Thứ Hai 07/03/2022 – Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay. – Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita, tử đạo. – Thiên đàng của bác ái.

Thứ Hai 07/03/2022 – Thứ Hai tuần 1 Mùa Chay. – Thánh nữ Perpêtua và thánh nữ Fêlicita, tử đạo. – Thiên đàng của bác ái.

“Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. 

 

* Khi bị bắt, chị Perpêtua còn là một dự tòng. Chị có một cháu bé, lúc chị hai mươi hai tuổi.

Còn chị Fêlicita thì mang thai và sinh con gái trong tù.

Nhưng cả hai không hề tỏ ra yếu đuối khi tiến vào hí trường Carthagô ngày 7 tháng 3 năm 303. Tay nắm tay, hai chị tiến về phía con bò cái hung dữ sắp sửa sát tế hai chị.

 

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?”

Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”

Khi ấy Người đáp lại: “Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Làm cho chính Ta

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50,

có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe.

Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống.

Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh.

Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu.

Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ.

Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.

Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không?

Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không?

Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,

Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto.

“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả

và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất.”

Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm:

“Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu

bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.”

Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.

Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.

Bài Tin Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của thánh Têrêsa Calcutta.

Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái.

Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu.

Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội,

mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù.

Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng,

nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn.

Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng,

mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.

“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,

là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (c. 40).

Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài.

Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài.

Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu.

Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tỵ nạn,

nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.

Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

Suy Niệm 2: Chia sẻ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Về bổn phận đối với tha nhân, Cựu Ước chỉ đòi hỏi tránh làm điều xấu cho tha nhân. Phải sống công bằng: “Không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình”. “Hãy xét xử công minh cho người đồng bào”. Công bằng là lý tưởng mà mọi xã hội ước mơ. Nhưng cho đến thiên niên kỷ thứ 3 vẫn chỉ là mơ ước. Thực sự những bất công còn quá nhiều và trầm trọng. Nhưng Tân Ước đi đến tích cực hơn. Phải sống bác ái. Phải làm điều tốt. Phải chia sẻ. Chia sẻ đặc biệt quan trọng.

Chia sẻ là một công bằng ở tầm mức cao hơn. Thực vậy, Chúa ban của cải cho mọi người hưởng dùng. Ta không có quyền chiếm hữu quá nhiều trong khi người khác thiếu thốn. Dư thừa là một tội bất công. Chênh lệch trong xã hội là mầm mống bất ổn. Nếu người có quyền không giải quyết nghèo đói, nghèo đói sẽ giải quyết người có quyền.

Hơn thế nữa, chia sẻ là một bổn phận, vì mọi người là anh em của ta. Mỗi người đều có phẩm giá và phải được quyền sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Để một người sống không xứng đáng là hạ nhục chính mình. Hơn nữa mọi người là anh em, nên ta có bổn phận giúp đỡ, chia sẻ. Để một người anh em túng thiếu trong khi mình dư dật là một tội lỗi xấu xa. Còn hơn thế nữa, mọi người đều là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa. Để một chi thể đau yếu, chết yểu là giết chết chính thân mình.

Nhưng trên hết, chính Chúa đồng hóa với người nghèo. Ai giúp người nghèo là giúp chính Chúa. Với sự thật này, Chúa nâng cao giá trị việc chia sẻ lên tầm mức đạo đức chính yếu của đạo. Đây là việc quan trọng, không làm sẽ bị tội. Và nâng cao giá trị người chia sẻ, vì khi chia sẻ ta chia sẻ với chính Chúa. Chính Chúa ban cho ta mọi của cải trần gian, thế mà Chúa lại cho ta được vinh dự chia sẻ với Chúa khi Chúa tự nguyện hóa thân trong người nghèo để cần sự trợ giúp của ta. Bổn phận này nâng cao tầm bác ái Kitô giáo. Yêu người không còn phải như yêu chính mình nữa. Mà yêu người phải như yêu Chúa.

Hiểu biết giá trị của chia sẻ như thế ta sẽ mau mắn và rộng rãi chia sẻ với anh em. Yêu mến Chúa thúc đẩy ta chia sẻ với Chúa. Biết chia sẻ là nguồn mạch ơn lành, tại sao ta không có nhiều sáng kiến, tìm ra nhiều dịp và nhiều người để thực hành chia sẻ trong mùa Chay này?

 

Suy Niệm 3: Thiên đàng của bác ái.

Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:

- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?

 Thiên thần trả lời:

- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên của mình có trong sách không.

Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông.

Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng, ông nói với thiên thần:

- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Tối hôm sau, thiên thần lại hiện ra và mở quyển sổ vàng cho vị tu sĩ xem, lần này ông thấy tên mình dẫn đầu danh sách những người yêu Chúa.

Sau khi vị tu sĩ gia qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi”.

Từ khởi đầu, dường như Thiên Chúa đã muốn tạo dựng cho con người một thiên đàng vĩnh cửu trên trần gian này. Trong cơn gió nhẹ của mỗi buổi chiều tà, Thiên Chúa đến truyện vãn với con người, đó là hình ảnh một hạnh phúc vô biên mà con người có thể hưởng nếu ngay từ trần gian này. Thế nhưng khi con người chối từ mối liên lạc với Thiên Chúa và chối bỏ chính mình, con người cũng đánh mât hạnh phúc ấy. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để tái lập thiên đàng tại thế ấy cho con người, Ngài nói với con người rằng con người sẽ có được thiên đàng ấy khi nó biết xây dựng sự hài hoà với Thiên Chúa và với con người. Và vì Thiên Chúa tự đồng hoá với con người, nên chính trong sự hài hoà với tha nhân, con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại được thiên đàng đã mất.

Có biết bao ý thức hệ và triết thuyết hứa hẹn cho con người một thiên đàng tại thế, nhưng thứ thiên đàng ấy đã khong bao giờ đền, mà thay vào đó chỉ là hoả ngục của hận thù và chết chóc mà thôi. Làm sao có thể xây dựng được thiên đàng khi người ta chối bỏ hay chà đạp tha nhân, làm sao có thiên đàng khi người ta lấy hận thù làm men cho xã hội. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó là thiên đàng, nhưng ở đâu có tha nhân thì ở đó cũng có Thiên Chúa, bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi gặp gỡ với tha nhân, mỗi nghĩa cử làm cho tha nhân là một bước tiến vào thiên đàng ngay từ cuộc sống này.

Xin cho chúng ta cảm nếm được hạnh phúc đích thực khi phục vụ tha nhân, và xin cho chúng ta luôn ý thức tha nhân chính là nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Người bên phải, kẻ bên trái

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trườc mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua mới phán với người đứng bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Để đáp lại Đức Vua sẽ bảo rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, thì các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt. 25, 31-40)

Thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta cảnh phán xét ngày tận thế không mấy ngoạn mục: không động đất, không có mặt trời tối tăm, không có những vì sao tắt sáng. Chỉ mình Đức Giê-su trong vinh quang đến ngự trên ngai, dấu chỉ uy quyền phán xét của Người. Uy quyền của Người bao trùm khắp muôn phương: các thiên thần hầu cận, các dân thiên hạ tập hợp trước dung nhan Người. Người ta nghĩ đến có việc gì xảy ra quyết liệt lắm, sau đó không còn xảy ra như thế nữa. Hành động đầu tiên của Con Người là phân tách khối người đó ra: bên phải là kẻ lành, bên trái là kẻ dữ, ở giữa là khoảng trống. Hành động phân chia này thiết lập nên sự phán xét. Sau đó là những lời giải thích về việc phán xét. Việc phán xét không theo chủng tộc như quan niệm Do thái, nhưng theo đời sống luân lý của mỗi người.

Để thưởng cho các người lành bên phải, Đức Giê-su đã phán rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến hưởng nước trời …”. Để phạt kẻ dữ bên trái, Người phán: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời. Nước trời trước hết là ở gần Thiên Chúa. Còn lửa đời đời là xa lìa Thiên Chúa. Hai nơi đối nghịch nhau đều là đích cuối cùng sau một cuộc sống lâu dài mà Thiên Chúa hằng kiên nhẫn chờ đợi. Con Người chỉ đến phán xét và chấm dứt lịch sử thế giới sau một thời gian Thiên Chúa kiên trì tìm kiếm cứu chuộc loài người.

Những lý do xét xử là những nhu cầu trước mắt: đói, khát, trần truồng, tù đầy, đau yếu. Người lành và người dữ đều ngạc nhiên hỏi: “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu, ngồi tù đâu? Để đáp lại, Chúa đáp: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Vậy được hưởng nước trời hay bị vào lửa đời đời chính là tiếp đón hay từ chối giúp đỡ Đức Giê-su Ki-tô hiện diện trong một kẻ khốn cực, chính là làm hay không làm giúp người lân cận của mình.

Mùa chay thúc bách chúng ta sống Tin mừng hẳn hoi, nghiêm túc. Sống lời Chúa nghiêm túc giúp chúng ta liên đới với mọi người tốt đẹp ở đời này, đó là cửa vào nước trời đời đời.

G.M

 

Suy Niệm 5: Yêu để được sống

Đạo Công Giáo mà Đức Giêsu sáng lập là một thứ đạo yêu thương. Đạo yêu thương này được khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa đối với công trình tạo dựng và suốt dọc dài lịch sử cứu độ trong thời Cựu Ước nơi dân Israel.

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa cho loài người. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã rao giảng, đã chết để minh chứng tình thương, và đã sống lại để gieo niềm hy vọng. Như vậy, có thể nói rằng: Đạo Công Giáo là “Đạo Yêu Thương”. Ai không yêu thương thì không thuộc về đạo này. Nhưng yêu thương phải đi đến hành động thực tế, chứ không thể yêu trên đầu môi chóp lưỡi!

Hôm nay, bài Tin Mừng đưa chúng ta về viễn cảnh của ngày cánh chung qua giáo huấn của Đức Giêsu.

Hình ảnh mà Đức Giêsu đưa ra chính là một hình ảnh về ngày phán xét, nơi đó, vị thẩm phán công bằng, tối cao ngự đến để xét xử.

Điều kỳ lạ, đó là vị thẩm phấn này không xét xử dựa trên chức nghiệp để thưởng công, mà là ngang qua hành vi về sự cảm thông, lòng nhân ái đối với những người bần cùng của xã hội. Lạ kỳ hơn nữa là kết thúc, vị thẩm phán ấy đồng hóa chính mình với những người được giúp đỡ khi tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm cho những người bé mọn ấy là làm cho chính ta”.

Nhìn ra thế giới hôm nay, chúng ta thấy không ít nếu không muốn nói là nhan nhản những hành vi như: bon chen, lừa lọc, mưu mô quỉ quyệt, chiến tranh, hận thù, khủng bố …

Tất cả những điều đó đi ngược lại quy luật của tình yêu, và tất nhiên, không thể đi vào trong mối tương quan với vị thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay.

Xin Chúa ban cho mỗi người ý thức được hạnh phúc đích thực của chúng ta ở nơi Chúa, và chỉ có nơi Ngài mới trường tồn vạn kiếp. Vì thế, ngay trong giây phút này, xin cho chúng ta biết sống yêu thương nhau để sau này được hưởng niềm vui, hạnh phúc bên Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Làm cho chính Ta

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại. Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh đến xin ăn và xin nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: “Hôm nay Ta đã đến với con ba lần và cả ba lần con đều đuổi Ta”.

Ai nghe chuyện này hẳn sẽ chẳng dám đuổi một người nào đó ra khỏi cửa. Vì họ không biết ai đang đứng đó. Và có ai muốn xua đuổi Thiên Chúa?

Suy Niệm

Thiên Chúa quang lâm đến để phán xét công minh. Ngài đón nhận những ai xứng đáng trở nên công dân vương quốc Cánh Chung, Đức Kitô đến phán xử theo lòng nhân ái của mọi người. Hình ảnh đó đã được Tin Mừng Matthêu ghi nhận qua giáo huấn của Đức Kitô (x. Mt 25,31-46): Ngài đến phân rẽ nhân loại thành hai bên tả hữu. Tác giả Cl. Tassin giải thích, “bên phải” và “bên trái” trong thời cổ đại chỉ số phận tốt, xấu của con người” (Phúc Âm Matthêu, Centurion, tr. 264).

Là Thiên Chúa Tình Yêu, Chúa Giêsu sống ban phát, chữa lành cho chúng sinh, ban phát bình an cho dân, ban phát thần lương bằng chính Ngài cho nhân loại. Ngài là Thiên Chúa nhập thể nên cảm nghiệm được những thống khổ, thiếu thốn của con người. Chính vì tình yêu, Ngài trở nên như những kẻ bần cùng, thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu, Ngài trở nên một với họ. Chính vì lẽ đó, Ngài hé mở bí nhiệm tình yêu này: “Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ”. Chúa Kitô tự đồng hóa với những người túng thiếu, Ngài đói, khát, là khách lạ. Chúa Kitô - Vua chúng ta trần trụi, Vua chúng ta yếu đau, Vua chúng ta bị cầm tù. Cho nên những gì chúng ta làm hay không làm cho những người bần cùng, là làm hay không cho chính Thiên Chúa như Đức Kitô khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Qua mọi thời, Vua Giêsu vẫn luôn hòa đồng với kẻ khốn cùng, những kẻ ngửa tay xin lòng trắc ẩn của nhân loại. Ngài ở trong các anh em bé mọn nhất, những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bệnh tật lay lắt khắp xóm chợ, những người bị suy sụp tinh thần cần được chia sẻ được yêu thương. Lòng yêu thương kéo sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người, và làm thế giới được tồn tại trong tình yêu như Fyodor Dostoyevky đã cảm nhận: “Lòng trắc ẩn là quy luật chính yếu của sự tồn tại con người”.

Vì thế chúng ta hiểu vì sao những tấm lòng mang tinh thần bác ái được đứng vào hàng ngũ của những kẻ bên phải trong ngày phán xét chung. Ngày chung cuộc theo Tin Mừng, những ai sống trong yêu thương chia sẻ được đón vào vương quốc Vĩnh Cửu tình yêu với Đức Kitô…

Ý lực sống: “Cuộc sống của chúng ta sẽ luôn viên mãn nếu trái tim chúng ta luôn luôn dâng hiến” (Vô danh).

 

Suy Niệm 7: Giá trị việc lành dữ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu nói về ngày Ngài sẽ trở lại vũ trụ để phán xét mọi người. Ngày đó ta quen gọi là ngày cánh chung hay ngày tận thế. Trong bài Tin Mừng Đức Giêsu gợi lên hình ảnh của tòa phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta  sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Đó cũng là tinh thần Mùa Chay đích thực mà Giáo hội mời gọi chúng ta.

2. Trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phân chia loài người thành hai nhóm và Chúa ra ví dụ như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Ban ngày người mục tử có thể chăn dắt chiên và dê lẫn lộn với nhau, nhưng đêm đến ông ta phải tách ra, dê để một nơi và chiên một nơi.

Cũng thế, trong cuộc sống hôm nay, nơi trần gian này, Chúa để người lành kẻ dữ, người công chính và kẻ tội lỗi sống chung lẫn lộn với nhau, nhưng trong ngày tận thế, Chúa sẽ tách ra để người lành được hưởng an vui hạnh phúc, còn người tội lỗi phải vào chốn cực hình muôn đời.

3. Trong ngày phán xét, Chúa chỉ xét xử dựa trên cách chúng ta cư xử với tha nhân mà thôi. Nếu chúng ta khước từ tha nhân, thì tức là chúng ta khước từ chính Chúa Giêsu, và như vậy Ngài cũng chối bỏ chúng ta trong ngày phán xét. Trái lại, mỗi hành động yêu thương mà chúng ta thực thi cho tha nhân cũng chính là một tiếp đón chúng ta dành cho Ngài và Ngài cũng căn cứ vào đó  để tiếp đón chúng ta trong ngày phán xét.

4. Qua mọi thời, Đức Giêsu vẫn luôn hòa đồng với kẻ khốn cùng, những kẻ ngửa tay xin lòng trắc ẩn của nhân loại. Ngài ở trong các anh em bé mọn nhất, những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bệnh tật lây lất khắp xóm chợ, những người bị suy sụp tinh thần được chia sẻ được yêu thương. Lòng yêu thương kéo sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người, và làm thế giới được tồn tại trong tình yêu như Fyodor Dostoyevky đã cảm nhận: “Lòng trắc ẩn là qui luật chính yếu của sự tồn tại con người”.

Vì thế, chúng ta hiểu vì sao những tấm lòng mang tinh thần bác ái được đứng vào hàng ngũ của những kẻ bên phải trong ngày phán xét chung. Ngày chung cuộc theo Tin Mừng, những ai sống trong yêu thương chia sẻ được dón vào Vương quốc vĩnh cửu tình yêu với Đức Kitô.

5. Lòng yêu thương chân thật phải được thể hiện trong đời sống thực tế chứ không trừu tượng.  Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết xuông. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: Đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đầy. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết.  Điều đặc biệt hơn cả là  Đức Giêsu đồng hóa mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Đức Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính ta vậy”(Vinh Sơn).

6. Như vậy chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trước chúng ta  một chân lý tuyệt diệu: là tất cả mọi sự giúp đỡ hay không giúp đỡ, chúng ta làm hay không làm cho anh em mình là làm hay không làm cho chính Ngài.

Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.

7. Truyện: Tìm thấy Chúa trong tha nhân.

Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết  trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:

- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?

- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần:

- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Mỗi ngày một tin vui).

 

Suy Niệm 8: Cách đối xử với tha nhân

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Bài đọc I trích sách Lêvi dạy cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính:

a/ Công bình: đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt, đừng nhục mạ, đừng hà hiếp, đừng giam tiền công phải trả cho thợ, đừng nguyền rủa, đừng gièm pha...

b/ Bác ái: “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”. Nhìn chung, ta thấy lời dạy của Cựu Ước có tính tiêu cực (“đừng, đừng và đừng”), và chưa được rộng (“Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”)

Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và ngồi tù), và cũng rộng rãi hơn (hãy đối xử bác ái với bất cứ ai bé mọn). Chúa con bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái ta làm cho những kẻ bé mọn như làm cho chính Chúa.

B.... nẩy mầm.

1. Coi tha nhân là chính Chúa. Điều này tương đối dễ nếu ta gặp một người tốt và dễ thương. Còn khi ta gặp một người khó chịu và xấu tính, ta hãy nhớ:

a/ người đó cũng là tác phẩm do Chúa tạo nên;

b/ người đó cũng là giá máu Chúa đã đổ ra để cứu chuộc;

c/ người đó cũng là đối tượng Chúa mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Bởi thế nếu không thề yêu thương người đó vì chính người đó thì ít ra hãy phấn đấu yêu thương họ như chính Chúa yêu thương họ.

2. Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia xẻ một kinh nghiệm sống như sau: coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người ủi an giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.

3. Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.

4. Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:

- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế ?

- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần

- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

 

Suy Niệm 9: Công bình và bác ái

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Bài đọc sách Lêvi dạy ta cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính:

a/ Công bình

b/ Bác ái

Nhìn chung ta thấy, lời dạy của Cựu Ước có tính cách tiêu cực, “đừng, đừng và đừng” và chưa được rộng (“hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”).

Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn và cũng rộng rãi hơn. Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái tôi làm cho những kẻ bé mọn như là làm cho chính Chúa.

Bà Chiara Lubich, người sáng lập ra phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng một cách triệt để đã chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: Coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập Giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi, giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ an ủi những kẻ đau khổ ấy.

Vâng! Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.

Chúng ta tự hỏi, tình yêu có một sức mạnh gì không mà Chúa lại luôn đòi hỏi con người phải yêu thương nhau như thế ?

Tôi xin mượn một câu chuyện được phổ biến trên mạng Internet để trả lời:

Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, từ 3-6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dầy. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau những cảm nhận về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Một buổi sáng nọ, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:

- Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới.

Cô giơ cao hai cây trường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau.

- Chúng ta có hai cây con. Trông chúng giống hệt nhau, phải không ?

Tất cả bọn trẻ tò mò nhìn vào hai chậu cây rồi đồng thanh đáp:

- Dạ phải.

Cô nói tiếp:

- Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ nước tưới nhưng… với sự quan tâm chăm sóc khác nhau. Rồi chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xảy ra khi đặt một cây trong nhà bếp cách xa chúng ta, và một cây ngay tại đây, trên lò sưởi này.

Sau khi đặt một cái chậu trên lò sưởi trong bếp, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt cái chậu lên quầy. Sau đó, cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn.

Chúng ta sẽ đối xử với cây như một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta đều hát cho cây trường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp thế nào và chúng ta yêu mến bạn ấy biết bao. Chúng ta sẽ luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp…

Một bé gái giơ tay:

- Nhưng thưa cô, thế còn cây trong bếp thì sao ?

Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú:

- Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây “đối chứng” trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em, chúng ta sẽ làm gì ?

- Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó ?

- Đúng. Dù chỉ là một lời thì thầm.

- Chúng ta sẽ không gởi cho nó một lời chúc tốt đẹp nào.

- Đúng.

Và chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Bốn tuần sau, mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây trường xuân trong nhà bếp yếu ớt, mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn, được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba lần với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống. Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô những giọt nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận cây thứ hai khỏi cảnh lẻ loi trong bếp, cô hiệu trưởng cho mang nó lên, đặt ở trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất.

Rồi sau đó họ đối xử với cây này y như đã đối xử với cây thứ nhất trước kia.

Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp cây trong chậu thứ nhất. Bốn tuần sau, chúng cùng lớn mạnh như nhau.

Tôi ghi nhớ mãi bài học này, và tự đúc kết cho mình câu kết luận: Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu.

Vâng, tình yêu quan trọng như thế, nên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu, người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ” (1Ga 4,16).

Lạy Chúa,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho chúng con trở thành tình yêu,

tình yêu bao dung và quảng đại

cho trái tim khô cằn của thế giới. Amen.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-hai-07032022-thu-hai-tuan-1-mua-chay-thanh-nu-perpetua-va-thanh-nu-felicita-tu-dao-thien-dang-cua-bac-ai.html