"Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".
Lời Chúa: Ga 11, 45-56
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Chết thay cho dân
Suy niệm:
Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.
Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu
và Thượng Hội Đồng của Do thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).
Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó
là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).
Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,
mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).
Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.
Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,
đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa :
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).
Lời phát biểu bộc phát như thế,
nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.
Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,
nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.
Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do thái khỏi bị tiêu diệt,
Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.
Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.
Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do thái) mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”
Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu
về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).
Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).
Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.
Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.
Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem
và sự tan hoang của cả đất nước Do thái vào năm 70.
Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.
Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.
Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).
Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.
Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,
và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.
Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,
chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên : Sao Cha bỏ con ?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Người công chính
Tác giả thánh vịnh 58 đã có lời cầu nguyện như sau:
Lạy Thiên Chúa của con
Xin cứu con khỏi kẻ địch thù
Bênh đỡ con chống lại kẻ tấn công
Cứu vớt con khỏi vòng gian ác,
Giải thoát con khỏi bọn giết người.
Kìa mạng con, chúng rình hãm hại,
Lũ cường quyền xúm lại chống con.
Ðây là tâm trạng của một người công chính bị kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với tâm trạng của Chúa Giêsu trong những ngày cuối cùng của Người ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ và thi ân giáng phúc, Chúa Giêsu phải đối diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Người chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Người. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển. Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị những người Do Thái tìm cách khử trừ, vì Chúa không những không đáp ứng nguyện vọng của họ mà lại còn tạo nên xáo trộn bất lợi cho cuộc sống của họ nữa. Họ mong chờ một vị cứu tinh, nhưng vị cứu tinh này phải phù hợp với sở thích của họ, phải mang lại cho họ thấy được những quyền lợi trước mắt, phải làm cho cuộc sống trần thế của họ trở nên thoải mái hơn. Chúa làm cho họ thất vọng thế là họ loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau ngày Chúa chịu chết và sống lại, Chúa vẫn tiếp tục bị tẩy chay, bị loại trừ và điều đáng buồn nhất là Chúa bị loại trừ bởi chính những người mang danh hiệu là người Kitô, trong số đó có con. Con loại trừ Chúa khi con không sống theo tinh thần Tám mối phúc thật; con loại trừ Chúa khi con chạy theo những thú vui vật chất, khi con tôn vinh những gì thỏa mãn ước mơ trần thế của con. Con xưng mình là người có đạo, nhưng con lại đi tìm một cứu Chúa không phải là Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương cứu con khỏi những ràng buộc hư ảo ấy. Xin cho con luôn luôn tôn thờ và tin yêu Chúa là Cứu Chúa duy nhất chân thật của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Chết thay người khác.
Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật trong ngành ấn loát. Nhưng sau vì bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quân chúng. Đức quốc xã đã bắt cha và giam vào tù, tại đây cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn đồng tù.
Phải chết thay người khác có thể là một hành động do hận thù bất công, nhưng với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do Thái không tin đã bắt Chúa phải chết thay để người Rôma khỏi hủy diệt dân tộc Do Thái, nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.
Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn: Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người.
Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Đây là bằng chứng để biết được lòng mến, đó là Đấng ấy đã thí mạng vì ta và ta cũng phải thí mạng vì anh em. Con hỏi cha: đâu là mức độ dấn thân? Hãy làm như Chúa Giêsu… Cuộc đời con phải hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng đưa người khác đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Nơi Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em. Con nắm vững một đường lối Tông đồ thí mạng vì anh em, con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục người khác về với Chúa”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Đồng thuyền đồng hội
Trong một số người Do-thái đến thăm Ma-ri-a và được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng Cai-pha một người trong thượng hội đồng nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. (Ga. 11, 45-49b-52)
Lý do người ta quy định với nhau là giống nhau, như câu châm ngôn: “Đồng thuyền, đồng hội”. Nhiều người Kitô không còn cảm nhận được hương vị tình thương của Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa đã làm cho họ nên giống nhau, và cần phải quy tụ lại với nhau, nhất là trong Thánh lễ ngày Chúa nhật. Nhưng hơn bao giờ hết, họ sống cô độc, chỉ vì họ khó chịu khi mang nhãn hiệu Kitô giáo. Nhiều kẻ bị thuyết phục theo chủ trương rằng: Tôn giáo là việc bản thân mỗi người, chỉ cần liên lạc chặt chẽ giữa Thiên Chúa với cá nhân thôi.
Chúng ta bỏ mất lãnh vực sống cộng đồng đức tin là chúng ta vi phạm nghiêm trọng đến kế hoạch cứu độ cộng đồng rất quý của Thiên Chúa: Ngài quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống.
Trước thời đại Tân ước của chúng ta, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch này rồi. Qua miệng ngôn sứ Ê-giê-ki-en, Thiên Chúa đã nói với con cái Ít-ra-en rằng: “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó … và chỉ có một vua là vua tất cả”. Điều Thiên Chúa nói thì Ngài đã làm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Thánh Gio-an đã nhắc nhở chúng ta như vậy.
Để đạt tới sự đồng hội này, chúng ta có nhiều tác nhân giúp đỡ: “Chỉ một Thiên Chúa, chỉ một đức tin, chỉ một phép Rửa, chỉ một Thiên Chúa là Cha tất cả chúng ta” (Eph. 4, 5).
Cho nên hơn bao giờ hết, những từ: tình huynh đệ, hòa bình và hợp nhất đang vắng vẻ bên tai những người đồng thời chúng ta. Nhưng cũng hơn bao giờ hết vẫn có sự hiểu lầm, chiến tranh và chia rẽ.
Có lẽ thời đại của chúng ta rất lo lắng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng niềm hy vọng thực hiện tình huynh đệ cũng khó khăn và xa lạ hơn mọi thời khác. Chúng ta mong hòa bình mà chỉ thấy tái võ trang, mong hợp nhất mà chỉ thấy chia rẽ trước mắt chúng ta. “Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy” (Gal. 6, 7).
J.M
SUY NIỆM 5: MỘT NGƯỜI CHẾT, TOÀN DÂN ĐƯỢC NHỜ! (Ga 11,45-56)
Câu chuyện Đức Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài.
Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".
Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Đức Giêsu?
Lạy Chúa Giêsu, sự thật mà Chúa muốn chúng con sống, đòi hỏi chúng con phải có quyết tâm cao thượng mới có thể đi vào đường lối đó được. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con can đảm sống giá trị Tin Mừng dù có phải thiệt thòi. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News