Thứ Năm 18/11/2021 – Thứ Năm tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu thương tiếc cho Giêrusalem.

Thứ Năm 18/11/2021 – Thứ Năm tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu thương tiếc cho Giêrusalem.

"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".

 

Lời Chúa: Lc 19, 41-44

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Đức Giêsu khóc

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Người ta có thể khóc vì nhiều lý do.

Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối.

Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại.

Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra.

Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.

Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người.

Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.

Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.

Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).

Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.

Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.

Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này.

Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên,

đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất.

Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.

Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43).

Đền thờ bị tiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa.

Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đau đớn.

Bài Tin Mừng hôm nay

nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).

Ngài biết đây là lần cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,

Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau buồn, xót xa.

Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải chết trong thành này (Lc 13, 33).

Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.

Thành phố Giêrusalem là thủ đô của đất nước.

Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài đến đó dự các lễ lớn đôi ba lần.

Đây là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).

Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.

“Không để hòn đá nào trên hòn đá nào” (c. 44).

Thiên Chúa là Đấng đi thăm Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).

Ngài thăm Dân Ngài qua Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).

Ngài đến thăm để đem ơn cứu độ, đem lại bình an (c. 42).

Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi thăm nhân loại.

Ngài vẫn sai Con của Ngài đến với chúng ta để ban ơn bình an.

Nhưng con người hôm nay có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.

“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).

Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).

Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.

Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.

Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai.

Nhân loại bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.

Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.

Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững vàng.

Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ có là những bức tường than khóc.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

 

Suy niệm 2: Nhờ Người, với Người và trong Người

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Giê-ru-sa-lem là thành phố hoà bình. Nhưng không thể tự mình kiến tạo hoà bình. Thiên Chúa mới là người ban hoà bình. Chúa Giê-su là ông Vua Thái Bình. Nhưng đáng tiếc là thành phố hoà bình không biết đón tiếp Vua của mình. Không “nhận ra những gì đem lại bình an”. “Không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. Cơ hội chỉ đến một lần. Nên Chúa rơi lệ khóc thương cho số phận của thành. Giê-ru-sa-lem là trái tim của dân tộc Ít-ra-en. Là niềm tự hào dân tộc. Ai cũng hân hoan khi được đến Giê-ru-sa-lem. “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi. Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa”. Đền thờ là một kỳ công tuyệt tác hoàn mỹ. “Giê-ru-sa-lem được xây cất như một thành trì. Mọi phần ăn khớp với nhau” (Tv 121). Chúa Giê-su đã nhiều lần hớn hở vui mừng vì được lên Giê-ru-sa-lem dự lễ. Như mọi người Do thái, Người cũng tự hào và yêu mến thành đô. Nhưng giờ đây Người phải rơi lệ. Vì thấy số phận tiêu điều của nó: “sẽ không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào”(Lc 19,44).

Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm vào năm 70. Quân binh La mã đến phá huỷ đền thờ tan tành. Đa số người Do thái ngả theo phe đế quốc. Thờ ngẫu tượng. Chỉ một số ít trung thành với luật Chúa. Đó là gia đình Mát-tít-gia. Chiến trận liên miên. Kẻ chết, người bị thương. Và sau cùng, tất cả rơi vào tay đế quốc. Giê-ru-sa-lem đánh mất hoà bình từ hơn 2 ngàn năm nay. Hiện tại đó vẫn là một miền đất có hai dân tộc và ba tôn giáo. Chiến tranh không bao giờ ngưng (năm lẻ).

Đó là tất cả những bí ẩn của Giê-ru-sa-lem và của thế giới. Tất cả đã được ghi vào quyển sách. Nhưng quyển sách lại bị đóng bảy ấn niêm phong. Chẳng ai có thể đọc. Chẳng ai có thể hiểu. Chỉ một người có thể mở ấn niêm phong. Có thể đọc và có thể hiểu. Đó là người giải mã bí mật của thế giới. Là con chiên đã tự nguyện bị giết chết, bị sát tế. Nên đã trở thành con chiên có bảy sừng và bảy mắt. Con Chiên hiển vinh sau khi đã trải qua cái chết. Có thể đem lại hoà bình. Vì Người qui tụ không phải chỉ dân Ít-ra-en, nhưng là tất cả mọi dân trên thế giới. Bấy giờ mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa. Và sống trong cảnh thái bình. “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộ mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (năm chẵn).

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến. Xin ban hoà bình cho chúng con.

 

Suy niệm 3: Giờ Chúa viếng thăm

Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.

Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Khóc thương thành Giêrusalem

Ðoạn Phúc Âm được Giáo Hội đề nghị cho chúng ta Suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của cuộc đời của Chúa.

Chúa vào thành Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại Giêrusalem như chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn thành công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến hơn là sự chấp nhận.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.

Trong quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu sách Phúc Âm, đó là bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc, cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót Chúa lan tràn từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người".

Chỉ có lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.

Ước chi hôm nay chúng ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối giây phút ân sủng nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Thương tiếc Giêrusalem

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình anh cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không trông thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tứ bề.” (Lc. 19, 41-42)

Đoàn hành hương theo Đức Giêsu tiến về Giêrusalem vừa đi vừa hát những Thánh vịnh lên đền thánh. Họ dừng lại với Người chiêm ngưỡng thành thánh. Họ xúc động khi hát Thánh vịnh 122: “Hãy xin bình an cho Giêrusalem; ước gì bình an trong thành lũy ngươi”. Còn Đức Giêsu lại khóc thương thành.

Những âm mưu

Từ nhiều thế kỷ, các ngôn sứ đã loan báo cho dân thành Giê-ru-sa-lem biết thành sẽ có ngày bị phá hủy, nếu họ không sám hối trở về. “Khốn cho quân loạn tặc, cho đứa ô nhơ, cho thành áp bức! Nó không nghe tiếng gọi. Nó không lĩnh lời chỉ giáo. Nó không cậy trông Gia-vê. Nó không lại gần Thiên Chúa của nó” (Sôphônia 3, 1-2). Quân Can-đê đã phá hủy thành và bắt dân đi lưu đầy, thế mà họ vẫn cứng đầu cứng cổ, không lay chuyển, Đức Giêsu đến kêu gọi họ lần cuối cùng trở về với tình yêu Thiên Chúa.

Đức Giêsu biết dân thành Giêrusalem đã quyết định bắt Người chịu nạn chịu chết. Tôn trọng tự do của họ, Người bất lực cứu thoát thành thánh khỏi bị tàn phá. Họ thật cứng đầu cố chấp. Với tình yêu tha thiết với họ, Đức Giêsu đã khóc, Người khóc vì yêu thương đoàn chiên này cố chấp lầm lạc. Trong khi đoàn hành hương ca hát chúc mừng thành được bình an, thì Đức Giêsu khóc than lòng kiêu ngạo và thỏa mãn của họ đã đóng kín con mắt những thủ lãnh dân chúng: Họ không bao giờ còn được thấy hòa bình nữa!

Lời tiên tri về phá hủy thành Giêrusalem dựa trên những chi tiết bao vây và công phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Chắc hẳn lời tiên báo của Đức Giêsu cũng tương tựa như thế về thành bị phá hủy, “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ Thiên Chúa viếng thăm”. Chính Thiên Chúa đến viếng thăm Giê-ru-sa-lem qua con người của Đức Giêsu, và Người đã ban cho họ ơn giải thoát, ơn bình an và thăng tiến họ. Nhưng họ đã từ chối những ơn ban nguồn phúc cứu độ ấy. Lại còn giết người con của vua trời đất. Họ sẽ gặt lấy hoa trái của lòng bất trung của họ. Cuộc phán xét trong cơn lôi đình của Thiên Chúa không thể hãm lại được nữa. Đức Giêsu khóc vì Thiên Chúa không muốn người ta phải chết. Ước chi họ ăn năn sám hối và được sống.

RC

 

Suy niệm 6: Tại sao Chúa khóc thương thành Giêrusalem?

Xem CN 24 TN C - Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su năm C - thứ Ba tuần 2 MV và thứ Ba tuần 19 TN

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta cũng chứng kiến nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi... Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng!

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai qua sự đổ nát do đế quốc Rôma gây nên vào năm 70 Công Nguyên.

Nhưng có lẽ, điều làm cho Đức Giêsu đau lòng hơn cả chính là dân thành này đã khước từ chính Ngài là nguồn ơn cứu độ. Không tuân giữ những lời dạy của Ngài, không hề để ý đến những hành vi tội lỗi của mình để sám hối ăn năn... Ngược lại, họ luôn tự hào mình là dân tộc ưu tuyển, nên đương nhiên được hưởng những quyền đặc lợi cho riêng mình. Chính sự tự hào này đã giam hãm con người và thái độ của họ trong sự ích kỷ, nên không thể đón nhận được ơn lành của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến luật Chúa và cùng nhau chung tay xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính đời sống chứng tá của mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Tỉnh thức để nhận ra “giờ được Chúa viếng thăm”

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo về về thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Đó là cuộc phán xét lịch sử nhưng cũng là báo trước cuộc phán xét cánh chung. Chúng ta hãy tỉnh thức để biết nhận ra “giờ được Thiên Chúa viếng thăm” hầu được bình an nơi Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong khi nguời Do-thái rất tự hào về sự nguy nga, tráng lệ, kiêu hùng của thành Giê-ru-sa-lem, thì Chúa lại nói đến một ngày mà công trình ấy sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Cũng vậy, con thường chỉ đánh giá sự việc và con người dựa trên những dấu hiệu bề ngoài. Đôi khi những dấu hiệu bên ngoài ấy làm con mù quáng, nên đánh giá lầm những điều kín ẩn bên trong.

Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, người Do-thái khát khao, mong chờ một Đấng cứu tinh, nhưng khi Chúa đến giữa họ thì họ lại không chịu đón nhận. Họ đã không nhận ra Chúa, không phải vì Chúa không tỏ ra cho họ, mà là vì Chúa không đến theo kiểu họ ước mong. Và như thế, Chúa phải xót xa vì sự hững hờ của họ.

Phần con cũng không thiếu những lúc con chỉ nhìn thấy những điều trước mắt. Con quá vui khi thành công và con cũng quá buồn trước thất bại. Con đã không biết nhìn ra những sứ điệp thiêng liêng mà Chúa gởi đến cho con qua những thành công hay thất bại đó. Xin Chúa thương xót và thứ tha cho con. Xin Chúa dạy con biết sống trọn giây phút hiện tại, luôn rút ra được những ích lợi từ mọi biến cố vui buồn trong đời. Và xin cho con luôn hiểu rằng: không bao giờ là quá trễ đối với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết làm lại cuộc sống của mình để sẵn sàng đón chờ giờ con được Thiên Chúa viếng thăm. Amen.

Ghi nhớ: “Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

 

Suy niệm 8: Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào năm 70 sau Công nguyên, vị tướng La Mã Titô đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá.

Thế nhưng, một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá hủy thành và đền thờ, ngoại trừ ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành đã bị phá. Tất cả những sự việc trên được sử gia Josèphe sống trong thời đó ghi chép lại cho hậu thế...

Suy niệm

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương thành vì sẽ có ngày thành huy hoàng bị phá huỷ… Sau này, trong cuộc thương khó, dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Ngài yêu thương thành Giêrusalem. Nhưng dân thành cố tình chối bỏ Ngài để chạy theo những mê muội của trần gian. Ngài cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài. Ngài đến cho họ tình yêu nhưng họ không đón nhận cho nên họ phải đau khổ. Tất cả mọi sự đã xảy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo: Vào năm 70 sau Công nguyên quân đội Rôma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy và bình địa thành nguy nga này.

Ngày nay, chúng ta cũng như dân thành Giêrusalem ngày xưa: Cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất, quyền bính danh vọng trần gian. Ðức Giêsu vẫn đang than khóc và đau khổ vì tội lỗi con người...

Xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát, nhận biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Biết thức tỉnh và từ bỏ đời sống tội lỗi để quay về với Ngài. Khi đó chúng con sẽ được hưởng tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Ý lực sống

“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người,

các bạn đừng cứng lòng”. (Tv 95,8)

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu thương tiếc thành Giêrusalem

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Cuộc hành trình đi Giêrusalem được kết thúc bằng một cuộc khải hoàn long trọng tiến vào thành. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa thấy trước thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh chung, nên Chúa thốt lên những lời than tiếc cho thành Giêrusalem. Họ có lỗi bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người, nhưng họ đã từ chối tình thương của Thiên Chúa, từ chối ơn cứu độ và sự bình an Người mang đến cho họ. Và vì không đón nhận nên họ phải đau khổ.

Trên đường tiến về Giêrusalem, vừa thấy thành, Đức Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người. Đức Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do thái thành Giêrusalem. Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Giêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại, tai hoạ luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, tiên tri Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm -587. Trong Tin mừng, dường như Đức Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loại tang thương xảy đến cho dân Do thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.

Như vậy, dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Giêrusalem và bao tai hoạ xảy đến cho dân Do thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa (R.Veritas).

Đức Giêsu đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa: “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương từng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá. Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do thái, tướng Titô đã tàn phá bình địa thành đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rôma. Thế mà giờ đây, Đức Giêsu đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận (5 phút Lời Chúa).

Để nói lên thiện chí hoà bình giữa Ac-hen-ti-na và Chi-lê, Ac-hen-ti-na đã đem khí giới, đúc tượng Đức Giêsu. Bức tượng được đưa lên dãy núi Andes là nơi đã xảy ra cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Dưới bệ tượng có dòng chữ: “Chính Người là sự bình an của chúng ta. Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu khóc thương Giêrusalem, bởi thành đã không nhận ra Chúa là nguồn bình an. Đức Giêsu khóc thương thành, Người cũng khóc thương những người Do thái đương thời. Họ không nhận ra Thiên Chúa đang biểu lộ tình thương giữa họ.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chạy theo những thứ bình an giả tạo, mà quên tìm kiếm bình an đích thực; chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đặt của cải, danh vọng, địa vị làm mục đích cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bất an và mệt mỏi. Ngược lại, lúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Người, chúng ta mới có bình an đích thực.

Điều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, nơi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó mà chống lại Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

Truyện: Kiên tâm chịu đựng

Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số nhận xét mang tính cách chế giễu.

Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.

Vị thẩm phán liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình:

- Tại thành phố của chúng ta, có một bà goá sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng toả sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.

Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông:

- Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì làm sao ?

Ông nói:

- Ô, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.

Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin mừng, vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản được chương trình của Thiên Chúa.

 

Suy niệm 10Lời tiên tri về Jêrusalem

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Jêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại tai họa luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm - 587. Trong Tin Mừng, dường như Chúa Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loạt tang thương xảy đến cho dân Do Thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do Thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.

Như vậy dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Jêrusalem và bao tai họa xảy đến cho dân Do Thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa.

Hậu quả của những sự khước từ đó thật đáng sợ. Sự khước từ luôn đi đôi với những hình phạt.

Chúa Giêsu là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa. Khước từ hồng ân và quà tặng của Thiên Chúa thật là một tội khủng khiếp, khôn lường.

Người con trai của một nhà truyền giáo bị bắt giữ, và bị quy cho tội phản động, bởi vì anh ta thuộc về một tổ chức bất hợp pháp chống lại chính phủ. Anh bị xét xử, kết án và cầm tù. Người cha già của anh, vốn nổi tiếng là một người có học thức và là một Kitô-hữu tốt lành, đã chạy đi khắp nơi tập hợp được hàng trăm chữ ký vào tờ đơn xin ân xá cho anh. Ông tìm đến tận Washington gặp Tổng Thống Grant trình bày tờ đơn đó và van xin tổng thống tha thứ cho con trai ông, nhờ vào những công lao đóng góp của cha mẹ anh ta.

Được sự phê chuẩn của Tổng Thống, người cha già đó vội vã đón ngay xe lửa trở về nhà tù gặp con trai. Cầm trên tay tờ giấy được ân xá, ông nói với con trai:

- John ạ, cha có một tin vui mang đến cho con đây. Tổng Thống Grant đã chấp thuận đơn xin ân xá của cha. Con có thể trở về nhà với cha ngay bây giờ, và kịp gặp được mẹ con trước khi mẹ con qua đời!

Nhưng con trai ông không đáp lại một lời. Người cha nói tiếp:

- Con có hiểu cha nói gì không, John ? Đây là tờ giấy chứng nhận con đã được ân xá.

Nhưng anh con trai vô ơn đó trả lời:

- Thưa cha, con rất tiếc đã làm buồn lòng cha, nhưng con đã quyết định không đi theo hệ thống chính trị này, và con sẽ sống theo chọn lựa của con.

Trái tim của người cha già hầu như tan nát. Ông cụ ngã nhoài xuống hàng lưới sắt, và được một người gác ngục dìu đi.

Vâng! Đó là kết quả của một sự khước từ.

Thành Jêrusalem xưa cũng như vậy.

2. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Ngài không đầu hàng trước sự khước từ của con người, bởi vì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúng ta có thể nhận thấy bàn tay quan phòng ấy của Chúa ngay trong sự sụp đổ của Jêrusalem vào năm 70. Do biến cố này, các tín hữu tiên khởi đã tản mác đi khắp nơi và nhờ thế Tin Mừng được loan báo cho mọi dân tộc khác. Nhìn lại sự sụp đổ của Jêrusalem và Tin Mừng được loan đi khắp nơi, chúng ta lại càng xác tín hơn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ ngay cả sự khước từ của con người cũng có thể biến thành khởi điểm cho một hồng ân cao cả hơn.

Chúng ta chẳng thấy Giáo Hội đã gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc sao ? Đây phải là xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn vào các biến cố lịch sử xảy ra.

Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ, có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số lời nhận xét mang tính cách chế giễu.

Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán nguyên nhân tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.

Vị thẩm phán liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình:

- Tại thành phố của chúng ta, có một bà góa sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng tỏa sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.

Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông:

- Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì sao ?

Ông nói:

- Ồ, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.

Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản bước được chương trình của Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

 

Suy niệm 11: Không nhận biết thời giờ được Chúa viếng thăm

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.

Lỗi của nó là gì ? Là không “nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (câu 41); “không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (câu 44). Ơn Chúa ban cho nó rất nhiều, nhất là ơn “bình an” và “viếng thăm”. Nhưng nó đã coi như không, nên không nhận biết để cám ơn, không nhận biết để xử dụng, không nhận biết để hiểu xem ý Chúa muốn nó làm gì khi ban ơn cho nó.

B.... nẩy mầm.

1. “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Lời Chúa Giêsu rất giống với lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.

2. Ngày nay người do thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia “của họ”. Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử! Tại vì họ đã “không nhận biết”. Xin giúp con tỉnh táo “nhận biết” những thời giờ Chúa đến viếng thăm con.

  3. Mỗi ngày tôi đã để vuột mất biết bao “sứ điệp bình an” do anh chị em trong cộng đoàn đem đến. Tôi đã cố nhắm mắt do thành kiến, ác cảm, giận hờn… Tôi cứ mù quáng chạy miết theo sở thích và ý riêng của tôi. - Lạy Chúa, đáng lẽ con phải khóc cho bản thân, nhưng con cứ thản nhiên tự đắc… và hình như Chúa đang khóc cho tình trạng khốn đốn của con.

4. Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ: từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.

Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.

5. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” (Lc 19,41-42)

Chúa Giêsu đã khóc thương dân thành Giêrusalem, và hôm nay Ngài cũng đang khóc thương tôi.

Ngài khóc thương khi thấy tôi bị xô đẩy quay cuồng bởi dòng xoáy của cuộc đời, nhưng vẫn cố bám vào những “cột mốc” không bền vững và tin đó là cột mốc của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm nhận được tình Ngài yêu con, biết lấy Ngài làm cùng đích đời con. (Hosanna)

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-nam-18112021-thu-nam-tuan-33-thuong-nien-chua-giesu-thuong-tiec-cho-gierusalem.html