Thứ Ba 30/03/2021 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô.

Thứ Ba 30/03/2021 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô.

"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".

 

Lời Chúa: Ga 13, 21-33. 36-38

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy".

Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?"

Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối.

Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".

Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Trời đã tối

Suy niệm:

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.

Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến

trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).

Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).

Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).

Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến

khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).

Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.

Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.

Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.

Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).

Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy,

nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.

Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.

Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.

Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.

Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.

Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy,

như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.

Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.

Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?

Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.

“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).

Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.

Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).

Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).

Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.

Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).

Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.

Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).

Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.

Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma,

anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”

Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.

Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

 

SUY NIỆM 2GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn. Để chu toàn công việc của Thiên Chúa, không những người tôi trung phải trở thành khí cụ sắc bén: “Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người”. Còn hơn thế nữa, người tôi trung phải chịu vất vả, đau khổ: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì”. Nhưng có Thiên Chúa trợ giúp. Người tôi trung sẽ đem mọi người về với Thiên Chúa: “Để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người”.

Nhờ trung tín vượt qua mọi gian lao thử thách để chu toàn nhiệm vụ, người tôi trung được Thiên Chúa tôn vinh: “Người phán: ‘Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta, để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất’”.

Chúa Giê-su chính là người tôi trung của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban quyền năng để Chúa trở nên dụng cụ sắc bén. Rao giảng như kẻ có quyền. Làm những điều kỳ diệu trong toàn thể đất nước. Đặc biệt là trừ quỉ và cho kẻ chết sống lại.

Nhưng Thiên Chúa cũng để cho Người trải qua những thử thách nặng nề. Để chứng tỏ tình hiếu thảo của người con. Và sự hi sinh vất vả của người tôi trung. Người bị chống đối. Bị mưu hại. Bị chính môn đệ thân tín chối bỏ. Và bị bán rẻ một cách đau đớn. “Thật, Thầy bảo thậ anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Và nói với Phê-rô: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”.

Nhưng chính trong đau khổ và qua cái chết, Người minh chứng một trung tín sâu xa. Và lòng hiếu thảo tuyệt đối vâng phục. Vì thế giờ chết là giờ cao điểm. Giờ Người được Thiên Chúa tôn vinh: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người”.

Xin cho chúng ta trở nên người tôi trung của Chúa. Không phản bội Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cùng chịu đau khổ với Chúa. Cùng chịu chết với Chúa. Để cùng được tôn vinh với Chúa.

 

SUY NIỆM 3: Bóng đêm tội lỗi.

Bóng đêm đồng lõa với tội ác: Bao nhiêu cuộc hội họp để toan tính những hành vi hắc ám thường được tổ chức về đêm: nương theo đêm tối, những tên hành nghề trộm cướp mới mạnh tay hành động; những cuộc vui chơi trác táng, những mối tình vụng trộm cũng thường xẩy ra vào đêm. Bóng đêm cũng đã chứng kiến một cuộc bán Thày phản bạn được Tin Mừng thuật lại: Khi ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ, tâm hồn Ngài xao xuyến… Giuđa nhận chiếc bánh từ tay Chúa Giêsu trao, ăn xong, y đứng dậy ra đi, bấy giờ là đêm tối.

Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin Mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa. Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa: trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là một cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói: “Ngươi tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của ngươi, Ta đã biết, làm sao một môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.

Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.

Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục Sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Sự vấp ngã của Giuđa và Phêrô

Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tư Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai đặc điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước cuộc Thương Khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các đồ đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa. Là một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh, Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời.

Nơi chương 17 sau đó, Chúa Giêsu nói rõ ra nội dung chính của việc tôn vinh này như sau: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh con Cha để con Cha tôn vinh Cha theo quyền năng Cha đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Ðấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm". Chúa Giêsu ý thức rõ ràng về chương trình Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa muốn thực hiện điều đó cách hoàn hảo, nhưng đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều sa vào. Giuđa sắp phản bội, Phêrô sắp chối bỏ Ngài, nên Chúa xao xuyến sâu xa.

Nhưng tội lỗi của con người không thể làm hư chương trình của Thiên Chúa. Cho đến tận cùng, Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi. Chúa hành xử với mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm, âm thầm với Giuđa và công khai với Phêrô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn, đón nhận Satan, từ bỏ ánh sáng, tự ý bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến mức tuyệt vọng, vì trong tâm hồn ông không còn chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại, bắt gặp cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa, đừng bao giờ thất vọng về những lỗi lầm đã phạm, nhưng biết học lấy bài học của sự sa ngã để tiến lên mãi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Khổ đau của Đức Giêsu

Đức Giêsu nói thế rồi, tâm thần Người xao xuyến. Người tuyên bố:

“Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. (Ga. 13, 21)

Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ, nhưng người ta tự hỏi, đau khổ lớn nhất có phải là đòn đánh, mạo gai, cơn hấp hối hay bị đóng đinh trên thập giá? vì còn nhiều thứ đau khổ khác nữa.

Thứ đau khổ con tim và linh hồn mới thực sự cực khổ hơn bất cứ đau khổ thể xác nào. Người ta đau khổ thể xác mà trái tim vẫn có thể hạnh phúc, như các thánh tử đạo, bị cực hình thân xác, nhưng tâm hồn vẫn hân hoan. Khi bị đau khổ tâm hồn và tâm tư, thì không còn cách nào được sung sướng.

Đức Giêsu đã bị một ông tông đồ bán: đó là Giu-đa. Người cũng bị tông đồ cả là Phê-rô chối bỏ. Người còn bị tất cả các môn đệ bỏ trốn. Đó không phải là những lúc đau khổ lớn nhất sao?

Đau khổ cực dữ nhất không phải là thứ đau khổ làm cho kêu la lớn nhất. Đau khổ thấm thía sâu sắc không phải là thứ đau khổ kêu gào trên mái nhà. Đau khổ lớn nhất cũng như niềm vui to nhất thường là câm lặng.

Đức Giêsu biết một bạn thân nộp Người. Người đã không vạch mặt chỉ tên. Trái lại, Người đã rất kín đáo bảo Giu-đa đi làm công việc như thường để không một môn đệ nào biết. Những đau khổ đó càng dằn vặt dữ tợn khi người ta muốn đối diện với chúng một mình.

Bị Giu-đa bán nộp, tiếp theo đó Đức Giêsu còn phải đối diện với sự phản bội của Phê-rô. Người biết rõ thế. Phê-rô lại chẳng biết gì, ông không thể tưởng tượng mình sa ngã xuống hố sâu đến thế. Đức Giêsu không phiền trách ông chút nào. Người sẵn sàng chịu đau khổ do những bạn nghĩa thiết của Người và tất cả mọi người, dù họ đầy những yếu đuối. Còn chúng ta có noi gương Người không?

Khi người ta chịu đau khổ vì những người thân yêu, thì chính là dấu người ta yêu chân thật.

J.Y.G

 

SUY NIỆM 6: HÌNH ẢNH TỘI LỖI QUA BÓNG ĐÊM (Ga 13,21-33. 36-38)

Khi mặt trời lặn, bóng đêm bao phủ không gian, thì cũng là dịp thuận tiện để cái ác lộ hiện hay những hành vi tội lỗi như trộm cướp, ăn chơi xuất hiện... Bóng đêm là “biểu tượng” của những âm mưu xấu xa. Bóng đêm còn “ám chỉ sự dữ”, bởi bóng đêm quay lưng lại với “ánh sáng” và bóng đêm “bóp chết tình yêu”.

Cuối Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan có nhắc đến thời điểm đêm tối và kẻ bán Thầy bắt đầu ra đi. Hành vi Giuđa rời bàn ăn, tiến vào đêm tối gợi cho chúng ta cảm tưởng tội lỗi đã đối đầu với Ánh Sáng và tràn ngập nhân gian.

Bóng đêm chia cắt tình Thầy – trò; bóng đêm cũng làm cho tình huynh đệ bị rạn nứt; bóng đêm còn làm cho cái ác ngự trị thay cho tình yêu. Sự ra đi của Giuđa vào lúc trời tối cho thấy rõ bản chất của sự việc.

Thứ ba Tuần Thánh, Giáo Hội cho đọc lại Bài Tin Mừng hôm nay nói về âm mưu phản bội của Giuđa khi trời đã tối, Giáo Hội nhắc cho chúng ta rằng:

Chúng ta thuộc về “Ánh Sáng” chứ không thuộc về “đêm”, vì thế, mỗi người hãy tránh xa “đêm tối”, vì đêm tối dẫn đến diệt vong.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được ơn trung thành với Chúa đến cùng. Đừng vì nông nổi, tham tiền, hám danh mà bán rẻ lương tâm cho ma quỷ qua những lựa chọn trái ngược với Tin Mừng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Chúa Giêsu tiên báo lỗi lầm môn đệ.

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một giáo sĩ trẻ được phân công giảng giải trong tù. Ngài cố gắng tìm những lời lẽ hoặc biện pháp mong hoán cải những kẻ cứng đầu.

Bước vào phòng, ngài rùng mình nhìn thấy những bộ mặt bướng bỉnh. Ngài cầu xin sự sáng suốt như khi ngài bước lên bục giảng. Ngài vấp chân và té nhào xuống khiến mọi người phải bật cười.

Linh mục cảm thấy đau và xấu hổ. Ngài nảy ra một ý nghĩ rồi nhảy mạnh liền hai bậc, cười với mọi người và nói: “Này các bạn, đó cũng là lý do tại sao hôm nay tôi đến đây: Tôi muốn cho các bạn thấy rằng một người có thể vươn lên sau những thất bại đáng xấu hổ”.

Suy niệm

Chúa Giêsu tiên báo trong nhóm các môn đệ sẽ có một người sẽ nộp Ngài, và Phêrô - Tông đồ trưởng, con người của sự nhiệt thành sẽ chối thầy. Lời tiên báo làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa nỗi khổ tâm tủi nhục của vị Thầy trước các đồ đệ mà Ngài yêu thương chăm sóc dạy dỗ. Hai hình ảnh đối nghịch càng làm nổi bật cảnh đau thương tê tái: Thầy thương trò đến độ coi trò như bạn, phục vụ trò như phục vụ chủ. Thầy đã thương và thương trò tới cùng. Trong khi đó, kẻ thì giả hình âm mưu phản bội bán Thầy, người thì sẽ chối thầy nhưng lại tỏ ra nhiệt thành đến cùng. Chẳng ai hiểu Thầy, chẳng ai giúp Thầy. Một tâm trạng âm thầm trong cô đơn như Thánh Vịnh đã tiên báo: “Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống giấm chua…” (Tv 68,21.22,31).

Nghe lời tiên báo có kẻ phản bội, bán Thầy, các môn đệ đã vội tìm xem ai là kẻ xấu xa đáng lên án đó. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻ có tội… Chính Phêrô nhanh nhảu muốn tìm cho ra kẻ tội đồ, nhưng cũng chính ông tuy không phải là kẻ bán Thầy lại là kẻ chối Thầy, bỏ trốn… như lời Chúa đã cảnh báo. Riêng Giuđa kẻ phản bội, dửng dưng phớt tỉnh như không biết dù Chúa đã cảnh tỉnh. Ông bước ra đi khiến cho anh em không chút nghi ngờ, tưởng ông đi làm nhiệm vụ gì đó do Chúa dặn dò, nhưng không ngờ rằng ông ra đi thực hiện toan tính bán nộp Thầy mình.

Xin cho chúng ta đừng phản bội nhau, nhưng hãy sống trung thành tín nghĩa với bạn bè chung quanh, với tình nghĩa gia đình, đồng đội… Tuần Thánh qua hình ảnh của Chúa Giêsu, Giuđa, Phêrô, chúng ta suy gẫm về sự phản bội và tín nghĩa trong đời.

Trước những sai phạm của người khác, thái độ khôn ngoan: khiêm tốn nhìn lại mình cảnh giác chính mình, kẻo lại rơi vào hố sâu tội lỗi. Cần đấm ngực mình trước khi đấm ngực người khác, đó là lời mời gọi của Mùa Chay Thánh.

Ý lực sống: “Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Thưa Thầy, ai vậy?” (Ga 13,21.25).

 

Suy Niệm 8: Báo trước sự phản bội.

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ lần sau hết, quen gọi là bữa Tiệc Ly. Bài Tin Mừng hôm nay kể  lại việc Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết: có một người sẽ phản bội, sẽ nộp Ngài. Ngay cả đến lúc đó, nghĩa là sau thời gian gần ba năm huấn luyện các môn đệ, Đức Giêsu còn gặp phải một Giuđa phản bội Ngài và một Phêrô tự phụ đến chối Ngài. Thật không gì đau buồn cho Đức gIêsu  hơn là khi nhìn thấy kẻ Ngài đã chọn lại phản bội Ngài. Ngài nhìn thấy Giuđa rời bàn tiệc để đi vào đêm tối, đi vào con đường từ chối tình yêu của Ngài. Ngài nhìn thấy và báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Ngài ba lần.

2. Chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu và đi vào tâm tư của Chúa trong giây phút quan trọng này, có hai điểm quan trọng được nêu bật ở đây: Ngài là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người như chúng ta; là con người, Đức giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa trước Cuộc Thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các môn đệ, của Giuđa phản bội và của Phêrô tự phụ chối Chúa.

Là một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xẩy ra cho mình và gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ tôn vinh. Thiên Chúa được tôn vinh, chính Chúa được tôn vinh và con người được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời. (Mỗi ngày một tin vui).

3. Còn ông Phêrô thì sao? Chúng ta thấy ông luôn là con người hăng say, rất tình cảm. Khi nghe Chúa báo trước về cái chết của Ngài, ông thề sẵn sàng chết với Ngài. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻ có tội... Chính Phêrô nhanh nhảu muốn tìm ra kẻ tội đồ, nhưng cũng chính ông tuy không phải là kẻ bán Thầy lại là kẻ chối Thầy, bỏ trốn... như lời Chúa đã cảnh báo. Nhưng có cái hay là khi ông được Chúa nhìn ông, tức thì ông đã nhìn ra cái tội chối Chúa của ông, và ông đã ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết.

4. Còn anh Giuđa? Đây là kẻ Đức Giêsu đã báo trước một cách rõ ràng: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”, rồi Ngài cầm một miếng bánh trao cho Giuđa”. Thánh Gioan cho tội của Giuđa là tội phản Thầy, tội rất nặng.

Mặc dầu Chúa đã dùng lời nói và việc làm để loan báo, cảnh giác và tỏ tình thương đối với Giuđa, nhưng vì tính ham mê tiền của đã che lấp lòng trí, ông đã phản bội Chúa. Ông coi mạng sống của kẻ khác, của Thầy mình không nặng bằng tiền! Với Giuđa, tiền trên hết, là tất cả! Bởi coi khinh mạng sống của người khác và coi trong đồng tiền, rốt cuộc đời-ông-rách-nát!

5. “Giuđa liền ra đi, lúc đó trời đã tối”: Trời đã tối, ở đây tượng trưng cho giờ của mãnh lực bóng tối hoành hành. Một hành vi xấu xa tội lỗi có thể làm u ám, hoen ố môi trường xã hội. Đó là những gương xấu, làm ảnh hưởng đến tha nhân và cộng đoàn.

Người đời thường nói: “Hoàng kim hắc thế tâm nhân” có nghĩa là đồng tiền làm đen tối lòng người. Mắt đã bị đồng tiền che mờ đi rồi thì không con nhìn ra công lý, không còn nhìn ra công tình thương. Nói rõ ra, Giuđa đã đánh mất lương tâm.

Người da đỏ giải thích lương tâm như sau: Đó là một khối ba góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả (Weapons and Workers).

6. Chúng ta thấy sự yếu đối là đặc tính của con người, của Giuđa, của Phêrô... nhưng cách hành xứ của mỗi người mỗi khác sau khi đã phạm tội. Giuđa đã tuyệt vọng đi thắt cổ chết. Còn ông Phêrô? Cái làm cho Chúa thương Phêrô không phải là sự hăng hái của ông nhưng có lẽ là sự thống hối của ông. Sau khi đã chối Thầy, Phêrô đã ăn năn khóc lóc về sự hèn yếu của mình, có thể nói đó cũng là một hình thức phản bội. Đối với chúng ta hôm nay cũng vậy, Chúa không bao giờ chấp tội lỗi yếu đuối của chúng ta, nhưng cái mà Chúa chờ đợi ở chúng ta là lòng ăn năn sám hối.

7. Truyện: Tội vô ơn của một đứa con.

Người con trai của một nhà truyền giáo bị bắt giữ, và bị qui cho tội phản động. Anh ta bị xét xử, kết án và cầm tù. Người cha già nua của anh, vốn nổi tiếng là người có học thức và là một Kitô hữu tốt lành, đã chạy đi khắp nơi tập hợp được hàng trăm chữ ký ký vào tờ đơn xin ân xá cho anh. Ông tìm đến tận Washington gặp Tổng thống Grant trình bầy tờ đơn đó và van xin tha thứ cho con trai ông, nhờ vào những công lao đóng góp của cha mẹ anh ta.

Được sự phê chuẩn của Tổng thống,  người cha già nua đó vội vã đón xe lửa đến nhà tù gặp con trai. Cầm trên tay tờ giấy được ân xá, ông nói với con trai:

- John ạ, cha có một tin vui mang đến cho con đây. Tổng thống Grant đã chấp thuận ơn xin ân xá của cha. Con có thể trở về nhà với cha ngay bây giờ, và kịp gặp được mẹ con trước khi mẹ con qua đời!

Nhưng con trai ông không đáp lại một lời. Người cha nói tiếp:

- Con có hiểu cha nói gì không, John? Đây là tờ giấy chứng nhận con đã được ân xá.

Anh con trai vô ơn đó trả lời:

- Thưa cha, con rất tiếc đã làm buồn lòng cha, nhưng con đã quyết định không đi theo hệ thống chính trị này, và con sẽ sống theo chọn lựa của con.

Trái tim của người cha già hầu như tan nát. Ông ngã nhoài xuống hàng lưới sắt, và được một người gác ngục dìu đi. 

 nguon:http://gplongxuyen.org/New