"Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời".
Lời Chúa: Mt 19, 16-22
Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?"
Người bảo kẻ ấy rằng: "Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn". Người ấy hỏi rằng: "Những giới răn nào?" Chúa Giêsu đáp: "Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình".
Người thanh niên thưa lại rằng: "Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng?
Chúa Giêsu bảo anh: "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta".
Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Tôi còn thiếu điều gì?
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm sáu câu đối thoại qua lại
giữa Đức Giêsu với một anh thanh niên giàu có.
Hẳn anh ấy là một người có thiện chí, khi anh đến gặp Đức Giêsu
để hỏi về chuyện phải làm điều tốt nào để có sự sống đời đời (c. 16).
Như thế sự sống đời đời là điều anh quan tâm,
và anh thực sự muốn biết cách hành động để đạt đến sự sống ấy.
Thầy Giêsu đã cho anh một câu trả lời đơn giản: hãy giữ các điều răn.
Thầy đã kể cho anh sáu điều răn (cc. 18-19),
bốn điều cấm làm và hai điều phải làm, tất cả đều liên quan đến tha nhân.
Anh cho biết mình đã sống mọi điều răn đó.
Dù vậy, anh vẫn mang trong mình một thao thức.
Chính thao thức ấy đã đưa anh đến với Thầy Giêsu để hỏi:
“Tôi còn thiếu điều gì?” (c. 20).
Anh chờ mong một câu trả lời từ vị Thầy mà anh quý mến.
Anh muốn làm một cái gì đó, muốn biết điều mình còn thiếu.
Câu trả lời của Thầy làm anh chưng hửng.
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi, bán tài sản của anh,
cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, và đến, theo tôi.”
Như thế khi anh xin có sự sống đời đời, xin được kho tàng trên trời,
thì Thầy Giêsu đòi anh bán kho tàng dưới đất anh đang có.
Bán xong, hãy tặng cho người nghèo để chẳng mong lấy lại.
Thầy mời anh trở nên tay trắng, rồi đến và theo Thầy.
Nhưng Thầy Giêsu không đòi mọi người phải làm y như anh thanh niên,
bán hết tài sản và cho người nghèo.
Ngài cũng không đòi mọi người phải bỏ vợ con để theo Ngài y như Phêrô.
Nhưng Ngài muốn mọi người nên hoàn thiện và có sự sống đời đời.
Ngài kêu gọi mọi người làm môn đệ, theo Ngài trong hoàn cảnh của mình.
Như thế ai cũng có cái phải bỏ, phải bán, phải cho không…
Ai cũng có thể hỏi Ngài như anh thanh niên: Tôi còn thiếu điều gì nữa?
Anh thanh niên giàu có đã phấn khởi đến với Thầy Giêsu (c. 22).
bây giờ anh lại buồn rầu bỏ đi.
Anh buồn vì không muốn mất một chỗ dựa vững chắc là của cải.
Thực ra anh buồn vì không đủ tự do để đáp lại một tiếng gọi đẹp quá.
Anh muốn sự sống đời đời, nhưng không dám chọn con đường tốt nhất.
Anh muốn làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng tình yêu của cải lại mạnh hơn.
Nếu anh chịu tự giải phóng mình khỏi trói buộc của vật chất,
khi trở lại gặp Thầy, anh sẽ thấy mình nhẹ hơn và giàu có hơn nhiều.
Nếu hôm nay, Thầy Giêsu gặp tôi, Thầy sẽ bảo tôi còn thiếu điều gì.
Điều gì đang ràng buộc tôi khiến tôi muốn quay lưng bỏ đi ?
Xin cho tôi dám chọn Giêsu, dám mất những điều quý giá vì Giêsu,
vì có Giêsu là có tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Thanh luyện tâm hồn
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa yêu thương muốn nâng con người lên. Từ bùn đất thành người. Từ con người thành con Chúa. Nhưng ma quỉ xác thịt thế gian cứ kéo ghì con người xuống. Thiên Chúa rất kiên trì thanh luyện con người khỏi những nhơ uế bùn đất xác thịt.
Khi tuyển chọn dân riêng, Thiên Chúa ra công thanh luyện con người khỏi thói dân ngoại, tôn thờ bụt thần ma quỉ. “Họ đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập,…Họ đã lìa bỏ Đức Chúa để làm tôi thần Ba-an và các nữ thần Át-tô-rét”. Đó là những thần nông nghiệp và trù phú. Vừa theo dân ngoại vừa phù hợp với thú tính. Chúa trừng phạt. Họ kêu xin. Chúa lại gửi các thủ lãnh để giải thoát họ. “Nhưng sau khi vị thủ lãnh qua đời thì họ lại ra hư đốn hơn cả cha ông họ”. Thật đáng buồn (năm lẻ).
Đến thời các tiên tri, họ không thờ ngẫu tượng nữa, nhưng lại chạy theo thói thế gian. Ham mê tìm vui thú xác thịt và của cải vật chất. Chúa lại dùng các tiên tri để thanh tẩy họ. Các tiên tri trở nên những tấm gương vừa cảnh tỉnh họ vừa để họ noi gương bắt chước. Để cảnh tỉnh dân, chính tiên tri được Chúa mời gọi sống trước sứ điệp họ loan truyền. Chúa truyền cho Ê-dê-kiên: “Hỡi con người, này Ta sẽ bất thần cất khỏi ngươi niềm vui của mắt ngươi. Nhưng ngươi không được thương tiếc người chết, không được khóc lóc, không được để nước mắt trào ra. Hãy rên rỉ âm thầm, đừng làm đám tang cho người chết, hãy đội khăn, đi dép, không được che râu ria, không được ăn bánh người ta đưa đến” (năm chẵn).
Đến thời Chúa Giê-su, Chúa muốn thanh luyện trái tim con người để họ hoàn toàn thuộc về Chúa. Chàng thanh niên giầu có đạo đức thật hoàn hảo. Nhưng Chúa nhìn thấu rõ đáy lòng anh. Chúa muốn thanh luyện anh. Đưa anh vào một lựa chọn quyết liệt. Chỉ chọn một mình Chúa mà thôi. Dù anh đã tốt lành. Nhưng vẫn còn gắn bó với tiền bạc hơn Chúa. Chưa đủ yêu Chúa nên không thể theo Chúa mà không được tiền bạc. Chưa đủ tin Chúa nên không thể gắn bó với kho tàng trên trời. Tiền bạc vẫn là một thứ ngẫu tượng. Vẫn là thói đời. Vẫn là cái bẫy ma quỉ xác thịt thế gian giăng ra để nhốt kín con người.
Xin Chúa thanh tẩy con sạch mọi thứ ngẫu tượng. Cho con hoàn toàn từ bỏ mọi dính bén thế gian. Cho linh hồn con hoàn toàn trong sạch. Cho con hoàn toàn chết cho thế gian. Để con chỉ còn một mình Chúa thôi.
SUY NIỆM 3: Ðường Ðến Sự Sống Ðời Ðời
Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có. Người thanh niên đến gặp và xin Chúa Giêsu chỉ con đường dẫn đến sự sống đời đời, đó là một ý nghĩ khôn ngoan. Tuy nhiên, thái độ của anh đáp ứng Lời Chúa Giêsu chứng tỏ anh mới chỉ có ý nghĩ một chút về sự khôn ngoan. Anh thoáng thấy của cải không phải là hạnh phúc đích thực, vì thế, anh đến với Chúa để tìm sự khôn ngoan. Khốn nỗi, con đường khôn ngoan mới vạch ra đã bị của cải cản lối khiến anh không nhận ra được rằng sự sống đời đời mới là của cải quí giá nhất mà anh phải tìm kiếm.
Người thanh niên tìm đến với Chúa Giêsu, vì nhận thấy Ngài là một tôn sư có gì khôn ngoan hơn những bậc thầy trong dân Israel mà anh thường gặp. Anh chưa nhận ra Chúa Giêsu chẳng những là tôn sư dạy sự khôn ngoan, mà còn là chính sự khôn ngoan; Ngài không chỉ đưa ra một lời dạy khôn, mà còn là lời ban sự sống đời đời; ai đón nhận và thực hiện lời Ngài sẽ được sống đời đời. Chính vì thế, anh đã sầm nét mặt, buồn sầu bỏ đi khi Chúa Giêsu bảo anh: Hãy về bán hết của cải, rồi đến theo Ngài. Anh yêu của cải hơn sự sống và hạnh phúc đời đời. Anh tưởng Lời Chúa chỉ là một trong những lời chỉ giáo muôn mặt của các bậc thầy trong Israel, có theo hay không cũng chẳng sao, cứ nắm giữ lề luật cha ông truyền lại đã đủ chiếm được Nước Trời. Do đó, anh làm sao hiểu được lời này: "Anh chỉ còn thiếu một điều".
Anh đã thực hiện những gì ghi trong lề luật, nhưng anh còn thiếu một điều, mà thiếu điều đó, những gì anh đã nắm giữ mới chỉ là thứ công chính của Biệt phái không thể vào Nước Trời được. Ðiều anh còn thiếu chính là tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là liên kết với Ngài và thực hiện Lời Ngài. Vì Lời Ngài là lời thần linh làm cho việc tuân giữ giới răn trở thành sức sống trong tâm hồn con người.
Thật ra, tự nó, của cải không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô.
Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của họ, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời.
Nguyện xin Chúa kiện toàn nơi chúng ta những gì Ngài đã khởi sự, và cho chúng ta đạt tới lý tưởng là sống theo Chúa, Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống đời đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Chàng Thanh Niên Nhiều Của (Mt 19,16-22)
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta xét đến thái độ sống của mình. Chúng ta hiện đang tôn thờ Thiên Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, hay chúng ta đang tôn thờ một thần tượng trần tục nào đó, như danh vọng, quyền hành, tiền bạc?
Tâm hồn tốt lành, tuân giữ luật Chúa và khát vọng cuộc sống đời đời, đó là những yếu tố đã thôi thúc chàng thanh niên đến gặp Chúa Giêsu. Nhưng cuộc gặp gỡ đã không đưa đến kết quả tích cực, vì chàng thanh niên chưa hoàn toàn tự do khỏi mọi bám víu trần tục. Anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.
Giữa việc tuân giữ Lề Luật và thật sự yêu mến Chúa và anh chị em bằng những cử chỉ cụ thể, chàng thanh niên bắt đầu cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cách tốt đẹp với những phẩm tính tốt như ước muốn làm điều tốt, cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì để trọn hảo hơn và tuân giữ những giới răn Chúa truyền dạy. Nhưng không thể dừng lại mãi nơi điểm khởi đầu này, người đồ đệ của Chúa phải tiến lên, phải thực hiện lý tưởng và đạt cho được cùng đích là Chúa Giêsu Kitô, sống với Người, được trở nên giống như Người mỗi ngày một hơn: "Nếu con muốn nên hoàn thiện, hãy bán đi tất cả những gì con có đem cho kẻ nghèo, rồi đến theo Ta".
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm mình: tôi có thật sự muốn hay không? Trong những giây phút cầu nguyện sốt sắng, ta có thể hỏi Chúa điều này mà không nhất quyết thực hiện bước thứ hai là làm điều Chúa soi sáng cho.
Ơn Chúa không bao giờ thiếu, nhưng chính chúng ta lại thiếu can đảm, thiếu nhất quyết, thiếu cộng tác với ơn soi sáng của Chúa. Như chàng thanh niên trong Phúc Âm, chúng ta còn bám víu nhiều điều và đã bỏ mất nhiều cơ hội để được trưởng thành trong đời sống thiêng liêng và được theo Chúa trọn vẹn hơn.
Lạy Chúa, Con muốn theo Chúa trọn vẹn cho đến cùng. Xin thương ban ơn trợ giúp cho sự yếu đuối của con người con. Xin hãy kiện toàn nơi con điều Chúa đã khởi sự.
Lạy Chúa, Xin hãy phán dạy, này con đang lắng nghe và sẵn sàng thực hiện điều Chúa muốn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Thanh thoát để theo Chúa
Và kìa có một người đến thưa Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt, để được hưởng sự sống đời đời?”
Đức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn lên hoàn thiện, thì hãy đi bán hết tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải. (Mt. 19, 16. 21-22)
Để trả lời người thanh niên, Đức Giêsu không nói tới ba giới răn đầu về kính mến Thiên Chúa. Người chỉ kể đến các giới răn liên hệ đến người ta để người ta hiểu rằng muốn được hưởng sự sống đời đời, phải lo làm điều tốt cho người khác. Ai lo tìm đường tới sự sống đời đời, hoàn toàn phải biết vâng lời Thiên Chúa, nhưng họ luôn luôn phải nhớ rõ rằng họ phải thực hiện sự vâng lời Ngài dạy phải yêu người.
Tôi còn thiếu gì nữa?
Như hầu hết mọi người, chúng ta cũng có thể nói như người thanh niên giầu có rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ.” Nhưng cố gắng, sống theo giới răn đó, chưa đạt tới hoàn thiện. Phải tiến xa hơn giáo huấn cổ truyền.
Nếu anh em muốn nên hoàn thiện.
Chúng ta phải nên hoàn hảo, như Cha là Đấng hoàn hảo. Nhận biết và làm đầy đủ như giới răn dạy, chưa đủ, phải nên hoàn thiện. Hoàn thiện, hoàn thiện không phải là một lời khuyên, nhưng là một yêu cầu căn bản. Là Kitô hữu không phải lo giữ giới răn, mà chính là hiến toàn thân và yêu thương vô biên.
Đó là Tin Mừng này nói về sự hoàn thiện tổng quát cho tất cả mọi người không phân biệt ai, tuy trực tiếp nói cho người thanh niên, nhưng mọi người cũng phải dùng của cải mình có mà giúp đỡ người nghèo khó.
Trước hết, bất cứ môn đệ nào nghe thấy lời thực hiện theo yêu cầu cụ thể trong hoàn cảnh của mình. Vấn đề ở đây không phải là lo trao nộp tất cả của cải, nhưng là để mình được tự do phục vụ Thiên Chúa theo khả năng của mình có.
Chúng ta phải biết vâng theo Đức Giêsu điều ưu tiên hàng đầu, như bản văn Tin Mừng kêu gọi, là sẵn sàng chịu khổ nạn, tham dự vào sự thương khó của Người.
SUY NIỆM 6: TIỀN CÓ MUA ĐƯỢC NƯỚC TRỜI KHÔNG? (Mt 19, 16-22)
Chúng ta không lạ gì câu nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Tuy nhiên, trong cuộc sống, sự thật không phải như vậy! Vì hiển nhiên vẫn còn đó những thứ có tiền mà không mua được. Điển hình như: sức khỏe, thời gian và sự sống… Chả thế mà người ta vẫn thường nói: “ Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian”; “Tiền có thể mua được thuốc để chữa bệnh, nhưng không thể mua được sự sống...”. Điều quan trọng là chúng ta biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho có ích. Sử dụng nó như đầy tớ hay ông chủ? Đồng tiền có phải là mục đích cuối cùng, hay nó chỉ là một phương tiện để giúp con người đạt được hạnh phúc và mục đích tối hậu của mình?
Tin Mừng hôm trình thuật một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ giáo để anh tiến bước hầu hy vọng đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Nghe anh nói xong, Đức Giêsu đã phán: "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta". Nhưng thật buồn, người thanh niên này đã lặng lẽ rút lui chỉ vì anh ta có nhiều tiền của.
Thật vậy, đồng tiền liền với khúc ruột. Đồng tiền gắn liền với cuộc sống. Đồng tiền đôi khi trở thành ông chủ tồi. Và như thế, nó đã là rào cản số một cho những ai muốn tiến xa, tiến sâu trên con đường nhân đức.
Dẫu vẫn biết trước những tai hại của nó, nhưng thực ra không ít người đã vì tiền mà bán rẻ lương tâm khi sẵn sàng trà đạp lên chân lý để đạt được mục đích “rẻ tiền”. Không thiếu người bán cả danh dự, nhân phẩm bản thân trong nghề mại dâm chỉ vì đồng tiền. Cũng không lạ gì những chuyện đâm thuê chém mướn, thay trắng đổi đen và vô luân, phi đạo đức cũng chỉ vì đồng tiền!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dùng của cải như là phương tiện để xây dựng tình bác ái huynh đệ và cùng nhau xây dựng Nước Trời. Bởi vì Nước Trời là kho tàng, đồng tiền chỉ là thứ trợ giúp để ta mua được kho tàng chứ nó không phải kho tàng.
Vì thế, nếu chúng ta cứ bám vào của cải vật chất quá đáng, trái tim của chúng ta sẽ bị kìm chặt nơi thế gian. Của cải thế gian sẽ đóng kín cánh cửa tâm hồn và chúng ta trở thành nô lệ của nó. Như vậy, Chúa không còn chỗ nào trong trái tim, lương tâm và cõi lòng của chúng ta, và, như một lẽ tất yếu: Nước Trời không có chỗ cho những người coi đồng tiền là ông chủ và sống ích kỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khám phá và thi hành chân lý mà hôm nay Chúa dạy chúng con. Chân lý đó chính là chọn Chúa là gia nghiệp, là sự sống vĩnh cửu thì sẽ được hạnh phúc. Xin Chúa ban cho chúng con một tấm lòng quảng đại, ngõ hầu chúng con biết sử dụng đồng tiền mau hư chóng hết ở đời này để mua lấy Nước Trời qua sự bác ái. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Ràng buộc của cải vật chất
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Con đường hoàn thiện dẫn tới sự sống đời đời không hệ tại ở việc người ta làm, nhưng là tin theo Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong hoàn cảnh kinh tế thị trường, nhiều người đang làm giàu, nhiều người đang chạy đôn chạy đáo để kiếm công ăn việc làm. Lời Tin Mừng hôm nay quả là khó chấp nhận. Dù nhiều hay ít, dù có hay không, thì tiền bạc của cải vẫn là cơn cám dỗ mãnh liệt cho con người, bởi nó đụng đến sự sống còn, là chỗ dựa an toàn, là phương tiện cần thiết để phát triển sự sống. Cũng chính vì thế mà tiền bạc của cải là nguyên nhân gây ra biết bao thảm họa cho con người, khi người ta tôn thờ và làm nô lệ cho nó.
Lạy Chúa, tuy con chẳng được giàu có như người thanh niên, nhưng nhiều lúc con cảm thấy của cải trói buộc con, cản trở con đi theo Chúa và tín thác vào Chúa, cản trở con mở rộng lòng với tha nhân. Con vẫn còn quá nhiều bận tâm lo lắng, dùng hết thời giờ, sức khỏe, để đi tìm kiếm giàu sang hưởng thụ hơn là kiếm tìm kho tàng trên trời.
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của những của cải vật chất. Xin đừng để con bị mê hoặc bởi những sự mau qua dưới đất. Xin giúp con cảm nghiệm được sự cao cả của kho tàng trên trời, nhờ đó con biết từ bỏ tất cả những gì là tạm bợ, phù phiếm, để con quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và hân hoan bước theo Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đòi hỏi anh thanh niên phải tin theo Chúa. Đó là điều anh phải thực hiện. Đó cũng là điều Chúa muốn con phải làm. Tin theo Chúa là điều trước hết và quan trọng nhất. Nếu thiếu niềm tin vào Chúa thì mọi việc con làm đều vô ích. Xin giúp con biết tin theo Chúa cách vô điều kiện. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời”.
Suy Niệm 8: Tiến bước theo Chúa Giêsu
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một người giàu có thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với ngài nữa.
Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, ngài tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của ông đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý ngài và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó, ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”.
Suy niệm
Có người thanh niên chạy đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành...”, từ “nhân lành” thường được áp dụng cho Thiên Chúa ở trong Cựu ước (x. Tv 117/118,1; 1Sb 16,34; 2Sb 5,13), chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được coi là “nhân lành”, còn không ai khác là “tốt” cả (x. Rm 7,18). Anh nói lên sự mong muốn của mình: “Tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời”. Mong muốn của anh là phải làm gì để thủ đắc “sự sống đời đời” đồng nghĩa với được “nước Thiên Chúa” (x. Mc 9,43-47).
Ngài truyền cho anh: Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cướp, đừng làm chứng gian, đừng lừa dối ai, hãy thảo kính cha mẹ. Đây là các điều răn trong bài phần lớn được rút từ phần hai của Thập Điều (x. Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21). Giữ các giới răn là phương thế rất phổ thông và truyền thống trong đạo Do Thái. Anh thanh niên rất hài lòng về câu trả lời của Chúa, và hãnh diện thưa với Chúa là mình đã tuân giữ các điều răn ngay từ nhỏ. Thấy anh chân thành nỗ lực tìm cách quan hệ với Thiên Chúa nên đã tận tình giữ các điều răn, Ngài gọi anh tiến lên bước nữa là trở nên môn đệ Ngài: “Hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Một thách đố Đức Giêsu đề ra cho người đi theo Chúa theo nghĩa hẹp, một bậc sống đạo cao hơn, tư cách của người môn sinh, hơn là một nguyên tắc chung của đời sống Kitô hữu. Đức Giêsu yêu cầu anh bỏ hết mọi điểm tựa an toàn của trần gian để tín nhiệm vào bản thân và sứ vụ của Người, điểm tựa và mục đích của người môn sinh: “Rồi đến mà theo ta”. Nhưng anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (x. Mt 19:22).
Thánh Augustinô có nhận định sâu sắc về lời mời gọi của Chúa chia sẻ với người anh em nghèo: “Nếu Chúa Giêsu đã nói với chàng thanh niên: “Mất tất cả”, chúng ta hiểu về sự thất vọng của anh, nhưng Ngài nói với anh: “Anh sẽ có kho tàng ở trên trời”. Nếu Ngài nói: “Hãy giao tiền của ngươi cho Ta, Ta sẽ giữ gìn”, anh sẽ chắc chắn tin và giao phó cho Ngài. Nhưng Ngài nói với anh: “Cho tất cả người nghèo”, và anh ta buồn rầu. Tuy nhiên, khi phân chia của cải cho anh em nghèo khó theo lệnh của Thiên Chúa. Người nghèo đó là chính Ngài khi chính anh tặng ban. Đó là người nghèo xin và được bố thí, và người giàu, người được nhận khi anh cho đi với sự chủ tâm chia sẻ” (Sermon LXXXVI 2 & 3).
Cho nên, chúng ta noi gương Ðức Giêsu sống thanh thoát: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58) và hãy sống như Tin Mừng dạy: Đức bác ái yêu thương chia sẻ sẽ đưa chúng ta vào nước Chúa (x. Mt 25:31-46).
Ý lực sống:
“Không được làm tôi hai chủ ...” (Mt 6,24; Lc 16,13).
Suy Niệm 9: Người thanh niên giàu có (Mt 19,16-22)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Thái độ hiền lành, hoà nhã của Đức Giêsu đã thu hút được đủ mọi hạng người. Một chàng thanh niên giàu có, Luca gọi là “Thủ lãnh” (Lc 18,18-23), đến hỏi Đức Giêsu về điều kiện phải có để được sống đời đời... Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả giới răn từ thuở nhỏ. Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ của Ngài. Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được, vì anh có nhiều của cải. Vì thế anh đã buồn rầu bỏ đi.
Mặc dầu anh thanh niên này là một người tốt. Nhưng xét cho cùng, anh ta còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ đến thu vào, anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm, chứ không muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau.
Giữa việc tuân giữ Lề luật và thật sự yêu mến Chúa và anh chị em bằng những cử chỉ cụ thể, chàng thanh niên bắt đầu cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cách tốt đẹp với những phẩm tính tốt, như ước muốn làm điều tốt, cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì để trọn hảo hơn và tuân giữ những giới răn Chúa truyền dạy. Nhưng không thể dừng lại mãi nơi điểm khởi đầu, người môn đệ của Chúa phải tiến lên, phải thực hiện lý tưởng và đạt cho được cùng đích là Chúa Giêsu Kitô, sống với Người, được trở nên giống như Người mỗi ngày một hơn: “Nếu con muốn nên hoàn thiện, hãy bán đi tất cả những gì con có đem cho kẻ nghèo, rồi đến theo Ta” (R.Veritas)
Chúng ta nên lưu ý, Chúa Giêsu không đến để bần cùng hóa nhân loại, Ngài đến là để con người được sống và sống sung mãn, và cuộc sống sung mãn trong nhân cách dĩ nhiên không hề đồng nghĩa với bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để sống. Tuy nhiên, khi sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, Chúa Giêsu muốn chứng minh rằng: con người có thể sống sung mãn, mà vẫn không phụ thuộc của cải vật chất. Đối với Chúa Giêsu, siêu thoát đối với của cải vật chất là điều kiện tiên quyết để vào Nước trời. Đây là lý do tại sao tám mối phúc thật đầu tiên và cơ bản bao gồm các mối phúc khác chính là: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Thật ra, tự nó, của cải không ngăn trở người ta vào Nước trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô. Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của nó, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời (Mỗi ngày một tin vui).
Qua câu chuyện anh thanh niên với Chúa Giêsu, ta thấy con đường nên hoàn thiện phải gồm hai điều: trước hết là phải ước muốn: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện...”. Không thể đạt được điều gì chính đương sự không muốn, không tha thiết. Hễ muốn ta có thể đạt được, như câu ngạn ngữ Pháp: “Muốn là có thể”; thứ đến, sự hoàn thiện không hệ tại những việc lành làm được, mà ở tại việc đi theo Chúa, gắn bó với Chúa: “Hãy đến theo tôi”. Những việc tốt lành làm được chỉ mới là một phần thiện, còn phải trở nên một với Đấng là “Chân, Thiện, Mỹ” nữa thì mới gọi được là hoàn thiện.
Người thanh niên đã giữ giới răn, đã làm những việc tốt, nhưng điều anh thiếu là chính Chúa. Vì thế phải cảnh giác với thái độ tự mãn rằng: khi giữ những giới răn của Chúa và Giáo hội là tôi đã hoàn thiện rồi, trong khi thực ra “Không có Thầy, các con không thể làm được gì”. Một đời sống không gắn bó với chính Đấng nguồn mạch sự thiện, thì chưa phải là hoàn thiện (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Chúa phải là trọng tâm
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Leonardo da Vinci phải là bức tranh bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu. Trong đó nhân vật chính là Chúa Giêsu được vây quanh bởi 12 Tông đồ.
Khi đem bức tranh ra triển lãm, Leonardo da Vinci đã kín đáo đứng trong góc phòng, để quan sát cách thưởng thức tranh của quan khách. Ông ngạc nhiên vô cùng khi thấy điểm thu hút trong bức tranh không phải là gương mặt Chúa Giêsu, mà là một cánh hoa nhỏ mà ông đã vẽ trong góc của bức tranh theo thói quen của thời đại đó. Leonardo nhận thức được tức khắc rằng: mình đã phạm một lỗi lầm rất lớn, đó là đã thêm vào một cánh hoa đẹp, để lôi kéo sự chú ý ra khỏi trọng tâm của bức tranh.
Ý thức được như thế, cho nên khi quan khách đã ra về, Leonardo da Vinci dùng cọ để bôi cánh hoa trong góc của bức tranh. Ngày hôm sau, ông cảm thấy sung sướng vô cùng, khi tất cả mọi con mắt quan khách đều gắn chặt vào gương mặt của Đấng Cứu Thế.
Suy Niệm 10: Cảnh giác về của cải
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Người thanh niên này đã khá tốt lành. Mặc dù anh là một người tốt, nhưng xét cho cùng anh vẫn còn ích kỷ. Anh chỉ nghĩ đến thu vào. Anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau. Khi Chúa Giêsu đề nghị anh từ bỏ tài sản thì anh từ chối.
Khi bảo người thanh niên hãy bán hết những gì anh có đi, Chúa Giêsu không có ý khinh thường của cải trần gian, mà Ngài chỉ cảnh giác rằng, của cải, sự giàu sang, có thể là một chướng ngại đáng kể cho ơn cứu độ.
Của cải tự nó không xấu, nhưng nó sẽ trở thành xấu khi nó nhốt con tim và tâm trí của chúng ta vào ngục tù của ích kỷ, của hưởng thụ. Nó sẽ trở thành xấu khi nó ngăn cản không cho chúng ta sống yêu thương quảng đại đối với người khác. Nó sẽ trở thành xấu khi nó không cho phép chúng ta sống một cuộc sống tự do.
Thực vậy, khi của cải không được dùng để phục vụ thì nó sẽ trở thành một yếu tố gia tăng cuộc sống ích kỷ của những người có nó. Lúc đó, nó sẽ trở thành nguồn gốc của bất công, của phô trương, của hưởng thụ.
Ngược lại, nếu của cải được sử dụng đúng với mục đích của nó thì nó sẽ đem lại rất nhiều sự tốt lành.
2. “Tôi phải làm việc lành gì để được hưởng sự sống đời đời ?” (Mt 19,16)
Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành của anh ta. Chúa Giêsu sửa lại cách suy nghĩ đó: “Sao anh hỏi tôi về việc lành ? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”(Mt 19,17). Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng là nghĩ lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhắm đến những công việc, mà nhắm đến một Thiên Chúa.
Sapaco Hara là một cô gái Công giáo người Nhật. Gia đình cô rất giàu có. Một ngày nọ, tình cờ cô đến thăm một làng ở ngoại ô thành phố Tokyo. Làng này đuợc gọi là LÀNG KIẾN. Sở dĩ có tên này là vì dân làng này là dân lao động nghèo, sống chen chúc nhau như bầy kiến. Trẻ em trong làng thì bẩn thỉu, lem luốc, ăn mặc rách rưới. Chúng lê la suốt ngày ở đầu làng cuối xóm mà không được ai săn sóc dạy dỗ cả.
Trước cảnh sống bần cùng của dân LÀNG KIẾN. Sapaco Hara nhận ra một tiếng gọi vang vọng tận đáy lòng cô. Mặc dù cha mẹ và bà con họ hàng hết sức khuyên nhủ, cản ngăn, nhưng Sapaco Hara cứ nhất định dọn đến sống chung trong một xóm của LÀNG KIẾN, để phục vụ dân làng trong công tác bác ái.
Sau 8 năm sống đời phục vụ và hy sinh tận tình, chịu đựng mọi đau khổ vì bị hiểu lầm, Sapaco mắc bệnh lao phổi và qua đời năm mới 28 tuổi.
Người ta cứ tưởng cuộc đời phục vụ ngắn ngủi của Sapaco là uổng công vô ích, thế nhưng không, sau cái chết của Sapaco, toàn thể dân LÀNG KIẾN đã xin theo đạo.
Ông “xếp” của LÀNG KIẾN, người đã chống đối và gây nhiều khó khăn, làm cho Sapaco đau khổ nhất, sau đã sáng tác thơ và viết sách kể lại cuộc đời Sapaco. Một nhà đạo diễn Nhật, đã dựa vào những tài liệu này để dựng thành một cuốn phim về Sapaco. Phim có tựa đề là “Maria của LÀNG KIẾN”.
Thái độ sống của Sapaco Hara mà chúng ta vừa nói đến trên đây trái ngược hẳn lại với thái độ sống của người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Một bên đã tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc đời của mình còn một bên thì không!
Trong một bài huấn dụ các chị em trong dòng, Mẹ Têrêsa đã nói như thế này: “Như người nghèo cứ tiếp tục nghèo hơn, chúng ta hãy vui mừng hơn nữa về sự nghèo nàn của cộng đoàn chúng ta. Người nghèo bị thiếu thốn quá nhiều những nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy lưu ý hơn về cách dùng của cải để có thể chia sẻ những khốn quẫn của họ trong phần lương thực, áo quần, nước, xà bông và điện sinh hoạt.”
Thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người biết để ý đến nhau. Cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta dám thoát ra khỏi cái vòng kiềm tỏa của ích kỷ để biết sống chia sẻ với mọi người.
Mẹ Têrêsa nói: “Chúng ta có quyền được hạnh phúc và bình an. Chúng ta được dựng nên vì điều này, được sinh ra để hạnh phúc và chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc thật và bình an thật khi gắn bó cuộc đời mình với Thiên Chúa”.
Nếu Thiên Chúa cho bạn sự giàu sang, thì hãy dùng nó mà giúp đỡ người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được điều đó để chúng con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
Suy Niệm 11: Một ơn gọi thất bại
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chuyện một ơn gọi thất bại:
- Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả giới răn từ thuở nhỏ.
- Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.
- Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được, nên anh buồn rầu bỏ đi.
B.... nẩy mầm.
1. Mặc dù thanh niên này là một người tốt, nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ tới thu vào, anh đã có nhiều thứ và còn muốn được thêm chứ không dám mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời (nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau). Khi Chúa Giêsu đề nghị anh bỏ tài sản thì anh từ chối.
Đối với Chúa, nhiều khi phải dám mất thì mới được: mất vật chất để được tinh thần, mất về đời này để được đời sau.
2. “Tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời ?”: Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành. Chúa Giêsu sửa lại cách nghĩ đó: “Sao anh hỏi tôi về việc lành ? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”. Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng thì là lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhằm đến những công việc, mà nhắm đến một Người là Thiên Chúa.
3. Người thanh niên này đã khá tốt lành, nhưng nếu anh muốn trọn lành thì hãy từ bỏ của cải. Từ đó ta có thể suy ra 2 ý tưởng:
- Sự dính bén với của cải là một cản trở cho việc trở nên tốt lành hơn.
- Sự từ bỏ của cải giúp người ta trọn lành.
4. Có một vị khổ tu Hồi giáo nọ sống rất gương mẫu. Suốt đời ông chỉ có một thao thức là ra sức chống lại tình dục. Khi ông chết, nhiều người thương tiếc, trong số đó có một đệ tử của ông vì thương tiếc quá nên ngã bệnh và cũng qua đời. Khi tới thế giới bên kia, anh chứng kiến một cảnh tượng làm anh rất hài lòng, đó là có những đàn bà đẹp ở với thầy. Anh chợt nghĩ rằng thầy mình xứng đáng được thưởng như vậy, và anh đến chúc mừng thầy. Thế nhưng vị khổ tu quay lại nhìn anh và nói “Ngươi là một thằng điên. Ta không được thưởng công gì cả. Đây không phải là thiên đàng. Những người đàn bà này cũng đang bị trầm luân như ta mà thôi.
Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn nói với chúng ta rằng sự thánh thiện đích thực không hệ tại lối sống khắc khổ hay tuân giữ một cách nhiệm nhặt những qui định của đạo như ăn chay, hãm mình, đọc kinh, bố thí. Đạo của chúng ta không chỉ là hệ thống luân lý gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Sống đạo không phải là một cuộc thao luyện của ý chí. Đạo của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Đoạn Tin Mừng này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu trì: sự ham mê và quyến luyến của cải rất không hợp với lý tưởng họ đang theo.
6. Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)
Hồi còn học cấp III, tôi khao khát nên hoàn thiện, và cố gắng thực hiện biết bao “nguyên tắc” do ba má, thầy cô, bạn bè, sách vở... chỉ dẫn. Sau mấy năm nhọc công, tôi được nhiều người khen ngợi, quý mến và kết thân. Với chính mình, tôi cũng cảm thấy hài lòng hơn. Nhưng tự thâm tâm, tôi đã bắt đầu mệt mỏi trước những đòi hỏi của sự hoàn thiện, nhất là những yêu sách của Phúc Âm: toàn là những cái làm và phải làm. Giữa lúc chán ngán đến mệt nhoài, tôi có dịp đọc lại bài Phúc Âm người thanh niên giàu có. giữa anh thanh niên và tôi, hình như có cái gì rất chung...
Vâng, tôi cũng cần bán tất cả, cần quên đi tất cả những cái tôi làm và phải làm. Điều chính yếu, tôi chỉ cần bước theo Giêsu, Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn đời tôi. Như thế, con đường nên hoàn thiện ngắn nhất là bám chặt vào Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn cuộc đời.
Lạy Chúa, chỉ mong Ngài lấy đi. Mong chẳng còn gì gọi là con, nhờ thế, con được gọi Ngài là tất cả của con... (Rabindranath Tagore). (Hosanna)
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-hai-16082021-thu-hai-tuan-20-thuong-nien-song-tron-lanh.html