Thứ Bảy 11/09/2021 – Thứ Bảy tuần 23 thường niên. – Nhà xây trên đá = khôn ngoan.

Thứ Bảy 11/09/2021 – Thứ Bảy tuần 23 thường niên. – Nhà xây trên đá = khôn ngoan.

“Tại sao các con gọi Thầy 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

  

Lời Chúa: Lc 6, 43-49

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.

Tại sao các con gọi Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Nghe mà không thực hành       

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.

Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.

Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.

Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:

“Xem quả thì biết cây” (c. 44).

Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.

Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.

Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.

Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.

Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,

qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.

Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.

Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.

Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.

Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.

Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy

bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”

Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).

Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:

Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?

Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,

lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).

Nghe thôi thì chưa đủ.

Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,

chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.

Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,

nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó?

Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.

Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.

Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.

Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.

Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.

Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,

nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.

Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,

vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.

Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu

Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,

Nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,

Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,

Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

Được xây trên nền tảng vững chắc,

Đó là lời Chúa

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 

Suy Niệm 2: Nghe và thực hành Lời Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thời gian là lời phán xét chính xác. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu cây nào tốt khi chúng ra quả. Cứ xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả.Người thật hay người giả. Đừng tin ngay vào lời nói, cứ chờ xem họ làm thế nào. Thời gian sẽ chứng nghiệm công trình xây dựng. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa Giêsu cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Người môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt. Người môn đệ tốt là người không chỉ nói ngoài miệng nhưng tin thật trong lòng. Người môn đệ trung tín là người thực hành niềm tin đã lãnh nhận được. Khó khăn thử thách là tự nhiên trong đời sống. Cũng như bão lụt là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhà xây vững chắc sẽ bền vững qua thời gian. Người nghe và thực hành Lời Chúa đứng vững trong mọi gian nan thử thách. Người ấy đã chọn Chúa thì trung tín suốt đời.

Nhưng chọn lựa không chỉ một lần mà trải dài suốt cuộc đời. Có bao nhiêu năm tháng là có bấy nhiêu chọn lựa. Để trung tín với Chúa và với chính mình, với niềm tin, với lời tuyên xưng, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng. Chúa mời ta dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhưng thế gian cũng có những bàn tiệc hấp dẫn. Ma quỉ cũng biết bày ra những bàn tiệc lạc thú thịnh soạn, cũng biết nâng những chén rượu danh vọng hấp dẫn mời mọc. Lại còn thêm thói đời, người đời thân thiết lôi kéo. Nhất là khi chung quanh ta ai cũng làm giống nhau. Ta sống khác được sao? Ta phải cảnh giác để giữ lòng trung tín như thánh Phao-lô khuyên dạy: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỉ được” (năm chẵn).

Một cách giữ lòng trung tín với Chúa là nhớ lại thuở ban đầu. Thánh Phao-lô luôn nhắc nhở về thời chìm đắm trong tội lỗi để thấy ơn Chúa thương xót hoán cải ngài, tuyển chọn ngài và ban cho ngài được làm môn đệ Chúa. Vì thế ngài luôn nhớ ơn Chúa, luôn tận tâm phục vụ Chúa, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Chúa. Hãy chọn lựa Chúa. Vì chỉ có Người thương yêu ta. Hãy tạ ơn Chúa. Vì chính Người hạ cố đến cứu độ ta. Hãy thờ lạy Chúa. Vì chỉ có Người là vua thật thống trị vũ trụ. Hãy noi gương thánh Phao-lô mà xưng tụng: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (năm lẻ).

 

Suy Niệm 3: Căn Nhà Ðức Tin

Một người giàu có nọ muốn thưởng cho người quản lý của mình. Ông cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho một căn nhà sang trọng, với những vật liệu đắt giá và những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng trong việc mua sắm vật liệu cũng như chỉ mướn những thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành một cách tương đối tốt đẹp.

Khi người giàu có trở về, người quản lý đem tất cả chìa khóa của căn nhà đến cho ông và báo cáo đã làm đúng như chỉ thị của ông. Ông chủ hài lòng, khen người quản lý và thưởng cho ông căn nhà đó. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa căn nhà, người quản lý không ngừng hối tiếc: giả như tôi biết trước, đây căn nhà ông chủ tặng cho tôi, thì tôi đã không xây cất nó một cách xoàng xĩnh như thế.

Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm nếm được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngay từ đời này. Và nhận được gấp trăm ngay từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của Tin Mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thách Ðố Của Người Tín Hữu

Một nhóm truyền đạo của một giáo phái đến ngay trước cửa một nhà thờ để chiêu dụ các tín đồ, họ giảng thao thao bất tuyệt về giáo lý của họ. Vị mục sư cai quản nhà thờ rất kiên nhẫn, ông đứng nghe giảng một hồi lâu rồi đưa tay ra hiệu và nói với các nhà truyền đạo:

- Thưa quí ông, tôi xin được đưa ra một đề nghị: tôi hiện đang có một ly thuốc độc, nếu các ông uống ly thuốc độc này mà vẫn còn sống thì không những tôi mà tất cả mọi người giáo dân đang có mặt ở đây cũng sẽ bỏ đạo của chúng tôi để gia nhập vào giáo phái của các ông; nhưng nếu các ông không uống ly thuốc độc này thì tôi chỉ có thể kết luận là các ông chỉ là những nhà truyền đạo giả hiệu của Tin mừng bởi vì các ông không tin tưởng ở Chúa là Ðấng, như các ông vừa mới loan báo, sẽ không bao giờ để các ông phải chết.

Nghe thế, các nhà truyền đạo không biết phải làm như thế nào. Họ liền kéo nhau đến một góc và bàn bạc với nhau: Chúng ta phải làm sao đây?

Cuối cùng, sau một lúc họ đã quyết định, họ trở lại trước mặt vị mục sư và nói: chúng tôi vừa nghĩ ra một kế hoạch, xin mời ông cứ uống thuốc độc, chúng tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông sống lại.

Giữa những điều chúng ta tuyên xưng và những gì chúng ta sống; giữa những gì chúng ta rao giảng và những gì chúng ta làm chứng luôn có khoảng cách. Ðạt được thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa tin và sống, giữa nhà thờ và cuộc sống không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày chúng ta vấp phạm đến bao nhiêu lần, mỗi ngày chúng ta chối bỏ đức tin của chúng ta biết bao nhiêu lần.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều ấy, mượn hình ảnh của cây và trái, của ngôi nhà và nền móng Ngài kêu gọi chúng ta sống điều chúng ta tin, thực hành điều chúng ta rao giảng. Thánh Giacôbê tông đồ đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi ngài nói: "Ðức tin không có thực hành là đức tin chết". Tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin.

Trong thông điệp Rao Giảng Tin Mừng, ban hành vào năm 1975, Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày giáo huấn của Giáo Hội về việc rao giảng Tin Mừng. Trong số 14 của thông điệp, ngài viết: "Rao giảng Tin Mừng là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là bản sắc sâu xa của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là để rao truyền và giảng dạy để trở thành máng thông ân". Như vậy, mục đích của rao giảng Tin Mừng là thay đổi tấm lòng của con người, việc công bố Tin Mừng phải được thực thi trước tiên bằng chứng từ của cuộc sống. Ðức Phaolô VI khẳng định: "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

Chúng ta đang sống trong thời đại của bùng nổ thông tin. Con người thời đại đang choáng ngộp vì lượng thông tin, họ mệt mỏi vì những lời nói suông. Thời đại của thông tin cũng là thời của khủng hoảng về lời nói, đây chính là thách đố của người tín hữu Kitô. Nếu cuộc sống của họ không là một thể hiện của niềm tin của họ, nếu cuộc sống đời thường của họ hoàn toàn cách biệt và xa lạ với những gì tuyên xưng trong nhà thờ thì cộng đồng của họ dù có được tập trung trong một nhà thờ dù nguy nga đồ sộ đến đâu cũng vẫn là một đám ma buồn tẻ hơn là một cộng đồng có sức sống.

Sống đạo và truyền đạo là một ơn và là một nghĩa vụ của người tín hữu Kitô. Chúng ta cảm tạ Chúa đã trao phó cho chúng ta một nhiệm vụ cao cả như thế.

Nguyện xin Ngài ban ơn giúp sức cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trở thành lời tuyên xưng và rao giảng sống động cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Nói hay làm dở

Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Thầy, Lạy Chúa! mà anh không làm điều Thầy dạy?

“Ai đến với Thầy, và nghe những điều Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em người ấy ví được như ai. Người ấy được ví như một người khi xây nhà, đã cuốc đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây cững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá hủy tan tành.” (Lc. 6, 46-49)

Những bài thuyết trình càng hay, càng đáng thở dài, hứa nhiều làm ít: Lạy Chúa, lạy Chúa, kêu dễ dàng và bao nhiêu cũng được, nhưng vào việc lại chậm trễ ươn hèn chẳng làm điều cam kết chi cả. Đức Kitô phải khó chịu khi nói ra điều này và không nhịn được nên kêu gọi người ta phải chú ý đến nó.

Nói hay làm dở, ai trong chúng ta cũng không nhiều thì ít, rất đơn giản, có đầy trong thực tế hằng ngày. Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy rõ điều đó khi so sánh nói mà không làm giống như xây nhà trên cát không có nền chắc chắn. Mưa sa lũ lụt và bão làm nhà sụp đổ. Nói và làm, thì như người xây nhà trên đá, nước dâng lên, sóng vỗ, nhà vẫn không lay chuyển. Cũng như trồng cây trên đất tốt, sẽ gặt được mùa bội thu hoa trái tốt đẹp.

Chỉ đến nghe Đức Kitô giảng thì không đủ. Phải sống lời Chúa. Cầu nguyện nhiều không đủ, phải cải tạo cách nghĩ và cách làm. Chỉ chấp nhận những đòi hỏi vác thập giá Đức Kitô xuông chưa đủ. Phải biết kết hiệp với Người khi gặp gian nan, thử thách, gặp đau khổ, nghịch cảnh. Phải biết đón nhận những đau khổ trong mầu nhiệm sự chết để hy vọng tràn trề được sống lại vui mừng.

Chỉ nhận biết cần thiết phải hy sinh vì lý do đức tin đòi chấp nhận sự vô lý, thì không đủ, còn phải sẵn lòng hy sinh liên lỉ, dầu phải chiến đấu cam go để giải thoát những tấn công của những khuynh hứng xấu xa tàn bạo.

Chỉ kêu gào công lý và bác ái không đủ, phải chính mình đương đầu với những bất công, bất nhân, dù biết rằng mình không luôn luôn chiến thắng. Như thế, chúng ta có thể nuôi hy vọng trở nên người không nói hay, nhưng làm hay.

 

Suy Niệm 6: Người khôn xây nhà trên đá

Người xưa thường coi việc: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng trong đời người. Thật vậy, nếu không kinh nghiệm về việc xem trâu, người nông dân dễ bị mua phải con trâu lười hay không biết làm việc. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu cho kỹ, không chừng khi lấy vợ, chúng ta lấy phải cô vợ “cảnh” thì thật là tai họa cả đời. Tương tự như hai việc trên, công việc làm nhà cũng rất quan trọng. Nếu không biết tính toán, suy xét và nhất là nơi chốn, chúng ta dễ bị hậu quả nặng nề là căn nhà siêu vẹo do sức nặng và độ lún chênh lệch nên dễ làm cho căn nhà bị đổ nát, hoặc không đón được hướng gió tốt, sẽ dễ dàng gây nên sự ngột ngạt ...

Hôm nay, Đức Giêsu nói đến việc xây dựng cuộc đời của mỗi người ngang qua hình ảnh xây dựng căn nhà.

Không ai dám cả gan để xây nhà trên nền cát! Cũng vậy, không có người nào dại dột đến độ phó dâng cuộc đời của mình cho kẻ chẳng hơn mình là bao? Hay đi tin một người mà do chính mình tưởng tượng rồi bịa ra để tôn thờ!

Khi Đức Giêsu nói đến độ bền chắc của đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, Ngài muốn nói đến sự bền vững nơi những ai biết đặt đời mình trong bàn tay của Chúa, biết xây dựng cuộc sống trên nền tảng Tin Mừng.

Thật vậy, những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Nền đá vững chắc: lắng nghe và thực hành Lời Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đời sống đạo của mỗi Kitô hữu tựa như ngôi nhà thiêng liêng. Ngôi nhà đó phải được xây dựng trên nền đá vững chắc là lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, từ ngày con được lãnh nhận bí tích Rửa tội là con được đặt chân vào con đường làm môn đệ Chúa. Đó là ngày con bắt đầu hành trình tiến lên đỉnh trọn lành. Đó là ngày Chúa mời gọi con xây dựng ngôi nhà thiêng liêng đời con. Từ đó, hằng ngày Chúa dạy con từ bỏ bản thân để biến mình trở nên giống Chúa hơn. Từng khoảnh khắc con biết sống theo đường lối Chúa, đó là nền đá vững chắc để xây nhà thiêng liêng cho con. Mang danh là Kitô hữu mà con không biết sống Tin Mừng hằng ngày thì ngôi nhà của con không có nền móng. Một chút thử thách, một cơn cám dỗ, một sự đau khổ, cũng đủ làm con nghiêng ngả và sụp đổ. Ngược lại, biết lắng nghe Lời Chúa và can đảm thực hành trong cuộc sống, đó là những bậc thang chắc chắn giúp con ngày càng tiến lên gần Chúa hơn.

Lạy Chúa, con tin Chúa đang hẹn gặp con hằng ngày trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời con. Điểm hẹn là tiếng lương tâm, điểm hẹn là Mười Giới Răn, là Thánh Kinh và là giáo huấn của Hội Thánh. Xin cho con biết đến gặp gỡ Chúa để biến đổi cuộc đời con: gặp Chúa đích thực qua việc biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

Xin cho con đừng nhẫn tâm bỏ qua tiếng lương tâm, đừng để con giả điếc làm ngơ khi nghe Lời Chúa, đừng để con bịt tai coi thường giáo huấn của Hội Thánh.

Lạy Chúa, xin cho con được thiết tha hơn trong hành trình theo Chúa, và tích cực hơn trong việc xây dựng ngôi nhà thiêng liêng đời con. Amen.

Ghi nhớ: “Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

 

Suy Niệm 8: Chúa là đá tảng, là chiến luỹ

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày 15 và 16/10/2010, đợt mưa lớn gây lũ lịch sử chưa từng thấy trong 50 năm qua đã nhấn chìm nhiều tỉnh ở Bắc Trung Bộ Việt Nam: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An trong biển nước… Cơn lũ đã làm hàng trăm người chết, bị thương và mất tích vì bị cuốn trôi, cô lập nhiều vùng dân cư, nhiều nhà cửa bị trôi, sập, đường sá hư hỏng nặng nề, phá hủy tài sản, mùa màng và gia súc gia cầm của hàng chục ngàn người…

Phong ba bão tố, lũ lụt xảy ra bất cứ ở nơi đâu trên trái đất và bất cứ lúc nào, luôn để lại những hậu quả tai hại nếu chúng ta không chuẩn bị thật kỹ để trụ vững vàng… Ngay cả các nước tiên tiến như Australia và Brasil lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề với trên 500 người chết và 13.500 người lâm vào cảnh vô gia cư vào thời điểm tháng 1/2011…

Suy niệm

Chúa Giêsu nói đến hình ảnh của đời sống sẽ luôn vững vàng nếu được chuẩn bị như nhà xây trên đá là người nghe và thực hành Lời của Đức Kitô. Ai nghe và thực hành Lời là người khôn xây nhà trên đá; luôn vững vàng trước mọi hoàn cảnh dù gặp nghịch cảnh hay bị thử thách qua hình ảnh Chúa Giêsu nhấn mạnh: Mưa sa có đổ xuống, nước ngập, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà, nhà vẫn không sập… Còn ai nghe mà không thực hành Lời Chúa thì giống như xây nhà trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn.

Với hình ảnh xây nhà trên đá luôn vững và trên cát sẽ sụp đổ, Kinh Thánh nhấn mạnh sự tương phản giữa hành động của hai người một cách trái ngược nhau: Nếu ai khôn thì đời người đó thật vững vàng như bàn thạch, còn ai dại thì chịu cảnh sụp đổ, tiêu tan trước phong ba bão tố.

Chúa Giêsu nhấn mạnh qua động từ chủ động “làm” hay “thi hành” Lời của Ngài, là lời mời gọi thể hiện sự sống động của đức tin được nuôi dưỡng bằng Lời trong đời sống hằng ngày ở mọi khía cạnh cuộc sống: gia đình, lao động, dấn thân xã hội, Giáo hội đều gắn chặt trên đá tảng với đức tin sâu sắc.

Trong cuộc sống hàng ngày, Chúa không hề hứa với chúng ta là sẽ tránh né được nghịch cảnh, phong ba bão tố trong cuộc đời, nhưng Ngài khẳng định rằng cuộc sống của người nghe, dựa và thực hiện vào Lời Ngài sẽ như ngôi nhà xây trên đá: Không bị mưa sa, bão táp làm tan hoang, trái lại sẽ vững vàng.

Ý lực sống:

“Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn

Vì Chúa là đá tảng, là chiến luỹ của con” (Tv 31,3b).

 

Suy Niệm 9: Người môn đệ đích thực

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải cần một niềm tin trên lý thuyết, trên môi miệng... nhưng điều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Đức Giêsu dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống của chúng ta lại không theo giáo huấn của Người. Mỗi tín hữu cần xác tín rằng chỉ có Đức Giêsu và ánh sáng Lời Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Đức Giêsu, không ai có thể cho chúng ta sự sống đích thực.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay  Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn cây và trái: “Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu...”. Chúa muốn dạy rằng: muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”(Lc 6,45).

Tất cả những điều Đức Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng làm môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà dược xây trên đá vững chắc.

3. Điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành Lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.

Tình yêu mà chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Đức Giêsu đã nói: ”Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”(Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không giữ Lời Ngài, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.

4. Người ta vẫn thường nói “con đường dài nhất là từ tai đến tay” nghĩa là dễ nghe, dễ hiểu nhưng để đem ra thực hành  thì khó biết là ngần nào. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khiển trách các môn đệ chỉ nghe Lời Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Lạy Chúa” nhưng không thi hành Lời Ngài dạy. Biết bao điều Chúa đã dạy, đã nêu gương và nhắc nhở mỗi ngày thế mà uổng phí công lao: ”Ta trông mong nó thực hành điều chính trực nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5,7).  Hãy để Lời Chúa sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nhờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người (5 phút Lời Chúa).

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Phải chăng chúng ta đang sống theo chủ trương tách biệt niềm tin và cuộc sống? Phải chăng chúng ta  không đo lường niềm tin theo một vài biểu dương bên ngoài?  Bao lâu cái cốt lõi của đạo là niềm tin, tình yêu thương, chưa ăn sâu vào từng sinh hoạt cuộc sống chúng ta, thì quả thực  chúng ta chỉ là những kẻ nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa”, mà không hề thực thi Lời Chúa. Sống như thế chỉ là  làm ô danh sự đạo và phạm đến giới răn cấm kêu tên Chúa vô cớ (R.Veritas).

Trong một xã hội mà qui luật sống là dối trá, thì Kitô hữu chúng ta được mời gọi sống trung thực hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống thế nào để mọi người cảm nhận rằng Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện và tác động trong cuộc sống chúng ta, và lời của Ngài có sức cải tạo con người và xã hội.

6. Truyện: Triệt để thi hành luật pháp.

Vào khoảng giữa thế kỷ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đúng 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xẩy ra cho ông, là ngươi đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình  trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xứ lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh mẹ. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

 

Suy Niệm 10: Cách ứng xử trong cuộc sống

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

A. Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách ứng xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:

1) Qua Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43,44): Chúa muốn nói đến những hành động của ta. Bên ngoài phải phù hợp với bên trong. Đối với những người biệt phái và luật sỹ thì một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với luật.

Còn đối với Chúa Giêsu thì một hành động được coi là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt. Một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu coi cõi lòng con người như một kho tàng, nơi xuất phát ra những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Kho tàng tốt thì sẽ phát sinh ra những lời nói và việc làm tốt. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt.

Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu. Hay nói một cách chính xác hơn là chính Chúa Giêsu.

3) Phải thi hành (cc 46-49): Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà được xây trên đá vững chắc.

B. Như vậy, qua dụ ngôn Cây và Trái: Chúa muốn dạy rằng: Muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một quy luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sẽ sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45)

Đây là câu chuyện có thật ở Nhật Bản. Chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một anh thanh niên đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở nhỏ giữa hai bức tường bằng gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chân chú thằn lằn tội nghiệp bị cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn mười năm, điều đó đồng nghĩa với việc chú đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.

Quá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc, tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị “cầm tù” như vậy. Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.

Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt 10 năm qua. Không ngờ loài vật tưởng chừng không suy nghĩ, không cảm xúc lại có thể có những việc làm như vậy. Có lẽ, chỉ có tình yêu mới tạo nên nghị lực sống và tinh thần phục vụ kỳ diệu đến thế. Lev Tolstoy nói: “Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống.”

Phải thi hành: Lý thuyết có hay cách mấy đi nữa nhưng nếu không đem đến thi hành thì cũng chẳng ích lợi gì. Chúa Giêsu ví những nghười nghe mà đem ra thực hành thì giống như người xây nhà của mình trên đá. Đá đây chính là Lời Chúa và Ý Chúa.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo qui luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh bà. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thận mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

- Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.

 

Suy Niệm 11: Dụ ngôn về cách đối xử

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách đối xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy:

1) Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43-44): Chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động bề ngoài của ta hợp với bên trong của ta. Đối với biệt phái và luật sĩ, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với Luật. Chúa Giêsu sâu sắc hơn: một hành động là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Kho tàng trong lòng (c 45): Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu.

3) Phải thi hành (cc 46-49): Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Ngài. Họ chỉ như một cái nhà được xây trên cát mà thôi. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài, họ như cái nhà được xây trên đá vững chắc.

B.... nẩy mầm.

1. Về dụ ngôn cây và trái: muốn có trái thì phải chăm sóc cây, đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Thế nhưng tôi thường chỉ lo đến những thể hiện bề ngoài chứ không lo bồi dưỡng chính tâm hồn mình.

2. Về kho tàng trong lòng: tôi cũng thường “kiểm kê tài sản” xem mình đang có bao nhiêu tiền, bao nhiêu món đồ v.v. Hôm nay tôi hãy kiểm kê kho tàng trong lòng xem hiện giờ có được những gì.

3. Về dụ ngôn xây nhà: tôi đang xây ngôi nhà cuộc đời mình trên nền cát hay nền đá? Nền cát là những thứ mà người đời thường theo đuổi (danh, lợi thú), nền đá là Lời Chúa và Ý Chúa.

4. Một người nhà giàu nọ cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho ông một ngôi nhà sang trọng với những vật liệu đắt giá nhất và do những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng để mua những vật liệu rẻ nhất, ông mướn những người thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành.

Khi ông chủ về, người quản lý giao ngôi nhà cho chủ. Ông chủ tỏ vẻ hài lòng và cho biết ông bảo làm ngôi nhà ấy để tặng cho người quản lý. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa những chỗ hư của ngôi nhà, người quản lý vô cùng hối tiếc: giả như trước đây tôi biết đây là ngôi nhà ông chủ tặng cho tôi thì tôi đã không xây cất một cách xoàng xĩnh như thế ("Mỗi ngày một tin vui").

 nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-bay-11092021-thu-bay-tuan-23-thuong-nien-nha-xay-tren-da-khon-ngoan.html