Thứ hai 06/04/2020 – Thứ Hai tuần thánh. – Yêu là cho đi.

Thứ hai 06/04/2020 – Thứ Hai tuần thánh. – Yêu là cho đi.

"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta".

 

Lời Chúa: Ga 12, 1-11

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà.

Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại.

Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Ngày mai táng Thầy

Suy niệm:

Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ.

Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu.

Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy.

Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania,

Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa.

Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn

của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu.

Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3),

Đấng trả lại cho anh sự sống.

Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này,

cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ.

Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng,

khiến cả nhà sực nức mùi hương.

Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu.

Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống,

nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời

để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.

Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy,

như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51).

Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng

cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô

với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).

Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính.

Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy,

hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô.

Cô xức dầu mà không so đo tính toán.

Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.

Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy.

Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền,

có giá bằng lương gần một năm của một công nhân.

“Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo?”

Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô.

Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo.

Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.

Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu.

Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6).

Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu.

Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).

Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.

 

Cầu nguyện :

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

 

SUY NIỆM 2: Yêu là cho đi.

Một đôi vợ chồng nghèo nhưng yêu thương nhau tha thiết. Mỗi người sở hữu một vật quý giá: Della có mái tóc đen huyền dài và đẹp, nàng rất quý nó và hãnh diện về nó. Còn Jim chỉ có chiệc đồng hồ vàng, đó là kỷ vật duy nhất của cha anh trối lại.

Một ngày lễ Giáng sinh, Della quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Jim sợi dây đồng hồ thật đẹp. Hôm ấy về đến nhà, Jim ngỡ ngàng nhìn Della khi thấy nàng tóc ngắn, vì không biết phải làm gì với món quà là bộ lược bằng xà cừ rất đẹp mà anh đã bán chiếc đồng hồ để mua tặng nàng. Della và Jim đã cho nhau tất cả những gì mình có, họ đã hy sinh tất cả cho nhau.

Vào đầu tuần thánh, Giáo Hội cũng nhắc đến hai người bạn của Chúa Giêsu, cũng như Della và Jim, họ đã cho Chúa Giêsu tất cả những gì mình có. “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania… Ở đố người ta thiết tiệc Ngài. Có Marta phục dịch, Lazarô là một trong những người đồng bàn với Ngài. Maria lấy bình bạch ngọc đựng đầy dầu thơm xức lên chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau chân Ngài”.

Một lần nữa, Tin Mừng cho chúng ta gặp lại Marta và Maria. Tuy lần ghé trước Marta đã nghe Chúa Giêsu nói chỉ có một việc cần đó là lắng nghe lời Chúa. Nhưng lần này, Marta cũng chẳng đừng được, đã biết cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu thành một yến tiệc, bởi lẽ theo chị, nấu những món ăn thiết đãi Chúa và các môn đệ là để tỏ lòng hiếu khách, nhất là tỏ lòng biết ơn Chúa đã cải tử hoàn sinh cho Lazarô. Phần Maria còn đi xa hơn: chị lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau. Qua cử chỉ ấy chúng ta thấy rõ chiều sâu mối tình của chị đối với Chúa Giêsu. Một tình không tính toán khiến chị sử dụng dầu thơm quý giá mà theo ước tính của Giuđa có thể lên tới 300 đồng bạc tức 300 ngày công. Mối tình khiêm nhu, vì theo tục lệ thời đó, chủ nhà hay bất cứ phần tử nào trong gia đình thường xức thuốc thơm trên đầu người khách để tỏ lòng quí mến, nhưng Maria khiêm tốn nghĩ mình chỉ đáng xức dầu thơm vào chân Thày thôi. Mối tình tự hạ, thể hiện qua việc lấy tóc mình để lau chân Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận cử chỉ nói lên lòng kính trọng, yêu thương của Maria, cũng như vui lòng ngồi vào bàn tiệc do Marta khoản đãi.

Với mẫu gương yêu mến của Marta và Maria đối với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn để ôn lại, để chấp nhận và để đáp lại mối tình bao la của Thiên Chúa đã thí ban người Con Một vì phần rỗi nhân loại, cũng như để đáp lại mối tình của Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận cái chết ô nhục vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mỗi người chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu

Ðoạn Tin Mừng trên gợi lên trong chúng ta nhiều ý nghĩ. Sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn luôn là một dấu gây mâu thuẫn. Nhiều người tin Chúa, mến Chúa, thương Chúa, mà cũng có nhiều người khác dèm pha, chống đối và muốn loại trừ. Những kẻ thuộc nhóm ủng hộ Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay là những người dọn tiệc đãi Chúa ở Bêtania là Lazarô, là Maria - người lấy dầu thơm xức chân Chúa. Những kẻ chống đối Chúa hay sắp đi vào con đường chống đối Ngài là các thượng tế ganh tị, là Giuđa Iscariốt - người thủ quĩ của nhóm môn đệ chung quanh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy quan sát thêm thái độ của những kẻ chống đối Ngài, các thượng tế, những người lãnh đạo của dân Do Thái và là những kẻ được dân chúng kính nể như những trí thức và đạo đức. Nhưng phải chăng đây là cái vẻ bên ngoài, vì bên trong tâm hồn xem ra như chứa đầy những chuyện xấu xa, mưu mô, ganh tị, tham quyền, sợ dân bỏ họ mà theo Chúa Giêsu? Vì thế, họ có ý định giết luôn cả Lazarô, xóa bỏ luôn cả dấu chỉ hiển nhiên của Thiên Chúa quyền năng hiện diện giữa con người.

Quyền năng Thiên Chúa được thể hiện nơi dấu lạ cho Lazarô đã chết được sống lại. Ghét Chúa, những thượng tế kia muốn xóa bỏ cả những dấu chỉ, những chứng tá về Chúa để lương tâm họ được yên, không còn bị quấy rầy nữa. Chúng ta có hành xử giống như những vị thượng tế Do Thái này hay không, hay chúng ta hành xử giống như Giuđa Iscariốt. Giuđa chưa phản bội Chúa, nhưng đang trên đường phản bội Chúa với những hành động xấu được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ham mê tiền của, lấy của công để lo cho tư lợi riêng, lạm dụng danh nghĩa người nghèo, miệng nói lo cho người nghèo nhưng hành động ngược lại. Ðây là tội mà ngày nay có thể gọi là kinh doanh trên sự nghèo cùng của anh chị em.

Hơn nữa, khi phê bình hành động tốt lành của cô Maria, xức dầu thơm nơi chân Chúa như là một việc làm phí của, thì Giuđa cho thấy tâm địa hẹp hòi của mình, Giuđa xem đồng tiền lợi lộc vật chất trọng hơn chính Chúa Giêsu và mối tương quan thân thiện với Ngài. Thường tình, nếu là bạn tốt với nhau, thì khi một người sắp ra đi, kẻ ở lại phải làm vừa ý người ra đi, để nói lên lòng quí mến của mình, nhưng Giuđa đã không hành xử như vậy với Chúa Giêsu. Là một trong mười hai tông đồ sống bên cạnh Chúa, chắc chắn Giuđa đã nghe nói đến sự ra đi đầy đau thương của Ngài tại Giêrusalem, nhưng Giuđa xem ra lãnh đạm vô tâm, vô tình với biến cố, vả lại Giuđa đã công kích hành động tốt của Maria, cho đó là một việc làm phung phí, vô ích. Giuđa đã mất đi ý thức bén nhạy để phán đoán điều gì tốt, điều gì không. Giuđa xét đoán không theo sự việc khách quan mà theo tâm tình hèn hạ của mình. Tâm hồn Giuđa thì xấu, nên xét việc tốt cũng thành xấu. Chúng ta có hành xử đúng như vậy hay không.

Lạy Chúa, đoạn Tin Mừng hôm nay là lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu giúp chúng con xét mình. Xin cho con khiêm tốn đến cùng Chúa để Chúa giúp con từ bỏ tinh thần của con hiện tại và quyết chí canh tân. Xin cho con biết đặt Chúa vào chỗ đứng mà Chúa đáng được như vậy trong đời sống con. Xin Chúa giúp con hiểu và thực hành đời sống con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Dấu thân ái

Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thiết đãi Đức Giêsu; Cô Mac-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm. (Ga. 12, 2-3)

Giu-đa đã chướng tai gai mắt về Ma-ri-a đổ bao nhiêu dầu thơm xức chân Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta cũng thấy chướng mắt như vậy. Lọ dầu giá ba trăm đồng gần bằng tiền lương công nhân cả năm, ai trong chúng ta sẵn lòng cho người khác như vậy? Ai đã làm được thế? Chỉ có một cách duy nhất giải thích cử chỉ đó: Cô yêu mến Đức Giêsu.

Khi yêu, người ta có thể cho tất cả. Yêu chân thật thì làm tất cả. Người ta cho thứ tốt nhất và không tính toán giá trị bao nhiêu. Tình yêu chân thật không hẹp hòi, không tính toán, yêu là tất cả.

Chúng ta quả quyết hoàn toàn tự nguyện yêu mến Thiên Chúa và chúng ta có cảm tình nhiều với tất cả mọi người sống với chúng ta. Cần phải chứng thực điều đó qua mấy câu hỏi sau đây: Chúng ta cho những người ta yêu cái gì? Chúng ta đã cống hiến bao nhiêu thời gian cho họ? Chúng ta có sẵn sàng chịu sạch bách hết trọi để đem lại hạnh phúc cho họ không?

Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta đến hiến cả mạng sống cho chúng ta, có thể nói yêu đến điên cuồng. Nhưng người ta có thể yêu mà không điên cuồng một chút nào ư? Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút đối với những người chúng ta nói yêu họ, thì chỉ là yêu nửa vời. Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa, nếu thỉnh thoảng chúng ta không làm những cử chỉ khác thường, thì chúng ta chỉ yêu nửa vời.

Nếu phải vạch trần con tim của chúng ta xem, nếu họ bao bọc chúng ta làm cho chúng ta được hạnh phúc cho riêng mình, khi đó chúng ta mới tỏ lòng yêu họ và yêu Chúa, thì như thế là thứ tình yêu như Giu-đa.

J.Y.G

 

SUY NIỆM 5: TÌNH YÊU VƯỢT LÊN TẤT CẢ (Ga 12,1-11)

Thời xưa và thời nay, nước hoa vẫn là một loại thảo dược được nhiều người con gái tuổi thanh xuân hay đang yêu sử dụng nhiều, bởi nó là biểu tượng của tình yêu. Vì thế, người ta muốn bày tỏ hay minh chứng tình yêu, thì thường tặng cho nhau những lọ nước hoa đắt tiền.

Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã không tiếc xót khi hiến dâng cho Đức Giêsu một bình dầu thơm hảo hạng có giá tới 300 đồng bạc, tương ứng với khoảng 300 ngày công lao động thời bấy giờ.

Hành động của Maria không phải là một hành động mang tính phung phí như Giuđa nghĩ, mà là dấu hiệu, biểu lộ của tình yêu. Cô đã kính phục Đức Giêsu nhiều chuyện, nhất là hôm cô được ngồi dưới chân Ngài mà nghe giảng. Hơn nữa, người em của cô là Lazarô đã được Đức Giêsu cải tử hoàn sinh, nên lòng kính mến lại dâng lên gấp bội. Vì thế, cô đã không hề tiếc xót khi phải cho đi thứ quý giá của cô. Có lẽ nếu có tiếc thì cô  tiếc là không có nhiều hơn để dâng hiến vì cô yêu mến Đức Giêsu tha thiết.

Khi cơ hội ngàn năm có một, nên cô đã tiến lại và đập vỡ bình dầu ra, đổ lên chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau.

Khởi đầu Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hành vi của cô Maria để noi theo!

Noi theo đây không phải là chúng ta phải bỏ ra những thứ đắt tiền như Maria để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, mà là noi theo gương khiêm nhường, sám hối, canh tân và yêu mến như Maria.

Một trong những việc cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với Chúa và hoán cải cuộc đời.

Xin Chúa cho chúng ta bước vào Tuần Thánh với tâm tình sám hối thực sự để chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News