“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.
* Thánh nhân sinh quãng năm 540 tại Rôma. Người theo con đường công danh, nhưng đã từ chối chức thái thú Rôma. Người gia nhập đan viện và sau khi làm phó tế, người nhận nhiệm vụ sứ thần Công-tăng-ti-nốp. Ngày 3 tháng 9 năm 590, người được chọn làm người kế vị thánh Phêrô suốt mười bốn năm phục vụ Hội Thánh (590-604). Dầu sức khỏe không dồi dào, người đã tận tụy chu toàn bổn phận, giúp đỡ người nghèo, củng cố và truyền bá đức tin. Người đã biên soạn nhiều tác phẩm về luân lý và thần học. Hoạt động của người được nuôi dưỡng nhờ chiêm niệm. Người qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.
Lời Chúa: Lc 5, 33-39
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn'”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Chàng rể ở với họ
Suy niệm:
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống!” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Suy Niệm 2: Đạo của niềm vui
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giêsu đến mang luồng gió mới cho tương quan Thiên Chúa – con người. Trong đạo cũ, dù biết bao lần Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương, sự gần gũi, nhưng con người vẫn cảm thấy Thiên Chúa không những xa cách mà còn hà khắc và hay trừng phạt. Vì thế đạo cũ mang nặng mầu sắc sợ sệt, buồn bã. Chúa Giêsu giáng trần làm cho con người được gần gũi Thiên Chúa. Hơn nữa Người còn mặc khải cho ta biết đạo mới là đạo tình thương. Thiên Chúa yêu thương gần gũi con người. Thiên Chúa cưới lấy con người. Chúa Giê-su chính là chàng rể đem đến hạnh phúc làm cho đời sống vui tươi. “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”? Thiên Chúa ở với con người. Thiên Chúa nên một với con người. Quả là một hạnh phúc mà con người từng mơ ước từ ngàn đời. Thiên Chúa biến đổi thân phận con người. Đó là một đạo mới. Đó là thứ rượu mới. Rượu đem lại vui tươi phấn khởi cho người mới. Rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Đạo mới phải có con người mới. Có cung cách mới.
Nếu đạo cũ cần nhiều luật lệ thì đạo mới chỉ cần Chúa Ki-tô. Chỉ cần ở trong Chúa Ki-tô là đủ. Chúa Ki-tô là tất cả. Người là nguồn mạch mọi hiện hữu, “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành”. Người là nguyên lý tồn tại của mọi loài: “Người có trước muôn loài môn vật, tất cả đều tồn tại trong Người”. Và tuyệt vời hơn nữa nay Người qui tụ chúng ta thành một thân thể mà Người là Đầu: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”. Là đầu để đưa các chi thể đến vinh quang. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng tiến đến đấy. Người đã sống lại nên chúng ta cũng sẽ được sống lại: “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”. Người đã đạt tới tầm vóc viên mãn để chúng ta cũng được viên mãn với Người: “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (năm lẻ).
Người nên một với ta. Người trở thành vận mệnh của ta. Vận mệnh đó tuỳ thuộc ta có kết hợp chặt chẽ với Người hay không. Có trung thành với Người hay không.. Thánh Phao-lô ao ước được trở nên “người đầy tớ của Đức Ki-tô”. Nghĩa là hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa. Sống cho Chúa. Chết cho Chúa. Sự trung thành từ đáy thâm tâm sẽ được tỏ lộ vào ngày sau cùng: “chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng”. Lúc đó niềm vui của những kẻ trung tín trong một kết hợp trọn vẹn với Chúa Ki-tô sẽ nên hoàn hảo (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Kim chỉ nam của cuộc sống
Theo sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để khóc lóc, một thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy". Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và các môn đệ của Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng Viên: "Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn chay và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là thời gian vừa ăn chay vừa không ăn chay. Ðúng hơn, thời gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.
Khi chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ lạc, trong đó chúng ta có thể quên đi những khó khăn của cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa nhảy, ăn uống, cười vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa lạ với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có được khi chúng ta ý thức một cách sâu xa rằng sự sống và cái chết là hai thực tại không bao giờ tách lìa nhau. Cử hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu chung với nhau. Cử hành chỉ có thể đến khi nào chúng ta ý thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng. Và sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy, được sờ, được cảm nghiệm, mà còn ngay cả khi nó mất. Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành sự kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái chết, chúng ta cử hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời cũng cử hành một sự tự do và có được. Có thể có nước mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế, chúng ta có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của chúng ta trở thành một phần của cuộc cử hành cuộc sống với ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là hai điều đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi một phút giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời, chúng ta được tự do để hít thở khí trời, nhưng chúng ta lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng ta đi học, chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn nhưng lại đánh mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta tìm được một người bạn đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng ta có được sự độc lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi chúng ta có con cái, chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp trong công việc, chúng ta trở nên quan trọng hơn trước mắt người khác nhưng lại đánh mất những cơ may khác. Khi chúng ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có thể cử hành sự sống trong mọi giây phút quyết liệt, trong đó cái được và cái mất quyện lấy vào nhau, lúc ấy chúng ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm thấy.
Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê 4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần chúng ta".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Mỗi thời mỗi khác
Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay.” (Lc. 5, 33-35)
Mỗi thời mỗi khác!
Câu nói đó xưa như trái đất. Những luật sĩ và biệt phái hình như quên đi khi họ trách các môn đệ của Đức Kitô không ăn chay như môn đệ của Gio-an và không cầu nguyện như họ.
Mỗi thời mỗi khác, có thời để vui, có thời để hy sinh. Có thời để làm việc, có thời để nghỉ ngơi. Người ta đến đám cưới không phải để khóc! Đức Giêsu nói: lúc này là tiệc cưới của tôi. Vậy phải vui mừng. Buồn sẽ đến lúc tôi ra đi các ông sẽ không bao giờ tìm thấy tôi.
Mỗi thời mỗi khác. Có thời cho quần áo mới. Nhưng quần áo mới không luôn mới. Chúng đẹp khi mới dùng. Dùng lâu, chúng sẽ thành đồ phế thải. Chúng rách khó vá, nên không ai lấy vải mới vá vào áo rách.
Bình cũ không còn có thể chứa được rượu mới, rượu mới sẽ làm bể bình cũ. Đừng quên rằng rượu mới không bao giờ ngon như rượu cũ.
Sự so sánh đó có thể rút ra bài học rất tế nhị. Đức Kitô không muốn xúc phạm đến họ, nhưng Người không ưa những thứ quá khích. Đối với kẻ thù khích bác và cố chấp, họ không thể hiểu được sự khẩn thiết về những đổi mới. Người thử giải thích bằng hình ảnh hôn nhân để thấy sự không thể thích nghi của con người cựu ước với thời tân ước của Ngài. Ngài không chối bỏ họ, nhưng họ có thời của họ. Ngài thiết lập thời tân ước như Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc xưa và nay cho mọi người.
Không phải chỉ có luật sĩ và biệt phái xưa, cả những Kitô hữu ngày nay cũng không biết nhận ra sự cần thiết phải tái sinh lòng mộ đạo theo Thánh Thần Thiên Chúa và công đồng Va-ti-can II hướng dẫn. Không phải tái sinh là chấp vá, nhưng là công việc lâu dài, kiên nhẫn đôi khi phải chịu đau khổ để thêu dệt nên một tấm áo mới không có đường may. Một hy vọng sống lại chan hòa vui mừng.
GF
Suy Niệm 5: Dứt khoát tận căn
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: "Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 6: Tinh thần mới trong lề luật mới
Trong truyền thống của người Dothái, việc ăn chay luôn mang ý nghĩa là chờ mong Đấng Cứu Thế. Vì vậy, ta thấy các người Pharisêu và Luật Sĩ lên tiếng thắc mắc khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay.
Khi được hỏi, Đức Giêsu đã nói: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”.
Tại sao Đức Giêsu lại nói như vậy? Thưa! Vì Đức Giêsu chính là Tân Lang, Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến và hiện diện với các môn đệ rồi, nên không cần phải ăn chay nữa.
Vì thế, tinh thần của người đi dự tiệc cưới là không được rầu rĩ, thiểu não, mà thay vào đó là thái độ hân hoan vui mừng, để cùng hòa vào với những tiếng đàn ca nhẩy múa trong những ngày diễn ra tiệc cưới.
Như vậy, tiệc cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Dothái và người môn đệ. Tiệc cưới cũng làm cho việc ăn chay phải tạm ngưng. Đây là một lựa chọn hợp lý và khôn ngoan. Sự khôn ngoan này lại được cụ thể hóa qua hai ví dụ: vải mới, áo cũ; rượu mới, bầu da cũ.
Ở đời, không bao giờ người ta lại đi lấy vải mới để vá vào áo cũ cả. Cũng không nên rót rượu mới vào bầu da cũ.
Qua những thí dụ này, Đức Giêsu muốn nói đến đặc tính mới của Nước Trời và của Giáo Hội.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình mới là sự hoán cải tận căn chứ không chỉ những thứ bề ngoài. Sẵn sàng biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Dẹp bỏ những cái cũ rích không thể hợp với cái mới trong tinh thần của Thiên Chúa. Đồng thời cần phải có một tinh thần mới, lối sống đạo thực tâm chứ không phải hình thức bề ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm để bỏ qua những thứ không phù hợp với Tin Mừng. Xin cũng cho chúng con biết thể hiện tinh thần mới là bác ái, yêu thương trong khi thi hành sứ vụ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Thay cách sống cũ sang cách sống mới
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến sống giữa chúng con. Có Chúa là có hạnh phúc viên mãn. Có Chúa là có niềm vui đích thực. Chúa đã yêu mến từng người chúng con, nên Chúa đã hy sinh chết và sống lại vinh hiển để cứu độ con, để thông ban cho con đời sống mới chan chứa tình thương.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay mạc khải cho con biết, Chúa không chấp nhận lối sống nửa vời: vừa muốn thờ Chúa lại vừa thờ mình; vừa muốn được cả trần gian lại vừa muốn thiên đàng. Giữa hai cách sống ấy, con phải chọn một. Con phải đấu tranh với chính mình, phải bỏ hết đời sống cũ, bỏ lối sống cũ để trở thành con người mới, thành một Kitô khác giữa đời. Tuy nhiên, con lại thường dễ chiều theo những khuynh hướng tự nhiên, dễ dãi. Vì thế, đời sống con vẫn vật vờ, vá víu, không đẹp mắt Chúa.
Lạy Chúa, xin tha cho con vì nhiều lúc con chưa dứt khoát bước theo Chúa. Xin giúp con đổi mới cuộc sống, hoàn toàn sống theo đường lối Phúc âm. Xin giúp con sống đạo vì lòng yêu mến Chúa. Con tin rằng Chúa luôn hiện diện bên con. Xin đốt lên trong con lòng khao khát Chúa, mong được sống với Chúa. Xin cho con biết vượt qua những hình thức bề ngoài giả dối, để cách sống của con được phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.
Ghi nhớ: “Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.
Suy Niệm 8: Thời đại mới, tinh thần mới
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trung Quốc có một nhà điêu khắc được giao cho thực hiện một cái giá treo chuông bằng gỗ quý. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người nhìn ngắm đều khen ngợi và cho đó là kỳ công của bậc thần thánh. Ngày nọ, vị công tước đã mướn nhà điêu khắc thực hiện công việc đó cho gọi ông đến và hỏi: “Nhà ngươi có bí quyết nào mà hoàn thành một kiệt tác như thế?”. Nhà điêu khắc trả lời: “Tôi chỉ là một thợ thủ công và chẳng có bí quyết nào cả. Công việc diễn ra rất đơn giản: khi bắt đầu nghĩ đến công việc được giao, tôi tập trung tư tưởng vào đó, tôi đã giữ chay để tâm hồn được lắng dịu, quên đi tất cả những lời khen chê, có thể nói, việc gì xảy ra là do tinh thần tập trung của tôi được huấn luyện nhờ việc giữ chay nghiêm ngặt để chỉ chú ý vào đối tượng duy nhất là cái giá chuông mà thôi”.
Suy niệm
Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đến như tân lang trong tiệc cưới, tiệc cứu độ tình yêu đem niềm vui đời đời cho chúng ta. Các môn đệ của Ngài là bè bạn đang dự tiệc cưới với tân lang, nghĩa là Đấng Thiên Sai đã đến rồi, nên các phù rể không ăn chay để chờ đợi nhưng đang sống trong niềm vui. Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế - Tân lang, vì theo truyền thống, ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế… Do đó, các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Thời của Ðấng Cứu Thế - Tân lang là thời của hân hoan, của niềm vui, không phải là thời của khóc lóc, tang chế, ủ dột…
Khi các môn đệ Chúa Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và biệt phái, Ngài đã bênh vực các đồ đệ, những người đang sống trong thời đại Cứu Thế: Ðức Giêsu chính là Tân lang mang Tin Mừng, niềm vui ơn cứu độ, nên phải biết sống vui tươi, tin tưởng. Ủ rũ sầu khổ là không hợp thời và không đúng lúc. Hơn nữa, người biệt phái và các môn đệ của Gioan ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Vì thế, không đúng với ý nghĩa của việc ăn chay, cho nên Đức Giêsu nhiều lần đã khiển trách họ (x. Mt 6,16; Lc 18,12).
Với Đức Kitô, dân Ngài trong Giáo hội như đang dự tiệc cưới nước Trời, sống hoàn toàn trong tinh thần mới: tinh thần của Chúa Cứu Thế - Đức Tân Lang Tân ước là tất cả Tin Mừng mà Ngài rao giảng như thứ rượu mới duy nhất không thể thay thế hoặc pha trộn trong bầu da cũ…
Xin cho chúng ta sống thời đại mới phải có tinh thần mới, vì rượu mới phải đổ vào bầu da mới. Chúng ta được phúc làm con Cha, Ngài luôn lo lắng chăm sóc cho chúng ta. Cuộc sống phải luôn bình an và phấn khởi trong Chúa là cha, tinh thần tự do của người con.
Ý lực sống:
“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9,15).
Suy Niệm 9: Tranh luận về việc ăn chay
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu bị kêu trách vì môn đệ Người cứ ăn uống. Việc ăn chay, cầu nguyện theo cái nhìn của biệt phái, chứng tỏ mình là con người thánh thiện, đạo đức. Vì các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, nên họ đã đặt vấn đề với Người.
Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, cũng không trách việc ăn uống. Ăn chay hay ăn uống đúng lúc thì mới hợp lý. Các môn đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay, khi Người là chàng rể được cất đi. Còn bây giờ, Người còn ở với họ, niềm vui đầy tràn sao bắt họ ăn chay?
Theo luật của người Do thái thì buộc mọi người phải giữ chay những ngày quốc tang và những ngày sám hối, tuy vậy, những người Do thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của Gioan, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không mưa. Những người sốt sắng cũng ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).
Lời Chúa hôm nay nói đến những người luật sĩ và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người biệt phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay, mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.
Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do thái, để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.
Và để giải thích cho điều Ngài dạy, Chúa Giêsu đã đưa hai dụ ngôn sự hiện diện của chàng rể trong đám cưới và dụ ngôn chiếc áo mới và bình rượu mới.
Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của chàng rể: bao lâu chàng rể còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng: Ngài chính là chàng rể, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ, vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.
Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại cứu thế, thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: “Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.
Truyện: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Những người biệt phái, luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người biệt phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33).
Cổ nhân chúng ta và các nhà khôn ngoan thường dạy người ta cách cư xử ở đời là: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”: hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cách cư xử với nhau như vậy:
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió.
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả.
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có việc làm.
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.
Nếu cha hay mỉm cười: cha quá dễ dãi!
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người nào đó sẽ nói: cha khinh người!
Nếu cha còn trẻ: cha thiếu kinh nghiệm!
Nếu cha có tuổi: cha nên về hưu thì vừa!
Giêsu ơi! Không thua gì các luật sĩ và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ là. Nếu con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu (Hosanna).
Suy Niệm 10: Dụ ngôn về cách sống theo Chúa
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài một lối sống khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối nhiều khi khác với những lối sống của những người Pharisêu và ngay cả với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan Tẩy Giả và các người Pharisêu tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không để ý đến vấn đề đó.
Để biện minh, cắt nghĩa cho người ta hiểu được ý nghĩa của lối sống khác với cách sống của những người Pharisêu và ngay cả với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã dùng hai dụ ngôn:
1. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của tân lang: bao lâu tân lang còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy Giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng, Ngài chính là tân lang, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, chính vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu Thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.
Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, lý do tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại Cứu Thế thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: “Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.
Bởi vậy thái độ cần có là thái độ dứt khoát tận căn, không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp. “Ai cầm cày mà còn ngó lại đàng sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”(Lc 9,62), “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”(Mt 10,37). Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
2. Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của mình. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta:
Hai cha con một bác nhà quê dắt con lừa đi ra tỉnh. Mới đi được một quãng thì gặp một người hỏi:
- Chà, sao ông không để cho con ông cỡi con lừa?
- Ồ! tôi chưa nghĩ tới điều đó.
Nói xong, ông bồng con cho ngồi lên lưng lừa. Đi được một lát lại gặp người khác nói:
- Sao mày ngồi trên lưng lừa mà để cho ông già đi bộ? Mày xuống ngay đi cho cha mày cỡi
- Phải đấy.
Đứa con vội nhảy xuống đất đỡ cha mình lên lưng lừa. Đi thêm một đỗi nữa họ gặp một mụ bán cá, mụ kêu lên.
- Ông không mắc cỡ à, sao lại để thằng bé phải đi bộ dưới trời nắng như thế?
- Chị nói phải đấy.
Ông già xuống khỏi lưng lừa và hai người tiếp tục đi bộ như trước. Khi sắp vào thành phố, có mấy người nhìn chăm chăm và nói:
- Sao hai cha con không biết cỡi lên lưng lừa mà đi cho khỏe?
Hai cha con nghe nói chí lý liền leo lên. Nhưng con lừa mới đi được mấy bước đã quị xuống vì không chịu nổi sức nặng. Hai cha con lại vội vã xuống đi bộ và dắt lừa đi như trước...
Vâng, cần phải có sự dứt khoát. Tùy ở sự chọn lựa mà chúng ta được hạnh phúc hay bất hạnh. Nhưng chắc một điều là đi theo Chúa thì chúng ta không thể sống theo kiểu “Bắt cá hai tay”.
Đức Cha Bossuet cho làm một hang đá trong nhà nguyện của tu viện. Chiều hôm Giáng Sinh, ngài trả lương cho các người thợ. Rồi ngài nói với họ:
- Chờ một tí, tôi sẽ cho các anh quà “Giáng sinh”.
Nói xong, ngài mở khăn trải bàn. Người ta thấy trên bàn, nằm kề nhau, 4 đồng tiền vàng và 4 cuốn sách “Hạnh các thánh”. Bossuet nói với các người thợ là họ có thể chọn, hoặc một đồng tiền hoặc một cuốn sách. Ba người đã chọn 3 đồng tiền vàng, còn người thứ tư tuyên bố:
- Ở nhà, mẹ già của tôi cũng rất cần tiền, nhưng bà cũng thích những cuốn sách tốt. Tôi lấy cuốn “Hạnh các thánh”.
Tuy nhiên, khi vừa mở cuốn sách ra thì ông tìm thấy 6 đồng tiền vàng dán sát bìa cuốn sách. Hãy tưởng tượng xem niềm vui của ông và nỗi hối tiếc của ba người kia như thế nào.
Suy Niệm 11: Cách sống trong thời Tân Ước
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn cùng bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.
Những người pharisêu và luật sĩ thấy thế rất khó chịu và trách Chúa Giêsu cùng các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống!
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước:
- Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói: thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.
- Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Tin Mừng, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.
- Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay đề xin Ngài mau trở lại.
B.... nẩy mầm.
1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường ảo não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp dẫn được người khác?
2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay, nhưng họ lại kết án các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn, mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà đã là tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
3. “Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ… Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu cũ”: ý Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân Ước. Tâm tình thời Cựu Ước là sợ hãi, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì: rán làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa?
4. “Những người pharisêu và những kinh sư nói với Chúa Giêsu rằng: ‘Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” (Lc 5,33)
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có gì làm
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.
Nếu cha hay mỉm cười: cha quá dễ dãi!
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người náo đó sẽ nói: cha khinh người!
Nếu cha còn trẻ: cha thiếu kinh nghiệm!
Nếu cha có tuổi: cha nên về hưu thì vừa! …
Giêsu ơi! Không thua gì các kinh sư và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nên con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu. (Hosanna)
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-sau-03092021-thanh-ghegorio-ca-giao-hoang-tien-si-hoi-thanh-le-nho-vui-tuoi-vi-chua-dong-hanh.html