"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ.
Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?"
Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Kêu gọi người tội lỗi
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.
Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.
Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).
Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy Niệm 2: LỜI THIÊN CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Lời Chúa thật mạnh mẽ. Có sức biến đổi cuộc đời. Không chỉ Lê-vi mà cả bạn bè của ông cũng theo Chúa. “Có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Chúa Giêsu và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người”.
Lời Thiên Chúa thay đổi số phận con người vì Thiên Chúa quá yêu thương, quá tin tưởng con người. Quá yêu thương nên trong ánh mắt Người không ai là xấu xa, đáng ghê tởm. Trái lại, mọi người đều có chỗ trong trái tim Người. Càng yếu hèn, tội lỗi, bị bỏ rơi lại càng được Thiên Chúa yêu thương, quan tâm giúp đỡ. Vì “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Còn hơn thế nữa, đó là mục tiêu của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Thật là một tình yêu không thể hiểu được với trí óc con người.
Quá tin tưởng nên Người tin rằng mọi người đều có thể thay đổi, có thể nên tốt. Quá tin tưởng nên Người không nhìn về quá khứ mà chỉ nhìn về tương lai. Quá tin tưởng nên dù quá khứ có xấu xa đến đâu Người vẫn mở cho kẻ tội lỗi một cánh cửa tương lai. Hôm nay, Lê-vi nhận được một lời mời gọi bất ngờ: “Hãy theo Thầy”. Một người thu thuế bị coi là tội lỗi công khai được mời gọi không chỉ thay đổi đời sống mà còn nên tông đồ đi rao giảng Tin mừng, viết sách Tin mừng truyền lại Tin mừng cho đến ngàn sau. Lòng Thương Xót của Chúa là vô bờ bến.
Quả thật Chúa Giê-su là vị Thượng Tế “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. Vậy nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (năm lẻ).
Xót thương nên Chúa sẵn sàng ban cho Ít-ra-en một vị vua để đứng đầu, dù Sa-mu-en không muốn. Xót thương nên phán bảo, chỉ dẫn Sa-mu-en từng chi tiết trong đời sống. Xót thương nên tuyển chọn Sa-un làm vua đầu tiên của Ít-ra-en. Dù ông thuộc chi tộc nhỏ bé nhất trong Ít-ra-en (năm chẵn).
Lạy Chúa con yếu hèn tội lỗi. Xin phán một lời để thay đổi con người con. Lạy Chúa, xin hãy phán. Vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời.
Suy Niệm 3: Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Kìa Người đến dùng bữa!
Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi thu thuế ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc. 2, 13-14)
Chúa Giêsu thường bị những con mắt hay soi bói và đả kích Người bám theo. Mọi cử chỉ của Người đều bị họ rình mò, giải thích và sàng lọc theo luật lệ của những người Pharisiêu. Các kinh sư là những người rất quen với công việc này; và họ cũng thường có cơ hội dễ dàng.
Hạng người rình mò như thế vẫn còn, bởi lẽ tất cả chúng ta tự bản tính vốn dễ dàng xếp loại mọi người, phân cách người lành với kẻ dữ và nhất là muốn dựng lên bức vách ngăn giữa cái gì là khả kính với bất kính, ít nữa là xét theo quy tắc và quan điểm của ta.
Thực ra Giáo hội vẫn còn là một tập hợp những con người đáng trọng cũng có và không đáng kinh cũng có, nơi đây Chúa Giêsu đến cư ngụ, bởi vì ngay lúc ban đầu, từ những con người tội lỗi mà Chúa đã lập nên Giáo hội vậy.
Giáo Hội là một tập hợp đủ thứ
Theo cái nhìn của những người trí thức Mác-xít tích cực, thì Giáo hội thường quy tụ những con người yếu hèn, bất lực trong việc tự giải quyết lấy thân phận con người và xã hội của mình, nên mới chạy đến với những cái nạng gọi là “Thiên Chúa” hay “đức tin” vậy.
Nơi đây có Chúa cư ngụ
Thực ra, hơn nơi nào khác, Chúa Giêsu chỉ thích tìm cư ngụ nơi những con người đã không tìm được ở nơi mình bất cứ một lý lẽ nào để biện minh cho sự công chính của mình, nơi những kẻ không có lấy một sự đáng tôn đáng kính nào khác, ngoài chuyện họ sống trung thực, can đảm và sẵn sàng thú nhận mình là kẻ tội lỗi.
Quả thực, người tội lỗi là người sống trung thực, vì người ấy biết rõ mình. biết nơi mình không có được tất cả sự bền bỉ cần thiết để sống trọn phẩm giá con người, và để được như thế, cần phải có ơn Chúa. Người có tội không gian lận với mình.
Người tội lỗi cũng là người can đảm. Có người đã viết điều này: có can đảm hay không ở tại biết làm cho sự thật phải yên lặng hoặc không làm cho sự thật yên lặng? Quả quyết mình dốt nát hay dấu nhẹm sự ấy, đàng nào can đảm hơn? Tỏ ra run sợ trước Thiên Chúa thánh thiện và siêu phàm, phải chăng kém can đảm hơn là trốn chạy khỏi tôn nhan Người?
Sau cùng con người tội lỗi luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn; người ấy biết rõ rằng điều tốt nhất đang ở phía trước, nên sẵn sàng lại lên đường.
Có thế ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu thích lui tới hạng người này và tại sao chúng ta không được vấp phạm vì hành động của Giáo hội mẹ ta và vì những ai thường đến chung sống với họ vậy.
Suy Niệm 5: Nhạy bén với tình thương của Chúa (Mc 2, 13-17)
Ơn gọi luôn luôn đến từ Chúa. Chúa muốn gọi và chọn ai tùy ý Ngài. Tuy nhiên, nếu chỉ có Chúa gọi và con người không đáp trả thì không trở thành một ơn gọi.
Hôm nay, Chúa gọi Mátthêu, người thu thuế. Dù là con người tội lỗi vì mang trong mình cái tội phản quốc, tức là trù dập dân, o ép người đồng hương, để hưởng lợi nhuận trên xương máu của đồng bào.
Tuy nhiên, khi nhận ra mình tội lỗi ngập đầu như vậy, và được Đức Giêsu yêu thương trìu mến chọn và gọi mình, thì Mátthêu đã không ngần ngại thả lỏng cây bút chuyên ghi chép những chuyện phi nhân, bất nghĩa và sẵn sàng buông mình vào bàn tay từ ái của vị Thầy dễ thương để tùy Ngài hướng dẫn, ngõ hầu sau này dùng ngòi bút mới để viết lên những trang Tin Mừng mang đậm tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại, mà chính ông là người được yêu thương cách nhiệm mầu và cảm nghiệm cách đặc biệt.
Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội được Chúa yêu thương, một phần do kiêu ngạo như những người Pharisêu, luôn coi mình là hạng người ưu tuyển, nên không nhạy bén trước tình yêu của Thiên Chúa; mặt khác, không giống như Mátthêu, nhiều khi chúng ta lại quá tự ty đến độ không dám đến với Thiên Chúa vì cho rằng mình không xứng đáng.
Tất cả những lý do đó hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng, vì Đức Giêsu đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi người tội lỗi, bởi vì người đau yếu mới cần thầy thuốc, người khỏe mạnh thì không cần.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay có thái độ khinh thường những người tội lỗi và tự mãn vì mình là người đạo đức, nhưng không chừng, con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, còn phường tội lỗi và gái điếm lại vào Nước Trời trước chúng ta!
Xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta mặc lấy cái nhìn của Chúa, luôn yêu thương những người tội lỗi, đồng thời biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài để ra đi chia sẻ tình thương của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.
Ngọc Biển
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu gọi Lêvi-người thu thuế
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Phaolô - vị tông đồ dân ngoại. Ban đầu là một biệt phái hăng say bắt bớ Giáo hội của Chúa. Trên đường Đamas, Thiên Chúa đã cho Phaolô té ngựa và bị mù ba đêm ngày. Ông đã trở vào làng, âm thầm cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và tuân theo ý Ngài. Phaolô đã nhận ra thiên ý và đã tuân theo ý: Từ một thái độ hung hăng, bắt bớ Giáo hội, Ngài đã trở nên vị tông đồ nhiệt thành, làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 26,4-18).
Trở thành môn đệ, Phaolô đã hết mình với sứ vụ: “Vì tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,15). Tình yêu của Chúa giúp Phaolô vượt qua mọi thử thách, mọi cam go và ông đã trung thành với sứ mạng đến nỗi quên mọi hiểm nguy, quên mọi thử thách để chỉ nghĩ tới việc đem dân ngoại trở lại.
Suy niệm
Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu luôn bị anh em đồng bào mình khinh miệt vì hai lý do: Thu thuế ăn chặn của dân và làm tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình... Với người Do Thái, thu thuế là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất bị coi đồng hạng với những kẻ cắp và phụ nữ ngoại tình.
Theo phong tục của người Do Thái, một người ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế… Thế nhưng, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Lêvi theo Ngài. Gọi một người tội lỗi làm môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Ngài lại còn đồng bàn với những kẻ thu thuế khác như là những người đồng hội, đồng thuyền với quân tội lỗi… Trong Tin Mừng đã ghi lại những khoảnh khắc của Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9, 10-13; Mc 2,15-17; Lc 5,10; 7,36-50; 15,1-2; 19,7). Cùng đồng bàn với họ, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia... Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh, trong đó có cả những tội nhân. Ngài là vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Ngài tuyên bố “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Tội nhân là người bệnh người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi trên thân thể Ngài, mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc Phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15,26). Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23,34).
Khi nghe tiếng gọi của Đức Kitô, người thu thuế Lêvi đã bỏ tất cả để cất bước theo Chúa Kitô, bỏ cả một nghề nghiệp đang hốt bạc, bỏ cả một quá khứ tội lỗi để Chúa Kitô thánh hiến trở thành môn đệ Matthêu, ngài cất bước chia sẻ với anh em mình trên con đường cứu độ. Bao nhiêu quá khứ không đẹp như những vết thương được Chúa Giêsu chữa lành nên con người tông đồ của Tin Mừng.
Ý lực sống: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Suy Niệm 7: Chúa gọi ông Lêvi
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Chúa Giêsu đi dọc bờ biển giảng dạy dân chúng. Người thấy ông Lêvi (Matthêu) đang ngồi thu thuế. Người gọi ông, ông liền theo Người, và dọn tiệc thiết đãi Người với các kẻ thu thuế và nhiều người tội lỗi. Thấy vậy, nhóm luật sĩ và biệt phái hỏi môn đệ Chúa: Sao Thầy các ông ăn uống với phường thu thuế và kẻ tội lỗi ? Chúa nghe thấy vậy thì đáp: Thầy thuốc không cần cho người khỏe mạnh mà chỉ cần cho kẻ yếu đau. Cũng thế, Ta không đến để kêu gọi người lành thánh mà đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối.
2. Theo tục lệ đế quốc La Mã thời bấy giờ, chính phủ cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tùy ý. Làm một nghề dễ kiếm ăn như thế, mấy ai kiêng giữ được những sự tham lam nhũng nhiễu dân chúng ? Vì thế, người Do thái có ác cảm với bọn thu thuế không chỉ vì tội tham lam mà còn vì họ là tay sai cho đế quốc La Mã nữa.
Lêvi là người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ ông, khai trừ ông và tránh xa ông, coi như đồ ghê tởm, thì Chúa Giêsu không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài.
3. Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ làm môn đệ.
Bữa ăn hay bữa tiệc thường được diễn tả sự gần gũi thân tình. Ở đây Đức Giêsu và các môn đệ đến dùng bữa tại nhà ông Lêvi cùng với nhiều người thu thuế và các người tội lỗi, chứng tỏ Chúa bầy tỏ tình thương đối với những người tội lỗi. Chính tinh thần này lôi kéo những người tội lỗi đến với Người.
4. Việc Chúa Giêsu gọi Lêvi là người thu thuế đi theo Người lại là cớ gây ra sự phê bình và chỉ trích của người Do thái, nhất là các luật sĩ và biệt phải.
Họ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẻ đối với những người tội lỗi, nên khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiếp xúc thân tình với những người tội lỗi, thì họ đã tỏ ra khó chịu nên họ đã phê bình và chỉ trích Chúa. Họ đã hỏi các môn đệ:”Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mc 2,16) ?
5. Để sửa lại quan niệm hẹp hòi của luật sĩ, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Người.
Truyện: Chính vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.
Sau khi từ bệnh viện trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.
Sau một tháng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi thăm, anh đã bật khóc.
Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.
Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em (Epphata).
6. Truyện: Xanh vỏ đỏ lòng.
Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến viên ngọc sần sùi không được bóng láng cho lắm.
- Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả - một người nói, làm sao lại để nó đây ?
Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn mầu cách kỳ diệu.
- Làm sao có thể như vậy – hai người bạn hỏi.
- Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra – người chủ tiệm trả lời.
Chúa Giêsu cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Matthêu cho chúng ta thấy rõ điều đó.
nguon:http://gplongxuyen.org/News