Thứ Năm 16/09/2021 –Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Yêu mến nhiều, tha thứ nhiều.

Thứ Năm 16/09/2021 –Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Yêu mến nhiều, tha thứ nhiều.

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

 

* Thánh Cornêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.

Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày 14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.

 

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn.

Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm.

Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít". Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chị hãy đi bình an

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa.

Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37; 14, 1).

Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám hại ngài (13, 31).

Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu.

Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon.

Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người thuộc phái Pharisêu,

cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu thuế và tội lỗi (Lc 7, 34).

Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó,

các vị khách thường ngả người nằm trên những chiếc ghế dài, có gối,

chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn tay phải để lấy thức ăn.

Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra vào.

Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc.

Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống trong thành phố,

nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm không.

Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt trong bữa tiệc.

Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được ơn tha thứ.

Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình sắp làm cho Ngài.

Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37).

Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở.

Nước mắt chị làm ướt chân Ngài.

Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ,

hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha?

Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để lau khô chân Đức Giêsu.

Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm nữa.

Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật hết sức chướng mắt

đối với những người dự tiệc trong xã hội thời đó (và bây giờ cũng vậy!).

Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái không được phép làm,

vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là những cử chỉ khêu gợi.

Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng trong thành.

Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ làm người khác nhơ uế.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon nghĩ thầm:

“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết

người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị ta là một người tội lỗi.”

Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài không phải là ngôn sứ.

Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm như vậy,

thì còn gì là danh dự của ông Simon và của chính Ngài nữa!

Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8).

Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa điều chị làm.

Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái làng chơi,

nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của người được tha thứ.

Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa hối hận, vừa hạnh phúc.    

Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của chị trên đôi chân mình:

rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn chân và xức dầu thơm.

Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết ơn.

Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của tâm tình yêu mến.

Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ ấy.

Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình.

Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của người phụ nữ,

Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo một câu hỏi (cc. 41-42)

Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền, một người 50.

cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì để trả.

“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn?”

Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã trả lời đúng.

Ta nên lưu ý: yêu mến ở đây có nghĩa là biết ơn.

Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít.

Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào thực tế.

Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon.

Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón của hai người (cc.44-46).

Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng hôn, chẳng xức dầu trên đầu.

Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt buộc khi tiếp khách,

nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng nhạt nhẽo hơn so với chị kia.

Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của đoạn Tin Mừng này.

Câu này trước đây thường được dịch như sau:

“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều.

Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,”

Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều.

Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng.

Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều.

Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự tha thứ.

Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn.

Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn (cc. 41-42),

và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha ít thì yêu mến ít.

Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa.

Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi kia,

vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn!!!

Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội lỗi này không?

Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa?

Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến người ta khép lại và vô ơn.

Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47).

Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng khởi mới để người ta yêu hơn.

Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới,

can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với người phụ nữ.

Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi chị bước vào phòng tiệc:

“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho mọi người biết chuyện đó.

Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ như Simon nghĩ.

Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha tội cho chị.

Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của chị.

Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm đượm lòng tin.

Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu độ, ơn bình an:

“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50).

Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ:

lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo bạo của sự biết ơn,

Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ nữ hư hỏng,

và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu.

Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến cố này không?

 

Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. (R. Tagore)

 

Suy Niệm 2: Nội dung và hình thức

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ông Si-mon, một thủ lãnh Pha-ri-sêu, một trí thức phải tâm phục khẩu phục thái độ và lời giải thích của Chúa Giê-su. Tuy hai hướng nhìn khác nhau. Ông nhìn bề ngoài. Chúa nhìn bề trong. Ông nhìn hình thức. Chúa nhìn nội dung.

Về hình thức xã hội thì ông Si-mon hơn hẳn người phụ nữ. Ông trí thức. Người phụ nữ bình dân. Ông nghiêm chỉnh giữ Lề Luật. Người phụ nữ lỗi lề luật. Ông thuộc tầng lớp lãnh đạo, dạy dỗ người khác. Người phụ nữ thuộc tầng lớp cần được dạy dỗ. Ông được mọi người kính trọng. Còn người phụ nữ bị mọi người khinh miệt.

Nhưng thật bất ngờ khi Chúa Giê-su đánh giá người phụ nữ cao hơn ông Si-mon. Vì “chị yêu mến nhiều”. Đạo không phải là bề ngoài nhưng là bề trong. Đạo không là hình thức nhưng là nội dung. Và thật lạ lùng: đạo không là lề luật nhưng là tình yêu.

Thánh Phao-lô là người cảm nghiệm được điều đó. Ông được tha nhiều. Nên ông yêu mến nhiều: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (năm chẵn).

Vì thế thánh Phao-lô khuyên người môn đệ Ti-mô-thê-ô đừng chú ý đến hình thức. Hãy chú ý đến nội dung. Đừng chú ý đến bề ngoài. Hãy chú ý đến bề trong. Về hình thức bề ngoài thì Ti-mô-thê-ô kém cạnh. Vì ông còn quá trẻ so với chức vị giám mục. Thánh Phao-lô khuyên nhủ người con thiêng liêng hãy vượt qua bằng trau dồi nội dung bên trong. “Hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp. Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh” (năm lẻ).

Đó cũng là lời khuyên dành cho tôi. Để tôi chăm lo trau dồi nội dung tình yêu bên trong hơn là chú ý đến hình thức chức vị bên ngoài. Để tôi yêu thật nhiều. Và làm tất cả vì tình yêu. Đó là cốt lõi của đạo. Đó cũng là bí quyết giúp tôi thăng tiến về Chúa Ki-tô. Và được hạnh phúc nơi Người.

 

Suy Niệm 3: Lòng Sám Hối

Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.

Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.

Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.

Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa".

Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương.

Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những thể hiện của bác ái.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tinh Thần Khoan Nhượng

Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về tinh thần khoan nhượng đích thực. Chúa Giêsu là hiện thân của tinh thần ấy. Trong những quan hệ xã hội của Ngài, Ngài vốn dành ưu tiên cho người nghèo, những người tội lỗi, những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài tìm đến với họ và nhất là ngồi đồng bàn để ăn uống với họ, nhưng Chúa Giêsu không khơi dậy cuộc đấu tranh giai cấp. Ngài không bao giờ đi với người nghèo để kêu gọi chống lại những người giàu có. Ngài đến với những người nghèo và những kẻ tội lỗi nhưng không loại trừ những người giàu có và những người đạo đức thánh thiện. Ngài chia sẻ cơm bánh với những người tội lỗi nhưng cũng không ngại ngồi đồng bàn với những người công chính. Người biệt phái Simon được Tin Mừng hôm nay nhắc tên là một người giàu có và đạo đức, ông có thể là đại biểu cho những người giàu có và thánh thiện mà Chúa Giêsu không hề muốn loại trừ ra khỏi những quan hệ xã hội của Ngài. Chúa Giêsu kết thân với những người nghèo khổ và tội lỗi nhưng không xa cách những người giàu có và đạo đức.

Cuộc gặp gỡ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của thái độ khoan nhượng của Chúa Giêsu. Chính trong một bữa tiệc được một người giàu có và đạo đức khoản đãi mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một người đàn bà tội lỗi nổi tiếng trong thành phố, Ngài luôn có thái độ khoan nhượng đối với mọi người.

Sự khoan nhượng là thái độ cần thiết cho mọi người bởi vì xã hội nào cũng gồm những thành phần khác biệt nhau bởi vì nhân loại gồm những con người khác biệt mà họ cần đối xử với nhau bằng thái độ khoan nhượng. Hai chìa khóa để mở cánh cửa của khoan nhượng là sự chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận thường đi trước sự cảm thông. Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác để dễ dàng cảm thông với họ hơn, nhưng dĩ nhiên khoan nhượng không hề đồng nghĩa với đồng lõa. Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông và tha thứ với những người tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ nhân nhượng trước tội lỗi; Ngài khoan dung tha thứ bao nhiêu với tội nhân thì lại càng cương quyết bấy nhiêu với tội lỗi. Chính vì thế mà sự tha thứ của Ngài luôn đi kèm với mệnh lệnh: "Con hãy đi về và đừng phạm tội nữa". Với người biệt phái tên là Simon, Ngài đã kêu gọi với thái độ khoan nhượng khi để cho người đàn bà tội lỗi đến thể hiện lòng sám hối của mình bằng việc xức dầu thơm cho Ngài. Với người đàn bà tội lỗi, Ngài cho cảm nhận được ơn tha thứ. Ngài kêu gọi chúng ta: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Lời ấy bảo đảm cho chúng ta ơn tha thứ và sự bình an của Ngài, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy sống khoan nhượng và tha thứ đối với mọi người.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ của Chúa để cũng biết sống cảm thông và tha thứ với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Yêu nhiều, được tha nhiều

Vì thế tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” (Lc. 7, 47-48)

Lòng quảng đại không phải là một nhân đức ai cũng có thể biết được và luyện tập được. Nó cũng chính thứ tình yêu, không thể đặt giới hạn và thời hạn vì nó quá mạnh. Đức Kitô đã thực hiện tình yêu này không ngừng và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một gương sáng trong nhiều gương khác.

Đức Giêsu đang dự tiệc tại nhà một người biệt phái đã mời Người đồng bàn, Thánh Lu-ca nói đến ba lần những người biệt phái tiếp đón Người tại nhà họ. Chứng tỏ có những người biệt phái ít hiềm khích Người, họ cũng mong hiểu biết Người hơn.

Đang bữa ăn, một đàn bà tội lỗi trong thành bước vào. Cô mang theo một bình dầu thơm quý giá và khóc nức nở quì xuống lấy nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau chân Người và xức dầu thơm vào chân Người. Trước cảnh tượng chướng tai gai mắt này, người biệt phái cảm thấy tức giận và xúc phạm nặng nề, ông nói thầm trong lòng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai!”. Nếu biết rõ nó, Giêsu không được ngây ngất như thế.

Đức Kitô biết ý nghĩ của chủ nhà và đề cập đến một dụ ngôn nhỏ để biến đổi con tim của ông: “Một chủ nợ có hai con nợ, một kẻ nợ năm trăm quan tiền, một kẻ nợ năm mươi. Vì họ không có gì trả nên chủ nợ thương tình đã tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó ai mến chủ nợ hơn? Ông Simon đáp: Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo: Ông suy xét đúng lắm”. Giữa biệt phái trong sạch và bà này, nhơ bẩn chất chứa tội lỗi chắc là không giống nhau: tội bà này chất đống nhiều hơn, biẹt phái ít hơn, nhẹ hơn. Vậy rõ ràng bà được tha thứ nhiều hơn biệt phái. Đức Giêsu kết luận: điều đáng kể đối với tôi không nhất thiết là tội lỗi nhưng chính là tình yêu để được ơn thương xót: “Tội của chị rất nhiều, nhưng được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều!”.

Ồ vâng, yêu đi thì không còn phạm tội nữa!

GF

 

Suy Niệm 6: Yêu mến nhiều vì được tha thứ nhiều

Xem lại CN 11 TN C

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình thuật việc cô Mađalêna xức dầu thơm cho Đức Giêsu và lấy tóc mình mà lau. Sự trở lại của cô đã làm cho nhiều người kinh ngạc và hành động của cô cũng gây nên không ít sự tò mò cho mọi người xung quanh!

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mađalêna là một cô gái điếm chuyên nghề, nhưng cô đã được Đức Giêsu giải cứu khỏi cái chết trước sự hằm hằm của các người Pharisêu khi họ dẫn giải cô đến để xin Ngài xét xử.

Cô đã được quý nhân phù trợ, Đức Giêsu đã giải thoát cô khỏi chết và phục hồi tinh thần cho cô bằng tình thương xót của Ngài.

Vì thế, cuộc đời của Mađalêna đã thay đổi từ đó.

Nếu trước kia đôi mắt của cô là đôi mắt đa tình, thì nay đôi mắt đó đã đẫm lệ ăn năn.

Nếu trước kia mái tóc là vật để trang điểm thân xác và tạo sự chú ý của các chàng trai khát tình, thì giờ đây đã dùng để lau chân Chúa.

Nếu đôi môi là nơi diễn ra những nụ hôn nồng thắm phục vụ cho những cuộc ăn chơi trác táng, thì giờ đây cô đã dùng vào việc hôn chân Chúa.

Nếu trước kia dầu thơm là mồi câu khách làng chơi, thì giờ đây, cô đã dùng vào việc xức chân Chúa.

Tất cả những hành vi đó của cô đã biểu lộ một đức tin tuyệt đối và lòng yêu mến nồng nàn với Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát cô khỏi tội lỗi và khỏi chết.

Thật vậy, cuộc đời của mỗi con người đều có một quá khứ và tương lai, các thánh là những người cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó! Điển hình là Mađalêna, cuộc đời của ngài từ tội nhân trở thành thánh nhân nhờ ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ lòng bao dung tha thứ của Đức Giêsu, Mađalêna đã được phục hồi giá trị làm người và làm con Thiên  Chúa. Bây giờ cô có quyền ra đi trong cuộc sống với một tâm hồn bình an vì đã yêu nhiều nên được tha nhiều.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa trong tâm tình thống hối ăn năn.

Hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Vì tội chúng ta có đỏ như son, có thẫm tựa vải điều, thì Thiên Chúa cũng tẩy cho trắng như bông, sạch như tuyết.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải quay trở về với Chúa trong sự khiêm tốn, ăn năn, tin tưởng. Tất cả được xây dựng trên lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin cứu chúng con khỏi tội lỗi, và ban ơn giúp sức để chúng con được ơn trở về với Chúa cách trọn vẹn và trung thành như thánh nữ Mađalêna khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Ăn năn thống hối thực lòng

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thái độ ăn năn thống hối thực lòng của người phụ nữ tội lỗi đã được Chúa thương xót. Ai tin tưởng vào tình yêu Chúa, sẽ được cứu độ và được bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền từ và hay thương xót, tấm lòng bao dung của Chúa là nơi nương tựa cho con là kẻ tội lỗi. Nhờ lòng thương xót của Chúa, một người dù tội lỗi đến đâu, cũng vẫn có cơ may làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, Chúa không đánh giá chúng con theo vẻ bên ngoài hoặc dựa vào công nghiệp của chúng con. Trái lại, Chúa xét xử con người theo những tâm tình, suy tưởng sâu kín trong lòng, Chúa thấu suốt tâm tình sám hối chân thành phát xuất từ lòng yêu mến.

Phủ phục dưới chân Chúa, người phụ nữ tội lỗi không nói gì mà chỉ biết khóc. Chị khóc cho tội lỗi của mình, những giọt nước mắt của lòng sám hối ăn năn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được sự nặng nề của tội con đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xin cho con được lòng yêu Chúa để biết khóc tội lỗi mình. Xin đừng để lòng con chai đá, nhưng giúp con biết chân thành sám hối.

Lạy Chúa, Chúa đã tha, đang tha, và mãi mãi tha hết những lỗi lầm con xúc phạm đến Chúa. Chúa yêu con vô bờ. Xin cho con luôn tin tưởng vững vàng và cậy trông vào Chúa, cho con biết siêng năng đến với Chúa nơi bí tích Hòa Giải, để con được giao hoà lại với Chúa và anh em. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho con được tái sinh và có sức mạnh đổi mới đời sống. Chỉ trong Chúa con mới tìm lại được bình an và được sống trong tình yêu. Con được tha nhiều, con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

Ghi nhớ: “Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

 

Suy Niệm 8: Yêu nhiều, được thứ tha nhiều

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Người Hồi giáo có chuyện sau đây: Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho Tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian”.

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời.

Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Người phụ nữ đến bên Chúa Giêsu là một người tội lỗi, trong thành ai cũng biết. Theo luật Do Thái thì người tội lỗi không được phép tiếp xúc với người bình thường (thanh sạch), vì nếu tiếp xúc sẽ làm lây lan tội lỗi cho người thanh sạch.

Chị bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bất chấp cả luật cấm, có thể khiến chị bị ném đá, để thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình: Đến quỳ dưới chân Đức Giêsu, vị Thầy rao giảng tình thương, bao dung với người tội lỗi. Chị khóc nức nở, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài và không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương) xức chân Ngài...

 Một hình ảnh khác cũng giống như chị, người thu thuế là một dạng tội nhân công khai khác (x. Lc 7,29), đã nhìn nhận tội lỗi và tin rằng Thiên Chúa công chính, anh ta cũng  nhận được ơn tha thứ của Người.

Trước niềm tin mạnh mẽ và tình yêu mến chân thành, chị đã được Chúa tha thứ dù tội chị rất nhiều, vì sự sám hối và tình yêu tỏ lộ. Ngài nhấn mạnh ý nghĩa hành động của người phụ nữ: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều”. Như vậy niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để được ơn tha thứ và cứu độ.

Xin Chúa cho chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng bao dung và luôn yêu thương khi nhìn nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải. Dù tội của chúng ta có thẫm như vải điều, Thiên Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết.

Ý lực sống:

“Ai yêu mến nhiều thì được thứ tha nhiều!” (Lc 7,47).

 

Suy Niệm 9: Người phụ nữ sám hối

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Hôm nay một người biệt phái tên là Simon mời Đức Giêsu đến dùng bữa. Tình cờ có một phụ nữ tội lỗi khét tiếng trong thành đến phục dưới chân Chúa khóc lóc tỏ dấu ăn năn qua một số việc chị làm cho Chúa. Người phụ nữ này tuy có tội nặng hơn mọi người, nhưng chị biết lỗi và tin tưởng vào Đức Giêsu. Chị bất chấp cái nhìn khinh miệt của mọi người để tìm đến với Đức Giêsu. Trước niềm tin mạnh mẽ và lòng mến chân thành, dù tội chị rất nhiều, nhưng chị đã được tha tất cả. Như vậy, niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để chúng ta được ơn tha thứ và cứu độ.

Thường người biệt phái không ưa Đức Giêsu và chỉ tìm cách gài bẫy để ám hại Ngài. Tuy thế, thánh Luca cho chúng ta biết cũng có một thứ biệt phái lễ độ hơn, vẫn có cảm tình với Ngài, họ dám mời Ngài đến nhà dùng bữa. Hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta việc ông Simon, một người biệt phái, mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông.

Theo phong tục của Phương Đông, khi nhà có tiệc tùng thì cửa thường bỏ ngỏ, kẻ ra người vào tấp nập. Một người đàn bà, ai cũng biết thường tội lỗi lẻn vào đứng đàng sau đám thực khách. Bà mang theo một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Rồi quỳ xuống dưới chân Chúa, vì lúc ấy Chúa đang nằm trên đi văng để ăn theo thói quen các thực khách. Bà khóc nức nở, xức dầu thơm, hôn bàn chân ướt đẵm nước mắt và lấy tóc mà lau. Mọi người trố mắt nhìn cho là một việc quái gở, nhất là ông chủ nhà Simon... Nhưng Đức Giêsu coi như không để ý đến những người chung quanh mà chỉ nói với cô ta: “Tội chị rất nhiều, nhưng đã được tha rồi, vì chị đã yêu mến nhiều”.

Tin mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa, phiên tòa không có luật sư bảo hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.

Có được bình an trong tâm hồn là điều quý giá nhất Đức Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Đức Giêsu. Người phụ nữ trong Tin mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người chung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Đức Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều”. Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.

Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất hiện từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải có cái nhìn đúng về người và về mình, nghĩa là chúng ta đừng xét đoán người khác dựa trên những tiêu chuẩn của luật lệ, phong tục, và lối sống của chúng ta (Gl 6,4; Rm 2,17-24). Người ta thường nói “Xanh vỏ đỏ lòng”, câu tục ngữ có ý dạy chúng ta phải lưu ý trong việc đánh giá một người hay một sự việc. Nhiều khi bề ngoài là xấu nhưng từ bản chất là tốt. Nếu chỉ đánh giá theo cái vỏ bên ngoài thì sẽ sai lầm.

Trong bài Tin mừng, người biệt phái, cùng những người khách khác ở bàn tiệc, đã không thể nhìn vào người phụ nữ như Đức Giêsu đã nhìn. Những phong tục, luật lệ, thiên kiến và lối sống đã giới hạn họ. Họ đã xếp loại người phụ nữ này là người tội lỗi. Họ đã tự nghĩ rằng bản thân mình tốt hơn người phụ nữ này nhiều.

Truyện: Chiếc đèn cũ kỹ

Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông tìm được một cây đèn cũ đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ. Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui. Dù sao, ông cũng đốt lên và nó tỏa ra ánh sáng yếu ớt. Đã vậy, bấc đèn bốc khói toả ra một mùi khét lẹt.Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông: “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông. Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

Ba tuần sau, lại cúp điện. Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng. Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên. Một ánh sáng màu hồng toả ra làm cả nhà thích thú. Ông chồng nói:

- Cái đèn này thật tuyệt. Bà mua nó ở đâu?

Bà đáp:

- Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy!

Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói:

- Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nó như thế này?

Bà đáp:

- Thật ra chẳng tốn gì mấy. Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp. Và ông không thấy rằng tôi có lý sao?

Ông đáp:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với bà.

 

Suy Niệm 10: Người phụ nữ sám hối

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chuyện người đàn bà tội lỗi lau chân Chúa Giêsu:

- Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng, “trong thành ai cũng biết”

- Nàng bày tỏ lòng sám hối rất công khai: a/ trong một bữa tiệc, trước mặt nhiều người; b/ không tiếc bình dầu thơm quý giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương); c/ quì gối dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, xổ tóc ra (một cử chỉ có thể bị kết án là tự làm ô nhục), lấy tóc lau chân Chúa.

Câu nói của Chúa Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: “tội nàng nhiều nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”

B.... nẩy mầm.

1. Cô gái này dạy tôi nhiều điều về sự sám hối:

- sám hối không phải chỉ là một tâm tình kín đáo che dấu bên trong không cho ai biết. Đôi khi, nếu cần, cũng phải bày tỏ ra bên ngoài.

- khi bày tỏ, không nên ngại xấu hổ, sợ dư luận, sợ tốn kém… những xấu hổ, dư luận và tốn kém ấy cũng là cách tôi phải chịu đề đền tội.

2. Có thể nói “nhờ” phạm nhiều tội lỗi, nên nàng đã yêu mến Chúa nhiều, đã sám hối chân thành và được tha thứ nhiều. Phụng vụ gọi đây là “tội hồng phúc” (felix culpa).

Xin cho ý thức bề những tội của con là động cơ khiến con càng yêu mến Chúa nhiều hơn.

3. Nàng được tha nhiều nên sau đó nàng càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Ước gì đây cũng là tâm tình của tôi mỗi khi tôi lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích hòa giải.

Yêu nhiều thì được tha nhiều: Yêu là nguyên nhân của tha thứ; được tha nhiều thì càng yêu nhiều: yêu là kết quả của tha thứ.

4. Chuyện này cho tôi thấy được sự liên hệ kỳ diệu giữa tội lỗi / tình yêu / và tha thứ. Tôi là xấu nhưng trở thành tốt khi được đặt trong liên hệ kỳ diệu ấy.

5. “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47)

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ và cũng là cho tôi một kỷ niệm là Thập giá Tình yêu. Vâng, chính Thập giá của Đức Kitô đã xóa muôn vàn tội lỗi của tôi và của bạn, và mở ra cho một cuộc sống mới, cuộc sống Phục sinh.

Hình ảnh người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ hết nhắc nhở tôi rằng: Thiên Chúa không chỉ có Tình yêu mà Ngài là Tình yêu.

Càng sống yêu thương, tôi càng dễ nhận ra Chúa hiện diện trong tôi. Những lúc từ chối tình yêu, tâm hồn tôi trở nên trống vắng và cô đơn, tôi trở nên ích kỷ, xa rời Thiên Chúa và mọi người.

Lạy Chúa tình yêu, xin cho con không chỉ biết khóc lóc ăn năn tội lỗi của mình, mà còn biết bù đắp lại bằng chính tình yêu của con. (Hosanna)

 

Suy Niệm 11: Cảm nhận tình Chúa để yêu Chúa nhiều

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Câu chuyện chúng ta vừa nghe thật hết sức sống động.

Những việc Luca ghi lại diễn ra trong sân nhà ông Simon, một đạo sĩ của người Do Thái. Chúng ta nên biết: Nhà cửa của giới giàu có thời đó thường có khu sân rộng, có khi rộng như một công viên. Trong sân thường có vườn cây và giếng nước. Vào mùa nóng nực người ta thường bày bàn ăn tại đây.

Ở xứ Palestine mỗi khi có một Rabbit đến nhà nào đó dự tiệc, thì mọi người đều được tự do đến nghe những lời khôn ngoan do Rabbit ấy dạy. Thói quen đó giải thích cho chúng ta biết sự có mặt của người đàn bà này trong nhà Simon là một việc bình thường.

2. Khi có khách đến nhà, người ta thường làm ba việc sau đây:

- Trước hết chủ nhà đặt tay lên vai khách và tặng vị khách một cái hôn hòa bình. Đó là dấu hiệu của lòng tôn kính, nhất là trong trường hợp gặp một Rabbit danh tiếng.

- Vì đường sá đầy cát bụi và giày chỉ là những đôi dép đơn giản, nên người ta đổ nước lạnh lên bàn chân khách để rửa sạch bụi và làm mát chân cho khách.

- Và cuối cùng người ta đốt lên một nhúm hương liệu hoặc đổ một giọt dầu hoa hồng lên đầu khách cho thơm.

Những việc đó luôn được coi như là những đòi hỏi của phép lịch sự. Thế nhưng ở đây chúng ta thấy chủ nhà hôm đó đã không làm những việc này.

3. Cũng nên biết điều này: Bên Do Thái khi ăn, thực khách không ngồi, nhưng nằm nghiêng quanh bàn tiệc, hai chân khách duỗi thẳng về phía sau và không mang dép. Họ dựa người trên những gối thấp, chống trên khuỷu tay trái, còn tay mặt thì tự do lấy đồ ăn. Với tư thế nằm ăn như vậy thì người đàn bà mới có thể đứng gần chân Chúa Giêsu.

Simon là một đạo sĩ Do Thái, một trong những người thuộc nhóm biệt phái.

Chúng ta không hiểu tại sao một một người như vậy lại dám mời Chúa Giêsu tới nhà mình?

- Có người cho rằng, rất có thể ông là người có lòng mến phục Chúa Giêsu. Nhưng khi nhìn lại bầu không khí thiếu lịch sự của ông Simon, thì người ta không thể chấp nhận ý kiến này được.

- Cũng có thể Simon mời Chúa Giêsu vào nhà mình để gài bẫy ngài, mong bắt gặp một câu nói hay một hành động nào đó để có cớ buộc tội Ngài. Nhưng giả thiết như thế cũng không ổn vì câu 40 trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông đã tôn tặng Chúa Giêsu danh hiệu Rabbit.

- Rất có thể Simon là người thích nổi tiếng. Với thái độ nửa trọng nửa khinh, ông đã mời “chàng thanh niên kỳ lạ này” đến ăn tiệc tại nhà mình. Giả thiết như thế, ta mới hiểu tại sao lại có sự pha trộn giữa thái độ vừa có vẻ tôn kính lại vừa có thái độ khinh khi đối với Chúa khi ông cố tình bỏ qua phép lịch sự đáng ra phải giữ đối với Ngài. Như vậy chúng ta có thể thấy rõ ràng Simon là một người có thái độ kẻ cả đối với Chúa Giêsu.

Khi Chúa Giêsu đang dùng bữa, thì có một phụ nữ bỗng nhiên vào nhà, dù bà ta không phải là khách được mời. Chắc hẳn người phụ nữ này đã có dịp được biết Chúa. Bà muốn xức dầu cho Chúa như một cử chỉ biểu lộ lòng tôn trọng của bà. Vì quá xúc động, bà đã khóc. Nước mắt đã làm ướt cả bàn chân Chúa trong tư thế đôi chân đang duỗi dài ra, lúc nằm chống tay để dùng bữa theo phong tục Do Thái. Rồi bà xõa tóc ra lau chân và hôn chân Ngài như một dấu hiệu của sự tôn trọng và lòng biết ơn sâu xa. Những hành động như thế thường người ta không làm giữa nơi công cộng.

Thấy như thế, ông Simon đã thầm trách Chúa. Ông nghĩ nếu Chúa thực là một tiên tri thì hẳn Ngài phải nhận biết đây là một phụ nữ như thế nào chứ: một người tội lỗi, cần phải lánh xa.

Chúa biết ý của Simon, nên Ngài mới kể câu chuyện về hai người mắc nợ, ngầm cắt nghĩa cho ông Simon biết lý do nào người phụ nữ này đã hành động như thế và đồng thời, cũng cho ông Simon biết dù ông là người đã mời Chúa nhưng ông đã không đón tiếp Chúa cho phải phép và đã không rộng lòng với Chúa như người đàn bà này.

Câu chuyện kết thúc bằng lời của Chúa nói với người phụ nữ:

- Hãy đi bình an.

Chúa luôn quan tâm đối với những kẻ đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Trong câu chuyện những người mắc nợ Chúa Giêsu kể, chúng ta thấy tình yêu thương và sự tha thứ gắn liền với nhau. Nếu chưa bao giờ chúng ta cảm nhận được một cách sâu xa rằng mình cần được Chúa tha thứ thì chúng ta sẽ không thể nào yêu mến Chúa hoặc biết ơn Ngài được. Chúng ta chỉ thật sự yêu Chúa khi nhận ra tình yêu của Ngài dành cho và nhờ đó chúng ta được tha thứ. Đây chính là điều Gioan đã nói: “Chúng ta yêu Chúa vì ngài đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19).

Nguyện Chúa cho chúng ta cảm nhận được tình Chúa yêu để có thể yêu Ngài nhiều hơn. Amen.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-nam-16092021-thanh-cornelio-giao-hoang-va-thanh-cypriano-giam-muc-tu-dao-le-nho-yeu-men-nhieu-tha-thu-nhieu.html