Thứ Năm 08/07/2021 – Thứ Năm tuần 14 thường niên. – Rao giảng về Nước Thiên Chúa.

Thứ Năm 08/07/2021 – Thứ Năm tuần 14 thường niên. – Rao giảng về Nước Thiên Chúa.

"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

 

Lời Chúa: Mt 10, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:

"Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chúc bình an

Suy niệm :

Trước khi sai các Tông Đồ lên đường truyền giáo,

Thầy Giêsu đã dặn dò họ nhiều điều.

Họ được sai đến với ai: với những đồng bào của họ là người Israel.

Sau này họ mới được sai đến với dân ngoại, với mọi dân tộc (Mt 28, 20).

Họ đến để làm gì: rao giảng về Nước Trời gần đến,

chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết, khử trừ ma quỷ ra khỏi lòng người (c. 8).

Họ đến để đem lời chúc bình an cho những ai mở lòng lãnh nhận (c. 12).

Họ không nên mang theo những gì: tiền vàng, bạc hay đồng để giắt lưng,

bao bị để đựng đồ, hai áo để thay đổi, giày dép để bảo vệ đôi chân,

cả chiếc gậy vừa để đi đường xa, vừa đề phòng nguy hiểm (cc. 9-10).

Cách hành xử của họ cũng được Thầy nói rõ.

Họ làm mọi việc mà không đòi bất cứ điều gì để trả công.

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (c. 8).

Họ đã nhận được Nước Trời như một món quà,

họ cũng muốn trao đi như một quà tặng.

Điều duy nhất họ mong là được người ta lo cho thức ăn, chỗ ở.

“Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (c. 10).

Khi nghe lời dặn dò của Thầy Giêsu,

chúng ta thấy ngay mẫu người tông đồ mà Thầy mơ ước.

Đó là con người bị cuốn hút bởi những bận tâm về Nước Trời,

nên siêu thoát khỏi mọi vướng bận trần tục.

Nước Trời phong phú và giàu có đủ làm họ mãn nguyện,

nên họ coi nhẹ chuyện ở, chuyện mặc, chuyện ăn.

Chính lối sống đơn sơ giản dị, thậm chí thiếu thốn của họ,

là một lời chứng về những gì trên cao.

Họ cũng phải chấp nhận mình có thể bị từ chối, không được đón tiếp.

Một thành, một làng hay một nhà có thể không chấp nhận Tin Mừng,

và họ phải khiêm tốn tìm đến nơi thuận lợi hơn (c. 14).

Các tông đồ thế kỷ 21 hẳn không thể sống theo nghĩa đen những lời trên đây,

nhưng cũng không được gạt bỏ tinh thần mà Đức Giêsu vẫn muốn ta giữ mãi.

Nhẹ nhàng, thanh thoát, khó nghèo, phó thác, không tính toán lợi danh,

gieo rắc niềm vui và an bình, chữa lành và giải phóng con người khỏi nô lệ.

Và trên hết là một lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn,

và một lòng yêu thương cháy bỏng đối với đoàn chiên vất vưởng bơ vơ.

Đó vẫn là hành trang muôn thuở của người tông đồ qua mọi thời đại.

Thời nay người tông đồ được trang bị nhiều phương tiện hiện đại,

với những cơ sở vững vàng, với số vốn ổn định, với tri thức bằng cấp đầy đủ.

Những điều đó vẫn không khiến chúng ta bỏ rơi tinh thần của Thầy Giêsu.

Bởi lẽ mất tinh thần của Thầy, chúng ta chẳng còn là tông đồ nữa.

Thánh Phanxicô Assisi đã bị đánh động khi đọc đoạn Tin Mừng này.

Và ngài đã muốn đưa Giáo hội trở lại với lối sống nghèo khó.

Rất có thể việc truyền giáo của chúng ta ở châu Á chưa có kết quả

chỉ vì chưa có những tông đồ dám sống triệt để lời dặn dò của Thầy Giêsu.

Mà lời dặn dò của Thầy lại rất hợp với tinh thần của người châu Á.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính Ta” (Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Trái tim Thiên Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa có trái tim dễ rung động. Đó là điều Hô-sê khám phá. Người yêu Ít-ra-en bằng tình yêu dịu dàng, tha thiết và trìu mến. “Khi Ít-ra-en còn non trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó…Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má”. Tuy Ép-ra-im từ chối, nhưng Chúa không thể không yêu: “Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. Thật là một trái tim yêu thương tha thiết. Không thể từ bỏ dù bị phản bội (năm chẵn).

Giu-se là người của Chúa. Ông hiểu chương trình của Chúa. Nên ông cũng mang trái tim của Chúa. Vì thế, tuy bị anh em ghen ghét bán sang Ai-cập nhưng ông không hề oán hận. Trái lại khi gặp anh em, ông xúc động không cầm được nước mắt. Tha thứ hết mọi tội lỗi của anh em. An ủi anh em vì đây là kế hoạch của Chúa. Và chủ động làm hoà, để anh em sống trong tình huynh đệ chan hoà: “Ông Giu-se không thể cầm lòng trước mặt tất cả những người đứng bên ông…Ông oà lên khóc…nói với anh em: ‘Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Theien Chúa đã gửi tôi đi trước anh em”. Thật là một trái tim quảng đại, yêu thương, tha thứ (năm lẻ).

Chúa Giê-su mong ước người môn đệ của Chúa cũng có trái tim của Chúa. Một trái tim tràn đầy yêu thương. Đi cứu vớt những con chiên lạc: “Anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Một trái tim nhân hậu thương xót. Cúi xuống những lầm than khốn khổ của con người. Để chữa lành. Để giải phóng. Để vỗ về: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ”. Một trái tim yêu thương vô vị lợi không đòi đền đáp: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”. Một trái tim trong sạch, không vướng mùi tiền bạc vật chất: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy”. Người môn đệ đi rao giảng Nước Trời. Không cậy dựa và càng không tìm kiếm hay bám víu vào những giá trị trần gian. Hành trang duy nhất chỉ mang theo trái tim của Chúa. Đi đến đâu đem bình an đến đấy: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy”.

Chỉ cần có trái tim của Chúa người môn đệ giới thiệu Nước Thiên Chúa đã đến. Vì khi mang trái tim của Chúa các ngài đã ở thiên đàng rồi.

 

Suy Niệm 3: Chỉ thị truyền giáo

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỷ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Ðã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Ðừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.

Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian. Xin giải thoát chúng ta khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, để chúng ta không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Gieo vãi khắp nơi

“Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng.” (Mt. 10, 8-9)

Những thất vọng lớn nhỏ

Còn gì đáng thất vọng hơn là ủ một thúng cơm rượu, mà chẳng thấy nó lên men, gieo hạt lúa xuống ruộng, mà hạt vẫn nằm trơ không nảy mầm, trồng một cây bông trong vườn, mà chẳng thấy cây trổ bông bao giờ.

Còn đáng buồn hơn nữa là khi ta đã khó nhọc gieo hạt giống Nước Trời, đã cố gắng quảng bá Tin mừng, thế mà lại chẳng được nhìn thấy kết quả của những nỗ lực kia. Nhiều linh mục cũng như giáo dân đang hoạt động mục vụ cách này cách khác, thường có cảm giác như mình đang làm việc luống công. Đã chẳng được ai nghe theo, lại còn bị nhiều người tỏ ra lãnh đạm hoặc chống đối. Thế là họ đâm ra chán nản, muốn buông xuôi.

Đừng lên cơn đau tim

Trong đoạn Phúc âm chúng ta vừa đọc, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết là người ta sẽ không đón tiếp các ông. Nhiều người sẽ không muốn biết gì về các ông. Có kẻ sẽ đóng chặt cửa nhà khi vừa thoáng thấy bóng dáng của các ông.

Chúa kêu gọi các môn đệ đừng quá lo lắng bồn chồn, đừng mất bình tĩnh, đừng kích thích cơn đau tim. Những chuyện đó phải có thôi. Nếu người ta không đón tiếp, hãy phủi bụi chân và đi nơi khác. Nếu hạt gieo chỗ đất ấy không mọc lên, đừng ngần ngại đi gieo vãi trên những mảnh đất mới khác.

Chớ gì đây là nguyên tắc để ta hành động. Dừng đâm đầu vào tường, vì có ích gì; đừng như trái banh xì hơi vì sẽ không lăn được như ta muốn. Thiên Chúa yêu cầu ta cứ rộng tay gieo vãi, gieo vãi muôn nơi không biết mệt mỏi. Nếu chuyện ta trù tính không tién hành được, hãy tính đến chuyện khác. Nếu những người ta muốn đem tin mừng đến cho họ, lại bịt tai không muốn nghe, hãy nói cho người khác. Ta cứ gieo đi, gieo khắp nơi. Chưa vội nghĩ đến mùa thu hoạch.

 

Suy Niệm 5: CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 10, 7-15)

Xem lễ thánh Banaba Tông Đồ ngày 11/6

Đức Giêsu đã trao truyền cho các môn đệ sứ mạng và sự nghiệp của chính Ngài.

Thật vậy, hôm nay, như một người thầy nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc lên đường, Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông chữa lành, và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.

Sau đó, Đức Giêsu đã căn dặn các ông về căn tính của người môn đệ:

Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương.

Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, trao phó mọi sự nơi Chúa. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy".

Thứ ba là thái độ của người ra đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh. Luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình.

Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội chủ chương vô thần, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Lập trường của họ là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin... Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy... nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người môn đệ. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.

Tuy nhiên, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không có cách nào được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo cái gọi là bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.

Cuối cùng, lời chào của người ra đi là lời chúc bình an của Chúa chứ không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác mang tính phàm tục.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên môn đệ đích thực của Chúa như lòng Chúa mong ước. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Rao giảng – phó thác hoàn toàn vào Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng với hai bàn tay trắng, vì Ngài muốn kẻ được sai đi luôn tin tưởng, phó thác, lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa đòi hỏi họ thật gắt gao, và lệnh truyền của Chúa thật quyết liệt. Con rùng mình khi đọc lại trang Tin Mừng này. Chúa có quyền làm như thế, vì các tông đồ là kẻ được sai đi, là người có bổn phận làm điều Chúa đòi hỏi.

Ngày nay Chúa cũng sai con đi vào thế giới với tư cách người tông đồ. Chúa biết rõ con ngại ngùng nhưng Chúa không rút lại lệnh truyền. Chúa biết con do dự nhưng Chúa vẫn đòi hỏi gắt gao. Hành trang Chúa cho mang theo chỉ là hai bàn tay trắng, cùng với lòng tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào quyền năng Chúa. Và nếu ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng khi trở về nặng trĩu những hoa trái thành công, con cũng không dám tự mãn kể công, vì tất cả đều là ân huệ Chúa ban. Ngay cả khi ra đi với hai bàn tay trắng và trở về vẫn với bàn tay không, con cũng không mặc cảm buồn sầu, nhưng phó thác tất cả nơi Chúa. Vì thế, lạy Chúa, con không còn bận tâm đến thành công hay thất bại, nhưng chỉ quan tâm một điều duy nhất là: thực hiện điều Chúa muốn với tất cả tấm lòng nhiệt tình mến yêu.

Lạy Chúa, việc rao giảng Tin Mừng thành công không phải vì con có nhiều tiền bạc, không phải vì con có nhiều tài cán khả năng. Xin Chúa giúp con luôn biết giữ tâm hồn siêu thoát, nhẹ nhàng, trên đường phục vụ trong khiêm tốn. Xin giúp con làm tròn nhiệm vụ của mình trong gia đình, trong đoàn thể, trong giáo xứ, như một quyết tâm sống Lời Chúa dạy, như một thực hành đúng sứ mạng Chúa truyền ban. Amen.

Ghi nhớ : “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

 

Suy Niệm 7: Rao giảng nước tình yêu, công chính và bình an

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assise, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa...

Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh: Thưa cha, giảng ở đâu ạ ? Cha thánh trả lời: Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.

Suy niệm

Lời Thầy không luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Các con hãy ra đi…”.

“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, ra đi thoát khỏi cái tôi ích kỷ, chỉ quanh quẩn cho chính mình, nhưng cất bước lo cho sứ mạng gieo giống Tin Mừng, làm việc trên cánh đồng truyền giáo.

Ra đi và nói lớn cho thế giới: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”, đó là nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an. Cho nên phải chuẩn bị, bằng tâm tình sám hối, như Gioan Tẩy giả loan báo (x. Mt 3,3), như chính Thầy cũng loan báo (x. Mt 4,12 -17; Mc 1,14-15; Lc 4,14 -15). Lo việc nước Trời và công chính trước tiên (x. Mt 6,33).

Ra đi và “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”, môn đệ như thầy chí thánh quan tâm chia sẻ đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12,15). Và tại Cửa Đẹp đền thờ, thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “ “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi! “… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3,6-7).

Ra đi “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”, nhưng tín thác hoàn toàn vào Thầy, sống nghèo khó, thanh thoát trước các phương tiện của con người... và không lo lắng thái quá về vật chất, nhưng luôn chú tâm vào sứ mạng được sai.

Ra đi và khi “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”. Những người mang sứ mạng Tin Mừng luôn mang và quan tâm tới sự an bình và chuyển giao bình an Tin Mừng mà mình sở hữu trong tư cách sứ giả Tin Mừng cho gia đình, cộng đồng và những con người mà mình gặp. Sự bình an sẽ chiến thắng lo âu, sợ sệt… sinh niềm vui tâm hồn… Sự bình an như ngôn sứ Isaia loan báo bằng hình ảnh: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12).

Lời mời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa xa xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.

Ý lực sống:

Ra đi cứu độ - gieo bác ái,

Sứ mạng tông đồ tỏa thơm hương.

 

Suy Niệm 8: Chúa huấn dụ các Tông đồ (Mt 10,7-15)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau khi gọi 12 Tông đồ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu huấn dụ các Tông đồ nhiều điều khi sai các ông đi thực tập truyền giáo.

Trong huấn dụ truyền giáo, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo thì “đừng mang gì cả”. Người tông đồ của Chúa không được lệ thuộc vào vật chất, nhưng cần nhẹ nhàng thanh thoát như một người lữ hành. Hơn nữa, một người loan báo Tin mừng phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa quan phòng.

Bài Tin mừng hôm nay đặc biệt hoạ lên chân dung của một vị Tông đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng

Tin mừng: mang sứ điệp Nước trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Vậy Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo tới nơi nào? Dặn dò các ông mang những gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Phải có thái độ nào khi người ta tiếp đón hay không tiếp đón, thậm chí còn bị người ta xua đuổi... Đó là những điều chúng ta cần tìm hiểu trong bài này.

Trước hết, Chúa bảo các ông phải rao giảng Nước trời. Đó là nội dung sứ điệp các ông phải giảng dạy. Nước trời đã được Ngài loan báo và thiết lập, nghĩa là với sự xuất hiện của Ngài, Nước trời không còn xa xôi, cũng không còn là lời hứa, nhưng đã hình thành trong thời gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước trời ở trần gian.

Tiếp đến là khi đi truyền giáo, Chúa bảo các ông phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nghĩa là người môn đệ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, của cải vật chất, phải thoát ly ra ngoài vòng kiềm tỏa của tiền bạc...

Sau cùng, Chúa cho các ông biết: công việc rao giảng của các ông không dễ dàng, có người chấp nhận, có người không. Vậy các ông phải có thái độ thế nào? Gặp được nhà nào tốt lành chính đáng, niềm nở đón tiếp, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách...

Tin mừng hôm nay cũng cho thấy một điểm khó hiểu đến phi lý, đó là Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi vào một nơi vô định với hai bàn tay trắng, ngay cả một chút tiền túi cũng không, tất cả đều nằm trong chờ đợi. Thật là nghịch lý và khó hiểu, nhưng đó lại là điều Chúa muốn nơi các môn đệ: Ngài muốn cho họ sống nghèo khó để rồi khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực. Người môn đệ nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giàu hoặc không được phép hưởng dùng của cải. Nhưng trong sự nghèo khó, họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của giàu có và cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó họ sẽ an tâm dồn nỗ lực cho việc rao giảng Tin mừng cứu rỗi (Mỗi ngày một tin vui).

Hôm ấy là lễ thánh Têrêsa Avila, dòng kín Carmêlô tại Lisieux mở cửa cho giáo dân và du khách viếng thăm. Có một người du khách không hiểu lý do đời sống khắc khổ của các nữ tu đã thầm nghĩ: chỉ có những người không đủ ăn đủ mặc mới dấn thân vào đây. Gặp một nữ tu tại hành lang, ông nói: “Này chị, giả như chị có toà nhà sang trọng như toà nhà ở ngoài cổng đối diện với nhà Dòng, chị có thể hy sinh chôn mình trong bốn bức tường Dòng Kín này không?” Chị nữ tu mỉm cười trả lời: “Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi”. Quả thật, đó là nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng mà người du khách hiếu kỳ vừa chất vấn.

Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.

Truyện: Nhạc sĩ phó tế Vũ Thành An

Mới đây, với chủ đề nhạc thính phòng, trung tâm ca nhạc Thuý Nga có trụ sở tại Paris đã giới thiệu một số nhạc sĩ quen thuộc, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An được chú ý tới một cách đặc biệt. Người ta chú ý đến người nhạc sĩ này không phải vì những “Bài ca không tên” bất hủ của ông hồi năm 1975. mà vì cuộc hành trình đức tin mà ông đã chia sẻ trong cuốn băng.

Như một linh mục đứng trên bục giảng trong nhà thờ, nhạc sĩ Vũ Thánh An cho biết ông đã gặp gỡ Chúa Kitô. Với tất cả niềm vui và xác tín của mình, ông đã kể lại cho mọi người nghe tại sao ông đã trở lại với đức tin Công giáo? Tại sao ông đã chuyển hướng để chỉ sáng tác thánh ca và hiện đang phục vụ Giáo hội trong chức phó tế vĩnh viễn.

Với những khán thính giả ngoài Kitô giáo, những điều chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Thành An hẳn là một trong những bài giảng hay nhất và có sức thuyết phục nhất. Dù có dửng dưng và lạnh lùng đến đâu có lẽ không ai mà không bị đánh động bởi cung cách tuyên xưng và rao giảng Tin mừng một cách vô cùng đơn sơ và cũng vô cùng can đảm của người nhạc sĩ này.

Truyền giáo là chia sẻ niềm tin mà mình đã và đang sống một cách xác tín và triệt để. Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực thi đúng mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay: “Các con đã nhận lãnh nhưng không, các con cũng hãy cho nhưng không”.

 nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-nam-08072021-thu-nam-tuan-14-thuong-nien-rao-giang-ve-nuoc-thien-chua.html