"Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".
Lời Chúa: Mt 8, 5-17
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!".
Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Ðoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài. Ðến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Từ phương đông phương Tây
Suy niệm:
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần,
nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa.
Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng.
Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây.
Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ:
“Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6).
Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh,
chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5).
Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).
Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác.
Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7),
dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế.
Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng :
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời,
đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8).
Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở.
Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.”
Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền.
Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9).
Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy.
Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ.
Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại,
một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn.
Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời,
có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái.
Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài.
Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.
Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng.
Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người.
Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12).
Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời.
Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu.
Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ.
“Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16).
Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh.
Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người.
Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).
Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui. Amen. (ĐHY Roger Etchegaray)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Từ phương Đông phương Tây
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Áp-ra-ham là người công chính. Từ nhân loại tội lỗi Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham để lập ra một dân riêng. Chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế giáng trần. Áp-ra-ham là vị Tổ phụ mẫu mực. Ngài có tấm lòng rộng mở đón nhận Lời Chúa. Ngài có tấm lòng trung tín luôn vâng theo ý Chúa. Cuộc đời ngài hoàn toàn dâng hiến cho thánh ý Thiên Chúa. Hãy xem cách ngài đón tiếp Thiên Chúa đến viếng thăm. Làm tất cả mọi sự vì Thiên Chúa. Tuyệt đối tin vào Lời Hứa. Dù đã trăm tuổi mà vẫn chưa có con. Nhưng vẫn tin vào Lời Chúa. “Tại sao Xa-ra lại cười và nói: ‘Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?’ Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, ta sẽ trở lại thăm người, và Xa-ra sẽ có một con trai”. Ông đã trở thành Tổ phụ lớn lao và gương mẫu (năm chẵn).
Tiếc rằng đến thời sau dòng dõi huyết tộc của ông không còn giữ được đức tin và lòng trung tín với Thiên Chúa. Vì họ đã nghe những tiên tri giả mà phạm sai lầm. Rơi vào ảo tưởng. Nên bị Thiên Chúa trừng phạt. “Mọi nơi cư ngụ của Gia-cóp, Đức Chúa huỷ diệt chẳng chút xót thương; nổi trận lôi đình. Người triệt hạ đồn luỹ của thiếu nữ Giu-đa….Ngôn sứ của ngươi tỏ cho ngươi thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây, còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để đảo ngược số phận của người”. Tiên tri kêu gọi họ sám hối, cầu xin để được Thiên Chúa tha tội: “Trước nhan Chúa hãy trút niềm tâm sự, giơ tay hướng về Người mà cầu cho sinh mạng của đoàn con đang lịm dần vì đói” (năm chẵn).
Đến khi Chúa Giê-su đi rao giảng, cũng kêu gọi sám hối. Nhưng dân chẳng tin. Trái lại có những người ngoại đạo tin. Như ông đại đội trưởng quân đội Rô-ma hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Lại có lòng khiêm tốn sâu xa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Chúa Giê-su đã ngạc nhiên và khen ngợi ông: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương ddoong phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗi tối tăm bên ngoài”. Như thế dòng dõi Áp-ra-ham có hai. Về huyết thống thì yếu lòng tin nên bị loại bỏ. Về đức tin. Bất cứ ai tin sẽ được gọi là con cháu Áp-ra-ham. Sẽ được vào dự tiệc Nước Trời.
Tinh thần quý hơn thể xác. Đức tin quý hơn huyết thống. Như Chúa Giê-su từng nói: “Ai nghe và tuân giữ Lời Chúa. Đó là anh em, chị em và là Mẹ Ta” (Lc 8,21). Xin cho con được thuộc về dòng dõi những kẻ tin. Để trở thành thân nhân của Chúa.
Suy Niệm 3: Tuyên xưng niềm tin
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu truyện lòng tin của viên bách quản Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên bách quản này còn mạnh hơn nhiều: Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: "Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế".
Lời tuyên xưng của viên bách quản là kết quả hiểu biết đúng đắn về bản thân và quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Ðể có sự hiểu biết đúng đắn cần phải có thái độ khiêm nhường và thành thật. Vì con người là một tinh thần kết hợp với thể xác: thể xác bị ràng buộc bởi các điều kiện không gian và thời gian, còn tinh thần chẳng bị một ràng buộc nào; thể xác đang nằm sát đất, nhưng tinh thần có thể vươn tới trời cao; thể xác đang ở hiện tại, nhưng tinh thần có thể lùi lại quá khứ hoặc hướng tới tương lai rất xa.
Óc tưởng tượng đưa con người viễn du khắp nơi, cả những vùng không tưởng. Óc tưởng tượng vẽ ra cho con người muôn vàn hình ảnh, mà nếu không khiêm nhường trong hiểu biết, con người sẽ bám víu mãi vào đó. Khiêm nhường đem tinh thần con người trở về với thân xác hạn hẹp yếu đuối; khiêm nhường chỉ cho con người thấy thực tại của thân phận làm người, đó là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa; tất cả những gì con người có đều là do Thiên Chúa ban. Nhận thức được chân lý này, nên niềm tin của viên bách quản được Chúa Giêsu khen thưởng, và Giáo Hội đã mượn lời tuyên xưng này để hằng ngày trong Thánh Lễ, người tín hữu có thể dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn, bất xứng của mình.
Ước gì lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở chúng ta trong công việc hằng ngày, giúp chúng ta vững tin và nhận ra mọi ơn lành đến từ Chúa và dâng lời cảm tạ Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Chúa Giêsu ngạc nhiên
Khi Đức Giêsu vào thành Ca-phát-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” (Mt. 8, 5-8)
Lòng tin của người ngoại giáo
Chúng ta hay có thói quen rất chú tâm đến những lời Chúa phán cùng những việc Chúa làm. Còn những tình cảm, những xúc động, những gì rung động trong con tim Người thường ít nhiều không được để ý đến. Có lẽ cũng vì các thánh sử dẫu sao cũng khá kín đáo về vấn đề này.
Trích đoạn Phúc âm chúng ta đọc lại sáng nay, nói rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã ngạc nhiên, sửng sốt. Ta đừng vội vã và bỏ qua chi tiết có tính rất mạc khải này.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu có tâm tình ngạc nhiên như vậy? Không phải chỉ vì sự kiện là viên đại đội trưởng người Rôma này bộc lộ một lòng tin đầy kính trọng, thật sâu xa và khiêm tốn đối với Người mà thôi, nhưng còn bởi tại ông ta là một người ngoại giáo. Qua tai nghe mắt thấy, Chúa Giêsu chưa hề gặp một người dân It-ra-en nào bộc lộ được một lòng tin như ông này. Ông là một người ngoại, có nghĩa là một người đã không được giáo dục theo văn hóa và tín ngưỡng Do thái, một người không biết đến Kinh thánh, và tất nhiên không biết có Đức Gia-vê là Thiên Chúa chân thật. Chính ông ta là một con người như thế mà lại đã thẳng thắn bộc lộ lòng tin vào Đức Giêsu là một người Do thái!
Chúa Giêsu phải sững sờ và ngạc nhiên là vì thế.
Biết cảm phục
Có nhiều điều tốt và đẹp nơi những người không cùng niềm tin, không cùng giáo dục, không cùng tập quán với ta. Ta có biết nhận ra điều ấy không? Nhiều người tuy không phải là Kitô hữu, mà vẫn sống lòng tin vào Chúa, một lòng tin mạnh và chân thành hơn của ta. Dó không phải là động cơ thúc đẩy ta ngạc nhiên và cảm phục sao?
Chúa Giêsu đã có ý thức về tâm tình ngỡ ngàng cảm phục. Người đã biết cảm phục những gì là đẹp, là tốt, là thiện. Người đã tìm được những cái đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ con người nào; người ấy là ai và ở đâu, không thành vấn đề đối với Người. Ta phải bắt chước Người về điểm này cũng như về nhiều điều khác.
SUY NIỆM 5: ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI (Mt 8, 5-17)
Câu nói của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho không biết bao nhiêu người sững sờ, chưng hửng: “... nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Dothái thời đó.
Thật vậy: “... những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài theo như lương tâm của họ mặc khải và truyền dạy cho họ, thì những người này có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. SGLGHCG, số 847; LG, số 16; DS 3866-3872).
Còn: “Những ai đã biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu-Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong đó thì không thể được cứu rỗi” (x. LG, số 14; SGLGHCG, số 846).
Như vậy, điều quan trọng là muốn được cứu hay không? Nếu muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa thì:
Trước tiên, “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu vẫn phải quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái; phải “có công mài sắt mới có ngày nên kim”; phải chịu “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
Thứ hai, hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài… thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”. Nước trời không dành cho những người khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác hay nước đến chân mới nhảy. Những người như thế, họ sẽ lãnh nhận lời than trách nặng nề của Đức Giêsu như xưa Ngài đã nói với dân chúng thời của Ngài: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Viên sĩ quan đầy lòng xác tín
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa đỡ nâng con người. “Những tật nguyền của chúng ta chính Ngài lãnh nhận. Ngài mang lấy những bệnh hoạn của chúng ta”. Hãy tin vào Chúa và trao phó những khốn khó của chúng ta cho Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm nhận được sức mạnh và hậu quả của tội lỗi ảnh hưởng nơi bản thân con. Tội lỗi dẫn đến bao thảm họa. Nó gây ra bao nỗi đau khổ đắng cay. Con biết Chúa đã dựng nên con và hằng yêu thương con, Chúa không thể hờ hững trước những thất bại khốn khó của con. Chúa là tình thương, chính Chúa đã cúi xuống với con để nâng con dậy. Chúa muốn cất đi những gánh nặng của phận người đang khốn khổ do tội lỗi gây ra.
Tuy thế, con cũng hiểu rằng, dù Chúa muốn nâng đỡ con, nhưng nếu con không tin và không phó dâng những khốn khổ của con trong tay Chúa, Chúa cũng đành bó tay chẳng cứu được con. Sự trao gởi đó đòi con phải có một lòng tin tuyệt đối vào Chúa.
Viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay, dù là một người lương dân nhưng đầy lòng xác tín, ông đã thưa với Chúa một lời khiến Chúa vui và ngạc nhiên: “Chỉ cần Chúa phán một lời thì đầy tớ nhà tôi sẽ khỏi”. Nhờ lòng tin, ông đã được như ý ông xin. Cũng chính nhờ lòng tin ấy, ông sẽ được đón nhận vào Nước Trời.
Lạy Chúa, đời con với bao lo toan, bao thương đau, bao ưu phiền, bao vất vả, con xin phó dâng trong tay Chúa. Con quyết chứng tỏ lòng tin Chúa bằng cách quyết tâm giữ luật Chúa, quyết tâm sống lương thiện ngay chính trong những lúc gian nan. Con tin Chúa cũng sẽ nói với con: “Con về đi, con sẽ được như con đã tin”. Amen.
Ghi nhớ : “Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.
Suy Niệm 7: Niềm tin khiêm nhường, đơn sơ nhưng mãnh liệt
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một cuộc nghiên cứu tại một trường đại học ở Hoa Kỳ thực hiện nơi 2800 người già cũng chứng minh rằng con số những người không bao giờ đến nhà thờ bị nhồi máu cơ tim cao gấp hai lần so với những người đi lễ hàng tuần. Bác sĩ Haberth, Giáo sư phụ khảo thuộc trường đại học y khoa ở Hoa Kỳ ghi nhận rằng: Từ 60 đến 90% những lần viếng thăm bác sĩ đều liên quan đến những chứng mất ngủ, huyết áp cao và bệnh tim, ông khẳng định rằng: Lời cầu nguyện thường xuyên có sức mạnh ngăn chặn lại nhịp tim và nhịp thở cũng như huyết áp.
Suy niệm
Nhà vật lý Archimède đã nói: “Nếu có thể tìm được một điểm tựa bên ngoài vũ trụ, thì với một đòn bẩy, người ta có thể nâng bổng cả vũ trụ lên”. Trên quan điểm của Archimède, văn hào Kierkegaard đã giải thích thêm: “Điểm tựa ấy chính là đức tin, tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi chuyện”.
Viên bách quản là người ngoại đạo mà ông tỏ ra khiêm tốn và tin tưởng cầu xin Ðức Giêsu chữa lành cho người đầy tớ đang bệnh nặng. Ông không dám đòi hỏi Chúa đến tận nơi, khi khiêm tốn nhận ra mình bất xứng và không dám rước Ngài vào nhà mình chỉ “xin Thầy phán một lời”. Trước niềm tin mạnh mẽ và khiêm tốn của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu tỏ ra hài lòng và thán phục niềm tin mạnh mẽ của một người ngoại giáo: Một niềm tin khiêm nhường, đơn sơ nhưng mãnh liệt!.
Phép lạ đã xảy ra như lòng ông mong ước… Chính lời tuyên xưng của ông: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh…”, lời nói đó đã được Giáo hội mượn và tuyên xưng trong cộng đoàn phụng vụ khi chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Tại gia đình của Phêrô, Chúa cũng chữa lành cho bà nhạc gia ông đang sốt được khoẻ. Các bệnh nhân người bị quỷ ám cũng được người chữa khỏi để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”.
Xin Chúa cho chúng ta đức tin chân thành mạnh mẽ… chúng ta cần phải không ngừng van xin: “Xin thêm lòng tin cho chúng con”. Chính vì với sức mạnh của niềm tin, chúng ta sống tâm tình phục vụ với hết cả tâm hồn, tất cả sức lực được thúc đẩy của lòng tin.
Ý lực sống”
“Ai có đức tin thì làm được mọi việc… Dù đức tin chỉ bằng hạt cải…” (x. Lc 17,5-6).
Suy Niệm 8: Chúa chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-17)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa Giêsu đến thành Capharnaum, thì một viên sĩ quan ngoại giáo đến van xin Ngài chữa cho đầy tớ ông bị bại liệt đau khổ. Ngài hứa sẽ đến cứu chữa, nhưng ông quá khiêm tốn, không dám rước Chúa về nhà, chỉ xin Chúa phán một lời cho đầy tớ ông lành bệnh. Chúa thấy ông ta có lòng tin và khiêm tốn như thế thì ngạc nhiên và hết lời khen ngợi. Ngài bảo viên sĩ quan: ông cứ về, ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay lúc đó đầy tớ ông được khỏi bệnh.
Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện lòng tin của viên sĩ quan đại đội trưởng Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên đại đội trưởng này còn mạnh hơn nhiều. Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.
Viên đại đội tưởng này, tuy là người ngoại, nhưng ông đã có một niềm tin mạnh khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên.
Đối với chúng ta ngày nay, cần phải hiểu rõ hơn thế nào là niềm tin và đức tin. Sách Giáo lý Công giáo viết: “Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Đức ái” (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời (số 28).
Ngoài niềm tin mạnh mẽ và sâu sắc, viên sĩ quan này còn có một sự khiêm tốn thẳm sâu trước mặt Chúa. Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cản Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”.
Ngoài đức tin và lòng khiêm tốn, vị sĩ quan này còn có lòng thương người, bằng chứng là ông không xin gì cho ông mà lại xin cho người đầy tớ của ông được khỏi bệnh. Tin mừng còn cho thấy một bên là hình ảnh của con người đau khổ bệnh tật, một bên là tình yêu cứu chữa của Chúa Giêsu. Sợi dây nối kết con người khốn khổ với Chúa Giêsu chính là lòng tin của con người. Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng là do lòng tin của ông. Lòng tin của người này cần thiết để cho người khác được cứu chữa.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta, để cứu chữa những người đau khổ chung quanh chúng ta. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những cử chỉ cụ thể, những sự hiện diện để giúp đỡ ủi an. Lòng tin ấy cũng chính là một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tin ở tình yêu Thiên Chúa ngay giữa những lúc ốm đau thử thách là thái độ cơ bản nhất của người Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu ấy vượt mọi suy nghĩ, mọi giới hạn của ngôn ngữ loài người, đó phải là sứ điệp mà người Kitô hữu mang lại cho người khác (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện: Nỗ lực rồi cậy trông
Nữ thủ tướng Margaret Hilda Thatcher sinh ra tại một thị trấn nhỏ của Anh. Từ nhỏ, bố của Margaret đã giáo dục cô rất nghiêm khắc. Ông thường xuyên nói với cô những câu như: “Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải tranh làm đầu tiên, tuyệt đối không được đứng sau người khác. Cho dù ngồi xe bus cũng phải ngồi hàng ghế đầu. Hơn nữa, tuyệt đối không được phép nói: “Khó quá” hay “Con không làm được”.
Quả thực đối với cô bé Margaret, yêu cầu như vậy là quá nghiêm khắc. Nhưng có điều cũng chính vì sự giáo dục nghiêm khắc của bố như vậy nên Margaret đã hình thành thái độ học tập tích cực. Mỗi khi làm chuyện gì, Margaret luôn mang trong mình niềm tin tất thắng, hơn nữa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu của mình. Cô đã dùng hành động thực tế để chứng minh mình phải ”vĩnh viễn ngồi ở ghế hàng đầu”.
Hồi Margaret học đại học, nhà trường đề ra kế hoạch dạy tiếng Latinh trong vòng năm năm. Kết quả chỉ trong một học kỳ, Margaret đã học xong hết, hơn nữa thành tích thì lại rất cao. Cô đã xuất sắc đứng đầu. Margaret không chỉ có thành tích xuất sắc mà còn tích cực tham gia thể thao, ca hát, diễn thuyết và những hoạt động khác của trường. Cô đã trở thành học sinh ưu tú của trường. Giảng viên đại học của Margaret đã từng nói: “Margaret là học sinh xuất sắc nhất của trường chúng tôi từ khi thành lập đến nay. Cô bé lúc nào cũng tự tin, luôn làm tốt mọi chuyện”. Cô đã có một niềm tin mạnh vào cuộc sống và tương lai của mình.
Về sau, Thatcher trở thành một nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh, trở thành ngôi sao sáng chói trên vũ đài chính trị Châu Âu.
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-bay-26062021-thu-bay-tuan-12-thuong-nien-day-to-dai-doi-truong.html