Thứ Hai 29/10/2018 – Thứ Hai tuần 30 thường niên. – Đừng giả hình

29/10 – Thứ Hai tuần 30 thường niên.

"Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"

 

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?" Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

 

Suy Niệm 1: Cốt Lõi Của Ðạo

Một đêm mùa Ðông lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ không phải là trại tế bần".

Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn: "Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật, ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".

Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm qua".

Về sau, vị tu sĩ canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một mạng người sống".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ngọn Lửa Nội Tâm

Thế vận hội năm 2000 dành cho những người khuyết tật đã kết thúc một cách tốt đẹp tại Sydney, Australia. Buổi lễ khai mạc hôm tối thứ Tư 18/10/2000 vẫn là biến cố được theo dõi nhiều nhất. Khi nữ lực sĩ ngồi xe lăn người Úc là cô Louis Xaviest châm ngọn đuốc vào vạc dầu nhỏ đặt giữa sân vận động, đám đông khán giả ngồi chật trong vận động trường đã đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng. Louis Xaviest được chọn để châm ngọn lửa khai mạc thế vận hội gồm hơn bốn ngàn lực sĩ khuyết tật của một trăm hai mươi chín phái đoàn tham dự; ngọn lửa soi rọi vào tất cả mọi thành tích của những lực sĩ mà không gì có thể ngăn cản nổi quyết tâm thi đua của họ. Ðiểm xúc động nhất đối với mỗi người dĩ nhiên là hình ảnh của những con người ra sức chống chọi với mọi nghịch cảnh để thắng vượt chính mình.

Ngọn lửa nội tâm, chủ đề của đêm khai mạc thế vận hội dành cho người khuyết tật đã nói lên được tấm lòng hăng say và nhiệt tâm vươn lên ấy. Nét rạng rỡ hân hoan và đầy hưng phấn của hàng ngàn lực sĩ khuyết tật đã thể hiện được ý nghĩa của thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vừa qua, đó là sự chiến thắng của ý chí con người.

Sự chiến thắng của ý chí con người chính là sứ điệp mà thế vận hội dành cho người khuyết tật muốn gởi đến cho thế giới. Nhưng cùng với sứ điệp ấy thế giới cũng đón nhận được một thông điệp khác không kém quan trọng, đó là sự tôn trọng và sự yêu mến cần phải có đối với người khuyết tật. Hàng ngàn lực sĩ được may mắn có mặt trong kỳ thi thế vận hội dành cho người khuyết tật là đại biểu của vô số những người khuyết tật trên khắp thế giới. Họ có thể là những người phải mang thương tật vì tai nạn. Nhưng có biết bao nhiêu người khuyết tật là nạn nhân của chính sự độc ác của con người, và nhất là đang đau khổ vì chính thái độ kỳ thị và dửng dưng của người đồng loại.

Tôn trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật. Ðây là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng đào sâu và sống. Chúa Giêsu luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Ðể đến với những người này, Ngài sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản. Trong Tin Mừng hôm nay, để chữa bệnh cho một người phụ nữ bị còng lưng, Ngài đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người Do Thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Nhiều người Do Thái mà ông trưởng hội đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Ðạo đức giả là bởi vì họ vẫn lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ nhưng lại ngăn cản không cho người khác được làm việc thiện trong ngày này.

Ðối với Chúa Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài đã khẳng định Lề Luật và sách các ngôn sứ đều qui về một mối duy nhất là yêu người. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản để đến với con người. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống do luật pháp và truyền thống của con người dựng lên nhưng cũng có vô số những rào cản do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta. Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.

Nguyện xin Ðấng đã đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người và trở nên mọi sự cho mọi người, xóa bỏ mọi thứ rào cản trong tâm hồn chúng ta để chúng ta bước đi bước trước, tới với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Ngày Sabát, Ngày Làm Vinh Danh Chúa

Ngày sa bát Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” (Lc. 13, 10-12)

Theo sách Thứ luật của Cựu ước, việc thánh hóa ngày thứ bảy (ngày Sa-bát) như là ngày của Chúa, để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng dân Do thái khỏi nô lệ Ai cập. Ngày thứ bảy là dấu chỉ ngày dân Chúa được tự do. Tuy nhiên, nó đã trở thành ngày dân Do thái bị ràng buộc bởi rất nhiều giới luật cấm đoán hơn những ngày khác.

Đức Giêsu muốn phục hưng ý nghĩa chân thực của ngày Sa-bát, nó phải trở nên ngày con người thực hiện nhân phẩm và tự do của con cái Thiên Chúa và làm sáng danh Ngài.

Ngày giải phóng

Đức Giêsu đã chọn một dấu chỉ thế này: một người đàn bà bị quỷ ám từ mười tám năm, quỷ ngăn cản bà nhìn lên Thiên Chúa, hướng về trời, vì nó bắt bà phải còng lưng hẳn xuống, không thể nào đứng thẳng lên được. Bà không ngừng hy vọng được chữa lành, nhưng mọi phương thuốc loài người đều vô hiệu, không thể giải phóng bà khỏi tật gù lưng. Biết được nguyện vọng của bà, Đức Giêsu kêu gọi bà lại, đuổi quỷ ra, và đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát, ông đã lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh vào những ngày đó, đừng đến xin vào ngày Sa-bát”.

Đức Giêsu đáp lại: “Thế ngày Sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi giây, dắt bò lừa rời khỏi máng cỏ đi xuống nước? Còn bà này là con cháu Áp-ra-ham, là con cái Thiên Chúa, bị sa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”.

Ngày Sa-bát chính là ngày của Chúa đã giải phóng dân khỏi nô lệ thì bây giờ Ngài đã dùng quyền năng và lòng thương xót của Ngài mà cứu chữa bà này khỏi nô lệ sa-tan. Còn việc nào làm vinh danh Chúa hơn trong ngày Sa-bát, bằng việc chặt đứt cái giây buộc trói bà và cho bà thứ nước đức tin mà bà hằng cầu xin.

Ngày tạ ơn Thiên Chúa

Ngày Sa-bát là ngày tôn thờ, vâng phục Đấng toàn năng sáng tạo và ngợi khen cảm phục trước những công trình vĩ đại của Ngài, người đàn bà được giải thoát bắt đầu tôn vinh Thiên Chúa. “Còn dân chúng vui mừng vì những việc lạ lùng của Chúa”.

RC

 

Suy Niệm 4: ĐỪNG VÌ LUẬT MÀ BẤT NHÂN VỚI ANH EM! (Lc 13, 10-17)

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: vào một buổi chiều nọ tại một làng quê, người ta đem một người chết đi chôn. Trong khi chuẩn bị hạ huyệt, người nhà nghe thấy có tiếng động trong quan tài? Ngay lập tức, họ báo cho mọi người biết! Vì thế, người chủ sự lễ nghi truyền cho những người khiêng quan tài dừng lại và mở nắp quan tài ra. Mọi người ngỡ ngàng, xôn xao và sợ hãi vì thấy người chết ngồi dạy! Tuy nhiên, vị chủ sự nói với người trong quan tài rằng: “Thưa ông, theo nguyên tắc, việc ông chết đã được thông báo và chúng tôi đã có giấy báo tử của ông trong tay. Vì thế, cứ chiếu theo nguyên tắc, ông phải được chôn xuống. Vì thế, ông vui lòng để chúng tôi thi hành bổn phận”. Dứt lời, vị trưởng nghi truyền cho mọi người đóng nắp quan tài lại và tiếp tục lễ nghi, mặc cho lời van xin của người trong quan tài!

Trên đây chỉ là câu chuyện giả tưởng nhằm phê phán những người sống hình thức, vụ luật, bất nhân.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu lên tiếng chỉ trích rất nặng lời với những người sống vụ luật và bất nhân đối với người khác.

Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu chữa người đàn bà bị quỷ ám làm cho khòm lưng đã 18 năm vào đúng ngày Sabát. Thấy vậy, ông trưởng hội đường xem ra có vẻ khó chịu vì Đức Giêsu đã vi phạm luật ngày Sabát. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng nói: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabát, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabát sao?". Qua câu hỏi đó, Đức Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới, đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật. Luật mà không có tình yêu lồng vào thì đó là luật chết, vì nó giết chết con người cách khủng khiếp nhất.

Ngày nay, vẫn có nhiều người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi này đến chuỗi khác. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo đức đó, tức là “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Nhưng chớ trêu thay, vẫn còn đó những cái xác không hồn khi không biết sống yêu thương, không có tấm lòng bác ái, nhân từ, vẫn sống man trá, lọc lừa nhân danh thứ đạo đức dởm bề ngoài. Lại có nhiều người đi lễ đâu phải vì lòng mến Chúa, mà chủ yếu là khoe mẽ quần là áo lượt! Vì thế, khi thấy cha giảng hơi dài một chút là khó chịu, bực tức, hoặc khi cha dẫn giải Lời Chúa mà đụng chạm đến lòng tự ái của mình là đùng đùng nổi giận và chỉ trích cha thế này, cha thế kia...! Tệ hơn nữa là đi lễ chỉ vì luật, nên không thiếu gì những bạn trẻ đi lễ “ôm” hay thuộc đạo “gốc”; đạo “ngắm”; đạo “dòng”!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần thoát ra khỏi những kiểu giữ đạo vì sợ điều này điều kia. Hay đi lễ nhà thờ chỉ vì thói quen, hoặc muốn chứng tỏ rằng mình đạo đức hơn người. Lời Chúa thôi thúc chúng ta rằng: khi giữ những luật lệ của đạo là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần mặc cho nó một tình yêu. Nếu có tình yêu, chúng ta sẽ mến Chúa, yêu anh chị em mình cách chân tình. Luôn muốn và làm điều tốt nhất cho anh chị em chúng ta. Không còn chuyện bè phái, lươn lẹo, lật lường, nhưng ngay thẳng, chân thành và thánh thiện. Chỉ khi làm được chuyện đó, chúng ta mới thấy được luật của Chúa là luật làm cho con người được hạnh phúc, bình an và hoan lạc thực sự. Nếu không thì chỉ là chiếc xiềng quá nặng mà chúng ta vẫn cố đeo trên cổ đến nỗi bò lê lết để mang nó hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con yêu mến Luật Chúa; đồng thời, xin cũng cho chúng con biết đem luật yêu thương của Chúa ra thực hành trong cuộc sống nơi các mối tương quan. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Đứng thẳng được

Suy niệm:

Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,

có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.

Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.

Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.

Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.

Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người

Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.

Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).

Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.

Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.

Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.

Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.

Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.

Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).

Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.

“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”

Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.

Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.

Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.

Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.

Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).

Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).

Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),

mà là trói buộc bằng xiềng xích.

Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,

để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.

Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.

Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.

Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,

nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.

Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,

nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.

Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…

Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,

không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.

Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.

Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.

Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.

Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,

với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,

với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?

Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,

nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.

 

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.