"Ðèn đốt lên là để đặt trên giá đèn. Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các ngươi".
* Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.
LỜI CHÚA: Mc 4, 21-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe".
Và Người bảo họ rằng: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Đặt trên đế
Bài Tin Mừng hôm nay gồm bốn câu có vẻ rời rạc
được Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau.
Thánh Máccô chia bốn câu này thành hai cặp (cc. 21-22 và 24b-25).
Trong mỗi cặp, câu thứ hai được nối với câu thứ nhất bằng chữ “vì”.
Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của bốn câu nói trên
qua việc Ngài nhắc nhở ta phải nghe một cách nghiêm túc (cc. 23. 24a).
Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày.
Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà.
Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên,
rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường.
Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự.
Ngọn đèn mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài,
và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài.
Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi,
nhưng phải được quảng bá và rao giảng.
Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn,
nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Máccô,
Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đức Kitô (8, 30),
vì chữ “Kitô” khiến người ta lầm tưởng Ngài sẽ đứng lên làm cách mạng.
Nhưng vào cuối đời, khi tay không đứng trước vị thượng tế (14, 61-62),
Đức Giêsu đã nhìn nhận tước vị này, vì nó không còn có thể bị hiểu lầm nữa.
Như thế, những gì được tạm thời che giấu, cuối cùng đã được tỏ lộ,
những gì bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng (c. 22).
Đức Giêsu là Kitô, nhưng là một Kitô chịu đau khổ như Người Tôi Tớ (Is 53).
Cuộc đời người Kitô hữu, người đã lãnh nhận phép thanh tẩy,
cũng giống như ngọn đèn đã thắp sáng đặt trên đế.
Không được vì bất cứ lý do gì mà che giấu đi:
vì khiêm tốn không muốn cho ai thấy ánh sáng của mình,
hay vì không dám đương đầu với sức mạnh của bóng tối.
Thế giới hôm nay cần những ngọn đèn Kitô hữu.
Hai tỷ Kitô hữu làm nên hai tỷ ngọn đèn.
Ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa.
Ánh sáng đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ.
Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. (Helder Câmara)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: ĐẶT TRÊN GIÁ ĐÈN
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Đoạn này nối tiếp dụ ngôn “Người gieo giống”. Lại hai lần nói về lắng nghe. Nên hầu chắc nói về thái độ đối với Lời Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn sáng phải đặt trên giá để soi đường cho mọi người đi lại. Không chỉ soi bên ngoài. Nhưng quan trọng hơn soi trong tâm hồn. Lời Chúa sẽ soi sáng mọi ngõ ngách tối tăm nhất của tâm hồn con người. Chẳng điều gì có thể che giấu được ánh sáng Lời Chúa.Khi trong ngoài sáng tỏ ta sẽ sống trong sự sáng. Làm con sự sáng. Nhưng liệu ta có tai lắng nghe không? Lắng nghe là để Lời Chúa soi rọi vào đáy sâu tâm hồn.
Ai càng lắng nghe lại càng được Lời Chúa soi sáng. Càng hiểu biết lại càng say mê Lời Chúa. Đã có lại cho thêm. Như mảnh đất tốt khiến hạt giống sinh bông hạt trăm nghìn.
Đa-vít là một chiếc giá đèn. Lời Chúa soi sáng cuộc đời ông. Ông lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Nên Chúa không ngừng ban ân huệ cho ông. Đã chọn ông làm vua. Lại còn hứa cho dòng dõi ông trường tồn. Khiến chính ông phải ngạc nhiên: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này? Nhưng lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài”. Và Đa-vít trở thành mẫu mực cho toàn dân noi theo. Để biết lắng nghe và thực hành thánh ý (năm chẵn).
Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa bằng xương bằng thịt. Là ánh sáng soi dẫn đường ta đi. Vì Người đã đổ máu để mở cho ta con đường mới. Con đường dẫn đến Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Cha đã tuyên dương Người và mời gọi ta hãy nghe lời Người. Theo Chúa Giê-su ta tràn trề hi vọng. “Vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (năm lẻ).
Nếu ta tuân giữ Lời Chúa, ta sẽ càng thêm phong phú. “Vì ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi”.
Suy Niệm 3: Ðong đấu nào
Thi hào Tagore có kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ ngồi bên vệ đường. Hôm ấy, đức vua ngự giá đi ngang qua. Người hành khất cố lê lết đến cổng làng, ngồi đó và nhủ thầm: "Ðây là dịp may hiếm có, tôi sẽ xin đức vua bố thí cho tôi".
Từ xa, khi thấy xe đức vua, người hành khất đã vẫy tay chào. Nhưng không ai ngờ, khi xe dừng lại, vua chẳng cho gì mà còn giơ tay xin người hành khất bố thí. Người hành khất liền đưa tay vào cái bị, lấy ra một nắm thóc và đặt vào bàn tay vua một hạt thóc. Ðức vua cám ơn, rồi tặng lại một món quà nhỏ bỏ vào cái bị ấy.
Khi về đến nhà, người hành khất mở bị ra, thì thấy giữa những hạt thóc một hạt kim cương sáng ngời. Lúc đó, người hành khất mới hối tiếc: "Phải chi ta cho đức vua cả bị thóc này, thì ta đã được cả một bị kim cương".
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho các con đấu ấy, và còn cho các con hơn nữa". Nói khác đi, chỉ có một đấu duy nhất, là nếu chúng ta làm điều gì đó cho người anh em, thì chính đấu ấy sẽ đong lại cho chúng ta. Có một tội mà ít ai tránh khỏi, đó là tội ích kỷ. Vì ích kỷ là chỉ muốn thu vén điều tốt cho mình, còn dành điều xấu cho người khác, do đó chẳng quan tâm gì đến những bất hạnh của người khác.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy xét và điều chỉnh lại cuộc sống trong tương quan với tha nhân, với ý thức rằng những gì chúng ta làm cho người anh em, là làm cho chính Chúa, và rằng Chúa sẽ đối xử với chúng ta theo cung cách chúng ta đối xử với người khác.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Hãy coi chừng!
Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì bí ẩn mà không phải là hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai thì nghe!” (Mc. 4, 21-23)
Khi ta nhắc nhở dặn dò ai điều gì thì lời ấy thường có hai ý nghĩa. Đôi khi ta muốn người ta phải dè chừng, có khi ta muốn họ phải cẩn thận, phải cân nhắc lời nói việc làm. Hai ý nghĩa này đều nằm trong những lời răn bảo của Chúa Giêsu. “Hãy coi chừng các người Pharisiêu, Người phán, vì họ nói mà không làm!” “Anh em hãy coi chừng, vì anh em không biết ngày nào giờ nào kẻ trộm đến!”. Đó là hai lời cảnh báo phải khôn ngoan và coi chừng.
Trái lại trong trích đoạn Phúc âm ta đọc sáng nay, lời răn bảo phải coi chừng có một tính cách tích cực, với nghĩa là “anh em hãy để ý đến điều anh em nghe”.
Thực vậy, trong trích đoạn này, những tiếng “điều anh em nghe, chính là mấu chốt điều Chúa Giêsu muốn giáo huấn ta. Vì thế, muón hiểu được giáo huấn này của Chúa, ta cần phải có một sự quan tâm để ý đặc biệt, nếu không ta sẽ chẳng lĩnh hội được gì. Nội dung lời giáo huấn của Chúa cũng gói ghém trong những câu sau: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy và còn cho anh em hơn nữa”, có nghĩa là Lời Chúa chỉ đem lại hiệu quả tốt, tùy theo sự quan tâm chú ý của người nghe. Mức độ lắng nghe là thước đo hoạt động của Lời Chúa. Sau nữa chỉ có Lời Chúa mới có khả năng cho thêm, cho vượt cả mức lòng ta mong đợi nữa.
Ý nghĩa của câu sau cùng, giờ đây được sáng tỏ: “Ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” - hoặc nói khác đi: ai không chú ý lắng nghe, không mở lòng ra đón nhận, thì cái đã được gieo cũng sẽ mất đi, còn ai càng mở ra và càng cẩn thận thì càng nhận được hồng ân Thiên Chúa và giữ được cái đã được gieo vào lòng mình.
Ta có lắng nghe Lời Chúa không?
Nhiều người đã chịu phép Rửa tội, đã được học giáo lý đầy đủ: vỡ lòng, rước lễ, thêm sức, bao đồng v.v. Họ đã nghe đã học cả đấy. Vậy mà ngày nay họ chẳng giữ đạo, chẳng đi lễ, mà còn không tin nữa. Vì chểnh mảng, coi thường, họ chẳng còn gốc gác gì với cha ông họ là những người đạo dòng. Đức tin mai một như vậy đó. Chúng ta hãy coi chừng! Hãy coi chừng sự không quan tâm chú ý của ta. Lời Chúa không chịu cảnh người ta bịt tai hay lơ đãng. Ta không biết được rồi đây chính ta có thể trở thành con người không tin hay không? Nếu có, sẽ là bởi tại ta đã quá keo kiệt khi đong cho việc lắng nghe Lời Chúa vậy.
Suy Niệm 5: HÃY CHIẾU GIÃI ÁNH SÁNG CHO MỌI NGƯỜI (Mc 4, 21-25)
Thật là kỳ dị khi chúng ta thắp đèn rồi đem đặt ở gầm giường, hay lấy thùng úp lên. Chỉ những người khùng thì mới làm những chuyện như vậy!
Đức Giêsu đã có lần nói: Ta là ánh sáng thế gian. Đồng thời Ngài cũng mời gọi mỗi chúng ta đi theo Ngài. Như vậy, khi chúng ta tin và đi theo Đức Giêsu, tức là chúng ta đi trong ánh sáng của Ngài.
Không chỉ dừng lại ở đó, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tỏa ánh sáng đó cho mọi người được thấy. Nói cách khác: chúng ta phải trở nên sứ giả Tin Mừng, chứng nhân của tình yêu. Đức Giêsu không chấp nhận chuyện chúng ta chỉ nói tin Chúa, nhưng trong đời sống thực tế, không sống chứng nhân. Không! Ngài mời gọi chúng ta phải thắp đèn cho sáng và để trên đế nhằm cho mọi người được thấy ánh sáng (x. Mc 4, 21).
Như vậy, để trở thành một người Kitô hữu thực thụ, chúng ta phải hội đủ hai yếu tố, đó là:
Một là tin và đi theo Đức Giêsu; hai là sống chứng nhân, tức là chiếu tỏa các chân lý Tin Mừng của Đức Giêsu ngang qua cuộc sống của mình. Hội đủ hai yếu tố đó, chúng ta mới xứng đáng trở thành môn đệ của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con, nhờ đó, mọi người cũng đón nhận được chính Chúa là nguồn sáng đích thực soi chiếu cuộc đời và thế gian này đi tới sự sống vĩnh cửu. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Cây nến trong tay Thiên Chúa
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Buổi chiều, người nọ lấy cây nến nhỏ từ trong hộp ra và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
- Chúng ta đi đâu?
- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.
- Nhưng tôi nhỏ bé thế này làm sao tàu bè thấy được?
- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc ta lo.
Tới đỉnh tháp, người nọ đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, ánh sáng lan tỏa và mọi tàu bè đều thấy.
Chúng ta cũng là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa.
Suy niệm
Ánh sáng phải được đặt trên giá tỏa sáng, chính Chúa Giêsu là ánh sáng thật, ánh sáng được thắp lên để soi chiếu cho mọi người, ai nghe và đón nhận ánh sáng và toả sáng thì sẽ được hạnh phúc muôn đời: “Kitô hữu là cây đèn sáng chiếu vào thế gian bày tỏ Lời sự sống” (x. Pl 2,15b-16a).
Đèn Kitô hữu muốn sáng lâu, phải đổ nhiều “dầu Lời Chúa” vào tâm hồn và muốn sáng mạnh phải tiêu hao “đời mình vì Lời Chúa”, đó là sự quảng đại vì anh em theo Lời Chúa dạy…
Xu hướng của con người là hưởng thụ và ích kỷ. Ích kỷ là chỉ muốn thu vén điều tốt cho mình, còn dành điều xấu cho người khác, do đó chẳng quan tâm gì đến những bất hạnh của người khác.
Chúa Giêsu dạy tỏa sáng khi làm một đấu duy nhất cho Chúa qua anh em: Nếu chúng ta làm điều gì đó cho người anh em, thì chính đấu ấy sẽ đong lại cho chúng ta. Quảng đại sinh quảng đại, bác ái sinh bác ái. Đó là ánh sáng được ánh sáng…
Ý lực sống:
“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Suy Niệm 7: Dụ ngôn về cái đèn và cái đấu
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn nói về cái đèn và cái đấu để nói về việc nghe Lời Chúa và giới thiệu cho người khác. Chúa nói: ”chẳng ai mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường”. Chúng ta đã nghe Lời Chúa, chúng ta không được giữ kín cho riêng mình. Chúng ta phải đem Lời Chúa đến cho mọi người. Chúng ta càng nhiệt tâm giảng dạy Lời Chúa cho kẻ khác thì Chúa càng ban thêm cho chúng ta. Còn nếu chúng ta ích kỷ giữ riêng cho mình thì dần dần cũng sẽ mất hết ơn Chúa.
2. Có hai chữ chúng ta phải biết để hiểu đúng Lời Chúa: đó là”cái đèn” và “cái đấu. Đức Giêsu muốn dùng cái đèn để ám chỉ Tin Mừng của Ngài. Kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn. Họ phải loan báo Tin Mừng cho những người khác nữa và họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.
Cái “đấu” là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận. Con người càng mở ra, càng sống Lời Chúa, thì càng nhận được nhiều hồng ân Thiên Chúa; trái lại, kẻ chỉ nghe mà không sống Lời Chúa thì không được ban thêm, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy đi mất.
3. “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không? Nào chẳng phải là đặt trên giá đèn sao” (Mc 4,21).
Lý do hiện hữu của cây đèn là để soi sáng. Vậy khi cây đèn không soi sáng cho ai, thì nó không còn phải là cây đèn nữa. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình ra, để cho người khác, nhờ ánh sáng đó mà được dẫn đưa đến chân lý và hy vọng; hay nói cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay hiển hiện, việc làm chứng cho Đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những người Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn làm hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm cả cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
4. “Một ngọn nến nhỏ tỏa sáng xa biết bao! Cũng vậy, một việc làm tốt tỏa sáng biết bao trong một thế giới mệt mỏi”(Văn hào W. Shakespeare).
Ngọn đèn muốn tỏa sáng xa thì phải được đặt trên đế cao có lẽ là chuyện chẳng cần bàn cãi. Thế nhưng, ngọn đèn mà Đức Giêsu muốn ta đặt trên đế lại là chuyện khác, vì đèn ấy chính là Tin Mừng của Ngài. Có vẻ ta có khuynh hướng che giấu, ngại bầy tỏ - nghĩa là đặt dưới thùng hay gầm giường – thay vì loan báo, trình bầy cho người lân cận. Sống triệt để tinh thần Tin Mừng của Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để đặt Tin Mừng ấy trên đế cao. Ngược lại, coi thường Tin Mừng, không quan tâm đếnTin Mừng ấy là cung cách thích hợp nhất cất giấu dưới thùng hay gầm giường.
5. Là ánh sáng, chúng ta phải chiếu soi cho thế gian bằng đời sống gương sáng và đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhiễm vào môi trường sống của mình. Chúa bảo chúng ta: ”Các con là chứng nhân của Thầy”, nhưng nhiều khi chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở thành phản chứng, làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô, khiến người ta không muốn theo Chúa.
Vì thế, năm 1937, ông Gandhi, một lãnh tụ vĩ đại của Ấn độ, đã nói với các nhà truyền giáo câu này để chúng ta suy nghĩ: ”Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa. Cả người mù không xem thấy hoa hồng, vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ đến sự cao cả của người Kitô hữu khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu, chứ không phải là chú giải nó”.
6. Lời Chúa có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn không chịu cháysáng cho nên cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói:”Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên khắp thế giới có bị đốt hết đi thì người ta nhìn vào cuộc sống chúng ta vẫn có thể chép lại Tin Mừng ấy đúng từng câu, từng chữ”.
7. Truyện: Ngọn hải đăng.
Vào một đêm mưa bão, ngọn hải đăng bị mất điện tắt ngấm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng:
- Ông đem tôi đi đâu vậy?
Ông trả lời:
- Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.
Cây nến lại nói:
- Nhưng tôi chỉ là cây nên nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi được?
Người phụ trách trả lời:
- Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.
Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể xử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an toàn.
nguon:http://gplongxuyen.org/News