Thứ Hai 13/12/2021 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng. – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Quyền phép nào?.

Thứ Hai 13/12/2021 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng. – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Quyền phép nào?.

"Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?"

 

Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.

 

LỜI CHÚA: Mt 21, 23-27

Khi ấy Chúa Giêsu vào Đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?"

Chúa Giêsu trả lời: "Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. - Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?"

Họ bàn tính với nhau rằng: "Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri".

Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không được biết". Chúa Giêsu nói với họ: "Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Gioan là một ngôn sứ

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?

Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).

Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.

Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,

là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,

là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).

Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?

Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.

Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.

Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.

Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).

Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.

“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).

Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.

Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).

Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,

vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),

nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.

Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.

Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,

thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,

vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.

Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,

thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.

Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.

Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.

Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.

Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.

Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).

Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.

Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?

Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),

nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).

Thành thật với chính mình thật khó biết bao!

Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.

Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.

Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.

Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.

Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.

Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.

Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,

thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,

là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.

Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

 

Suy Niệm 2: Ngôi sao từ trời

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Rời khỏi Ai cập, dân Do thái dưới sự lãnh đạo của Mô sê đã tiêu diệt Ba-san, Ốc, A-mo-ri. Thấy vậy dân Mô-áp và Ma-đi-an sợ hãi, thuê thầy pháp Bi-lơ-am đến nguyền rủa Ít-ra-en. Nhưng được Chúa mặc khải, Bi-lơ-am, thay vì nguyền rủa, lại chúc phúc cho Ít-ra-en. Thay vì hạ nhục lại tôn vinh Ít-ra-en và loan báo sẽ có ngôi sao từ nhà Gia cóp xuất hiện khiến Ít-ra-en trổi vượt các dân khác: “Vua của nó cao cả hơn A-gác, và vương quốc nó được tôn vinh”. Vua Mô-áp tức giận, nhưng vẫn không tin Lời Chúa. Vì Lời Chúa đi ngược với quyền lợi của ông.

Thời Chúa Giêsu cũng vậy. Dân chúng tin tưởng lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả. Nhưng cấp lãnh đạo không chấp nhận. Biết rõ sứ mạng Gio-an là từ trời, họ vẫn không muốn công nhận. Nhưng họ cũng không dám chống đối công khai. Vì họ sợ dân chúng là những người tin tưởng Gio-an. Hơn nữa Gio-an làm chứng về Chúa Giê-su. Nhận Gio-an tức là nhận Chúa Giê-su. Nên giai cấp Biệt phái càng không dám công khai chấp nhận.

So sánh Bi-lơ-am với các Biệt phái ta thấy: Bi-lơ-am có thiện chí còn Biệt phái thì không. Bi-lơ-am nói theo sự thật. Biệt phái trốn tránh sự thật. Bi-lơ-am phục thiện. Biệt phái cố chấp trong sai lầm. Bi-lơ-am tôn trọng sự thật dám bỏ quyền lợi. Biệt phái bảo vệ quyền lợi nên bỏ sự thật. Bi-lơ-am để cho Thần Khí hướng dẫn. Biệt phái theo xác thịt nên chống lại Thần Khí.

Chúa đang đến với ta. Nhưng ta có nhận ra và đón tiếp được Người hay không là tùy thái độ của ta. Nếu ta theo xác thịt, không dám từ bỏ cuộc sống theo dục vọng, xác thịt, ta sẽ không gặp được Chúa. Để có tâm hồn sẵn sàng, ta phải từ bỏ lối sống theo xác thịt, hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

Lạy Chúa, Ngôi Sao Từ Trời, xin đến cứu con, cho con được sức mạnh dứt lìa thói ươn lười, ủy mị, cắt đứt những hưởng thụ, những ham mê, để mạnh mẽ sống một cuộc sống mới trong Chúa và với Chúa. Lạy Ngôi Sao Từ Trời, xin hãy đến soi sáng tâm trí để con nhận biết sự thật, soi sáng đường con đi để con không vấp ngã trên đường đến với Chúa.

 

Suy Niệm 3: Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có

Trong tập sách "Án Tử Xuân Thu" có câu chuyện kể lại tài ứng xử của Án Tử như sau:

Khi Án Tử sắp sang nước Sở, vua Sở nghe thấy bảo với cận thần rằng: - Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề, nay muốn sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì không?

Cận thần thưa: - Ðể bao giờ Án Tử sang, cận thần sẽ tìm một người, cho trói lại và dẫn người ấy đến trước mặt vua để giả làm một người nước Tề bị bắt vì tội ăn trộm.

Lúc Án Tử đến nơi, vua Sở làm tiệc thiết đãi tử tế. Ðang giữa cuộc rượu, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào. Vua hỏi: - Tên kia tội gì mà phải trói thế?

Lính thưa: - Tên ấy là một người nước Tề mắc phải tội ăn trộm.

Vua đưa mắt nhìn Án Tử hỏi rằng: - Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?

Án Tử đứng dậy thưa rằng:

- Chúng tôi trộm nghe thấy rằng: cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, đem sang cấy ở đất Hoài Bắc thì quất chua, cành lá giống nhau mà quả lại chua ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại vì thủy thổ khác nhau vậy. Nay thân sinh ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, có lẽ vì lý do khác nhau về thủy thổ mà nó sinh ra như vậy chăng?

Sở Vương muốn làm nhục, làm hại Án Tử nhưng rồi trước bằng chứng về sự thực mà Án Tử đưa ra để biện minh, Sở Vương đành thúc thủ chịu cái nhục. Nhờ vào sự thật mà hậu quả đã đột ngột xoay chuyển dự liệu trù tính của kẻ bày mưu. Hoàn cảnh của Sở Vương lúc này cũng phần nào giống như tâm trạng của các thượng tế và kỳ lão khi họ lên tiếng muốn bắt bẻ Chúa Giêsu.

Bài trích sách Dân Số của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã tường thuật cho chúng ta về hành vi của Balaam, một thầy pháp của dân Moab. Ông được trao nhiệm vụ chúc dữ cho dân Israel dân Chúa. Thế nhưng, khi được đưa lên đỉnh núi Peor, ông lập đàn tế thần chuẩn bị lời chúc dữ. Nhìn xuống doanh trại của dân Israel, được thúc đẩy bởi Thần Khí của Giavê Thiên Chúa, một sự thật không thể cưỡng lại khiến cho từ miệng ông lời chúc dữ đã trở thành lời chúc lành.

Trong bài Tin Mừng, một cách nào đó câu trả lời của các thượng tế và kỳ lão đặt ra cũng mang hình thức tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, mục đích của họ lại khác hẳn, họ muốn bắt bẻ Chúa Giêsu, muốn tìm cớ hại Ngài. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn khoan dung trước thái độ cố chấp của họ. Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi của Ngài không phải là một sự bắt bẻ hoặc gài bẫy họ để họ có dịp trở lại nhưng Ngài muốn đặt họ trước một sự thật, đó là Gioan Tẩy Giả kẻ dọn đường Chúa đến với phép rửa thống hối.

Quay ngược thời gian trở về với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu cũng muốn khơi dậy nơi họ khởi động niềm tin vào Ngài, vì Gioan Tẩy Giả một vị tiên tri lớn của người Do Thái, cuộc đời và lời giảng của ông không một điểm nào đáng trách, bao người đã đến nghe ông giảng và họ lãnh nhận phép rửa thống hối. Thế mà chính bản thân ông, Gioan Tẩy Giả chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho một Ðấng đến sau ông. Trước Ðấng ấy, ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài.

Lời của Gioan Tẩy Giả không phải là một câu nói hàm ý tâng bốc nhưng là một chứng từ cho sự thật. Về sau Chúa Giêsu đã nói rõ: "Trong những con cái do người nữ sinh ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông".

Tìm về Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông, các trưởng tế và các kỳ lão cũng được gọi để chấp nhận sự thật, thế mà họ vẫn cố chấp và ác ý. Sự cố chấp và ác ý đã khiến họ không thể trở thành môn đệ của Ngài, không được dạy bảo về Ngài.

Balaam là một người ngoại giáo nhưng ông đã thành thật, đã khuất phục trước Quyền Năng của Thiên Chúa, nên ông đã được Thiên Chúa dùng. Còn thượng tế và kỳ lão tuy thuộc dòng dõi được chọn nhưng vì cứng lòng cố chấp mà đã bị loại ra ngoài.

Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn đang đối thoại, đang mời gọi con người tìm về sự thật. Lời Ngài đã được nói qua Ðức Kitô một lần thay cho tất cả, mỗi biến cố chỉ là một nhắc nhở tìm về Lời và đối chiếu với Lời. Thái độ đứng trước Người, Lời đã khiến cho con người được thưởng hay là bị luận phạt.

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đến đemsự thật giải phóng chúng con, hôm nay trong tâm tình mong đợi ngày Chúa đến, xin cho chúng con biết tìm về cội nguồn sự thật để rồi sự thật sẽ soi sáng hướng dẫn hành động của chúng con và sẽ biến chúng con nên dụng cụ của Chúa dù cho thân con bất xứng chẳng đáng gì.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Chất vấn về quyền

Sách Lã thị xuân thu có kể câu chuyện về tài ứng đối của Án Tử như sau:

Nghe tin Tử sắp sang nước Sở, vua Sở báo với quân thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không?”. Cận thần xin thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người giải đến trước mặt vua, để giả làm người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.

Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điều một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế?. Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhì Án Tử và nói: “ Người nước Tề hay trộm  cắp lắm nhỉ?. Án Tử đứng dậy thưa: “Chúng tôi có nghe, cây quất mọc ở đất Hoài nam thì là thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Thưa là tại thuỷ thổ khác nhau. Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thuỷ thổ nên sinh ra  đổi khác chăng.

Sở Vương muốn làm nhục Án Tử, nhưng rồi trước bằng chứng về sự thật mà Án Tử đưa ra để biện minh, Sở Vương lại đành nuốt nhục. Chính bằng chứng về sự thật mà Án Tử nêu ra, đã đột ngột  làm  xoay chuyển dự  mưu của những kẻ muốn bày trò làm nhục người khác.

Hoàn cảnh của Sở Vương phần nào giống như tâm trạng của giới thượng tế, Biệt phái và thời Chúa Giêsu, khi họ lên tiếng bắt bẻ Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.

Một cách nào đó, câu hỏi của nhóm Thượng tế và kỳ lão đặt ra cũng mang hình thức tìm kiếm sự thật, nhưng mục đích của họ là bắt bẻ và tìm cớ hại Ngài. Chúa Giêsu vẫn tỏ ra khoan dung trước thái độ cố chấp của họ. Ngài  đặt ra cho họ một câu hỏi, không phải để bắt bẻ hay gài bẫy họ, mà là để mời gọi họ nhận chân sự thật.

Khi quay ngược lại thời Gioan Tẩy Giả Chúa Giêsu muốn khơi dậy nơi họ khởi đầu của niềm tin là: Hãy tin vào Ngài. Cuộc đời và lời giảng dạy của Gioan không những thu hút nhiều người đến nghe giảng, mà còn chịu phép rửa thống hối. Vậy mà chính bản thân ông, Gioan chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho Đấng đến sau ông. Lời của Gioan Tẩy giả chính là một chứng từ về sự thật: “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không đáng cởi giây giầy cho Ngài”.

Nhắc lại Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông là Chúa Giêsu muốn các Thượng tế và kỳ lão chấp nhận sự thật. Nhưng họ vẫn cố chấp và ác ý, khiến họ không thể trở thành môn đệ của Ngài.

Trong thế giới hôm nay; Thiên Chúa vẫn đang đối thoại, mời gọi con người tìm hiểu sự thật. Con người được cứu rỗi hay bị luận phạt tuỳ thuộc thái độ đón nhận hay khước từ lời mời gọi đó.

 

Suy Niệm 5: Quyền ủy nhiệm

Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt. 21, 23)

Những căng thẳng giữa Đức Giêsu và các thủ lãnh tư tế đã xảy ra. Họ khiển trách Người về những công việc Người làm mà không có quyền của ai ban cho.

Để giảng dạy trong đền thờ, phải là hàng thầy cả hay kỳ lão, phải học hành nghiên cứu và đậu bằng cấp tốt nghiệp sau thời kỳ đã được thử nghiệm. Thế mà Đức Giêsu không học trường lớn nào. Người không có bằng tốt nghiệp sư phạm hay tiến sĩ gì. Trước mặt các thầy thượng phẩm, Người không có khả năng giảng dạy trong nơi thánh. Họ kết án Người vô tài bất lực.

Họ hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm điều đó, và ai đã cho ông quyền này?”. Nói cách khác: bằng cấp ông đâu? Ủy nhiệm thư cho ông đâu? Đức Giêsu từ chối trả lời họ. Người hỏi lại họ. Câu hỏi làm họ bối rối.

Giả như Đức Giêsu cư xử cách khác, như Người nói cho họ biết Người là Con Thiên Chúa và lấy quyền Chúa Cha mà giảng dạy, thì họ có tin Người không? Chắc là không. Người xét thấy không thuận tiện để mặc khải lúc này. Vì, đối với Người, không phải có những ủy nhiệm thư hay quyền thế làm cho việc rao giảng chân lý được thích hợp thuận lợi, mà chính điều chân thật làm sáng tỏ sự thật, còn kẻ nói thì ít quan trọng.

Thiên Chúa không nhất thiết cần đến những kẻ học rộng, biết nhiều mới nói được cho chúng ta. Ngài tự nói với chúng ta qua những kẻ tin Ngài. Lời của một em bé, một cụ già, một bà mẹ có thể có giá trị quan trọng hơn lời của linh mục hay giáo sư đại học.

Lời Chúa không bị trói buộc. Lời Chúa tràn lan khắp nơi và vọt ra từ con tim tốt lành hồn nhiên hơn là từ một đầu óc nhồi sọ.

J.G

 

Suy Niệm 6: Hãy khiêm tốn để được cứu độ

Có những câu hỏi được đưa ra để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó! Cũng có những vấn nạn đặt ra với mong muốn được hiểu thêm kiến thức, tuy nhiên, cũng có những thắc mắc được đưa ra không phải vì ý ngay lành, nhưng mục đích để hạ gục, bắt lỗi và kết án đối phương.

Hôm nay, Đức Giêsu bị rơi vào tình cảnh thứ ba khi các Kỳ mục và Thượng tế hỏi Ngài: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?". Đức Giêsu biết rõ sự thâm độc của họ, vì nếu Ngài nhận rằng quyền năng của Ngài do được ủy nhiệm, thì hẳn Ngài là một kẻ ly giáo và chính quyền sẽ lên tiếng vì họ sẽ gán Ngài vào cái tội gọi là phủ nhận quyền của những nhà lãnh đạo! Còn nếu Đức Giêsu nói rõ rằng: quyền đó là do Thiên Chúa trao cho Ngài, và Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, thì Ngài sẽ rơi vào tội lộng ngôn, phạm thượng!

Khi lường trước được những hệ lụy như vậy, và “giờ” của Ngài chưa đến, nên Đức Giêsu đã hỏi ngược lại họ: “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?". Nếu cái bẫy mà họ đưa ra cho Đức Giêsu để dồn Ngài vào chân tường, thì giờ đây, họ lại thay thế chỗ của Đức Giêsu khi bị Ngài hỏi ngược lại! Tuy nhiên, mục đích của Đức Giêsu thì khác họ, Ngài không muốn đẩy họ vào đường cùng, nhưng mục đích của Ngài là muốn cho họ nhận ra vai trò của Đấng Cứu Thế và giá trị đích thực của cuộc đời, hầu sám hối để được ơn tha tội.

Tuy nhiên, vẫn lòng trai dạ đá, với những mánh khóe bẩn thỉu, họ đã trả lời cách vu vơ: "Chúng tôi không biết". Nhưng khi trả lời như thế, họ đã lãnh nhận hậu quả nặng nề, vì: họ thuộc về thành phần lãnh đạo tinh thần, nên sự xuất hiện của Gioan, họ phải biết rằng ông là ai? Đằng này không biết, chứng tỏ họ vô trách nhiệm và hèn nhát vì không dám chân nhận sự thật.

Trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó những hạng người hèn nhát không dám đứng ra để bảo vệ chân lý, công bằng. Họ biết đó là sai, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, chỉ vì chúa của họ là cái bụng, nên sẵn sàng bất chấp mọi sự, miễn sao đạt được mục đích rẻ tiền...

Tuy nhiên, điều những nhà lãnh đạo Dothái khi xưa không chừng lại là chính những chọn lựa của chúng ta hiện nay khi chúng ta tìm mọi lý lẽ để biện minh, bóp méo Lời Chúa để uốn nắn Lời của Ngài theo thiển ý của ta hầu phục vụ cho những việc làm xấu xa, đê tiện  của mình!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy thành tâm sống khiêm tốn, bén nhạy với Lời của Chúa. Luôn tin tưởng vào quyền năng của Ngài. Tránh thái độ kiêu căng, tự mãn, ích kỷ mà vu khống, đẩy đưa người anh chị em chúng ta vào chỗ chết.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Nhưng, để sự chờ mong của chúng ta thực sự có ý nghĩa, thì ngay trong giây phút này, mỗi người phải khiêm tốn, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, thay đổi lối sống không phù hợp với Tin Mừng để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có được tâm tình của người môn đệ là khao khát sự hoàn thiện trong việc trung thành, ngoan ngoãn vâng theo Lời Thiên Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Chấp nhận Đấng Cứu Thế hay không

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đấng Cứu Thế đã đến trong trần gian. Nhưng ta có chấp nhận Ngài hay không là tùy ở ta có khiêm nhường và thành tâm hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã xuống thế làm người. Chúa đã tỏ mình ra qua lời giảng dạy và qua những việc làm đầy uy quyền. Vậy mà các thượng tế và kỳ mục vẫn không nhận ra Chúa. Vì họ đã quá kiêu căng.

Con cũng lo sợ cho chính con. Con đã để cho lòng của con đầy ắp sự kiêu căng. Con dễ dàng đánh mất sự bén nhạy trước lời ngỏ của Thiên Chúa. Con cũng dễ dàng loay hoay tìm kiếm bảo vệ quyền lợi mình. Con cũng dễ dàng để cho mình rơi vào tình trạng chán ngán và không còn đói khát sự công chính. Con cũng nhận thấy rất rõ khuynh hướng để mình đi trong mê lầm giả trá.

Chúa đã từ chối không tỏ mình ra cho những vị thượng tế và kỳ mục kiêu căng cố chấp. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin Chúa giúp con luôn biết khiêm nhường trong cuộc sống. Xin cho con luôn được ơn biết mở rộng tâm hồn để thành tâm đón nhận chân lý và ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, con đang sống trong Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Con không mong chờ Chúa giáng sinh vì Chúa đã giáng sinh rồi. Nhưng con mong chờ Chúa đến lần thứ hai như Chúa đã hứa để hoàn tất quyền làm Chúa trên vũ hoàn. Đang khi đó, Chúa vẫn đến với con qua từng biến cố, qua từng anh em con gặp gỡ, và nhất là trong thánh lễ hằng ngày. Xin Chúa ban cho con luôn nhậy bén và hằng thức tỉnh đợi chờ Chúa đến mỗi ngày. Amen.

Ghi nhớ: “Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”

 

Suy Niệm 8Đặt vấn đề để tìm sự thật

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

1. Chúa Giêsu bị chất vấn:

- Ai chất vấn? ”Các thượng tế và kỳ mục” (c.23). Mc 11,27 còn kể thêm các kinh sư. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng hội đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của đạo.

- Chất vấn về điều gì? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán, đã chữa bệnh và nay đang giảng dạy. Và tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng không phải là kinh sư. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ?

- Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.

2. Phản ứng của Chúa Giêsu:

- Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Làm như thế, không phải là Ngài muốn tránh né vấn đề, mà Ngài muốn họ suy nghĩ về một vấn đề căn bản hơn: chỉ vì ganh ghét nên họ đã không đón nhận lời rao giảng của Gioan và Chúa Giêsu. Nay họ phải suy nghĩ kỹ xem sứ mạng của Gioan và Ngài là do đâu: có phải do tham vọng cá nhân hay do chính Thiên Chúa?

3. Kết cuộc: Họ không chịu suy nghĩ (vì không thích suy nghĩ vấn đề đó) nên đáp là không biết. Chúa Giêsu thấy họ không có thiện chí nên cũng không trả lời câu hỏi của họ.

Suy gẫm

1. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó vạch trần lòng dạ cố chấp của họ không muốn tìm hiểu sự thật. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Nhưng họ không muốn tìm hiểu và không muốn trả lời. Nếu họ chịu tìm hiểu thì họ đã có câu trả lời và đã dám trả lời. Nhiều khi vì không muốn bỏ đi một thành kiến, chúng ta cũng không chịu khó tìm hiểu nên cũng rơi vào thái độ cố chấp tới nỗi mù quáng như vậy.

2. Có một số điều ta không thích nghĩ tới và không muốn đặt lại vấn đề, vì nếu làm thế thì ta phải sắp xếp lại cuộc sống, có thể phải từ bỏ những thói quen đã thành nếp, có thể phải khởi sự lại từ đầu. Thí dụ: cuộc sống hiện nay của tôi với những tương giao, những tham vọng, những thói quen... có gì không ổn không? Có gì phải sửa đổi? Có gì phải từ bỏ? Phải cố gắng thêm gì?... Ta không muốn nghĩ tới để ta có thể tiếp tục an phận. Nhưng Lời Chúa hôm nay mời ta can đảm đặt lại vấn đề. Có như thế ta mới đi đúng hướng và đời ta mới tốt đẹp hơn.

3. Bài đọc I là một câu chuyện rất hay nhắc nhớ chúng ta nên thoát khỏi thành kiến cố chấp, thoát khỏi danh lợi thú đang bịt mắt ta, và hãy nhìn ra sự thật: Balaam là một thày bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ để ông đi trù ẻo người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho thực hiện. Ông đánh nó, Chúa cho nó biết nói ra ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng ông nhận ra sự thật và đi đến doanh trại người Do Thái để tuyên sấm ca tụng họ như nội dung của bài đọc một. Ông tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một Phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra uy quyền của Chúa trên đời chúng con. Vì Ngài là Đấng uy quyền và bất biến, vĩnh cửu và toàn năng. Xin cho uy quyền của Chúa lan tỏa ra qua Lời Chúa để thay đổi tâm hồn chúng con, để cuộc sống chúng con chứng tỏ uy quyền của Chúa qua cuộc sống, qua vũ trụ và những biến cố cuộc đời.

 

Suy Niệm 9Lấy quyền ai?

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Chúng ta biết Đức Giêsu là cái gai trước mắt các nhà lãnh đạo Do thái, họ quyết không chịu đội trời chung với Ngài. Họ căm ghét và tìm cách giết Ngài. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ tìm đến mở cuộc khẩu chiến với Ngài. Họ mong kiếm tìm được lời gì có thể buộc tội hay ít ra  làm cho Ngài mất ảnh hưởng và dân chúng bớt ngưỡng mộ Ngài.

2. Hôm đó, Đức Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem và thanh tẩy Đền Thờ “khi đánh đuổi bọn buôn bán cùng với bò lừa ra khỏi khu vực Đền Thờ” (Mt 21,12). Các thượng tế, luật sĩ và kỳ mục họp bàn với nhau để chủ ý ghép Đức Giêsu vào tội “Lộng quyền” nhằm giết Ngài. Họ bàn bạc, sắp xếp và quyết định đưa ra một câu hỏi để chất vấn Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy”? Họ cố ý dùng câu trả lời của Đức Giêsu  để kết tội Ngài. Đây là một câu hỏi không thành tâm muốn biết quyền năng của Chúa để tin Ngài nhưng thực ra lại mang một ý đồ xấu.

3. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, nhưng thay vì trả lời, Đức Giêsu đặt ngược lại cho họ một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tẩy giả: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyên nào mà làm các diều đó. – Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta”? Đây không phải là Đức Giêsu né tránh vấn đề, Người chỉ muốn đặt vấn đề vào đúng vị trí về sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả, vì Gioan có thông dự vào vào việc loan báo vương quyền Thiên Chúa. Như thế nói về Gioan tức là nói về Đức Giêsu. Người đặt câu hỏi như vậy khiến những người hạch hỏi Chúa  rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

4. Nhưng kẻ đặt câu hỏi với Đức Giêsu biết rõ rằng: Toàn dân đã xác tín Gioan là một tiên tri  được Chúa sai đến, cho nên phép rửa của Gioan là bởi trời. Họ cũng biết chắc Ngài sẽ trách họ: ”Nếu các ông đã biết bởi trời, tại sao các ông không tin Gioan”? Còn nếu trả lời rằng của Gioan là bởi người ta, thì họ lại sợ dân chúng ném đá... Cho nên, họ trả lời Đức Giêsu: ”Chúng tôi không được biết”.

5. Sở dĩ các thượng tế và kỳ lão không nhận bằng chứng của Gioan, cũng không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa là vì họ có thành kiến, kiêu ngạo, họ cho rằng họ biết hết, kỳ thực họ chẳng biết gì. Họ chỉ nhìn Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu theo định kiến thiển cận thấp hèn của họ. Muốn nhận biết Chúa, phải gạt bỏ mọi thành kiến.

Một vị giảng thuyết được mời đến một nhà thờ nọ. Ông được báo trước rằng một số giáo dân  thường bỏ về trước khi bài giảng kết thúc.

Bắt đầu giảng, ông loan báo: “Sáng nay, tôi sẽ nói với hai hạng người trước tiên nói với người tội lỗi, và sau đó với những người thánh thiện”.

Ông diễn thuyết cho “những người tội lỗi” được một lát, rồi ông nói họ: “Bây giờ các bạn có thể ra về”. Thế nhưng hôm đó, mọi người ở lại cho đến kết thúc bài giảng.

Thính giả như người biệt phái và luật sĩ.....

6. Trước câu hỏi này của Đức Giêsu, các thượng tế và kỳ mục đã nói “Chúng tôi không biết”. Đó không phải là trả lời mà cách nói tránh né sự thật. Họ dư biết phép rửa của Gioan là bởi trời, nhưng sợ phải nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên họ không dám đối diện với sự thật; vì một khi nhìn nhận vai trò của Gioan Tẩy Giả, mà Gioan Tẩy Giả là người giới thiệu Đức Giêsu, thì họ cũng phải nhìn nhận  vai trò cứu thế của Đức Giêsu như Gioan loan báo. Nếu đón nhận sự thật đó, hệ quả là các ông phải thay đổi tất cả: từ não trạng, niềm tin, đến nếp sống. Vì không muốn hoán cải nên họ đã quanh co, tránh né sự thật mà nói: ”Chúng tôi không biết”(5 phút Lời Chúa).

7. Truyện: Kẻ cắp gặp bà già.

Thời Xuân Thu chiến quốc có kể câu chuyện về vài cách ứng đối của Án Tử như sau:

Nghe tin Án Tử sắp sang nước Sở. Vua Sở bảo quần thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không”? Cận thần thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.

Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế”?  Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ”?

Án Tử đứng dậy bèn thưa: “Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc lại thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại sao? Thưa là tại thủy thổ khác nhau. Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thủy thổ nên sinh ra đổi khác chăng”?

Qua câu chuyện này chúng ta có thể rút ra bài học: Chúa muốn dạy ta hãy cố gắng mà đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa, ta cũng phải cố gắng mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có con đường đó thì lương tâm ta mới được vui tươi và nếu cố sống như thế ta mới được Chúa chúc phúc.

 

Suy Niệm 10: Sống theo lẽ phải

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu bị chất vấn:

- Ai chất vấn? “Các thượng tế và kỳ mục” (câu 23). Theo Mc 11, 27 thì còn có cả các luật sĩ. Như thế, những người chất vấn Chúa Giêsu gồm đủ 3 thành phần của Thượng Hội Đồng Do Thái giáo, tức là những lãnh tụ cao cấp nhất của Đạo lúc đó.

- Chất vấn về điều gì? Về quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán (Mt 21, 12-13tt), sau đó đã chữa bệnh (Mt 21, 14) và lại còn giảng dạy (Mt 21, 23). Tất cả những việc đó Ngài lại làm ngay trong Đền thờ, tức là ở một nơi chính thức nhất, nơi mà người ta coi là lãnh địa riêng của những lãnh tụ tôn giáo Do Thái.

Ngài không phải là tư tế, không phải là kỳ mục và cũng chẳng phải là luật sĩ. Tại sao Ngài làm những việc đó, và làm ngay trong Đền thờ?

- Động cơ của việc chất vấn: không phải chất vấn để tìm cho biết sự thật, mà chất vấn để bắt lỗi.

2. Phản ứng của Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu không trả lời mà hỏi ngược lại những kẻ chất vấn Ngài. Câu hỏi của Chúa Giêsu khiến các thượng tế và kỳ mục phải bối rối. Sự bối rối đó cho chúng ta thấy lòng dạ cố chấp không muốn tìm hiểu sự thật của họ. Sự thật về phép rửa của Gioan chỉ có thể thuộc một trong hai trường hợp: hoặc do Thiên Chúa hoặc do loài người. Trả lời bằng cách nào đây? Bằng cách nào cũng bị kẹt. Trả lời là do Thiên Chúa thì Chúa sẽ hỏi lại tại sao họ không tin Gioan. Còn nếu họ bảo là do người ta thì họ lại sợ dân chúng vì lúc đó dân chúng ai cũng tin Gioan là tiên tri, có nghĩa là người của Thiên Chúa. Chính vì thế mà họ không dám trả lời.

Rất nhiều khi vì thành kiến hoặc do tà tâm ác ý chi phối mà chúng ta cũng rơi vào thái độ hẹp hòi rồi từ đó chúng ta cũng phải đối diện với những sự thật khó xử như thế.

Án Tử sắp sang xứ nước Sở. Vua Sở nghe tin thì bảo cận thần rằng: Án Tử là một tay ăn nói giỏi ở nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục hắn một phen, các khanh có cách gì không?

Cận thần thưa:

- Đợi bao giờ Án Tử sang, chúng tôi xin trói một người, dẫn đến trước nhà vua.

- Để làm gì?

- Để giả làm người nước Tề.

- Cho là phạm tội gì?

- Tội ăn trộm.

Lúc Án Tử đến nơi. Vua Sở làm tiệc thết đãi tử tế. Rượu uống ngà ngà, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào.

Vua hỏi: - Tên kia tội gì mà phải trói thế?

Lính thưa: - Tên ấy là người nước Tề bị bắt vì tội ăn trộm.

Vua đưa mắt vừa nhìn Án Tử vừa nói rằng: - Người nước Tề hay trộm cắp thế sao?

Án Tử đứng dậy, thưa rằng: “Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam, thì là quất ngọt, đem sang trồng ở đất Hoài Bắc, thì hoá quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Là tại thủy thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có nhẽ cũng tại vì cái thuỷ thổ khác nhau nên đã hóa ra như thế chăng!

- Vua Sở cười nói: Ta muốn nói đùa mà thành phải chịu nhục. Thế mới hay kẻ cả không nên nói đùa bao giờ.

Vua Sở lập mưu làm nhục Án Tử nhưng không ngờ lại bị Án Tử quật lại thật nhục. Rõ ràng: kẻ cắp gặp bà già, vỏ quít dày có móng tay nhọn, quyết lòng ngậm máu phun người, bỗng đâu gió thổi máu rơi lại mình. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và những người chất vấn Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng như thế.

3. Vậy thì bài học hôm nay Chúa muốn dạy chúng ta là trong cuộc sống, chúng ta hãy cố gắng đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa chúng ta cũng phải cố mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có như thế, lương tâm chúng ta mới được vui và mới được Chúa chúc phúc.

Balaam là một thầy bói ngoại giáo rất nổi tiếng. Ông được kẻ thù của dân Do Thái ba lần thuê mướn với lễ vật hậu hỹ, để ông đi trù ẻo những người Do Thái. Cả ba lần ông đi đều bị con lừa của ông phá đám không cho ông thực hiện công việc xấu xa đó. Ông đánh nó thì Chúa cho nó lên tiếng nói. Nó mắng lại ý đồ đen tối và sự tham lam của ông. Cuối cùng, ông đã nhận ra sự thật và khi đi đến doanh trại người Do Thái thay vì ông trù ẻo như kẻ thù mong muốn thì ông lại tuyên sấm ca tụng dân Do Thái. Hơn nữa, thay vì trù ẻo Balaam lại tiên báo một vì sao sáng sẽ mọc lên, một phủ việt của nhà vua sẽ xuất hiện: Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta cũng hãy bắt chước Balaam để luôn biết nói lên những lời hay ý đẹp làm vui lòng mọi người để cuộc sống chung quanh chúng ta mỗi ngày được trở nên tốt đẹp và đầy tình người hơn. Amen.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-hai-13122021-thu-hai-tuan-3-mua-vong-thanh-luxia-trinh-nu-tu-dao-le-nho-quyen-phep-nao.html