"Họ nói mà không làm".
* Thánh nhân sinh năm 1835 tại Ri-ê-sê, nước Ý. Sau khi làm linh mục, người dấn thân thi hành việc mục vụ. Người làm giám mục Man-tô-va, rồi làm thượng phụ giáo chủ Vê-nê-xi-a và cuối cùng, năm 1903, được chọn làm giáo hoàng. Người chu toàn bổn phận của mình theo khẩu hiệu người đã chọn: “Canh tân mọi sự trong Chúa Kitô” với lòng đơn sơ, đời sống thanh bần và can đảm. Cùng với những đức tính ấy, người đã giúp các tín hữu sống đạo nhiệt thành và đối phó với những sai lầm đang lan tràn trong Hội Thánh. Người qua đời ngày 20 tháng 08 năm 1914.
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.
Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô.
Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.
Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Là anh em với nhau
Suy niệm:
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay
có thể làm chúng ta bị sốc.
Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy,
vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài;
cũng đừng gọi ai là cha,
vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.
Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh
là cha, là Ðức Thánh Cha,
là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ...
Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không?
Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?
Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen.
Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu,
đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19).
Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28),
và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta?
Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ
những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh,
Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành.
Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên:
mọi quyền bính trong Hội Thánh
đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.
Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.
Nếu họ được gọi là cha,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa.
Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh,
tôi cũng không được quên chân lý này:
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau,
con một Cha trên trời.
Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu.
Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ,
như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),
và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28).
Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo.
Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình
của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật.
Giả hình là không làm điều mình dạy người khác,
là dễ dãi với chính mình,
nhưng khắt khe với tha nhân.
Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình,
làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.
Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình,
tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,
dám “đốc” chứ không dám làm...
Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối,
vì mở cho chúng ta những chân trời xa,
cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm,
nhưng chưa làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Tôn lên và hạ xuống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ai cũng muốn được tôn lên. Ai cũng tránh bị hạ xuống. Nhưng vấn đề là ai có thể tôn ta lên hay hạ ta xuống. Sống ở đời ta thường tìm những gì trước mắt, muốn được tôn lên trước mặt người đời và muốn được người đời tôn lên. Nhưng đó lại là những gì phù phiếm mau qua. Chỉ những ai được Thiên Chúa tôn lên mới có giá trị vì đó là danh giá thật và tồn tại vĩnh viễn. Vì Thiên Chúa mới thực là chủ nhân của thế giới, thế giới hiện tại và nhất là thế giới tương lai. Đó chính là nguyên lý nền tảng mà ta phải ghi nhớ. Nhìn nhận Thiên Chúa là chủ, là tất cả, ta sẽ biết khiêm nhường sống trước mặt Chúa. Trước mặt Chúa ta chỉ là hư vô, phàm hèn, bất xứng. Khi biết sống sự thực về mình ta được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên. Tất cả là do tình thương của Chúa, ta không có gì xứng đáng.
Bà Rút là người biết thân phận của mình. Bà biết mình là người yếu kém chẳng có giá trị gì. Vì bà là người góa bụa chẳng có ai bênh vực. Hơn nữa bà là ngoại kiều chẳng có quyền lợi gì. Thế nên bà không dám tự tôn mình lên. Càng không dám mong chờ mình được người khác tôn lên. Thế mà bà vẫn không ngần ngại gắn bó với bà mẹ chồng. Bà mẹ chồng Nao-mi vốn là một người nghèo, lại góa bụa nên sẽ chẳng có thể giúp gì cho bà Rút. Nhưng bà Rút chỉ vì yêu thương đã dám chấp nhận mọi liều lĩnh, nguy cơ vì yêu mẹ chồng và vì chọn Chúa. Trước mặt Bo-at bà Rút đã tự hạ mình, phủ phục và tự xưng là ngoại kiều nghèo hèn.
Nhưng Chúa đã nâng bà lên. Nâng lên trong địa vị xã hội khi cho bà kết hôn với Bo-át. Hơn nữa lại cho bà có con trai. Nhưng tuyệt vời trên cả ước mơ, Chúa nâng bà lên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cho bà sinh ra ông nội của vua Đa-vít, và nhất là cho bà được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ, trở nên tổ phụ của Chúa Giê-su nhập thể. Không còn vinh dự nào hơn. Không còn hạnh phúc nào sánh bằng. Quả thật ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Tôn lên đến một chiều cao bất ngờ. Và nhất là tôn lên trong địa vị vĩnh viễn không bao giờ bị ai lấy mất(năm lẻ).
Ê dê kien đã thấy điều đó trong thị kiến khi tiên báo Ít-ra-en sẽ thoát cảnh lưu đầy. Và khi trở về quê hương sẽ tập trung vào việc thờ phượng Chúa. Mọi sinh hoạt của dân Ít-ra-en mới sẽ tập trung quanh Đền Thờ. Và Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho họ. Vinh quang Thiên Chúa tràn ngập Đền Thờ. Đó sẽ là vinh quang của Ít-ra-en. Như thế Ít-ra-en kính sợ Chúa sẽ được Chúa tôn vinh. Ít-ra-en bị hạ nhục làm nô lệ sẽ được Chúa nâng lên địa vị dân ưu tuyển, sẽ chiếu tỏa vinh quang Đức Chúa cho muôn dân.
SUY NIỆM 3: Ðề phòng thái độ giả hình
Theo các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài.
Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.
Trong giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Trung Thực Với Lời Nói
Những lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với các kinh sư, những nhà thông thái Kinh Thánh biết rõ về Luật Môsê để giảng dạy cho dân chúng được hướng tới hai tật xấu quan trọng là giả hình và khoe khoang. Giả hình vì nếp sống cụ thể của họ không phù hợp với những gì họ giảng dạy cho dân chúng. Họ nói mà không làm, họ giải thích Luật Môsê cách tỉ mỉ nhưng là để cho kẻ khác tuân giữ còn họ thì không thèm động ngón tay vào đó. Thật ra không phải là họ không tuân giữ, vì họ luôn ăn chay, bố thí cho đền thờ, họ cầu nguyện, họ đọc Kinh Thánh. Nhưng họ làm tất cả những điều này để làm cho người ta trông thấy, để được khen thưởng, được danh lợi. Họ làm những điều tốt lành đó là để khoe khoang, là để được người khác nhìn thấy, là để được tranh hơn thiệt, để được chỗ ngồi danh dự, để được gọi là thầy, đó là họ thực hành những hình thức bên ngoài và không có tinh thần tôn thờ và yêu mến Chúa nơi chính họ. Chúa Giêsu trách những kinh sư và biệt phái như thế là để cảnh tỉnh các môn đệ đừng đi vào con đường không tốt.
Việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy và phơi bày những tật xấu của anh chị em nhưng lại làm ngơ hoặc che dấu những tật xấu của chính mình. Trước đó, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh các môn đệ Người như sau: "Nếu sự công chính của các con không hơn sự công chính của các kinh sư và những biệt phái, thì các con sẽ không được vào Nước Trời; các con đừng để ai gọi mình là Thầy, vì chỉ có một Thầy, còn tất cả các con là anh chị em với nhau". Cộng đoàn các môn đệ chỉ có một Chúa Giêsu là Thầy và một Thiên Chúa là Cha. Chúng ta nên lưu ý đoạn Tin Mừng này không có ý chối bỏ quyền hành trong cộng đoàn những đồ đệ, nhưng chỉ chống lại lòng ham quyền, ham danh, lạm dụng địa vị để phục vụ cho cái tôi cao ngạo của mình. Những con người ham quyền ham danh như vậy muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa trong tâm hồn anh chị em.
Chúa Giêsu không loại bỏ tác vụ phục vụ cộng đoàn để hướng dẫn cộng đoàn: "Ai nghe các con là nghe Thầy", nhưng Chúa muốn lưu ý rằng những thừa tác viên của Chúa có trách nhiệm đối với cộng đoàn cần sống nêu gương cho anh chị em, thực hành trung thực những gì mình rao giảng.
"Ai làm lớn trong các con phải là kẻ phục vụ cho tất cả". Quyền hành trong cộng đoàn những kẻ tin Chúa là quyền thừa tác nhân danh Chúa và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em đến với Chúa chứ không phải là để cho quyền hưởng lợi cá nhân. Tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn, những đồ đệ đều phải hướng về cùng một điểm trung tâm duy nhất là Thiên Chúa Cha và sống hiệp nhất, hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô.
Lạy Chúa,
Xin giải thoát các con khỏi cám dỗ sống giả hình, khoe khoang. Xin thương củng cố chúng con tất cả trong ơn gọi và sứ mạng riêng biệt của mình nơi cộng đoàn dân Chúa. Xin đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các con, giúp các con hiểu biết và yêu mến Chúa hết lòng và dấn thân hết sức mình phục vụ lẫn nhau vì yêu mến Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Phục Vụ Người Khác.
Bấy giờ Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt. 23, 1-3. 12)
Chúa nhấn mạnh: “Người lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” lần thứ nhất, Người nói với các môn đệ: “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt. 18, 4) Khi Phê-rô lên tiếng thay cho các tông đồ hỏi: “Chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đáp: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng hàng chót sẽ được lên đầu.” (Mt. 19, 30). Rồi Người kết thúc dụ ngôn thợ làm vườn nho thế này: “Thế là kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và những kẻ đứng hàng đầu sẽ đứng chót.” (Mt. 20, 16). Sau đó một chút, Đức Giêsu còn nhắc lại: “… Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt. 20, 26-27) Chúa lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, người lại kêu gọi các tông đồ: Ai giầu có về tài năng, về sáng kiến, về thông minh, về tấm lòng, phải làm đầy tớ! vì chính con người, đứng hàng đầu phải làm người đứng chót! “Chính con người đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ, và thí mạng sống mình” (Mt. 20, 28).
Chỉ cho tiền …
Đức Giêsu khiển trách Pha-ri-sêu và luật sĩ thời đó, và cả thời chúng ta nữa: không giúp đỡ anh em! càng giầu, người ta càng phải cho đi! cho đi tiền của có thể là một lăng nhục, nếu người ta chỉ vì cậy có tiền.
Tiền không diễn tả được sự hy sinh hiến thân, tiền của giầu sang không làm cho ai hài lòng, bởi vì khi cho tiền, họ lại trở nên kẻ biển lận mà họ có.
Chúng ta cần lưu ý Chúa luôn luôn nói với những người giầu: chính họ cần thiết phải sống theo Tin Mừng … Vậy người ta có can đảm dùng mọi của cải giầu có, dùng mọi quyền thế đề phục vụ người nghèo vì thực thi Tin Mừng không?
J.M
SUY NIỆM 6: HÃY TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN (Mt 23, 1-12)
Xem lại CN 31 TN A, thứ Ba tuần 2 MC.
Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói như sau: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân" (Thông điệp "Evangelii Nuntiandi" số 41).
Còn thánh Augustinô thì nói: “Chúng ta là tiếng, Đức Giêsu là Lời, là nội dung của tiếng, của âm thanh”.
Như vậy, người rao giảng Lời Chúa, phải là người trung thành. Trung thành với Lời Chúa và sứ điệp của Ngài. Trung thành với sứ vụ qua lời loan báo. Trung thành với nội dung Tin Mừng. Không thể chấp nhận người tông đồ ra đi loan báo Lời Chân Lý, mà họ lại thuộc về thành phần: “Ngôn hành bất nhất”, tức là không thật, hai lòng, nói một đàng, làm một nẻo.
Sự giả tạo này được Đức Giêsu cho thấy qua hình ảnh những người Pharisêu: “Họ là những người nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào”; mặt khác, họ còn là những người thích sống hình thức đến độ: “Nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là ‘Thầy’. Đức Giêsu không muốn để các môn đệ của mình rơi vào tình trạng như vậy, nên Ngài quay sang các ông và nói: “Phần các con thì không được vậy…”.
Vì thế, người tông đồ phải là người: “Nhất ngôn, nhất hành”, nếu không, thay vì làm chứng, chúng ta lại rơi vào tình trạng phản chứng.
Thoạt nghe, chúng ta có thể dè lưỡi, bữu môi khinh chê những người Kinh Sư và Pharisêu! Nhưng thực ra, nếu lắng đọng lại một chút thì hẳn lời trách móc của Đức Giêsu khi xưa lại là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta hôm nay.
Thật vậy, đã biết bao lần chúng ta sống trong cung cách của những kẻ bất nhân. Không khoan nhượng. Không cảm thông. Sống xa hoa, hình thức, kỳ thị, ích kỷ, kiêu căng, trác táng, ngông nghênh, ngạo nghễ và xét đoán...
Những lúc như thế, ấy là lúc nhãn hiệu Kinh Sư và Pharisêu vẫn lủng lẳng quanh cổ chúng ta! Và như một hệ lụy, chúng ta nói về Chúa là đấng nhân từ, hiền hậu, khiêm nhường và yêu thương làm sao khi hình ảnh của Ngài đang méo mó nơi hành động xấu xa, lời nói chua chát, lối sống buông thả... của ta! Như vậy, chúng ta trở thành những người đang phá hoại sứ điệp yêu thương của Chúa.
Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta cần phải tránh những thứ xa hoa, diêm dúa bên ngoài. Hãy tập trung vào cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương, chứ đừng giả dối như những Kinh Sư và người Pharisêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con tìm mọi cách để uốn nắn ý của Chúa theo ý chúng con. Nhiều khi chúng con tìm vinh dự và muốn được trọng vọng bản thân thay vì làm vinh danh Chúa. Những lúc đó, chúng con đã đi sai đường, trệch lối theo tinh thần của Chúa, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Các luật sĩ và biệt phái giả hình
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Chúa Giêsu bảo cho dân chúng hãy nghe những lời luật sĩ và biệt phái dạy dỗ, nhưng đừng bắt chước những việc họ làm. Họ chất lên vai người ta những bó nặng mà chính họ không muốn động ngón tay vào. Họ là những người giả hình. Họ giảng đạo lý, nhưng đời sống của họ đầy ích kỷ, tự cao và thiếu công bình bác ái. Đạo lý của Chúa là đạo yêu thương, quảng đại và phục vụ anh em trong sự khiêm tốn, không dành phần vinh quang cho mình nhưng luôn biết qui hướng về Chúa.
2. Các luật sĩ là những người không chỉ hiểu biết mà còn chú giải luật Maisen cho dân chúng áp dụng vào đời sống hằng ngày. Còn người biệt phái là những con người trí thức đạo đức, họ sống nghiêm nhặt, nhất là trong việc tuân giữ lề luật. Có thể nói, nhìn bề ngoài các luật sĩ và người biệt phái là những người đạo đức, thế nhưng Chúa Giêsu lại lên án họ là những con người giả hình. Bởi vì họ chỉ thích được khoe khoang việc giữ luật và việc đạo đức của mình để cho người ta khen ngợi. Hay nói đúng hơn, họ chỉ thích những hình thức bên ngoài, còn tâm hồn thì trống rỗng.
Do đó, Chúa cảnh cáo chúng ta hãy đề phòng những con người như thế, và mời gọi chúng ta hãy sống trung thực, nhất là trong cách giữ luật Chúa. Chúng ta giữ luật Chúa không chỉ vì luật nhưng điều quan trọng hơn đó là vì yêu mến Chúa. Được như thế, chúng ta mới có thể đến với anh chị em bằng lòng bác ái chân thật.
3. Họ bị Chúa Giêsu chỉ trích và lên án vì họ giả hình và tự tôn: các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt mầu mè, nhưng tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người biệt phái thích chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực.
4. Chúa còn chỉ trích họ sống theo kiểu “Mồm miệng đỡ chân tay”, nói mà không làm. Lời nhận xét dành cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
5. Chẳng ai mang nơi mình một chức vụ nào khi sinh ra. Trái lại, mọi quyền bính là do Thiên Chúa. Mà đối với Đức Kitô, quyền bính được trao ban không phải là để được ăn trên ngồi trốc, không phải để được “ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường...”, mà là để phục vụ. Ngay cả Chúa Giêsu, mặc dù là Thiên Chúa, khi nhập thể làm người đã không đòi cho mình quyền ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã trút bỏ vinh quang để trở nên người phục vụ (x.Pl 2,1-11). Càng phục vụ, Đức Giêsu càng chứng tỏ Ngài đích thực là Con Thiên Chúa. Quyền làm Con Thiên Chúa đó, Ngài chia sẻ với chúng ta: “Thầy đã được trao toàn quyền ở trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,18-19) (5 phút Lời Chúa).
6. Chúa Giêsu lên án thứ tôn giáo vụ hình thức, giả hình, tính toán của những người biệt phái. Tương quan của họ với Chúa chỉ là một mớ tính toán so đo: họ gia tăng các việc lành phúc đức cốt để được Thiên Chúa thưởng công và người đời khen tặng. Đối lại với tâm thức đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài sống phó thác, khiêm tốn, phục vụ. Ở đây, chúng ta gặp lại cái nghịch lý của Kitô giáo: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Càng nhỏ bé lại trong tín thác, con người càng lớn lên. Càng tiêu hao trong phục vụ và quên mình, con người càng gặp lại chính bản thân mình (Mỗi ngày một tin vui).
7. Truyện: Bé cái lầm.
Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, bắt đầu nổi tiếng. Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào. Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông nghe không rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.
Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Bởi vì, thật là dại dột và lố bịch khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích chiếm được địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn gây nhiều tai họa cho người khác nữa (báo CG và dân tộc, Giáng sinh 1995, tr 281).
Suy Niệm 8: Gương xấu luật sĩ và biệt phái
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về các luật sĩ và biệt phái:
1. Vì họ “ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.
2. “Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”. Những gương xấu của họ là:
- Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không giữ.
- Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.
- Ham danh vọng: ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.
B.... nẩy mầm.
1. Hầu hết những lời Chúa Giêsu kết án các biệt phái ngày xưa đều đúng cho tôi ngày nay:
- Trong cương vị lãnh đạo, phải chăng tôi cũng thường “chỉ tay năm ngón”, bảo người khác làm còn mình thì không làm?
- Đạo đức bề ngoài: người ta tưởng tôi đạo đức, nhưng trước mặt Chúa tôi có đạo đức thật không?
- Tôi cũng ham danh vọng và địa vị?
2. “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau”: người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ anh em. “Trong chúng con, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ chúng con”.
3. “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”: các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên là chính Thiên Chúa. Đã đành ai ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm tốn.
4. Vào thế kỷ thứ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp. ("Mỗi ngày một tin vui")
nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-bay-21082021-thu-bay-tuan-20-thuong-nien-thanh-pio-10-giao-hoang-le-nho-luat-si-va-biet-phai-gia-hinh.html