Thứ Hai 15/03/2021 – Thứ Hai tuần 4 Mùa Chay. – Chữa lành con trai một sĩ quan.

Thứ Hai 15/03/2021 – Thứ Hai tuần 4 Mùa Chay. – Chữa lành con trai một sĩ quan.

"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

 

Lời Chúa: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình". Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: "Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin". Viên quan chức trình lại Người: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: "Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt".

Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: "Con ông mạnh rồi", nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin.

Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Con ông sống

Suy niệm:

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng

của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình.

Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu

“Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23).

Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi,

vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22).

Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu:

“Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22).

Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ:

“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” (c. 49).

Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối.

Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ.

Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời.

Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.

Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ.

Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê.

Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông

bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49).

Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu:

“Ông cứ về đi, con ông sống!”

nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50).

Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh.

Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ

chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53).

Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu.

Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo.

Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến.

Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà.

Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.

Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên.

Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11).

Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha,

đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc.

Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng.

Ngay trước đoạn Tin Mừng này,

chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó.

Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39).

Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng,

khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ.

Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin.

Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi.

Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: ĐỨC TIN LÀ LẼ SỐNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người ta thật mâu thuẫn. Cứ bám víu vào những gì không vững chắc để rồi lo âu buồn phiền. Thân phận con người vốn mong manh. Sinh, lão, bệnh, tử là số phận. Cứ bám víu vào nó chỉ gây phiền não. Năng lực của loài người là giới hạn. Cậy trông vào những năng lực đó sẽ đi đến thất vọng chán chường. Đó chính là sự yếu đuối của con người. Tin tưởng vào những gì thấy được. Cậy trông vào người đời. Tìm giải pháp bằng những phương tiện của con người.

Lời Chúa hôm nay cho ta thấy, chỉ Thiên Chúa mới giải quyết được những vấn đề của ta. I-sai-a cho biết chính Thiên Chúa mới đem lại niềm vui tươi phấn khởi cho cuộc sống. Có Chúa ta sẽ không còn khóc lóc u sầu. Có Chúa ta sẽ không còn cảnh chết chóc tang tóc. Có Chúa những việc ta làm mới có kết quả và không mai một với thời gian. “Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái”.

Thánh Gio-an cho biết để được như vậy, ta cần có một đức tin vững vàng. Chúa Giêsu sẵn sàng chữa bệnh cho đứa con viên sĩ quan, miễn là ông tin. Chúa đòi hỏi một đức tin tuyệt đối. Tin chỉ vì tin chứ không phải vì thấy những dấu lạ điềm thiêng. Viên sĩ quan này có đức tin. Nên ông tin ngay lời Chúa. Khi Chúa nói: “Ông cứ về đi, con ông sống. Ông tin vào lời Chúa nói với mình và ra về”. Chưa nhìn thấy, chưa kiểm chứng, ông tin tưởng và ra về. Vì thế ông đã nhận được điều ông xin.

Đức tin đó là điều Chúa mong đợi. Đức tin làm nên vương quốc mới Chúa thiết lập. Tin vào Chúa. Vượt qua khỏi gắn bó và tin tưởng vào thế lực thế gian, vào những giá trị đời này. Để chỉ tin tưởng phó thác cho Chúa tất cả. Tin tuyệt đối. Tin không điều kiện, không kiểm chứng, không đòi bảo đảm nào.

Tin như thế là một cuộc vượt qua. Vượt qua những bám víu vào vật chất, thế lực đời này, để chỉ tin tưởng vào một mình Thiên Chúa. Đó là điều không dễ. Khi sống đức tin như thế, ta chiếu sáng đức tin giữa đời. Ta làm chứng về Chúa. Làm chứng về vương quốc Nước Trời. Nơi không còn khổ đau khóc lóc, không còn chết chóc, tang tóc. Chỉ có niềm hoan hỉ phấn khởi. Nơi mọi việc ta làm đều tồn tại và ta được hưởng thành quả do sức lao động làm ra.

Khi sông đức tin như thế, ta làm cho vương quốc Nước Trời lớn mạnh. Và kế hoạch của Chúa mau hoàn thành.

 

SUY NIỆM 3: Chữa con một quan chức

Một thiếu nữ có giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.

Bước vào tuần 4 mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng. Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Đó cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.

Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên thân xác và tâm hồn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Ðức tin đưa tới phép lạ

Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.

Mỗi ngày sống hôm nay của chúng ta là sự lạ lùng Thiên Chúa thực hiện. Không nhận ra được sự lạ lùng ấy là vì chúng ta không có đức tin. Không có thì không phải Thiên Chúa không ban ơn đức tin cho chúng ta đâu mà là do chúng ta không muốn lãnh nhận ơn ấy vì sợ sệt, sợ phải sống theo Tin Mừng, sợ nên thánh, sợ phải sống tốt hơn. Chẳng hạn như sự kiện cha sở đề nghị chia sẻ Lời Chúa thì rút lui, tránh né. Nhưng quả thật là họ dự lễ chứ chưa dâng lễ. Ðã từ lâu họ quen cảnh linh mục chủ tế, công bố Tin Mừng và giảng trong khi họ mơ mơ màng màng với giấc ngủ chưa dứt, những suy nghĩ viễn vông. Nay phải tiếp cận Lời Chúa và để cho Lời Chúa soi dọi trong mọi ngõ ngách trong lòng họ, nhắc họ ra khỏi tình trạng ươn lười và khoán việc cho người khác thì họ thấy sợ. Không lạ lùng gì họ không thể và không bao giờ có thể chứng kiến được những kỳ diệu Thiên Chúa làm trong đời sống họ mỗi ngày.

Lời loan báo Tin Mừng cũng trở nên vô nghĩa ngay trong nhà thờ đông nghẹt người đến dự lễ chứ không dâng lễ. "Ông hãy về đi, con ông sống rồi", viên quan chức tin không đòi hỏi gì hơn. Vào trường hợp chúng ta, có lẽ chúng ta chần chờ để xin thêm một vài dấu chỉ nào đó chứng minh lời Chúa thật sự có kết quả. Ông về nghe tin con đã khỏe, ông hỏi giờ và nhận ra giờ đó Chúa đã chữa lành cho con ông. Có lẽ gia nhân không biết gì. Chuá vẫn thế, Ngài có những thực hiện kỳ diệu một cách rất bình thường, một câu nói đơn giản, quyền lực vượt không gian và thời gian để mang lại kết quả mong muốn miễn là chúng ta tin.

Lạy Chúa, chúng con có đạo nhưng hổ thẹn: Có người chỉ một lần nghe, gặp Chúa và tin ngay. Họ thấy được tình yêu thương họ, nhận ra được những hành động vì tình yêu thương Chúa. Còn chúng con tuần nào cũng gặp gỡ Chúa, mà chúng con đến với Chúa như cái xác không hồn của chúng con. Nguyện xin Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Giờ của Đức Giêsu

Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” (Ga. 4, 50-52)

Một quan chức nhà vua có đứa con đau nặng, ông nghe tin Đức Giêsu đang ở trong miền gần đó. Ông tự nhủ: “Đây là lúc Người có thể chữa con mình”. Ông chỉ nghe theo niềm cậy trông của ông và ông tìm đến Người. Ông gặp Người, và khẩn khoản nài xin Người. Đức Giêsu kêu trách ông như mọi người chỉ muốn xin điềm lạ và những điều phi thường. Nhưng sự hất hủi đó không làm ông tủi hờn chút nào. Ông càng khẩn xin như không nghe thấy gì: “Lạy Ngài, xin xuống trước khi con tôi chết”. Đức Kitô cảm động và nói với ông: “Được rồi, ông cứ về đi, con ông sống đấy”.

Mừng như điên, lập tức ông tin lời Đức Giêsu, ông về như bay, và giữa đường ông gặp đầy tớ báo tin con ông đã khỏi. Ông hỏi: “Nó khỏi giờ nào?”. Họ đáp: “Lúc bảy giờ hôm qua”. Ông tự nhủ: “Đúng vào giờ Đức Giêsu nói với mình”. Đó là cú đánh ân huệ. Giờ ban ơn cứu chữa ông và cả gia đình ông. Giờ của Đức Giêsu. Giờ ban ơn trở lại. Giờ cứu độ.

Đối với người được đức tin, chính là giờ của Đức Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Đức Giêsu, và như Đức Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.

Giờ của Đức Giêsu, cũng chính là những cơ hội cho chúng ta được dịp an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, soi sáng và đem bình an cho người khác. Vì mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ đói rách ăn mặc, thăm hỏi kẻ tù đầy, an ủi kẻ tuyệt vọng, thì đó là chúng ta đã làm cho chính Chúa, Người đã nói trong Tin mừng như vậy.

G.F

 

SUY NIỆM 6: TIN ĐẾN CÙNG (Ga 4,43 – 54)

Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy những người có địa vị cao trong xã hội và tôn giáo đa số đều mắc phải thói tự kiêu, vì tự cho mình là người biết hết mọi chuyện, nên thường coi khinh anh em đồng loại! Nếu không bị chứng bệnh tự phụ trên thì cũng rơi vào tình trạng nghi ngờ về những chuyện phi thường...

Tuy nhiên, hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật một viên sĩ quan cao cấp của triều đình đã lặn lội cả mấy chục kilômét để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho con ông được lành bệnh. Ông là một phó vương nơi cung triều, còn Đức Giêsu thì chỉ là người bình dân. Một hình ảnh trái ngược với giới lãnh đạo và thượng lưu thời bấy giờ!

Qua hành động của viên sĩ quan, chúng ta thấy được hai điều:

Trước hết, thái độ của ông quan này là khiêm tốn. Ông đã không để ý đến địa vị chức quyền, không nghĩ đến giai tầng trong xã hội, nhưng chỉ một lòng tin tưởng và phó thác nơi Đức Giêsu và sống trong niềm hy vọng được nhận lời.

Thứ hai, vị quan này rất kiên trì. Ông không thối trí nhụt lòng khi nghe thấy câu trách móc nặng nề của Đức Giêsu: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!". Nếu vị quan này mà kiêu ngạo, cố chấp hay tự trọng thái quá, có lẽ đã bỏ mà đi, đằng này, ông lại càng khẩn thiết hơn: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!". Câu nói này thể hiện sự thành khẩn và niềm tin chân thành của viên sĩ quan.

Thế nên, từ xa, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa cho con ông khi tuyên bố: “Con ông sống”. Thấy mọi sự diễn ra đúng thời gian mà Đức Giêsu tuyên bố con ông không chết, viên sĩ quan và cả gia đình ông đã tin vào Đức Giêsu.

Như vậy, câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắm vào niềm tin của viên sĩ quan.

Lúc đầu là một niềm tin và hy vọng về nhu cầu của mình. Dần dần biến thành tình yêu và kính phục khi nhu cầu được giải quyết cách nhiệm mầu. Cuối cùng, tình yêu đã hoàn toàn làm chủ và quy phục trong đức tin.

Đây cũng mẫu gương và là tiến trình trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vượt qua những tự hào thái quá để khiêm tốn như viên sĩ quan. Cần có một thái độ tin tưởng tuyệt đối nhưng chân thành và niềm hy vọng đầy tin yêu nơi Thiên Chúa như viên sĩ quan.

Lạy Chúa Giêsu, chỉ có đức tin trong lòng mến mới có thể giúp cho chúng con đến gần Chúa và tin tưởng vào Ngài mà thôi. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con có được đức tin chân thành để được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Lòng tin vào Chúa Giêsu

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra hỏi một người đứng kế bên:

- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không?

- Phải đó bà.

Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác, cũng hỏi:

- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không?

- Phải đó bà.

 Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hỏa xa, bà hỏi:

- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không?

- Phải, thưa bà.

Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà đã tin người đáng tin. Đức tin là thế!.

Suy niệm

Một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ông đã từ Capharnaum lên tận Galilêa để gặp Ðức Giêsu và xin Ngài thương chữa lành con ông. Ðức Giêsu chữa cho con một viên quan chức khỏi chết, vì ông đã tin vào Ngài. Sứ mạng của Ngài được sai đến để giải thoát con người khỏi khổ đau bệnh tật, chết chóc và tội lỗi. Nhưng với một điều kiện duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta là lòng tin.

Ngoài việc chữa con viên quan do lòng tin của Tin Mừng đã thuật lại việc vĩ đại thành sự nơi đức tin: Khi người đàn bà bị băng huyết đến sờ vào gấu áo Chúa với niềm tin Chúa chữa lành, Chúa nói: “Này bà, cứ an tâm, đức tin của bà đã cứu chữa bà” (Mt 9,22). Ông trưởng hội đường có đứa con gái ốm nặng sắp chết, ông tin vào Chúa nhưng sau đó hơi chút hồ nghi vì gia nhân bảo con ông đã chết, Chúa nói: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), ông vững tin, và Người đã làm cho em bé gái sống lại. Khi những người mang đứa con trai bị bệnh kinh phong tới Chúa Giêsu và nói: “Thầy có thể làm được gì thì xin thương cứu giúp chúng tôi”, Ngài đáp: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Đối với một người tin, điều gì cũng có thể”... (Mc 9,23), và Chúa Giêsu cầm tay đứa bé, chữa lành. Tin rằng thầy Giêsu có thể chữa lành cho người anh em bất toại, nhưng không thể mang bệnh nhân vào trong nhà qua cửa được vì quá đông người, người ta phải dỡ mái nhà rồi thả bệnh nhân xuống trước mặt Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ và hành động của họ, Tin Mừng Luca nói: Thấy họ có lòng tin như thế, Chúa Giêsu bảo “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20) và chữa lành cho anh. Người đàn bà thành Canaan xin Chúa chữa con bà khỏi bị quỷ ám (Mt 15,21-28), chính đức tin sống động, mãnh liệt này đã làm cho Chúa phải thốt lên: “Này bà, đức tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy” (Mt 15,28). Viên sĩ quan xin Chúa chữa người đầy tớ của ông khi tuyên xưng niềm tin mạnh mẽ vào Ngài (Mt 8,5-13). Và Đức Kitô đã khen: “Ta chưa hề thấy ai trong Israel có được đức tin mạnh như thế” (Mt 8,10), ông được toại nguyện. Đức tin của Matta mà Chúa đã thấy rõ nơi cô, Ngài đã thực hiện một phép lạ lớn lao: cho Ladarô sống lại (Ga 11,26-27).

Xin củng cố niềm tin của chúng con, để khi đã được chữa lành, được Chúa tái sinh, cuộc đời chúng con trở nên dấu chỉ sống động cho tình thương và sự hiện diện của Chúa.

Ý lực sống: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1)

 

Suy Niệm 7: Chữa người con của một sĩ quan

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)       

1. Sau khi tự mạc khải là Đấng Cứu Thế cho người phụ nữ Samaria ở giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đến Galilê. Ở đây Ngài bắt đầu thực hiện điều mà Isaia tiên báo. Ngay cả một người ngoại như viên sĩ quan triều đình cũng được hưởng hạnh phúc ấy: con trai ông sắp chết nhưng được Chúa cho sống lại. Lý do là vì ông đã tin, một đức tin mạnh đến nỗi ông tin lời Chúa ra về trước khi thấy Ngài chữa bệnh cho con ông. Ông tin chỉ vỉ nghe mặc dù chưa thấy.

2. Tin Mừng theo thánh Gioan trình bầy hai cấp độ tin: tin vì thấy và tin chỉ vì nghe. Đức Giêsu muốn người ta tin ở mức độ thứ hai. Chính các Tông đồ mãi tới lúc Đức Giêsu sống lại mới đạt tới đức tin như thế khi Tôma tuyên xưng đức tin mà không còn đòi  xỏ ngón tay vào các vết thương của Chúa nữa. Khi đó Chúa nói: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Trong bài Tin Mừng này, lúc đầu Chúa cũng nói “Nếu các ông không trông thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin. Phần chúng ta, đức tin của chúng ta đang ở cấp độ nào? Chúng ta có tin nhiều điều Chúa nói nhưng chúng ta chưa thấy hoặc chưa có dịp kiểm chứng không, chẳng hạn: Chúa rất thương ta, Chúa đang sống bên cạnh ta, Chúa sẽ nâng đỡ ta trong những lúc gian truân, hãy hoàn toàn phó thác vào Ngài vì Ngài sẽ che chở ta...?

3. Viên sĩ quan này làm việc tại triều đình vua Hêrôđê và gia đình ngụ tại Capharnaum. Chắc chắn những công việc Đức Giêsu làm đã đồn thổi đến tai ông nên ông đích thân đến xin Chúa chữa cho con ông đang thập tử nhất sinh.

Rất có thể ông đi mời Chúa như đi mời một thầy lang, một bác sĩ, nhưng dù sao thì cũng chứng tỏ ông đã tin vào quyền phép của Chúa, vì nếu không tin thì ông đến gặp Chúa để làm gì. Như vậy, chúng ta có thể chắc chắn viên sĩ quan này đã tin Chúa có thể chữa bệnh nhưng chưa tin Chúa có thể làm phép lạ từ xa, nên ông năn nỉ cho bằng được Chúa đến nhà ông.

Nhưng khi nghe Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình. Ông ra về. Nhưng trên đường về người nhà báo cho ông biết con ông đã khỏe rồi. Do đó ông và cả nhà đều tin vào Chúa.

 4. Một niềm tin đích thực không cần nhìn thấy tỏ tường, vì như thế không còn là tin nữa, mà là bất đắc dĩ chấp nhận một chuyện đã xẩy ra rồi. Đức Giêsu đã khẳng định điều đó sau lời cầu xin của vị sĩ quan đến xin Ngài chữa lành cho con trai mình.

Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực về mặt chính trị, ông có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Đức Giêsu truyền đạo, ông sẽ tin tưởng vào quyền lợi vật chất và khoa học hơn là niềm tin. Thế nhưng, ông nhận ra con người Đức Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, ông đã hạ mình  đến cầu xin Ngài. Lại nữa, vì tấm lòng của một người cha thương con bệnh tật, ông không ngại vượt qua rào cản của ý thức hệ và chính trị, để chạy đến với Đức Giêsu.

Nhưng hơn hết, ông tin vì nghe lời Chúa bảo: “Ông về đi, con ông sống”, chứ ông không đòi dấu lạ rõ ràng, nên niềm tin đó đã chữa lành cho con ông (theo Hiền Lâm).

5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: ông sĩ quan đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho con ông như đến xin một lòng tin. Việc đứa con ông được Chúa chữa khỏi bệnh từ xa đã tăng thêm lòng tin cho ông và lòng tin đã lan ra cả gia đình ông.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải làm sao cho đức tin của chúng ta được thêm vững mạnh hơn  sau một biến cố nào đó, không nhất thiết là phải được ơn, được phép lạ như ông sĩ quan hôm nay, nhưng ngay cả những lúc gặp gian nan thử thách, chúng ta càng tin tưởng vào Chúa hơn và làm cho những người chung quanh, nhất là những người trong gia đình, tăng thêm lòng tin vào Chúa.

6. Truyện: Cần tin người đáng tin.

Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tầu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tầu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra  hỏi một người đứng kề bên:

- Tôi định đi Bay City, có phải đi tầu này không?

- Phải đó bà.

Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác, cũng hỏi:

- Tôi định di Bay City, có phải đi tầu này không?

- Phải đó bà.

Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hỏa xa, bà hỏi:

- Tôi định đi Bay City, có phải đi tầu này không?

- Phải, thưa bà.

Thế là bà an tâm bước lên tầu. Bà đã tin người đáng tin.

Đức tin là thế!

 nguon:http://gplongxuyen.org/News