“Xin cho chúng nên một”.
Lời Chúa: Ga 17, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.
Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.
Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Để họ được nên một
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta,
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con.
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con:
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23).
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26).
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo. Amen.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Sức mạnh của hiệp nhất.
Có một câu truyện cổ như sau:
Trong một buổi hội họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:
- Hỡi Chúa sơn lâm, hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.
Và mũi tên đã cắm phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:
- Chỉ một lời con người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể chống lại bọn họ.
Sói già an ủi cọp:
- Điều suy nghĩ của Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.
Ý kiến ấy thật hay, nhưng thú rừng vẫn bị tiêu diệt, vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ hiệp nhất.
Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công, nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại như Nguyên tổ của họ ngày xưa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho họ được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ngài không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người đến nguy cơ ỷ lại vào mình; Ngài cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người lọt vào hố sâu của tham vọng.
Khi cầu nguyện cho cộng đoàn những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin, Chúa Giêsu đã không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, mà chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu, họ cũng ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.
Người kitô hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu bằng cách sống yêu thương hiệp nhất. Chắc chắn không ai trong chúng ta có thể đứng vững một mình nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết với nhau, chúng ta cần phải ra khỏi con người ích kỷ của mình, phải từ bỏ nhiều tật xấu cố hữu của mình, nhờ đó chúng ta sẽ nên một trong Chúa và được chiêm ngưỡng quyền năng vinh quang Chúa hoạt động nơi chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Sự hợp nhất toàn hảo
Hiện nay, chúng ta thấy trong xã hội có nhiều thứ biến đổi tiến tới đỉnh hợp nhất như quy tụ thành những thị xã, đô thị, thành phố, những hiệp hội, liên hiệp. Ít lâu nay, chúng ta đã trở nên những thành viên không chỉ của một làng xã, một trường học, nhưng còn của một cộng đoàn, một khu vực bao gồm nhiều quốc gia.
Cơ cấu xã hội đang chuyển đổi thành nhóm như: hiệp hội công dân, cộng đồng căn bản, khối kinh tế, liên minh phòng thủ … Một triết gia đã quả quyết thế giới đang thành một làng xã nhờ những phương tiện giao thông tân tiến thần tốc.
Vũ trụ tiến tới hợp nhất dần dần như đáp lại lời kêu gọi của Đức Kitô: “Xin cho tất cả nên một trong chúng ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.
Nhưng hợp nhất nên một không hẳn là mặc khải và là bằng chứng của Đức Kitô. Chúng ta có thể thành một nhóm duy nhất, một cộng đoàn tôn giáo tập trung vào chính mình mà không vào Thiên Chúa, thành những nhóm bất khả xâm phạm đối với người ngoài, bất khả chia cơm sẻ áo. Chúng ta có thể sống dưới một mái nhà mà không tạo nên một gia đình.
Hiện thời, chúng ta thấy nhiều sức mạnh dẫn lối chỉ đường đưa loài người đến hợp nhất. Mặc khải của Đức Kitô có mặt ở đó, như đang cưu mang nó, nhưng sự hiệp nhất toàn hảo chỉ thực hiện được trong Thiên Chúa: “Xin cho tất cả nên một trong Chúng Ta”.
Những cộng đoàn Kitô hữu ngày nay có thể là dấu chỉ của sự hợp nhất toàn hảo này khi họ sống biết chia sẻ thực sự về đức tin, đức ái và hành động. Đó là một trong những vai trò của Giáo hội trong xã hội để giúp con người đạt tới vô cùng nhờ cố gắng tập trung vào Thiên Chúa.
CG.
SUY NIỆM 4: Sống trong hiệp nhất
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội Thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất tình yêu.
Lời cầu nguyện của Chúa trước lúc khổ nạn cho chúng ta thấy tình yêu cao cả và sự tín cẩn mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ của Ngài, vì thế Ngài vẫn trao cho các ông một sứ mạng vô cùng lớn lao là rao giảng tên Ngài khắp nơi trên thế gian và cho đến tận cùng thời gian. Chúa Giêsu chết đi và sống lại để tất cả mọi người trở nên một như Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Chúa Giêsu nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con để họ được là một như chúng ta là một”.
Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói tới sự vinh quang mà Ngài ban cho các môn đệ và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón nhận sự vinh quang đến từ tình yêu của Chúa Cha, để tất cả được trở nên một. Tuy nhiên, đây là sự vinh quang khác biệt với sự vinh quang phát sinh từ lòng kiêu ngạo của con người, vì loại vinh quang này chỉ đem tới sự chia rẽ. Sự vinh quang của Chúa Giêsu là sự vinh quang của Ðấng đã tự hạ mình xuống ngang hàng với nhân loại để yêu thương và phục vụ như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự vinh quang của Ðấng đã không màng tới sự vinh quang của cá nhân, vì thế mà Chúa Cha đã vinh danh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Philipphê đã nói rằng Chúa Giêsu trong lúc còn sống tại trần thế đã lãnh nhận vinh quang của Thiên Chúa. Vì Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang và mặc lấy thân nô lệ và sống nên người phàm nhân. Ngài lại còn tự hạ mình xuống và vâng lời Cha để chết trên thập giá cho sự cứu rỗi của nhân loại. Chính vì thế mà Cha Ngài đã suy tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trổi hơn các danh hiệu khác. Chính Chúa Cha đã dành cho Con Ngài sự vinh quang vượt lên trên các vinh quang của trần thế. Chúa Giêsu đã có được sự vinh quang đó không phải vì Ngài ưa thích tìm kiếm mà vì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta phương cách để trở nên một đó là đón nhận sự vinh quang mà Ngài đã ban cho chúng ta, sự vinh quang giúp chúng ta biết phục vụ cho những người khác và mở rộng trái tim đến tất cả mọi người. Sự vinh quang giúp chúng ta biết hạ mình sống gần gũi với tầng lớp của những người anh em khốn khó của mình.
Lạy Chúa, xin hãy thương xót nhân loại và chữa lành các vết thương chia rẽ của chúng con. Xin cho tất cả các tín hữu Kitô sống trong sự hiệp nhất như Ngài đã cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm tăng thêm trong chúng con tình yêu đối với anh chị em khác trong Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: HIỆP NHẤT ĐỂ YÊU THƯƠNG (Ga 17, 20-26)
Trong thời gian qua, lòng con dân Nước Việt luôn thể hiện lòng yêu mến quê hương đất nước và mong sao cho quê hương được thanh bình, không có chiến tranh. Lòng yêu mến đó được chứng minh qua sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn... sẵn sàng đứng lên để đấu tranh cho sự thật, công lý và hòa bình trên Biển Đông. Qua những gì vừa xảy ra, hẳn ai cũng hiểu được rằng: chỉ có hiệp nhất, chung lòng thì mới có thể chiến thắng được ngoại xâm.
"Xin cho chúng nên một". Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.
Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.
Lời cầu nguyện và mong muốn của Đức Giêsu khi xưa cho các môn đệ được hiệp nhất, cũng chính là lời cầu nguyện và mời gọi của Ngài dành cho chúng ta hôm nay.
Lạy Cha, ơn cứu độ Cha ban cho chúng con không chỉ dành riêng cho người Kitô hữu, nhưng là cho toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con biết loan báo lời của Con Cha cho mọi người không phân biệt, và biết làm chứng cho Cha trong sự hiệp nhất của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News