nó bộc lộc sự lo âu tuyệt vọng. Nó thổn thức nói với ông: “Thưa ông, có phải ông đã đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp. Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền”. Nghe tin đó, ông đã vội vàng cùng thằng em đến gặp thằng anh đang nằm thoi thóp ở xó nhà. Vừa thấy ông thằng bé đã nói: “Em cháu đã đưa tiền lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa lừa gạt và ăn cắp”. Ông hối hận vì đã nghi oan cho một đứa trẻ thơ ngây.
Có thể sự gian dối của thế gian đã làm ông không thể có cái nhìn tích cực về những gì đang diễn ra xung quanh. Ông không thể hình dung rằng: ở giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ đến cùng cực này mà em bé vẫn giữ được tấm lòng ngay thẳng thật thà. Em đã chết trong danh dự, còn ông đã chết trong sự xét đoán mù quáng của mình.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta thường dễ dàng kết án người khác khi chưa tìm hiểu nguyên nhân, đã bao lần chúng ta nhìn người ăn xin ở chợ, một em bé bán vé số bên đường, một người áo quần rách nát bằng ánh mắt nghi ngờ, tẩy chay.
Dù biết rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, thế mà, chúng ta vẫn nhìn những người lịch sự, giầu có, chức cao quyền trọng bằng ánh mắt kiêng nể, kính phục; và một ánh mắt nghi ngờ, khinh bỉ, dè bỉu dành cho những ai bên ngoài rách rưới, bẩn thỉu.
Xã hội hôm nay, người ta đang có chủ trương “thà nghi lầm còn hơn tin lầm”, hay tệ hơn nữa là “giết lầm hơn bỏ sót”. Một xã hội đang mất dần vẻ thân thiện yêu thương bởi sự đa nghi dẫn đến xa lạ và dửng dưng.
Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị những con người đương thời nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ. “Làm sao ông này có thể làm được chuyện đó? Ông ta cũng chỉ là một bác thợ mộc nghèo nàn miền Nagiaret thôi mà. Có gì đáng kính phục đâu!”. Họ đã không thể nhận ra ở bên trong sự bình dị đó, chính là một vì Thiên Chúa đang đồng hành với con người. Một vì Thiên Chúa đã từ bỏ tất cả để mặc lấy xác phàm đến nỗi họ không thể nhận ra sự thật về một Giêsu miền Nagiarét lại là Đấng Emanuel, Đấng của Lời Hứa ban cho trần gian. Từ chỗ không nhận ra đến khinh khi coi thường và đỉnh cao là kết án, loại trừ.
Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước những sóng gió mà các tông đồ sẽ phải trải qua trong cuộc đời theo Chúa và cuộc sống làm chứng nhân cho Chúa sau này. Ngài đã tỏ rõ dung nhan thật của Ngài là Thiên Chúa qua việc hiển dung trên núi Tabor. Với sự chứng giám của Môi-sê và Elia là hai đại diện của các tổ phụ và các tiên tri, họ là những con người đã nỗ lực chuẩn bị cho Đấng cứu thế đến trần gian. Hôm nay họ xuất hiện như một chứng nhân cho sự thật về con người Giêsu Nagairet chính là Đấng muôn dân đang mong chờ.
Ngày hôm nay, Giêsu Nagiaret đó vẫn đang hiện diện giữa chợ đời hôm nay. Ngài có thể là một bác nông dân nghèo khó, một cụ bà côi cút sống cô độc nơi ngôi nhà rách nát nghèo nàn. Ngài có thể là một anh, một chị công nhân đang đổ mồ hôi trên công trường, trong nhà máy. Ngài vẫn đang hiện diện nơi những người nghèo khổ, bần cùng trong xã hội hôm nay. Ngài đang cần chúng ta đón nhận trong yêu thương huynh đệ, trong bác ái cảm thông. Vì chính Ngài đã từng đồng hoá mình với những con người bần cùng, nghèo khó đó. Ngài đã từng hứa ân thưởng cho những ai chia sẻ với ngài một ly nước khi khát, một chén cơm khi đói. Một chiếc áo để che thân thể, một cái mền để đắp khi trời lạnh đêm đông.
Xin Chúa cho chúng con trái tim của Chúa, để có thể nhìn thấy Chúa qua những người bị xã hội khi chê, ruồng bỏ. Xin cho chúng con cái nhìn của Chúa để nhìn vào tâm hồn nơi một người chứ không chỉ dừng lại ở dáng vẻ bên ngoài. Xin cho chúng con biết mở lòng với những người thấp bé, nghèo khổ vì Chúa đang nói với chúng con qua những con người nhỏ bé đó. Amen.
(Lm.Jos Tạ duy Tuyền)
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-sau-06082021-thu-sau-dau-thang-tuan-18-thuong-nien-chua-hien-dung-nam-b-le-kinh-vinh-quang-phuc-sinh.html