Thứ ba 21/05/2018 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh. – Hiệp nhất và bình an.

Hiệp nhất và bình an.

21/05 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

"Thầy ban bình an của Thầy cho các con".

 

Lời Chúa: Ga 14, 27-31a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.

Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con.

Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy".

 

SUY NIỆM 1: Hiệp nhất và bình an

Các môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng". Và chúng ta cũng phải hiểu được điều đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn quan của thánh Gioan.

Thế gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt. Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.

Lạy Cha chí thánh, là con người ai cũng khao khát bình an và có rất nhiều người thấy hãnh diện vì sự an toàn nhất thời họ có được ở trần gian này, khi họ dựa cậy vào quyền lực hoặc là do một con người hay của một nhóm người, thực tế cho thấy bình an ấy quá mong manh. Các con cảm tạ Cha vì sự bình an ban cho chúng con qua Chúa Giêsu và với tác động của Chúa Thánh Thần. Sự bình an của Ðấng bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ mặc, bị coi là điên khùng và bị treo lên giữa những tử tội trộm cướp, ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chúng ta thật hạnh phúc vì có được sự bình an ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thầy để lại bình an

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Các bạn hãy suy nghĩ xem những lời chúc đó có ý nghĩa gì? Có phải như những lời chúc đầu năm mới, chúc Giáng sinh, chúc Phục sinh hay những ngày lễ kỷ niệm? Đó là kiểu chào, không còn gì hơn nữa sao? Nếu như thế, chúng ta chưa hiểu rõ những lời của Chúa. Ơn bình an của Chúa không phải như món quà gói gọn im lìm. Ơn bình an là sức mạnh hoạt động mạnh mẽ, nghĩa là: Thầy ban cho anh em sức mạnh bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em sức hoạt động bình an của Thầy. Anh em sẽ làm chứng và sống thực hiện sự hòa giải, hòa hợp để đem lại bình an. “Phúc cho ai hoạt động cho bình an”.

Nhưng người ta có thể trách Chúa rằng: Ngài trao trách nhiệm hòa bình cho chúng tôi, Ngài bắt chúng tôi thừa kế và ban phát hòa bình, còn Ngài lại ra đi, Ngài để lại cho chúng tôi lời cam kết ban hòa bình. “Thầy sẽ ra đi”.

Sự ra đi của Đức Giêsu, sự xa cách của Người là để thực hiện một sự hiện diện thiêng liêng có mặt ở khắp mọi nơi, cho hết mọi người. Ơn bình an của Người là một cách Đức Giêsu tiếp tục với chúng ta thực hiện công cuộc cứu độ của Người.

Ngài ở với chúng ta bằng cách hiện diện thiêng liêng này, còn có ý tôn trọng tự do của chúng ta. Người hành động nơi chúng ta như cha mẹ đối với con cái, từ từ trao trách nhiệm và tự do cho con cái. Chúng xa cha mẹ mà vẫn được cha mẹ nâng đỡ, chở che và yêu mến.

Mỗi buổi họp các tín hữu, mỗi lúc dự Thánh lễ, Đức Giêsu đều ban bình an cho chúng ta. Người không áp đặt chúng ta nhận bình an, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Người ở trần gian tùy thuộc vào sự nhiệt tâm hăng hái của chúng ta, ra công xây đắp hòa bình. Sự biểu dương của hoàng tử hòa bình được chiếu sáng qua những cuộc hòa giải tốt của chúng ta, và qua những tấm lòng khoan dung tha thứ mau lẹ của chúng ta.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Hòa bình của Đức Kitô

“Bất thần tôi cảm thấy xao xuyến lo âu khi nghĩ đến những người Công giáo Đức. Tôi không biết họ cảm nghĩ thế nào, khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Tôi cảm thấy nhu cầu cần phải dâng việc rước lễ để cầu nguyện cho nước Đức. Tôi hiểu rằng chúng ta cần phải cầu nguyện cho sự canh tân luân lý và tinh thần của xứ sở đã từng sống dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã”.

Những dòng tâm sự trên đây được trích từ Nhật ký thiêng liêng của một người đàn bà Pháp được xem là người đã khởi xướng phong trào Pax christi – Hòa bình của Chúa Kitô. Sinh trưởng trong một gia đình trưởng giả, nhưng bà Marc đã có một đức tin sốn động và nhiệt thành. Trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp, dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng, bà đã bắt đầu viết nhật ký thiêng liêng và chính những trang nhật ký này đã làm phát sinh một phong trào về sau được gọi là “Hòa bình của Chúa Kitô”. Cuối năm 1944, vào giữa lúc thế chiến thứ hai còn sôi động, bà xác tín rằng cần phải cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Đức. Ý tưởng này không được nhiều người đón nhận, bởi vì chiến tranh vẫn còn sôi sục và người ta khó chấp nhận tinh thần hòa giải. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì trong việc thành lập một phong trào cầu nguyện cho nước Đức được ơn trở lại. Sau khi nước Đức đầu hàng, phong trào đã lan rộng tại nhiều nước Âu châu. Ngoài mục đích cầu nguyện và gây ý thức về hòa bình, phong trào còn đưa ra những sáng kiến về hòa bình. Từ 50 năm qua, đóng góp lớn lao nhất của phong trào này không chỉ là cổ võ cho hòa bình thế giới, mà thiết yếu là làm cho thế giới hiểu được hòa bình mà Chúa Kitô mang lại cho con người.

“Hòa bình của Chúa Kitô”. Quả thực chỉ có Chua Kitô mới đem lại hòa bình đích thực cho con người. “Ta để lại bình an cho các con, Ta ban bình an của Ta cho các con”. Sự bình an mà Chua Kitô đem lại cho con người không giống như bình an hay hòa bình mà thế gian hứa hẹn. Sau thế chiến thứ II quả thực ở quy mô thế giới tiếng súng đã hầu như im bặt. Tuy nhiên lịch sử cho thấy: sau thế chiến thứ II, nhân loại vẫn chưa có hòa bình đích thực, lò thuốc súng vẫn còn đó, chiến tranh bằng những súng đạn không diễn ra giữa hai khối kình chống nhau nhưng lửa hận thù lại bùng nổ ở những nơi khác.

Hòa bình mà Chúa Kitô đem lại cho con người trước tiên và thiết yếu là bình an trong tâm hồn. Hòa bình đó, bình an đó chỉ có khi con người chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là tính tham lam, ích kỷ, hận thù. Bom đạn có im tiếng, nhưng bao lâu lòng tham lam, ích kỷ, hận thù vẫn còn sôi sục trong tâm hồn con người, thì bấy lâu chiến tranh vẫn còn đó.

Chúa Giêsu là nguyên ủy của hòa bình. Ngài đã thực sự chiến thắng được kẻ thù căn cội và khủng khiếp ấy bằng cả cuộc sống hiến thân và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chỉ Ngài mới có thể đem lại hòa bình đích thực cho nhân loại. Người kitô hữu tin như thế và họ đón nhận sức sống thần linh của Ngài để nhờ đó cũng chiến thắng được kẻ thù căn cội của hòa bình là ích kỷ, tham lam, hận thù.

Hòa bình của Chúa Kitô, đó là hồng ân cao cả mà chúng ta phải không ngừng cầu xin và đó là hòa bình mà chúng ta luôn được mời gọi thể hiện bằng cuộc sống quảng đại, yêu thương và tha thứ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: BÌNH AN LÀ ÂN BAN CỦA ĐỨC TIN (Ga14, 27-31a)

Bình an là thứ mà con người mọi thời, mọi nơi, từ già đến trẻ, từ người có quyền lẫn người bình dân, ai ai cũng mong muốn và khao khát chiếm hữu cho kỳ được.

Tuy nhiên, bình an mà con người tìm kiếm ở đây, chính là thứ bình an trong trạng thái: không chiến tranh; không bị áp bức, bóc lột; không ốm đau bệnh tật; không tai nạn rủi ro...

Nhưng điều con người ước mong đó chỉ là thứ bình an bề ngoài, nó không có chiều sâu và không chi phối hạnh phúc vĩnh cửu. Nó cũng không thể thiết thực và tồn tại với thời gian. Bởi vì, sự bất ổn trong xã hội cũng như tâm lý bất an của con người luôn hiện diện và đeo bám chúng ta cách song song.

Vì thế, chiến tranh vẫn còn đó từ thời Đức Giêsu cho tới ngày nay. Con người vẫn phải chịu cảnh đau khổ, tai ương, đối xử bất công... Nhân loại cũng luôn phải đối diện với những căn bệnh thế kỷ mới của thời đại, gây nên sự chết chóc, tang thương...

Như vậy, nếu chỉ mong được bình an hòng tránh khỏi những điều bất trắc trên thì nó không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ:

Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ: bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, bách hại, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công... Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.

Sự điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tình trạng bình an của Chúa ngay trong những trái ngang của cuộc đời và xã hội. Tức là, cho dù cuộc sống có bất công, con người có tàn nhẫn, đâu khổ có dồn dập, kẻ thù có lộng hành, sự ác có chiến thắng, thì với chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta hãy nhìn tất cả chiều kích đó dưới con mắt đức tin và tâm niệm rằng: tất cả đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa, và với ân sủng của Chúa, thì Ngài có thể biến từ sự dữ trở nên sự lành.

Có được tâm tình đó, chắc chắn chúng ta có được sự an bình thư thái, và bình an của Chúa sẽ ngự trị nơi tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, ơn ban bình an của Chúa là quà tặng vô giá Chúa ban cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn được ở trong sự bình an đó hôm nay và mãi mãi. Amen.

Ngọc Biển SSP

Nguon: http://gplongxuyen.org