"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Lời Chúa: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia".
Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?"
Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Ai là mẹ tôi?
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: MẸ VÀ ANH EM CỦA CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Tình yêu thương của Chúa thật lạ lùng cao sâu khôn lường. Vì yêu thương Chúa tuyển chọn dân Israel. Một nhóm người bé nhỏ, một đoàn người nô lệ, một đám đông ô hợp, nhưng dưới sự dẫn đưa của Chúa, đã trở thành một dân tộc hùng mạnh chiến thắng Pha-ra-ô.
Tình yêu thương dịu dàng qua việc chăm sóc họ. Ít-ra-en là dân riêng, là đoàn chiên được Chúa dẫn đưa. Tình yêu thương mãnh liệt qua việc tha thứ những phản bội bất trung. Mỗi khi gặp khốn khổ, họ ăn năn sám hối kêu cầu: “Lạy Chúa,... Xin đừng giữ mãi cơn giận. Xin lại thương xót chúng con”, thì Chúa lại tha thứ và ban ơn nâng đỡ.
Hôm nay, với lời: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi”, Chúa muốn nối lại tình yêu thương với một Dân Mới trong một liên hệ mới.
Đó là mối liên hệ cao hơn và sâu hơn. Không còn là tuyển chọn một dân, hôm nay Chúa nâng liên hệ lên một tầm cao mới: Cho ta được trở thành gia đình của Chúa, trở thành mẹ và anh em của Chúa. Như Đức Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa, đã cưu mang Lời Chúa trước khi cưu mang Ngôi Lời, nhờ vâng lời Chúa mà trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì tất cả chúng ta, nếu biết lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa, cũng sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã vâng lời Đức Chúa Cha nên được Đức Chúa Cha khen tặng là Con Yêu Dấu, bất cứ ai vâng lời Đức Chúa Cha cũng được trở nên Con Yêu Dấu của Đức Chúa Cha, trở thành anh em chị em của Chúa Giêsu.
Đó là mối liên hệ rộng lớn hơn. Cuộc tuyển chọn không còn giới hạn vào dân Israel nữa, nhưng mở rộng trên khắp toàn cầu. Không còn là một dòng dõi theo chủng tộc, huyết thống, nhưng là một dòng dõi thiêng liêng. Bất cứ ai trên thế giới này thi hành thánh ý Thiên Chúa đều thuộc về gia đình Thiên Chúa. Vì thế Dân Mới, gia đình Thiên Chúa sẽ mở rộng trên toàn thế giới, qui tụ đủ mọi người thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ khác nhau.
Thật lạ lùng tình thương của Thiên Chúa. Thật cao sâu ý định cứu độ của Thiên Chúa. Xin cho con biết thi hành thánh ý Chúa để được trở thành gia đình của Chúa và được góp phần vào công cuộc cứu độ tốt đẹp này.
SUY NIỆM 3: Thực Hành Lời Chúa
Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỷ. Ma quỷ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỷ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỷ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phúc (Mt 12,46-52)
Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trên đây, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người đương thời và cho mỗi người chúng ta về mối tương quan mới giữa Chúa và những kẻ thuộc về Người. Dân chúng đến nghe Chúa giảng dạy, có lẽ biết rõ và quan trọng hóa gia đình theo huyết thống của Người. Tuy nhiên, Chúa muốn mở rộng cái nhìn của Người để lắng nghe Chúa, mạc khải cho họ mối tương quan mới quan trọng hơn giữa Chúa và những ai thuộc về cộng đoàn mới mà Người đang thiết lập. Ðó là mối tương quan dựa trên việc thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Ðó là đại gia đình mới của Chúa Giêsu, được mở rộng cho tất cả mọi người, mỗi thành viên trong gia đình mới này liên kết với nhau, không phải bằng mối dây thân tình ruột thịt, nhưng bằng một mối dây thần thiêng, liên kết vững bền và trường tồn, phát sinh từ việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời.
Khi trả lời cho đám đông muốn Chúa dành ưu tiên cho mẹ và anh em đang đến tìm Chúa, cho gia đình tự nhiên của Chúa, một gia đình nhỏ, được xây trên tình thân ruột thịt, Chúa Giêsu không chối bỏ mối quan hệ giữa Chúa và Mẹ Maria cũng như những anh chị em thân thuộc, nhưng Người mạc khải cho thấy mối tương quan quan trọng hơn, trọn vẹn hơn, và trong tương lai sẽ được mở rộng ra cho tất cả những ai chấp nhận thực hành thánh ý Thiên Chúa. Phẩm vị của Mẹ Maria không chỉ hệ tại nơi mối liên hệ ruột thịt với Chúa Giêsu, nhưng còn, và nhất là dựa trên mối dây thiêng liêng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Hơn ai hết, Mẹ Maria đã chấp nhận thực hiện thánh ý Thiên Chúa ngay từ đầu với lời thưa "Xin Vâng" trong biến cố truyền tin. Mẹ là người đã luôn thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa, Mẹ đã phó thác cả cuộc đời Mẹ trong hai tiếng "Xin Vâng", và đã để Thiên Chúa dùng Mẹ như khí cụ mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, Mẹ đã được gọi là "Người Ðầy Ơn Phước". Ðầy Ơn Phước đã trở thành tên của Mẹ. Thiên thần đã gọi Mẹ là "Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phước".
Có thể nói, Chúa Giêsu đã xác nhận trước mặt mọi người phẩm vị cao cả của Mẹ Maria khi Người trả lời cho đám đông: "Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành thánh ý của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Và một cách gián tiếp, chúng ta có thể nói thêm rằng chính giây phút đó, Chúa Giêsu như muốn đề ra mẫu gương của Mẹ Maria cho tất cả những ai muốn bước vào sống trong đại gia đình mới của Người, đó là hãy sống vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha như Mẹ Chúa đã nêu gương.
Lạy Mẹ Maria,
Mẹ là Mẹ Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng con. Mẹ đã thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa. Xin thương dạy chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống và khiêm nhu thực thi trong mọi hoàn cảnh, để chúng con và tất cả những người chúng con gặp gỡ cũng cảm nếm được niềm vui của đại gia đình Chúa hôm nay và cho đến muôn đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Hiệp Nhất Nên Một Nhờ Cùng Thưa Vâng Với Chúa
Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt. 12, 48-50)
Để đánh tan mọi hiều lầm, Chúa chúng ta đã không cần bảo cho người ta biết Người là con trai duy nhất của thân mẫu Người. Về vấn đề này, ở Ca-phát-na-um cũng như ở Nagiarét, người ta đã nhất mực cho rằng: Mọi người đều coi Đức Giêsu là “Con bà Ma-ri-a”
Cha chúng ta …
Thiết tưởng là điều thiển cận khi cho rằng Chúa Giêsu coi nhẹ những mối dây liên hệ gia đình tự nhiên. Trái lại, Chúa Giêsu không lãnh đạm với thân mẫu Người, và luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ; Người cũng dạy phải luôn luôn tôn trọng những mối tương quan liên hệ giữa các thành viên của cùng một gia đình.
Nhưng trong đại gia đình của Chúa Cha mà Người là Con Một, và chúng ta tất cả đều là nghĩa tử, thì không còn sự phân biệt kỳ thị nữa. Cả điều này chính Chúa cũng giảng dạy nhiều lần.
Luật yêu thương và tôn trọng anh em trong một gia đình tiềm ẩn trong (tư tưởng) thần học trên đây về tình yêu đại đồng, bởi lẽ mọi người bốn bể đều là anh em con một cha: “Tứ hải giai huynh đệ” Bởi vậy chúng ta có hai lý do để tôn kính và yêu mến cha mẹ ta: Các Ngài có quyền được ta tôn kính và yêu mến vì là cha mẹ; Các Ngài cũng có quyền được ta mến yêu và trọng kính vì là thành viên của đại gia đình Thiên Chúa. Đối với người cận thân cũng thế! Người cận thân cũng có thể được gọi là anh em ta một cách chính đáng, vì người ấy thực sự nằm trong ý định của Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời thánh Phao-lô nhắc nhở ta là con cái Thiên Chúa, là anh em với Chúa Giêsu Kitô, là người cùng thừa hưởng Nước Trời.
Ý Cha.
Mối dây liên kết ta với Chúa Giêsu Kitô không phải là mối liên hệ tự nhiên theo huyết tộc; liên hệ tự nhiên này dù rất cao quý vẫn không phải là liên hệ tạo lên tình huynh đệ giữa ta, mà chính là sự vâng phục ý Cha trên trời. Trong cuộc sống của tôi, khi tôi từ chối ý Chúa hoặc uốn nắn ý Người theo sở ước của tôi, tôi không thuộc về gia đình của Người. Tôi không được quyền gọi người thân cận tôi là anh em của tôi, nếu tôi không sống và thực thi ý Chúa.
Khi đưa ra điều kiện trên đây để được làm anh em, chị em Người, mẹ Người. Chúa Giêsu quả thực biết rõ và muốn mời gọi ta tham dự vào sự sống vô cùng quý giá, vô cùng phấn khởi: Sự sống Thiên Chúa vậy.
J.M
SUY NIỆM 6: MẸ VÀ ANH EM CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 12, 46-50)
Xem lại thứ Ba tuần 3 TN
Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ... Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Đức Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải chăng có phũ phàng quá không???
Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai trò Đức Maria là thân mẫu của mình, cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh em trong dòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News