Thứ Hai 07/09/2020 – Thứ Hai tuần 23 thường niên. – Làm việc tốt ngày Sabbat.

Thứ Hai 07/09/2020 – Thứ Hai tuần 23 thường niên. – Làm việc tốt ngày Sabbat.

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

 

Lời Chúa: Lc 6, 6-11

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người.

Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Giơ bàn tay anh ra

Suy niệm:

Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.

Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?

Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).

Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.

Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.

Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.

Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.

Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,

dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).

Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”

Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.

Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.

Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).

Một lần nữa ông lại vâng lời.

Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.

Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.

Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.

Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.

Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.

Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.

Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,

nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.

Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.

bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.

Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.

Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?

được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;

cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).

Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).

Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,

Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.

Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,

nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.

Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.

Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát

Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.

Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.

Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.

Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.

Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.

Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.

Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.

Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: PHỤC HỒI PHẨM GIÁ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự sống là món quà quí nhất Chúa ban cho con người. Từ sự sống tự nhiên được nâng lên đến sự sống siêu nhiên. Từ con loài người được trở nên con Thiên Chúa. Sự sống quí giá đến nỗi khi con người lơ đễnh làm mất mát, hao hụt, Thiên Chúa đã sai chính Con Một giáng trần để phục hồi sự sống, phục hồi phẩm giá con người. Bệnh tật là hình ảnh của tội lỗi. Nó làm con người bị giảm thiểu. Không thể sống như một con người. Trong xã hội còn bị khinh miệt. Không thể tự nuôi sống bản thân. Không thể chu cấp cho những người thân. Con người mất phẩm giá. Con người bị cái chết thống trị.

Chúa Giê-su đến cứu sống con người. Phục hồi sự sống. Phục hồi phẩm giá. Cho con người sống xứng đáng địa vị con người. Còn hơn nữa, sống xứng đáng địa vị con Chúa. Nhưng thế lực sự dữ vẫn còn đó. Họ chống đối. Họ muốn sự chết thống trị. Chúa Giê-su công khai hỏi họ: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt”. Họ không muốn làm điều tốt. Không muốn cứu sống. Mà còn âm mưu hại Chúa. Vì thế Chúa gặp nhiều khốn khó. Nhưng Chúa sẵn sang chịu chết để con người được phục hồi.

Noi gương Chúa, Thánh Phao-lô, vì niềm hi vọng sự sống của anh em, sẵn sàng chịu đựng mọi gian lao vất vả, để anh em được đạt tới niềm hi vọng vinh quang là Chúa Giê-su Ki-tô: “Để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi”. Vì sự sống, người tông đồ sẵn sàng xông vào cuộc chiến. Cùng chịu đau khổ với Chúa để anh em được sống: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào than cho đủ mứ, vì lợi ích cho than thể Người là Hội Thánh” (năm lẻ).

Ma quỉ và thế lực sự chết rất thâm độc. Nó thấm nhập vào bản thân ta. Nó như chất men độc hại vẫn đang còn tồn tại, phá hoại sự sống và phẩm giá con người. Vì thế thánh Phao-lô thúc giục ta: “Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Cốt Lõi Của Ðạo

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau:

Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.

Nhiều người Do thái thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.

Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Làm việc ngày sabát

Ðoạn Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải trong ngày nghỉ sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang rình xem Chúa có lỗi luật nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại Chúa.

Chu toàn bổn phận bác ái có ưu tiên trên việc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, một việc thực hành đạo đức quan trọng của Do Thái Giáo. Thực hành việc đạo đức mà không có lòng bác ái yêu thương anh chị em thì việc thực hành kia có thể trở thành vụ lợi, khoe khoang. Bảo vệ cách quá khích luật nghỉ ngày sabát, các luật sĩ và những người biệt phái đã làm cớ cho người ta hiểu lầm rằng Thiên Chúa đối nghịch với con người. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, các luật sĩ và biệt phái xem ra bắt buộc Chúa Giêsu phải chọn một trong hai việc: hoặc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, hoặc chữa lành người bị bại tay phải. Tinh thần vụ hình thức đã làm hư cốt tủy của đạo Chúa. "Tôi hỏi các ông, ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống người hay giết chết?" Câu hỏi của Chúa Giêsu thức tỉnh những kẻ sống đạo vụ hình thức.

Nơi đoạn Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, những luật sĩ và những người Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn một trong hai việc là giữ ngày sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại tay phải. Nhưng theo Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp, chúng ta được biết rằng những luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày sabát. Họ cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày sabát. Thật là nghịch đời, họ cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu con người. Phải chăng các luật sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn con người. Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự, có những người nhân danh lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại thẳng tay loại trừ những thai nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá thai.

Phần Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt luật nghỉ ngày sabát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các ngày sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan không có tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em thi sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ dễ dàng biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức đạo đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và bài học căn bản. "Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức, ham danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương ban cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc làm tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Làm việc thiện lúc nào

Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh hãy giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. (Lc. 6, 9-10)

Luôn còn tái diễn trong ngày sabát! Đức Giêsu hỏi biệt phái: ngày sabát, được phép làm việc thiện hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt? có phải lúc làm việc tốt, việc bác ái, lúc khác không được chăng? nếu nhân danh Thiên Chúa mà chủ trương thế thì quá tệ.

Cấm làm việc thiện trong ngày thờ phượng Chúa có đúng không? có làm sáng danh Chúa khi đặt ra luật lệ vụn vặt hẹp hòi không? chúng ta nên nhận định rõ rằng: Khi xoa dịu những đau đớn của tha nhân bằng mọi cách có thể thì làm sáng danh Chúa biết chừng nào. Đó là điều Đức Giêsu đã thực hiện. Người vào hội đường, Người dạy dỗ. Ánh mắt Người bắt gặp một người bại tay. Những kẻ bảo toàn luật lệ rình rập xem: Thầy này táo bạo, chẳng sợ gì, sẽ làm gì để đảo lộn lề luật đây? Ông có dám chữa kẻ tàn tật đó trong ngày sabát không? Đức Kitô biết rõ ý nghĩ của những thẩm phán cay nghiệt này luôn luôn săn bắt Người. Người vẫn coi thường họ, một lần nữa trịnh trọng, công khai, giữa ban ngày, không hề che giấu, Người nói với kẻ khô bại tay: “ Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây! người ấy liền chỗi dậy và ra đứng đó. Người hỏi những kẻ ghen ghét dò xét Người rằng: ngày sabát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Tất nhiên, không ai trả lời, không ai có can đảm dám nói ra ý nghĩ của mình. Nếu nói ra đúng ý nghĩ của mình, tất nhiên, phải liên minh với Người vì tự nhiên phải chấp nhận trong ngày của Chúa thì phải làm điều lành, phải cứu mạng sống, không thể làm điều dữ. Và như thế sẽ thấy rõ người ta đã hiểu sai luật ngày sabát.

Một lần nữa Đức Kitô đã thấu suốt ý nghĩa của luật lệ. Một lần nữa Người đã được sự ủng hộ của con người để Người cứu chữa bệnh nhân: “Anh hãy giơ tay ra,... và tay anh được bình thường”.

Trong Giáo Hội được đổi mới là nhờ Chúa Thánh Thần luôn hoạt động hơn bao giờ hết, không thiếu những người theo chân Đức Giêsu, muốn làm cho chúng ta hiểu rõ con người có giá trị vô biên hơn muôn vàn luật lệ. Chúng ta cố gắng nghe và theo chân Đức Giêsu và những vị đó.

GF

 

Suy Niệm 6: SỐNG YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG (Lc 6, 6-11)

Xem lại CN 9 TN B

Hôm nay bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chữa người bại tay ngày Sabát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các Luật Sĩ và Pharisêu tỏ ra khó chịu và bầy binh bố trận để hạ sát Đức Giêsu!!!

Tại sao vậy? Thưa! Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật. Những Luật Sĩ và Pharisêu thì chỉ tập trú vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật. Còn Đức Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Vì thế, việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các Luật Sĩ và Pharisêu không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng...

Thấy được ý đồ đen tối của các Luật Sĩ và Pharisêu, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: "Tôi hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?". Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.

Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta lo sống hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa và giá trị đích thực trong việc giữ đạo.

Những chuyện như: vì danh thơm tiếng tốt của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ làm công to việc lớn trong Giáo xứ, ngoài xã hội, hay sợ liên lụy đến bản thân, nên đã biết bao lần ta sống đạo hình thức, giả tạo và rỗng tuếch, nhưng vẫn ra vẻ đạo đức, tốt lành!

Lại có những người được xem ra rất tốt lành, nhưng lại là những người chuyên ngồi lê mách lẻo chuyện của người khác với mục đích làm cho người khác mất danh dự, uy tín trước cộng đoàn. Hay cũng có những người luôn tìm cách công kích để hạ bệ người khác rồi mình hả hể với thành quả đạt được. Những hạng người như thế, họ chỉ lo tìm cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì giả điếc làm ngơ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những người ốm đau, bệnh tật, đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thay cho thái độ khinh miệt, kỳ thị.

Mặt khác, khi thấy được người khác làm việc tốt thì phải công tâm để nâng đỡ chứ không được vì ghen ghét mà tìm cách bẻ cong sự thật và vu khống cho người ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và nâng đỡ những ai đang lâm cảnh khó khăn, đồng thời biết sống thật với lòng mình và luôn làm điều tốt cho người khác. Amen.

Ngọc Biển SSP

nguon:http://gplongxuyen.org/News