Thứ Ba 23/02/2021 – Thứ Ba tuần 1 Mùa Chay. – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Cầu nguyện.

Thứ Ba 23/02/2021 – Thứ Ba tuần 1 Mùa Chay. – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Cầu nguyện.

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

 

* Thánh Pôlicáp là môn đệ của thánh Gioan và là chứng nhân cuối cùng của thời các Tông Đồ.

Người đã chết trên giàn hoả thiêu, giữa hí trường Miếcna, trước mặt dân chúng. Đang lúc đó, người dâng lời tạ ơn Chúa “vì mình đã được xét là xứng đáng được kể vào số các chứng nhân (tử đạo) và được chia sẻ chén đắng của Chúa Kitô”. Hôm đó là ngày 23 tháng 02 năm 155, thánh nhân được tám mươi sáu tuổi.

 

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Biết rõ anh em cần gì

Suy niệm:

Mùa Chay là thời gian tăng cường việc cầu nguyện.

Nhưng vấn đề là cầu nguyện như thế nào theo đúng ý của Đức Giêsu.

Ngài đã cảnh báo về một thứ cầu nguyện có tính phô trương, tìm mình.

Ngài mời ta cầu nguyện một cách kín đáo (Mt 6, 6).

Cầu nguyện là gặp Cha, Đấng ở nơi kín ẩn và Đấng thấy ở nơi kín ẩn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng

cầu nguyện không phải là dùng những lời kinh như một thứ ma thuật,

để lèo lái hay cưỡng bách Thiên Chúa phải theo ý mình.

Cầu nguyện là mềm mại để uốn mình theo ý Chúa.

Sức mạnh của cầu nguyện không nằm ở chỗ lắm lời,

vì không phải cứ nói nhiều là được ưng nhậm (c. 7).

Cầu nguyện cũng không phải là thông tin cho Ngài biết về tình trạng của ta,

sợ rằng nếu ta không nói thì Ngài không biết (c. 8).

Thật ra, Thiên Chúa đã biết trước nhu cầu của từng người rồi.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bày tỏ để có tương quan với Thiên Chúa,

thổ lộ với Ngài cách đơn sơ hồn nhiên như con thơ nói với cha.

Qua kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện.

Ngài dạy họ gọi Thiên Chúa là Cha, Abba.

Họ được phép gọi như Ngài đã gọi và chia sẻ chức vị làm Con của Ngài.

Một lời cầu nguyện có tính tập thể: “Lạy Cha chúng con.”

Chính vì Cha là Cha của chúng con nên chúng con là anh chị em với nhau.

“Cha ở trên trời”, vì thế Cha lại thấy hết mọi người và ở bên từng người.

Cha thật siêu việt vì Cha ở trên trời cao thẳm;

nhưng Cha lại thật gần gũi,

vì Cha lo cho từng con chim sẻ, từng bông hoa ngoài đồng,

Cha cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống trên mặt đất.

Ba lời xin đầu tiên của kinh Lạy Cha hướng đến Thiên Chúa Cha.

Hẳn chúng diễn tả tâm tình chủ yếu của Đức Giêsu trong suốt đời.

Bốn lời xin tiếp theo hướng đến nhu cầu của nhóm môn đệ.

Xin bánh mỗi ngày, xin ơn tha thứ, ơn thắng được cám dỗ và sự dữ.

Có khi lời nguyện của chúng ta quá qui về mình, loay hoay với cái tôi,

với những ước mơ tính toán, những âu lo cho nhu cầu vật chất.

Hãy xin Chúa những điều lớn lao cho Nước Chúa trên trần gian,

còn mọi sự khác nho nhỏ, Ngài sẽ ban thêm cho ta.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,

xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha

trong vũ trụ vô cùng lớn,

trong những hạt tử vô cùng nhỏ,

và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.

Cha từ ái biết bao

khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.

Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,

mầu vàng mặt trời xế chiều.

Cha từ ái biết bao

khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.

Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,

tiếng gió rì rào qua kẽ lá.

Cha từ ái biết bao

khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.

Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,

hương thơm của nắng xuân dìu dịu.

Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha

khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,

sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,

sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,

và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.

Dưới lòng đất, trên núi cao,

giữa biển sâu, trong rừng vắng,

chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.

Xin cho chúng con

biết chung sống với thiên nhiên này

như một người bạn, một quà tặng Cha ban,

biết giữ gìn ngôi nhà trái đất

để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,

và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.

Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này

và muôn loài Cha đã dựng nên

được cùng với cả nhân loại chúng con

vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: LẠY CHA CHÚNG CON

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa như mưa với tuyết từ trời sa xuống làm đất đai phì nhiêu, đem no ấm cho mọi người. Chúa Giêsu là Ngôi Lời xuống trần gian dậy cho con người biết thánh ý Thiên Chúa để được hạnh phúc. Nên đã dậy ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Với kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta biết cầu nguyện là đến với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Cầu nguyện không phải là ăn xin nhưng là tình thân. Không phải đến cửa quan nhưng là về nhà mình. Là chìm vào đáy lòng, trong thân tình để gặp được Chúa là người Cha vô cùng quyền năng nhưng cũng vô cùng yêu thương nhân hậu.

Với kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy ta biết sống tâm tình hiếu thảo. Người con hiếu thảo lo việc chung của gia đình của cha mẹ. Trong việc chung của cha mẹ, có phần hạnh phúc của con cái. Chương trình của Chúa dành cho ta là tối ưu. Vì thế tiên vàn phải cầu nguyện cho chương trình của Chúa được thực hiện. Khi Nước Chúa ngự đến ta sẽ được thỏa mãn mọi khát vọng.

Với kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta biết sống tình bác ái huynh đệ. Chúa là Cha nên mọi người là anh em. Con người là bất toàn, là sai lỗi. Ta cần Chúa tha lỗi cho ta thì ta cũng phải sẵn sàng tha lỗi cho anh em. Điều này quan trọng để chứng tỏ đức tin. Vì Chúa vô hình ta không thấy được. Nhưng anh em thì ta phải gặp gỡ sống chung hằng ngày. Chính thái độ của ta đối với anh em nói lên đức tin vào Thiên Chúa là Cha.

Với kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện không phải là lời đầu môi chót lưỡi nhưng phải thực hành. Tâm tình con thảo phải được thể hiện trong việc chăm lo mở rộng Nước Chúa, Tâm tình huynh đệ phải được thể hiện trong đời sống chan hòa yêu thương. Và nhất là trong sự cảm thông tha thứ. Lời cầu nguyện chỉ chân thực khi có thực hành. Lời cầu nguyện chỉ tha thiết khi ta cố gắng hết sức để thực hiện những ước mơ đó trong hành động.

 

SUY NIỆM 3: Cầu nguyện

Có một nông dân xứ Ars mỗi ngày trước khi ra đồng cũng như khi đi làm về đều ghé vào nhà thờ giây lát. Trong xứ, nhiều người để ý và kính phục. Một hôm có người hỏi: “Ngày này ông ghé vào nhà thờ làm gì thế”. Người nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.

Câu trả lời của người nông dân trên đây diễn ta được cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là việc cầu nguyện.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng chia sẻ kinh nghiệm: “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là phải cầu nguyện.”

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của con tim, chứ không phải là của khối óc. Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.

Thật ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn ta. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Kinh Lạy Cha

Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.

Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.

Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.

Chúng ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Tha nợ

“Vậy anh em hãy cầu xin như thế này:

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời

xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày,

Xin tha tội cho chúng con

Như chúng con cũng tha

Cho những người có lỗi với chúng con”. (Mt. 6, 9-12)

Theo các nhà chuyên môn Kinh thánh, trong kinh Lạy Cha, câu “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” đúng hơn câu “xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.

Câu đó nói tới thân phận của con người là con nợ không thể trả được đối với Thiên Chúa. Đó là tình trạng của kẻ tội lỗi mà chỉ có hồng ân lạ lùng của Thiên Chúa ân xá cho ta được thôi, còn ta không bao giờ đền bù cho đủ.

Lời cầu nguyện này nhắc nhở chúng ta nhớ tới dụ ngôn tên đầy tớ dã tâm bất nhân. Nợ của chúng ta sẽ được tình yêu Thiên Chúa thương tha thứ nếu chúng ta biết yêu thương tha thứ cho kẻ có nợ chúng ta.

Thánh Gio-an nói: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối. Thực vậy, kẻ không yêu anh em mình trông thấy trước mắt thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy” (1Ga. 4, 20). Chúng ta có thể đánh giá khả năng của chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu chúng ta yêu người lân cận.

Tội chống lại tình yêu tha nhân có làm hại chúng ta gì không? Có thể chúng ta vẫn thành thật nói rằng chúng tôi yêu người lân cận cho dù họ là gì chăng nữa. Nhưng rất nhiều lần, chúng ta lãnh đạm với họ; chúng ta viện lẽ rằng không nên xen vào những việc của người khác. Có phải chúng ta một phần nào đã giống như Ca-in từ chối trách nhiệm đã giết em mình, đã giết người là anh em mình chăng?

Câu kết thúc bài Tin mừng hôm nay là: “Nếu anh em tha tội cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em …”. Chúng ta kêu xin tình thương, nhưng lại đánh nhau vì hòa bình. Chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu người ta. Người ta muốn được tha thứ, được thông cảm, nhưng chúng ta đã làm gì cho họ?

Tham dự Thánh lễ lúc này là để thông cảm hiểu biết nhau, để chúng ta chân thành nhìn nhận nhau là anh em, đồng bàn với nhau trong bàn tiệc tế lễ hy sinh, bàn tiệc tình yêu của Chúa và của chúng ta.

 

SUY NIỆM 6: CẦU NGUYỆN TRONG NIỀM TIN  (Mt 6, 7-15)

Có một linh mục là giáo sư tín lý và luân lý tại nhiều chủng viện và học viện Công Giáo, khi nói về kinh nghiệm của việc dạy Giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, ngài chia sẻ: “Tôi đã dạy Giáo lý cho rất nhiều bạn trẻ dự tòng, có những bạn chỉ với thời gian rất ngắn, là tôi có thể Rửa Tội cho họ được. Tuy nhiên, có những bạn thì năm này qua năm khác, tôi vẫn không Rửa Tội cho!”.

Khi chúng tôi thắc mắc thì được ngài giải thích rằng: “Rửa Tội được hay không, đối với ngài là họ có biết cầu nguyện trong đức tin không? Nếu họ cầu nguyện sốt sắng và tin tưởng, ấy là lúc chúng ta Rửa Tội cho họ được, vì họ đã gặp được Chúa thực sự. Nếu không biết cầu nguyện, thì chúng ta có dạy hết ngày này, tháng nọ hay năm kia thì họ vẫn chỉ là cái xác không hồn mà thôi!”.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.

Trước tiên, cầu nguyện ở những nơi kín đáo, tức là có kinh nghiệm cá nhân với Chúa trước khi chúng ta cầu nguyện nơi tập thể, cộng đoàn.

Thứ hai, cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.

Cuối cùng, cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em. Đây là lời cầu nguyện sống động và hấp dẫn nhất.

Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi...

Mong sao, lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay cũng là lời kinh của chúng ta. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với một người bạn: “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi, tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ: Nếu quả thật Thiên Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”.

Người bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại kinh Lạy Cha (...) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mạc khải qua kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái.

Suy niệm

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện: đừng lảm nhảm nhiều lời vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài đã hiểu rõ chúng ta đang cần gì. Ðiều quan trọng là chúng ta phải sống trong tương quan thân tình với Cha và với anh chị em như Ngài dạy lời cầu nguyện Abba - Lạy Cha.

So với kinh Lạy Cha của Luca ghi lại, kinh Lạy Cha của Matthêu chi tiết hơn: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Trong lúc đó, Luca ghi nhận vắn tắt hơn: “Lạy Cha, nguyện cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”. Và câu kết của kinh Lạy Cha theo Matthêu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” trong khi Luca trình bày ngắn hơn: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Lời kinh Lạy Cha, đầu tiên “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”: Nước Cha đến là nội dung chính của lời Đức Giêsu loan báo. Ngài loan báo Tin Mừng về triều đại Thiên Chúa, về quyền chúa tể của Thiên Chúa (x. Lc 4,43; 8,1; 10,9.11). Vì Cha là tình yêu, khi danh Cha tỏa sáng, là tình yêu Cha trải dài trên trái đất nơi những người con của Cha hiện hữu và ý Cha thể hiện được cả dưới đất cũng như trên trời: Tuân hành thánh ý là nhiệm vụ của Đức Kitô ở trần gian (x. Mt 26,39) là lương thực của Đức Giêsu (x. Ga 4,34).

Bốn lời nguyện tiếp theo, con người trình bày với Cha về các nhu cầu và những sự cần thiết của mình trên đường tiến về quê cha: được nuôi dưỡng, xin được tha thứ - chữa lành tội lỗi và được thắng cuộc chiến đấu với sự dữ bằng sự lành và ân sủng đến từ Thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế. Khi xin “cho chúng con” là chúng ta nói lên, trong tình hiệp thông huynh đệ của mình, lòng tin tưởng của con cái được phó thác nơi Cha trên trời.

Với tâm tình con thảo, “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (Giáo lý Công giáo, số 2800). Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát, như Chúa Giêsu khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).

Tất cả thức đẩy chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào Chúa là Cha hiển vinh như định luật tình thương mà Con Thiên Chúa đã mạc khải: “Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11).

Ý lực sống: “Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi” (Tv 89,2).

 

 Suy Niệm 8Kinh Lạy Cha

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Kitô hữu là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.

Khi mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa Tình yêu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy chính tâm tình phó thác của Ngài. Khi các Tông đồ xin Ngài dạy họ cầu nguyện, Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Đó là trọn tâm tình và cuộc sống vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa. Lời cầu xin duy nhất mà Chúa Giêsu không ngừng ngỏ với Thiên Chúa, đó là được xin vâng ý Thiên Chúa.

2. Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc âm thánh Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu xin đầu tiên nói về Thiên Chúa và 4 lời cầu xin sau hướng về loài người.

Phần 1, có 3 lời hướng về Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, sau đó xin cho danh thánh Cha được vinh hiển, nước Cha trị đến trần gian, nhất là tâm hồn con người và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.

Phần 2 có 4 lời nguyện: xin lương thực hằng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em. Xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hằng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta lìa xa Chúa. Xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.  

3. Một vấn nạn cho việc cầu nguyện.

Ngày nay, có một sự phục hồi sự cầu nguyện ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, phần lớn con người thời nay, nam cũng như nữ đều có khó khăn trong khi cầu nguyện. Vô số những lời phê phán của tâm thức hiện tại ảnh hưởng đến tất cả chúng ta một cách vô thức: cầu nguyện là đào nhiệm: đừng xin Chúa làm thay cho bạn, bạn hãy xắn tay áo mình lên... cầu nguyện là một hành động ma thuật của những người sơ khai không hiểu biết chính xác những qui luật  chính xác của tự nhiên... cầu nguyện là một sự tha hóa; bạn hãy đảm nhận tầm vóc của con người không Chúa, không Thầy... bạn hãy gạt bỏ những điều mê tín tối tăm (Noel Quesson). Chúng ta nghĩ thế nào?

Vào tháng 05 năm 1998, tại Houston, Texas, một cuộc hội thảo lớn về Y học và Đức tin với sự tham dự của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nha sĩ. Những báo cáo cho thấy là những người có Đức tin và được cầu nguyện cho thì mau lành bệnh gấp 12 lần những người không có Đức tin sau khi được giải phẫu tim. Một cuộc khảo cứu kéo dài 28 năm trên một số người lớn tuổi cho thấy là những người chăm đi lễ nhà thờ để cầu nguyện thì  ít bệnh tật từ 25% đến 35% so với những người không có tôn giáo. Những người đi lễ nhà thờ thường xuyên có một hệ thông miễn dịch, dễ đề kháng bệnh tật mạnh hơn mức bình thường (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời,  năm C, tr 261).

4. Bày tỏ cho chúng ta Thiên Chúa  Tình yêu và mời gọi chúng ta sống phó thác, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta  nhìn mọi người  bằng cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa. Kinh Lạy Cha không chỉ là tâm tình phó thác của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhưng còn là niềm tin yêu mà chúng ta dành cho anh em.

Chúng ta không đọc “Lạy Cha của con”, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa Là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Kinh Lạy Cha không chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.

5. Truyện: Lạy Cha chúng con.

Có một Giám mục kia trên đường đi kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà già, người ta nói bà là tấm gương cho cả làng soi chiếu. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi: “Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất”? Bà trả lời: “Thưa Đức cha, con không biết đọc, con mù chữ”. Nghe nói thế vị Giám mục lại hỏi: “Bà thường hay cầu nguyện, bà thường hay đọc kinh gì”? Bà trả lời: “Thưa Đức cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Sáng danh, mỗi ngày con đọc đến 10 lần, nhưng không bao giờ con đọc xong”. Vị Giám mục lại hỏi: “Tại sao thế”?

Bà nói tiếp: “Tại vì khi con bắt đầu đọc “Lạy Cha chúng con”, con không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha, điều đó làm con xúc động và con không thể nào đọc tiếp nữa”. Nghe bà cụ nói thế, Giám mục khuyến khích: “Này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả lời cầu nguyện của chúng tôi, bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo cách đó”.

 nguon:http://gplongxuyen.org/News