Thứ Hai 12/04/2021 – Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh. – Cửa ngõ vào Nước Thiên Chúa.

Thứ Hai 12/04/2021 – Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh. – Cửa ngõ vào Nước Thiên Chúa.

"Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa".

 

Lời Chúa: Ga 3, 1-8

Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa". Nicôđêmô thưa Chúa rằng: "Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?"

Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Được sinh ra từ trên

Mùa Phục sinh là thời gian những người dự tòng lãnh bí tích Thanh Tẩy.

Tuy họ là những người đã lớn khôn trưởng thành,

nhưng bí tích Thanh Tẩy đưa họ vào một cuộc sống mới,

cuộc sống như trẻ thơ được sinh lại nhờ Thánh Thần.

Để bước vào cuộc đời này, cần có một người cha sinh ra mình.

Để vào Nước Thiên Chúa, con người cần được Cha trên trời sinh ra.

Con người có sự sống đời này khi Chúa còn ban hơi thở tự nhiên.

Con người có sự sống vĩnh cửu khi được Chúa ban Thần Khí.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên.

Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng,

đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi.

Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa,

và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ.

Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen).

Trong tiếng Hy-lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.

Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại.

Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc:

“Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.”

Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai.

Nhưng kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí.

Tương tự như gió ở chung quanh ta.

Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió.

Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy.

Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy,

nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người.

Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống.

Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa.

Hãy để cho sự  sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày.

Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao,

để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

xin ban cho con sự sống của Chúa,

sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa,

bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,

niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,

hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,

Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

 

SUY NIỆM 2: BỞI NƯỚC VÀ THẦN KHÍ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chịu phép rửa tội là cùng chết với Chúa Giêsu cho tội lỗi và con người cũ. Để được cùng sống lại với Người trong con người mới. Con người mới không còn sống theo xác thịt. Nhưng theo Thần Khí. Điều đó Chúa đã nói với Ni-cô-đê-mô nhưng ông không hiểu. Dù thông thái, nhưng chỉ là người hạ giới. Nên ông nghĩ sinh lại là phải trở vào lòng mẹ. Nhưng Chúa Giê-su nói về thượng giới. Sinh lại bởi ơn trên. Bởi nước và Thần Khí. Trước khi Chúa phục sinh, các Tông đồ cũng không hiểu. Nhưng sau ngày Chúa Phục Sinh, các ngài đã hiểu.

Các ngài đã sinh lại trong nước và Thần Khí. Đã được cưu mang qua những đau khổ. Từ những đau khổ do cuộc khổ nạn của Thầy Chí Thánh cho đến những đau khổ vì Thầy Chí Thánh. Từ những đau khổ do tính xác thịt yếu đuối cho đến những đau khổ sẵn sàng đón nhận vì tình yêu. Đó là một cuộc mang nặng đẻ đau.

Các ngài đã trở nên con người mới. Chúa Thánh Thần đến làm chấn động trái đất. Chuyển động lớn lao vì các Tông đồ chết đi cho con người cũ để sống cho con người mới. Từ bỏ con người xác thịt trần gian để sống theo Thần Khí với con người của thượng giới.

Trí óc mở ra nên các ngài am hiểu lời Kinh Thánh. Thấy tất cả Kinh Thánh đều ứng nghiệm vào Chúa Giê-su. Lời Thánh vịnh đã ứng nghiệm khi Phi-la-tô, Hê-rô-đê và các Thượng tế toa rập nhau kết án Chúa Giêsu. Họ tưởng họ đắc thắng. Không ngờ họ chỉ thi hành chương trình Thiên Chúa đã hoạch định từ trước.

Con người đổi mới nên các ngài chẳng còn sống cho xác thịt, cho chính mình. Chỉ sống cho Chúa Giê-su Ki-tô và vì Người mà thôi. Vì thế sẵn sàng và vui mừng chịu đau khổ vì Chúa.

Theo tác động của Thần Khí, các ngài mạnh dạn ra đi rao giảng Lời Chúa. Dù gặp biết bao gian nan khốn khó. Nhưng các ngài sẵn sàng chịu những thiệt thòi ở hạ giới. Vì các ngài đã thuộc thượng giới. Chỉ tìm vinh quang và hạnh phúc nơi thượng giới mà thôi.

Phần tôi, đã được chịu phép rửa, sinh lại bởi nước và Thần Khí. Tôi cũng phải noi gương các ngài. Không còn sống theo xác thịt với những toan tính trần tục. Hãy sống theo Thần Khí với nhãn quan thượng giới. này để được lại tất cả ở đời sau.

 

SUY NIỆM 3: Cửa ngõ vào Nước Thiên Chúa

Trong đoạn Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy chú ý đến tinh thần và dung mạo của ông Nicôđêmô, một người thuộc nhóm Pharisiêu, tức biệt phái và là thủ lãnh của dân Israel. Hai chi tiết này cho chúng ta biết là dung mạo nhân bản và thiêng liêng của ông.

Nicôđêmô là một nhà trí thức thông biết Kinh Thánh Cựu Ước và đã thành danh, có địa vị trong dân Israel, có những đặc quyền và đặc ân trong xã hội và có những bổn phận phải chu toàn cũng như những lợi danh cần duy trì. Ðể duy trì danh thế này, ông Nicôđêmô không dám công khai đến với Chúa mà chỉ muốn đến với Chúa ban đêm để người ta đừng trông thấy, để khỏi bị phiền phức và để khỏi bị mất uy tín xã hội mà ông đang vui hưởng.

Nhìn từ bên ngoài và trên bình diện tự nhiên nhân bản, thì có thể nói một người như ông Nicôđêmô đã được thỏa mãn trọn đủ, công thành danh toại rồi, không còn phải nghĩ thêm gì nữa. Tuy nhiên, nếu xét thêm một chút nữa, chúng ta sẽ thấy được một khao khát sâu xa nơi tâm hồn của ông Nicôđêmô, khao khát về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, khao khát một cuộc mạc khải trọn vẹn hơn về Thiên Chúa. Ông đã nghe biết giáo lý có uy tín của Chúa Giêsu nên đã dám gọi Chúa là một vị tôn sư và đã quan sát đúng việc lạ Chúa thực hiện và lý luận một cách tự nhiên là có Thiên Chúa hiện diện nơi con người mang danh Giêsu đây. Ông đã mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời công nhận chân thành: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả thật, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy". Với thái độ sống như vậy, ông Nicôđêmô không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu. Nhưng điều mà cái nhìn phàm trần cho là lợi điểm của ông Nicôđêmô, tức sự hiểu biết của trí khôn, lại trở thành một cản trở, vì nếu muốn hiểu mọi sự nên ông Nicôđêmô chưa được chuẩn bị để đón nhận mầu nhiệm. Ông đã thắc mắc về ý nghĩa của việc sinh ra lại "Làm sao một người lớn tuổi mà có thể chui vào bụng mẹ để được sinh ra lại?"

Chúa Giêsu phải chuẩn bị thêm cho ông Nicôđêmô và long trọng xác nhận với ông rằng để theo Chúa, con người không thể ỷ lại vào sự hiểu biết hay vào lý lẽ khôn ngoan của con người. Cần phải được biến đổi bởi nước và Thánh Thần. Cần phải khiêm tốn lãnh nhận ân sủng Chúa ban và vâng phục sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: "Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần." Bí tích rửa tội và ơn Chúa Thánh Thần là cửa ngõ mở vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vô cùng vì đã ban ơn Thánh Thần xuống để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi và làm cho chúng con được sinh ra lại trong Chúa Kitô Phục Sinh. Xin Cha thương cho Chúa Thánh Thần hoàn tất trong mỗi người chúng con điều mà ân sủng bí tích Rửa Tội đã bắt đầu. Xin cho chúng con có thái độ khiêm tốn để lãnh nhận những sự thật do Chúa mạc khải và can đảm làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Gió muốn thổi đâu thì thổi

Đức Giêsu đáp:

“Thật, tôi bảo thật ông:

không có ai có thể vào Nước Thiên Chúa,

nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.

Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt;

Còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần khí. (Ga. 3, 5-6)

Để đào sâu mầu nhiệm phục sinh, cần đọc lại Tin mừng theo thánh Gio-an. Đức Giêsu dầu gắn bó với những thực tại dưới đất, Người không ngừng hướng dẫn chúng ta vượt các thực tại đó để đi tới đức tin cho ta đạt tới vinh quang Thiên Chúa. Trong ba ngày này, chúng ta đọc lại cuộc đàm thoại của Đức Giêsu với ông Ni-cô-đem. Cần thiết chúng ta phải biết “tái sinh” mới tham dự được vào đời sống của Đức Kitô phục sinh vừa là nguồn sống vừa là cùng đích của ta. Chỉ xác tín niềm tin như ông Ni-cô-đem chưa đủ: “Quả thật, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. Cần phải có biến cố phục sinh để làm cho chúng ta đi sâu vào đời sống mới.

Đời sống mới ở đây cũng như nhiều nơi khác trong Tin mừng thánh Gio-an là sinh lại, sinh bởi ơn trên, không do đàn bà, nhưng do ơn Thánh Thần. Ngài là sự sống và là Đấng ban sự sống. Con người xác thịt được trở nên phần tử của nước Thiên Chúa, thành một người mới. Phép Rửa tội sinh ra ta trong Thánh Thần, đó là cách cho ta tham dự vào sự sống lại của Đức Giêsu. Thánh Thần làm cho ta nên con Thiên Chúa, cho ta sống trong con Thiên Chúa, hành động của Ngài khôn lường. Ngài là Thần Khí cao cả hơn lý trí con người, là gió, là hơi thở của Chúa Cha.

Không có sức bật nếu không ở trong Ngài. Chính nhờ Thánh Thần biến đổi dần dần đời sống chúng ta nên mạnh mẽ và gắn bó với Đức Kitô. Trong Ngài ta được thấy nước Thiên Chúa. Nhờ Ngài ta gọi Đức Giêsu là Chúa. Không có thể làm gì mà không Thánh Thần (1Cor. 12, 3). Đức tin không phải là tột đỉnh của suy luận, cũng không phải thần hứng chóng qua, nhưng là sự tìm tòi, phấn đấu chân thành lâu dài mà một người phải chấp nhận luôn luôn khởi sự lại tất cả. Ba Tin mừng nhất lãm đều nói: “Phải trở nên như con trẻ, nhỏ bé, nghèo hèn để đón nhận ơn cứu độ nước trời. Tin mừng Gio-an nói đến tái sinh, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần làm cho nên “một tạo vật mới” như thánh Phao-lô nói trong thư Ga-la-ta (6, 15).

LP

 

SUY NIỆM 5: ĐỨC TIN SẼ GIÚP TA NHẬN RA PHÉP LẠ (Ga 3,1-8)

Ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe, hay chứng kiến đây đó những phép lạ nhờ sự can thiệp của đấng này hay đấng nọ... Tuy nhiên, phép lạ có cần thiết cho đức tin của chúng ta hay không? Có phải do phép lạ mà chúng ta mới có đức tin hay nhờ đức tin mà chúng ta nhận ra phép lạ? Đây là điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua bài Tin Mừng hôm nay.

Thánh sử Gioan trình thuật câu chuyện giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Sau khi Nicôđêmô chân nhận uy quyền của Đức Giêsu và tuyên xưng Ngài là Đấng bởi Thiên Chúa, ngay lập tức, Đức Giêsu đã dẫn ông từ những cảm nghiệm bên ngoài qua các dấu lạ đến việc đưa ông vào trọng tâm, nội dung và hệ quả của niềm tin.

Vì thế, điều cần đối với Nicôđêmô ở đây không phải là dừng lại ở những dấu lạ hay đưa ra một vài lời nhận định về Đức Giêsu, bởi những thứ đó chẳng đi đến đâu nếu không dẫn ông đến mầu nhiệm Nước Trời qua việc tái sinh bởi Nước và Thánh Thần. Tái sinh để trở về với một cuộc sống mới, lối suy nghĩ và hành xử mới. Nhất là cần có một tâm hồn thánh thiện, đơ sơ của trẻ thơ.

Tại sao Đức Giêsu lại đòi hỏi Nicôđêmô một điều kiện lớn lao như vậy? Thưa, bởi vì ông vốn là một Pharisêu, vì thế, cần phải đi đến hành động cách chân thực, chứ không chỉ có niềm tin khơi khơi trên giấy tờ, sách vở như các đồng môn của ông!

Như vậy, điều cần đối với Nicôđêmô lúc này là: nhạy bén để nhận ra Chúa và thi hành những điều Ngài truyền dạy chứ không phải chỉ là người đứng bên ngoài để nhận định về những phép lạ cũng như những lời dạy của Ngài. Đồng thời, cần khám phá ra ý nghĩa sâu xa nơi các phép lạ và thay đổi đời sống, chứ không dừng lại ở những chuyện phi thường trước mắt.

Bài Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta cốt lõi về Bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên tạo vật mới nhờ mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài. Đây là điều hãnh diện cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, điều làm nên hạnh phúc lại không phụ thuộc hoàn toàn dựa trên dấu chỉ bề ngoài cho bằng một cuộc sống đạo thực sự được thúc đẩy từ bên trong nơi lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám sống theo tinh thần của Chúa, và xin cho chúng con được ơn biến đổi từng ngày để xứng đáng là con Chúa và trở nên anh chị em với nhau. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 6: Kitô hữu phải được Thần Khí sinh ra

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một hướng dẫn viên đi trong sa mạc Ả Rập được ca tụng là không bao giờ lạc đường. Anh luôn ôm theo một con chim bồ câu khôn lanh, dưới chân buộc sợi dây nhỏ.

Mỗi khi nghi ngờ hướng đi, anh thả chim ra và nó sẽ mau mắn chỉ đường cho anh. Nên anh được mệnh danh là “người chim”. Thánh Linh cũng là một bồ câu thần thiêng chỉ đường cho ta nếu ta bước theo Ngài.

Suy niệm

Tin Mừng xoay quanh cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô thuộc phái Pharisiêu, người có thế giá. Ông đến gặp Chúa Giêsu vào thời khắc lạ thường: “Người đến gặp Đức Giêsu ban đêm” (Ga 3,2; 7,50; 19,39), vì sợ các lãnh đạo khác dân biết, vì thế Gioan gọi ông trong Tin Mừng thứ tư là “môn đệ trong bóng tối” (Ga 19,39) của Chúa Giêsu.

Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị thầy đến từ Thiên Chúa: “Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” (Ga 3,2) như thế ông đã tin vào Chúa Giêsu và công nhận: “Chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”.

Với tấm lòng hướng thiện luôn tìm chân lý, Nicôđêmô để mình được Thần Khí Chúa dẫn dắt, như Chúa Giêsu mạc khải cho ông biết: Thần Khí Chúa hoạt động tự do nơi mỗi người như là làn gió muốn thổi đâu thì thổi (x. Ga 3,8), sau này thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho ông biết ông còn cần có một điều: “Sinh lại bởi nước và Thần Khí”. Chính Thần Khí sẽ đến với chúng ta và biến cải đời sống chúng ta theo ân sủng của Ngài.

Mỗi Kitô hữu đều đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần qua bí tích Rửa tội. Trong bí tích thánh này, ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho đức tin và đời sống đạo đức của chúng ta lớn lên và trưởng thành, sinh hoa kết trái được thể hiện qua đức công bình, bác ái và niềm vui.

Ý lực sống: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

 

SUY NIỆM 7: Ông Niccôđêmô gặp Đức Giêsu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong những người tin Đức Giêsu, một thành viên của Hội đồng cộng tọa, thuộc nhóm biệt phái, khâm phục trước những lời giáo huấn của Chúa. Nhưng vì e ngại, không dám tỏ lòng tin công khai, ông đã tìm gặp Đức Giêsu lúc đêm khuya.

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh.

2. Nicôđêmô là “một đầu mục của người Do thái”, nghĩa là về mặt xã hội ông là bậc cao niên đáng kính, về mặt tôn giáo ông là người có học thức và đạo đức. Dù vậy, ông vẫn tìm đến Đức Giêsu để học hỏi thêm.

Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh Thánh, Nicôđêmô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy để tìm hiểu về con người Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Ngài bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu biết về con người của Ngài, ông phải tái sinh thì mới thực sự hiểu được Kinh Thánh, ông phải tái sinh  thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.

3. Tư  tưởng tái sinh làm cho ông thắc mắc: không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao? Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho ông hiểu từ ngữ tái sinh đó. Tái sinh mà Chúa muốn nói là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình. Qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu loan báo phép rửa mà Ngài sẽ thiết lập và ký thác cho Giáo hội. Nhờ phép rửa ấy, các Kitô hữu đã thực sự được tái sinh, họ sống bằng sự sống thần linh của Chúa, họ nhìn bằng cái nhìn của Chúa, họ mặc lấy chính những suy nghĩ của Chúa và yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa.

4. Ông Nicôđêmô là con người rất có thiện chí. Đức Giêu khen là ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu. Nhưng dầu sao Ngài con phải chuẩn bị thêm cho ông và long trọng xác nhận với ông rằng để theo Chúa, con người không thể ỷ lại vào sự hiểu biết hay vào lý lẽ khôn ngoan của con người. Cần phải được biến đổi bởi nước và Thánh Thần. Cần phải khiêm tốn lãnh nhận ân sủng Chúa ban và vâng phục sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. Bí tích rửa tội và ơn Chúa Thánh Thần là cửa ngõ mở vào Nước Thiên Chúa.

5. Một nhà đại thần bí Ấn độ nói về chính mình: “Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu nguyện với Chúa là: “Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để cải tạo thế giới”.

Khi đến tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời qua đi mà không một tâm hồn nào được thay đổi. Tôi đổi lại lời cầu: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí để hoán cải tất cả  những người tiếp xúc với con”.

Bây giờ tôi đã già và gần kết thúc cuộc đời, tôi cảm thấy mình ngu dại biết bao. Lời cầu nguyện của tôi bây giờ là: “Lạy Chúa, xin cho con thiện chí  để hoán cải chính con”. Nếu tôi xin điều này ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí cuộc đời” (Góp nhặt).

6. Như vậy, Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Đức Giêsu dạy chúng ta ý thức lại ơn tái sinh của chúng ta qua phép rửa trong nước và Thánh Thần, và nhờ đó, chúng ta cần đổi mới, phải từ bỏ con người cũ là mê theo xác thịt, mà mặc lấy con người mới là bước đi trong Thần Khí sự thật.

Trong mùa Phục sinh, Giáo hội đặc biệt mời gọi chúng ta ôn lại những cam kết trong phép rửa tội. Người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng cởi bỏ con người cũ của tội lỗi, để lớn lên trong ân sủng, cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của nhân cách là chính Đức Giêsu.

7. Truyện: Thưa, chính Chúa đấy ạ.

Cha John Diamond có kể lại câu chuyện này: Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng vọng ra: “Ai đó”? Linh hồn trả lời: “Con đấy ạ”. Cửa vẫn đóng.

Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn: “Dạ, chính con đây”. Cửa vẫn đóng.

Linh hồn lại phải trở về trần thế... mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, tự mãn, ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để cho con người của mình được giống Thiên Chúa hơn.

Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn  là mình nữa thì linh hồn lại lên trời... lại gõ cửa... lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó”. Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp ngay: “Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.

Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng.

 nguon:http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20210411110000