Thứ Ba 18/05/2021 – Thứ Ba tuần 7 Phục Sinh. – Ngưỡng cửa vào sự sống.

Thứ Ba 18/05/2021 – Thứ Ba tuần 7 Phục Sinh. – Ngưỡng cửa vào sự sống.

 “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.

 

Lời Chúa: Ga 17, 1-11a

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

“Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

“Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Con cầu nguyện cho họ

Suy niệm:

Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi bị bắt,

Đức Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu.

Còn trong Tin Mừng Gioan, Ngài đã cầu nguyện trước khi đến đó.

Hôm nay Giáo hội bắt đầu cho ta nghe lời nguyện long trọng này

mà Ngài dâng lên Chúa Cha, trước mặt các môn đệ trong bữa Tiệc ly.

Đức Giêsu không một chút xao xuyến trước cái chết gần kề.

Cả các môn đệ cũng như được nâng lên một tầm cao mới.

Đức Giêsu vẫn bắt đầu lời nguyện bằng tiếng Abba quen thuộc.

Ngài như muốn tóm kết công việc Cha giao phó,

đó là việc tôn vinh Cha qua cuộc sống trên trần gian này (c. 4).

Bây giờ đã đến giờ Ngài về với Cha, nên Ngài nài xin:

“Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1).

Cái chết tự hạ trên thập giá là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Con,

là cử chỉ cao nhất của Con nhằm tôn vinh Cha.

Nhưng tất cả không ngừng lại với thập giá,

vì Cha sẽ tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển.

Đức Giêsu được trao quyền năng trên mọi người (c. 2).

Ngài có thể ban sự sống đời đời

cho những ai nhận biết Cha và Con là người được Cha sai (c. 3).

Lời nguyện của Đức Giêsu đặc biệt hướng về các môn đệ

mà Ngài coi là quà tặng quý giá của Cha cho đời mình.

Nhiều lần Ngài nhấn mạnh họ là quà tặng (cc. 2. 6. 7. 9).

Đức Giêsu đã từng coi các môn đệ là những kẻ thuộc về Ngài (Ga 13, 1).

Nhưng Ngài lại không phủ nhận việc họ là người thuộc về Cha (cc. 6. 9).

Môn đệ thật là của chung giữa Cha và Con (c. 10).

Họ là những người được Cha chọn từ thế gian (c.6).

tuy họ vẫn ở trong thế gian (c.11).

Trong giây phút sắp đến cùng Cha, sắp được hưởng vinh quang bên Cha,

Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện cho họ (c. 9),

những người còn phải chịu nhiều gian nan thử thách ở đời.

Khi còn sống với họ, Ngài đã cho họ biết Danh Cha (c. 6),

Ngài còn ban cho họ lời mà Ngài đã nhận từ Cha.

Khi đón nhận những lời ấy, họ biết Ngài từ Cha mà đến

và tin Ngài là người Cha sai (c. 8).

Hãy đi vào tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu đối với các môn đệ.

Hãy nghe lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn tiếp tục lời cầu nguyện tha thiết ấy.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: TÌNH YÊU VÀ TRẬT TỰ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Càng đến giờ phút giã từ trần gian, tình yêu của Chúa Giê-su càng dâng cao. Tình yêu của Người luôn qui hướng về Chúa Cha. Nhưng tình yêu đó cũng có vương vấn các tông đồ. Tình yêu Chúa Giê-su biểu lộ trong cuộc trao dâng trọn vẹn. Tặng phẩm quí nhất của tình yêu là chính bản thân Người. Người dâng hiến cho Chúa Cha cả linh hồn cả thân xác của Người. Người dâng lên Chúa Cha cả những môn đệ Người yêu quí. Nhưng tình yêu đó lớn lao không chỉ vì những cảm xúc, những quà tặng, mà còn vì được thể hiện trong trật tự.

Chúa Giê-su hiểu rằng Chúa Cha là nguồn cội của bản thân mình và của mọi loài. Mọi sự đều bởi Chúa Cha ban cho. Nên mọi sự phải qui về Chúa Cha. Chính vì thế phải chu toàn thánh ý Chúa Cha. Thân xác Chúa Giê-su là do Chúa Cha ban cho. Nên Người dâng lại cho Chúa Cha trong cái chết vâng phục trên thánh giá. Các môn đệ cũng là do Chúa Cha ban cho. Nên Người xin Chúa Cha gìn giữ để các môn đệ luôn tuân giữ lời Người mà qui hướng về Chúa Cha.

Khi con người hoàn toàn qui phục Chúa Cha thì Chúa Cha được tôn vinh. Và chính con người cũng được tôn vinh vì hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc tôn vinh đó tình yêu càng dâng cao. Con người càng được hạnh phúc.

Chúa Giê-su mong ước được tôn vinh nơi chúng ta. Cũng như Chúa Cha được tôn vinh nơi Người. Vì thế Người đã cầu nguyện để xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi thế gian, nhưng luôn chu toàn ý Chúa cha.

Thánh Phao-lô đã hiểu được điều đó, nên luôn bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa trong trật tự. Yêu mến hết tình nên thánh nhân dâng hiến trọn đời sống để Thiên Chúa sử dụng: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tồi về Giê-ru-sa-lem mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi”. Yêu mến trong trật tự nên thánh nhân không kể mạng sống mình là gì, chỉ mong chu toàn thánh ý Thiên Chúa: “Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su”.

 

SUY NIỆM 3: Ngưỡng cửa vào sự sống

Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, giờ của Chúa chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là thập giá. Ðối với Ngài, thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua thập giá, Chúa Giêsu làm vinh hiển Chúa Cha cũng như là vinh hiển Ngài.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa; và hướng về thập giá con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban Người Con Một cho thế gian.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu vì thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc bởi vì đã có sự phục sinh kèm theo, cái chết đó chỉ là tỏ lộ cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời.

Ngưỡng cửa Chúa Giêsu bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa Giêsu, người Kitô không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Ðường Ngài đi chỉ có một cửa dẫn vào.

Ước gì chúng ta luôn biết đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết để làm vinh hiển Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Vinh quang Thiên Chúa.

Lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu xoay quanh đề tài “vinh quang” “sự sống đời đời”, đồng thời loan báo cho con người thấy sự kết hợp với Đức Kitô. Sau cùng chúng ta được thấu đạt tới nguồn phong phú dồi dào. Chúng ta thử tìm hiểu những khía cạnh của vinh quang Thiên Chúa. Cũng là vinh quang của chúng ta sau này.

Theo tự điển Kinh thánh, vinh quang của ai không đặt ở tiếng tăm, nhưng ở sự phong phú của bản chất con người. Từ ngữ vinh quang cho ta thấy những ý tưởng hàm chứa những chất nặng ký đầy tràn. Người vinh quang là người bản chất tốt đáng giá, đáng mến, đáng khâm phục. Vinh quang không phải là thứ phụ thuộc bên ngoài bản chất con người, nhưng ở sinh lực nội tâm vững chắc.

Khi Đức Giêsu cầu xin Chúa Cha: “Xin Cha tôn vinh Con để Con tôn vinh Cha” có thể nói: “Xin Cha ban cho Con một bản chất trọn vẹn vững chắc để Con cho Cha trọn vẹn giá trị vững chắc toàn hảo”.

Vinh quang, theo từ ngữ Kinh thánh, còn là sự bày tỏ bản chất hữu thể. Vinh quang Gia-vê chính là Thiên Chúa bày tỏ uy lực huy hoàng, thánh thiện và sức mạnh linh diệu của Ngài. Vinh quang là sự biểu dương của Thiên Chúa phong phú về hữu thể hiện hữu dồi dào.

Trong ý nghĩa này, cuộc thương khó của Đức Giêsu là giờ phút bày tỏ cao nhất về vinh quang Thiên Chúa, Thiên Chúa bày tỏ thiện chí cứu độ của Ngài, bày tỏ bản chất tốt lành của hữu thể mình, bày tỏ ước muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình với con người. Đức Giêsu đã nói: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất. Con đã tỏ bản tính của Cha khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho Con làm để cứu độ”.

Chiều kích thứ ba của vinh quang Thiên Chúa hệ tại ở sự liên kết của chúng ta vào vinh quang này: “Và Con được tôn vinh nơi họ”. Vinh quang của Đức Kitô sẽ hoàn tất trong vinh quang của Kitô hữu. Tùy theo chúng ta tham dự vào sự sống đời đời, vào sự sống của Thiên Chúa, chúng ta mới hoàn tất được sứ mệnh của Chúa Con, lúc đó Người mới được vinh quang và chúng ta được vinh quang với Người, nhờ Người và trong Người.

CG.

 

SUY NIỆM 5: Giờ đã đến.

Trong ngôn ngữ của thánh Gioan, giờ của Chúa Giêsu chính là lúc Ngài thể hiện việc cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu có tột đỉnh là Thập giá. Đối với Ngài, Thập giá là đường dẫn đến vinh quang. Qua Thập giá, Chúa Giêsu là vinh hiển Chúa Cha cũng như Chúa Cha làm vinh hiển Ngài.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi Thập giá. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha uỷ thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và hướng về Thập giá, con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban người Con Một cho thế gian.

Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự Phục sinh liền theo; cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và chết trên Thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời.

Ngưỡng cửa Chúa Giêsu bước qua đó vẫn được mở ngỏ chờ đợi những kẻ theo Ngài tiến vào. Theo Chúa Giêsu, người Kitô hữu không thể đứng ngoài con đường của Ngài. Đường Ngài đi chỉ có một, cửa dẫn vào cũng chẳng có hai. Ước gì chúng ta luôn biết can đảm đón nhận mọi đau khổ hy sinh, kể cả cái chết, để làm vinh hiển Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài muôn đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: “GIỜ” ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH (Ga 17, 1-11a)

Sự sống ai cũng quý và đều mong sao cho sự sống của mình được kéo dài bao nhiêu có thể. Từ đó, ta có thể kết luận rằng, cái chết thì không ai thích! Chính vì thế, mà nhiều người khi đứng trước cái chết đã tỏ ra rất sợ hãi.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu nói đến  “Giờ” của Ngài đã chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó.

“Giờ” mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là “Giờ”  của cuộc tử nạn. Nhưng cũng là “Giờ”  của chiến thắng, “Giờ”  của vinh Quang và “Giờ”  Thiên Chúa Cha được tôn vinh.

Như vậy, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy rằng: mỗi Kitô hữu, chúng ta cũng đều trải qua “Giờ”  đó trong cuộc đời. Phải có “Giờ”  khởi đầu, có “Giờ”  thi hành và có “Giờ”  kết thúc. Hay nói cách klhác, phải trải qua “Giờ”  của đau khổ thì mới được vào vinh quang. Phải qua “Giờ” của hiện tại, hữu hạn thì mới có “Giờ”  của vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Tuy nhiên, “Giờ” của hiện tại phải được chu toàn cách trung thành, thì “Giờ”  của tương lai trên Thiên Quốc mới được đảm bảo.

Mong sao, mỗi người chúng ta biết chuẩn bị cho “Giờ” chết của mình thật xứng đáng và ý nghĩa, để sau cái chết, chúng ta được hạnh phúc vính cửu trên Thiên Đàng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi. Xin cho chúng con biết chu toàn sứ vụ mà Chúa trao cho chúng con, để đến “Giờ” của Chúa đến, chúng con hân hoan đón nhận trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Tư Tế cầu nguyện với Chúa Cha. Trước giờ khổ nạn, Chúa cầu nguyện cho mình được hoàn tất sứ mạng mặc khải Chúa Cha để tôn vinh Danh Cha. Chúa cũng cầu nguyện cho các môn đệ noi gương Người vững tin vào Danh Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con ngắm nhìn Chúa bước vào cuộc khổ nạn, lòng đầy can đảm, yêu thương, bình an. Cả cuộc sống trần gian của Chúa chỉ có một mục đích duy nhất là tôn vinh Chúa Cha, mặc khải Chúa Cha cho chúng con. Hy sinh nào Chúa cũng đón lấy, gian khổ nào Chúa cũng chịu được, nhục nhã nào Chúa cũng chấp nhận, miễn là tôn vinh Chúa Cha và cứu độ chúng con. Chính vì thế, giờ đây, trước giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, Chúa hoàn toàn quên mình và sẵn sàng tự nguyện đón lấy tất cả để biểu lộ tình yêu Chúa Cha dành cho chúng con. Con cúi mình cảm tạ và thờ lạy Chúa.

Lạy Chúa, trong giờ phút trọng đại này, Chúa đã nhớ đến chúng con. Một đàng chúng con đang sống giữa thế gian, nhưng đàng khác nhờ tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa, chúng con đã thuộc về Chúa Cha. Trước sự giằng co ấy, chúng con phải phấn đấu rất nhiều để giữ lòng trung thành với Chúa. Nhưng nhiều lúc chúng con bất trung, phản bội, đã quên lãng hoặc bôi nhọ phẩm giá cao cả của người môn đệ Chúa. Xin Chúa tiếp tục cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ chúng con trong Danh Cha. Xin cho chúng con noi gương Chúa, luôn trung thành với tình yêu Chúa Cha, để dù phải đau khổ hy sinh, chúng con vẫn can đảm sống trọn vẹn cho vinh quang Chúa Cha và cho phần rỗi chúng con. Đặc biệt, chúng con xin Chúa trợ giúp những anh chị em đang gặp khó khăn trong đời sống đức tin, xin Chúa gìn giữ họ trong tình yêu Cha. Amen.

Ghi nhớ: “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.

 

SUY NIỆM 7: Đức Kitô cầu nguyện

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tôi là một linh mục, dâng thánh lễ mỗi ngày. Trong lời nguyện cầu, tôi mang tất cả tâm tình của anh em phó thác cho Thiên Chúa. Tôi tạ ơn Ngài đã ban mọi ơn lành trong cuộc sống của con người, mà tôi là đại diện dâng lời tri ân. Tôi phó thác mọi cái khổ của người anh em tôi, những khắc khoải lo âu mà họ và tôi đang phải chiến đấu bôn ba mà chưa thấy mặt trời giữa đêm tối của cuộc sống của chính tâm hồn...

Trong cuộc sống, tôi yếu đuối, trong thánh lễ tôi dâng chính tôi và dâng mọi nỗi yếu hèn của kiếp nhân sinh xin Chúa chữa lành, thánh hóa. Tôi cảm thấy mình như là cầu nối giữa Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đại diện nhân loại để hiến tế, để khẩn cầu... Trong chức vụ linh mục thừa tác, tôi được Thiên Chúa ủy quyền để ban phát cho anh em mình của bánh thần lương và giải thích lời Ngài...

Suy niệm

Tin Mừng Gioan 17,1-11 là những lời đầu tiên trong lời cầu nguyện của Đức Kitô với vai trò linh mục thượng phẩm. Đó là tâm tình của người Thầy đối với trò, của mục tử luôn thao thức lo lắng cho đoàn chiên, dù chính Ngài đang phải sống trong đêm tối: Đứng trước cuộc tử nạn sắp tới mà tâm hồn đầy xao động và bối rối, nhưng Ngài vẫn nghĩ đến các đồ đệ của mình, những người liên kết với mình sẽ cô đơn khi vắng bóng Thầy.

Đức Kitô đầu tiên cầu nguyện cho bước đường sắp tới trở nên vinh danh Ngài và qua Ngài vinh danh Chúa Cha: “Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Vinh danh Ngài qua con đường thập giá, thập giá phá tan bóng tối, phá tan sự chết, thập giá mở cửa Thiên Quốc cho nhân loại. Khi bước đi với thập giá vào cái chết. Ngài sẽ được vinh danh khải hoàn phục sinh. Vinh danh vụt sáng chói lói như bông hồng đỏ thắm trổ sinh giữa bụi gai, bông hồng của Thiên Chúa cho nhân loại. Chính lúc đó vinh danh Chúa Cha cũng được tỏa sáng giữa thế gian: Tình yêu vĩ đại một vị Thiên Chúa dâng hiến con mình cho nhân gian được sống, cho vũ trụ được gội rửa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Ngài cầu nguyện cho các môn đệ và những người gắn bó với Ngài qua niềm tin, vì họ sẽ bơ vơ, không Ngài - không nơi nương tựa giữa thế gian mịt mù sắp tới. Ngài xin Cha thánh hiến họ để họ nhận biết được Cha, biết Ngài được Cha sai. Động từ “biết” trong Kinh Thánh giải thích một cách sâu sắc là sự hiệp thông toàn diện thần trí tâm hồn giữa con người với nhau và giữa nhân loại với chính Thiên Chúa. Nhận biết chính Ngài - Đấng Cứu Thế được sai và biết chính Cha. Nhờ mối liên hệ sâu sắc và linh thiêng này mà cuộc sống và tình yêu được nảy sinh. Tình yêu với Thiên Chúa là điểm tựa và là sức mạnh. Tình yêu hiệp thông nảy nở giữa kiếp nhân sinh. Như vậy, cái biết này là sức mạnh đưa con người hiên ngang sống giữa thế gian bao thăng trầm đặc biệt những giờ phút mịt mù sắp tới khi vắng Ngài.

Tâm tình trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã nói lên vị thế trung gian, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người, như thánh Cyrille d'Alexandrie đã cảm nhận từ lời cầu xin này: “Đức Kitô cầu nguyện trong tư cách là con người, trong tư cách là người hòa giải, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Ngài tự là câu nối vĩ đại và thánh thiện. Ngài tự hiện chính mình cho chúng ta, bởi lời cầu nguyện, Ngài kéo Cha xuống bên chúng ta; Ngài vừa là của linh mục và vừa là lễ vật hiến tế, Ngài chính là con chiên xóa bỏ tội trần gian và chính Ngài dâng hiến mình lễ vật không tì ố”. Vì thế, vai trò trung gian này là mô phạm cho các vị linh mục thừa tác của mọi thời đại xuyên lịch sử, được mời gọi để tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian trong lời cầu của linh mục thừa tác hàng ngày, vẫn luôn khẩn cầu tha thiết đến Chúa Cha cho chúng ta.

Đường trần gian vẫn cứ còn mịt mù, có thấp thoáng của bóng đen bao phủ như các tông đồ cảm thấy đêm tối trước lúc Thầy ly biệt. Đã bao nhiêu lần chúng ta lo âu, cô đơn vì không tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống, như tâm trạng của Tagore: “…. Bầu trời rên rỉ như một người đang thất vọng. Đêm nay tôi không ngủ. Chốc chốc lại mở cửa nhìn ra ngoài bóng tối, anh ơi!” (R.Tagore Lời Dâng - Gitanja 22). Đức Kitô vẫn bên cạnh và nguyện cầu cho chúng ta: Được thánh hiến trong sự thật, được Chúa Cha bảo vệ, để biết Ngài và cùng Ngài biết Chân lý. Chúng ta được thắp sáng lên bằng lời cầu thượng tế cho chúng ta vững bước trong Chân lý.

Ý lực sống:

“Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. Và cho tôi sức mạnh tràn trề để âu yếm dâng mình theo ý người muốn” (R.Tagore, Lời Dâng - Gitanja 36).

 

SUY NIỆM 8: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh Người để Chúa Cha được tôn vinh, và những lời Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ.

Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã về trời và từ đây Ngài không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta, nhưng Ngài không bỏ mặc ta cô đơn giữa thế gian. Ngài xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta vì Chúa Cha đã trao chúng ta cho Ngài. Chúng ta thuộc về Ngài cũng như Ngài thuộc Chúa Cha. Ngài cũng cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Ngài và Thiên Chúa Cha. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được đi vào trong mầu nhiệm  tình yêu Ba Ngôi.

2. Bài Tin Mừng dài và khó hiểu. Chúng ta chỉ cần biết đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài về trời. Đối với Ngài lúc này Ngài thấy mình thanh thản vì đã chu toàn công việc Cha đã trao phó, lúc này Ngài về trời. Đối với Ngài thì thanh thản, nhưng còn các môn đệ còn phải ở lại thế gian, họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, xin Cha hãy gìn giữ họ trong bình an.

Chúa Giêsu vạch ra 4 khó khăn họ sẽ gặp phải:

- Thế gian đầy tội lỗi, đầy cám dỗ, sợ họ không đứng vững.

- Thế gian sẽ bắt bớ họ, sợ họ nản chí.

- Họ sẽ chia rẽ vì bất đồng ý kiến với nhau, Giáo hội sẽ chia năm sẻ bảy.

- Ngài cầu cho họ biết hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.

3. “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian”.

Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ: Lạy Cha, phần con thì đã khỏe rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đó méo mó chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dẫy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh viễn... Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.

Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào, nên Ngài mới cầu nguyện như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghe đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi âu lo (Carôlô).

4. Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”.

 Theo Chúa Giêsu, giờ đây là đến lúc Ngài đi vào cuộc tử nạn và Phúc sinh. Vì thế, Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trân thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự phục sinh liền sau, cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên Tập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời (Mỗi ngày một tin vui).

5. “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”.

Sau khi trình bầy với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp: “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất.

Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm: nguy hiểm do ma quỉ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau  thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẽ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh.

6. Truyện: Hãy cư xử như pho tượng.

Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, có câu chuyện như sau: có bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống trong một ngôi đền bỏ hoang của người Ai Cập. Phía trước ngôi đền có một pho tượng. Đây là ngôi đền duy nhất còn sót lại  sau khi đã bị tàn phá. Người cao niên nhất trong bảy anh em được bầu làm Bề trên của cộng đoàn. Để dạy anh em qui luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi sáng ông ra trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném vào đó. Chiều đến, ông lại ra trước pho tượng và xin lỗi vì hành động ném đá của ông. Cử chỉ khác thường của Bề trên này kéo dài một thời gian khá lâu.

Ngày nọ, không còn nén nổi tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy. Vị Bề trên trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau:

- Khi ta ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?

Người kia trả lời:

- Không.

Vị Bề trên tiếp tục hỏi:

- Buổi chiều khi ta đến xin lỗi, pho tượng có để lộ xúc động nào không?

Người kia cũng trả lời:

- Không.

Vị Bề trên mới giải thích:

Anh thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn, nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta hãy sống như pho tượng này, đừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người anh em xúc phạm đến ta, và cũng đừng có ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-ba-18052021-thu-ba-tuan-7-phuc-sinh-nguong-cua-vao-su-song.html