Thứ Ba 16/02/2021 – Thứ Ba tuần 6 thường niên. – Phó thác cho tình yêu Thiên Chúa.

Thứ Ba 16/02/2021 – Thứ Ba tuần 6 thường niên. – Phó thác cho tình yêu Thiên Chúa.

"Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê".

 

Lời Chúa: Mc 8, 14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh".

Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng".

Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Không nhớ sao?

Suy niệm:

Tin Mừng Máccô kể ba câu chuyện về việc Thầy trò vượt Biển hồ.

Lần đầu, Thầy Giêsu đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng

khiến các môn đệ tự hỏi: Người này là ai…? (Mc 4, 35-41).

Lần thứ hai, sau khi hóa bánh ra nhiều, Thầy đã đi trên mặt nước mà đến với họ.

Nhưng lòng các môn đệ còn chai đá,

họ không hiểu được chuyện bánh hóa nhiều (Mc 6, 45-52).

Bài Tin Mừng hôm nay là lần cuối Thầy trò vượt biển qua bờ bên kia,

sau khi Thầy Giêsu đã hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8, 1-10).

Có một sự cố xảy ra khiến các môn đệ lo âu.

Các ông quên mang bánh khi vượt biển.

Trên thuyền chỉ có một cái bánh duy nhất (c. 14).

Không rõ tại sao trong bối cảnh này Thầy Giêsu lại cảnh báo các ông

về thứ men xấu làm hư hỏng con người (x. 1 Cr 5, 6-8),

đó là thứ “men của người Pharisêu và men của người theo Hêrôđê (c. 15).

Có lẽ vì cuộc đụng độ vừa qua với người Pharisêu (Mc 8, 11-13).

Nhưng lời cảnh báo của Thầy Giêsu có thể đã bị các môn đệ hiểu sai.

Các ông tưởng Thầy trách về chuyện họ không mang đủ bánh.

Từ đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa họ với nhau về chuyện này.

Thầy Giêsu chắc là giận lắm.

Chưa khi nào chúng ta thấy Ngài đặt nhiều câu hỏi liên tiếp như vậy.

Tùy lối chấm câu, có thể có từ sáu đến chín câu hỏi.

Qua các câu hỏi, Ngài bày tỏ sự thất vọng về các môn đệ.

Họ chậm hiểu, chậm nắm bắt; tim của họ bị chai (c. 17).

Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (c. 18).

Trí nhớ và lòng tin của họ khá kém,

vì dù đã chứng kiến hai lần phép lạ bánh hóa nhiều,

một lần, năm chiếc bánh cho năm ngàn người,

lần khác, bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người,

họ vẫn lo âu khi thấy trong thuyền chỉ có một chiếc bánh dự trữ.

“Vậy mà anh em vẫn còn chưa hiểu sao?” (c. 21).

Chúng ta cũng nghe Chúa hỏi câu hỏi này khi chúng ta xao xuyến âu lo

trước những khó khăn của cuộc sống.

Các môn đệ vượt biển mà không mang đủ lương thực cần dùng.

Họ lo âu vì sợ lỡ ra có bão hay sự cố gì thì làm sao đây.

Thực ra điều họ quên không phải là bánh,

mà là quên Thầy Giêsu đang ở cùng thuyền với họ.

Chúng ta cần ôn lại những điều lạ lùng Chúa đã làm cho đời ta từ nhỏ,

để sống mỗi ngày trong bình an.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

con phó mặc con cho Cha,

xin dùng con tùy sở thích Cha.

Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.

Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con

và nơi mọi loài Cha tạo dựng,

thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha.

Con dâng linh hồn con cho Cha,

lạy Chúa Trời của con,

với tất cả tình yêu của lòng con,

Vì con yêu mến Cha,

vì lòng yêu mến

thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,

thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,

không so đo,

với một lòng tin cậy vô biên,

vì Cha là Cha của con. (Charles de Foucauld)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Anh em không nhớ sao?

Suy niệm:

Ít khi Đức Giêsu giận các môn đệ đến thế.

Ngài đặt cho họ dồn dập bảy câu hỏi liên tiếp (cc. 17-21),

và Ngài chỉ cho họ hai cơ hội trả lời (cc. 19, 20).

Câu chuyện xảy ra khi Thầy trò đang ở trên thuyền đi qua bờ bên kia.

Các môn đệ quên đem bánh theo,

hay đúng ra trên thuyền chỉ có một chiếc bánh (c. 14).

Hẳn các ông đã cảm thấy lo âu, bất an,

vì lỡ ra cuộc hành trình kéo dài,

một chiếc bánh làm sao đủ ăn cho cả nhóm?

Chính vì thế họ mới bàn tán với nhau về chuyện thiếu sót này (c. 16).

Chẳng rõ cuộc bàn cãi giữa họ có lớn tiếng không,

nhưng chắc chắn Thầy Giêsu đã biết được (c. 17).

“Tại sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?” (c. 17).

Tại sao anh em lại có vẻ lo sợ, không yên?

Thầy Giêsu rõ ràng không chấp nhận thái độ bất an đó.

“Anh em chưa hiểu, chưa thấu sao?

Anh em có trái tim cứng cỏi như thế sao?” (c. 17; Mc 6, 52).

Đối với người Do Thái, trái tim là nơi phát sinh mọi suy nghĩ và hiểu biết.

Một trái tim cứng cỏi ắt không còn khả năng thấu hiểu.

Khi đường vào trái tim bị nghẽn, mọi lối vào qua giác quan cũng bế tắc:

“Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe sao?” (c. 18).

Người có trái tim cứng cỏi thì trở nên mù lòa và điếc lác.

Để các môn đệ thấy rằng nỗi lo âu của họ là vô lý,

Thầy Giêsu đã gợi cho các ông nhớ lại hai lần Ngài làm bánh hóa nhiều.

“Anh em không nhớ sao?” (c. 18).

Với năm chiếc bánh Thầy bẻ cho năm ngàn người ăn,

anh em còn thu về được mười hai thúng bánh vụn (c. 19; Mc 6, 31-44).

Với bảy chiếc bánh Thầy bẻ cho bốn ngàn người ăn,

anh em còn thu được bảy giỏ đầy (c. 20; Mc 8, 1-9).

Thầy có thể nuôi được số đông người như thế một cách dư dật,

vậy mà anh em còn lo vì thấy cả nhóm chỉ có một chiếc bánh khi qua hồ.

Câu hỏi cuối cùng của Thầy: “Anh em vẫn chưa hiểu sao?”

Con người là con vật hay lo, quay quắt vì lo.

Có khi lo vì dễ quên những gì Chúa đã làm cho đời mình.

Nếu ta dành giờ để suy nghĩ về những kỳ công Chúa làm trong quá khứ,

ta sẽ được giải thoát khỏi những nỗi lo hiện tại chẳng đáng gì.

Hãy để cho trái tim mình mềm lại, trí hiểu được thông suốt,

mắt sáng lên và tai nhạy bén, trí nhớ minh bạch rõ ràng.

Như thế là hãy để cho toàn bộ con người mình mở ra trước Thiên Chúa,

tín thác vào sự quan phòng của Ngài khi ta băng qua biển đời.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn hỏi chúng ta: Anh em không nhớ sao?

Nhớ là hành vi quan trọng trong đời sống thiêng liêng.

Nhớ sẽ làm chúng ta bình an ra khơi với Thầy, dù chỉ có một chiếc bánh.

Nhớ sẽ làm chúng ta dám chia sẻ số bánh nhỏ nhoi của mình cho đám đông.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 3,,,

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

 

 

 

Suy Niệm 4: Tín thác vào tình yêu của Chúa

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về hướng Betsaiđa; Ngài lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá hóa ra nhiều.

Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Chúa Giêsu đã dùng chữ "men" để nói đến tinh thần kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và sứ điệp của Ngài. Ðó cũng chính là nội dung của chương trình huấn luyện mà Ngài đeo đuổi trong ba năm rao giảng của Ngài. Mãi đến lúc Ngài bị bắt và chịu treo trên Thập giá, xem chừng các môn đệ vẫn chưa hiểu được chiều sâu sứ điệp của Ngài. Mơ tưởng của những người dân chài này là được trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc trần gian mà họ nghĩ là Chúa Giêsu đã đến để thiết lập.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài hãy vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài. Giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, con người dễ dàng chạy đến với Chúa: đó là thái độ rất chính đáng, bởi vì qua cử chỉ ấy, con người tuyên xưng niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có một thái độ vô vị lợi hơn, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Ngài. Một thái độ như thế sẽ cho chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài, và cho chúng ta thốt lên như các vị thánh: "Tất cả đều là hồng ân của Chúa" bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự, chúng ta luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Quên mang theo bánh

Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” (Mc. 8, 19-20)

Khi thuyền đã ra tới gần giữa Biển Hồ, các môn đệ mới nhận thấy là chỉ có một cái bánh cho bữa ăn. Một cái bánh cho mười hai người mà phần lớn đều là những tay chài thì thật quá ít, chẳng bõ nhét kẽ răng cho mỗi người. Vì thế cuộc cãi vã nổi lên có lẽ để dò tìm cho biết ai là người đã gây nên cớ sự này, ai là người phụ trách lo lương thực cho nhóm? Chẳng lẽ người ấy không có thể mang theo cả thúng bánh thừa sau phép lạ sao? Thấy vậy, Chúa liền can thiệp mạnh mẽ và nghiêm nghị đến độ ta phải ngạc nhiên. Tại sao rầy rà nhau vì đã quên mang bánh theo? Tại sao cãi cọ nhau vì một sự cố tầm thường như thế? Thường khi người ta quên sót một điều chi, thì hay bực bội. Nhưng Chúa Giêsu nắm lấy cơ hội này để huấn luyện các môn đệ của mình, và qua đó Người cho ta thấy rằng tư chất cuộc sống thưòng ngày bộc lộ cái tâm cúa ta rõ hơn ta tưởng.

Thực ra không phải vì chuyện quên mang theo bánh khiến Chúa Giêsu bực mình mà vì chuyện quên sót này làm cớ cho các tông đồ cãi cọ nhau và gây lo lắng cho các ông; vả lại cuộc cãi cọ này còn cho thấy các tông đồ hiểu biết về bản thân Chúa còn quá ít. Quên bánh đưa các ông tới điều quên Người là Đức Giêsu Kitô.

Căn nguyên của sự quên xót

Chúa Giêsu còn đi xa hơn. Chúa cảnh báo các môn đệ về căn nguyên sự quên lãng chính bản thân Người, tức là thái độ không tin. Men Pharisiêu và men Hêrôđê chính là những ý xấu, những thái độ từ chối và thù địch đối với Chúa Giêsu và là sự cố chấp không chịu tin các dấu lạNgười làm. Những tâm hồn cứng cỏi này có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Đã hẳn các tông đồ không phải là những con người như vậy: các ông đã không đòi hỏi những dấu lạ từ trời, không tích cực tỏ ra không tin. Tuy nhiên các ông đã không nắm bắt được ý nghĩa việc Chúa làm trước mắt các ông, và do đó có nguy cơ dẫn đến thái độ không tin. Bởi lẽ các ông sống và suy nghĩ như thể đã không được nhìn thấy phép lạ hóa bánh vậy. Chúa bảo các ông phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisiêu là có ý như vậy. Quên Đức Giêsu Kitô nơi tư chất sống của Người có thể dẫn đến việc công kích Đức Giêsu Kitô vậy.

Chúng ta sợ hãi gì? Sợ thiếu những sự cần, sợ phải rủi ro xui xẻo, sợ ốm đau, sợ chết. Sợ những điều đó là chuyện thường tình của con người … người tín hữu đâu phải là siêu nhân. Nhưng khi ta sợ hãi như vậy, chẳng phải là đã có sự quên lãng Chúa ư, và thậm chí đã không tin Chúa một cách nào đó sao?

 

Suy Niệm 6: ANH EM CHƯA HIỂU Ư? (Mc 8,14 -21)

Qua những ngày làm việc mệt nhọc với đám đông dân chúng và sau khi Đức Giêsu bị những người Pharisêu đòi hỏi về dấu lạ..., Đức Giêsu đã không những không làm mà Ngài đã bỏ họ mà đi nơi khác.

Thánh Máccô kể: Đức Giêsu và các môn đệ đã trèo thuyền để ra đi hướng về Betsaiđa. Khi Ngài và các ông đang ở trên thuyền, thì đây là lúc riêng tư để thầy trò tâm sự. Đức Giêsu đã lên tiếng căn dặn các môn sinh của mình: “Anh em phải coi chừng, hãy đề phòng men Pharisêu và Hêrôđê!”. Tại sao Đức Giêsu lại cẩn trọng nhắc các môn đệ như vậy? Thưa là vì Ngài thấy rõ sự mù quáng do thành kiến và xuất phát từ thói kiêu ngạo, ghen tỵ, hình thức gây ra cho hai nhóm này, nên lòng họ khô cứng, trai lỳ, không còn nhạy bén với lương tâm nữa. Chính vì thế mà Đức Giêsu cảnh báo các môn đên dừng đi vào vũng lầy đó của họ.

Mặt khác, qua những lời thầm thì thể hiện sự lo lắng của các môn đệ về chuyện các ông không mang bánh theo, Đức Giêsu đã khiển trách các môn đệ và Ngài tiếp tục dạy cho các ông bài học về sự phó thác. Đức Giêsu đã dùng phương pháp hồi tưởng để gợi lại cho các môn sinh về sự quan phòng của Thiên Chúa khi con người tin tưởng vào Ngài qua hai phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhắc lại như thế, Đức Giêsu còn đi xa hơn để củng cố lòng tin của các ông vào chính Ngài, đó là: có Chúa là có tất cả. Chúa là kho báu mà không gì có thể sánh bằng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc khó khăn, thử thách.

Khi phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay phù trợ, che trở và đỡ nâng chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con phó thác cuộc đời của mình vào bàn tay từ ái của Chúa để được Ngài yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Men Pharisiêu và Hêrôđê

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Con mèo bề ngoài trông có vẻ hiền lành, mềm mại. Khi muốn ăn, nó đến sát cạnh ta, cọ mình vào chân ta, ve vẩy đuôi, kêu meo meo, gừ gừ tỏ vẻ tình tứ, nhưng khi đã ăn rồi nó đi thẳng một lèo, gọi mấy cũng không đến. Khi rình chuột thì nó đi lại rất nhẹ, thu mình vào một xó tối, nằm im không cử động để chuột mất cảnh giác chạy ra tung tăng. Khi đó, anh mèo mới giở thủ đoạn chồm lên bắt mồi, ngoạm cổ đem đi cắn xé ăn thịt.

Người giả hình cũng tương tự như vậy.

Suy niệm

Trước phép lạ hóa bánh ra nhiều và các phép lạ của Chúa Giêsu, người biệt phái giả hình cố chấp vẫn không tin Chúa Giêsu. Họ còn đòi Ngài làm một dấu chỉ từ trời (x. Mc 8,11-13). Những người phái Hêrôđê thì lo chuyện quyền bính chính trị và quyền lợi vật chất nên cũng không lưu tâm đến giáo lý Chúa Kitô. Họ cứng lòng cố chấp. Chúa Giêsu cảnh giác các môn đệ phải tránh men giả hình của biệt phái và men quyền bính và ham vật chất của phái Hêrôđê. Hình ảnh “men” chỉ những gì gây nên tình trạng biến chất, hư hại do kiêu ngạo và thành kiến, làm cho người Pharisiêu và Hêrôđê cố chấp mù quáng không nhận ra ý nghĩa phép lạ.

Chính các môn đệ lòng trí hẹp hòi, con mắt thiển cận, chỉ nghĩ đến những cái trước mắt, những cái vật chất của thế giới trần tục nên dễ bị nhiễm thứ men này. Cho nên, Ðức Giêsu cảnh giác các đồ đệ, Ngài hướng các ông đến sự khát khao thần thiêng: Cuộc sống vĩnh cửu mới, đòi hỏi sự cố gắng mỗi ngày. Chúa Giêsu nhắc các môn đệ nhớ lại hai lần hóa bánh ra nhiều và giúp họ nhận ra ý nghĩa của các phép lạ Chúa làm. Ðiều đó cũng có nghĩa khẳng định tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài.

Ước chi mỗi người chúng ta cũng có thái độ vô vị lợi, hoàn toàn tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra tình yêu của Ngài, tình yêu vĩ đại vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.

Ý lực sống: “Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Anh em phải coi chừng,

phải đề phòng men Pharisiêu và men Hêrôđê”(Mc 8,15).

 

Suy Niệm 8: Hãy tránh men biệt phái

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu xuống thuyền đi với các môn đệ. Nhưng các ông quên mang bánh theo, trong thuyền chỉ có một cái bánh. Dọc đường, Chúa căn dặn các ông cẩn thận lo tránh “men những người biệt phái và Hêrôđê”, tức là lo tránh thói tự mãn, cứng đầu cứng cổ của họ. Nhưng các ông không hiểu ý Chúa muốn nói, mà cứ tưởng là Chúa quở vì không mang bánh theo ăn, nên Chúa trách các ông chậm hiểu kém tin. Chính mắt các ông đã thấy hai phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều cho mấy ngàn người ăn no nê mà còn dư thừa, chính tai các ông đã nghe bao nhiêu lời Chúa dạy mà cũng chưa hiểu chưa tin.

2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngồi trên thuyền với các môn đệ đi về hướng Betsaiđa; Người lợi dụng những phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông  về những phép lạ Người đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ bánh và cá ra nhiều.

Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của biệt phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm này. Chúa Giêsu đã dùng chữ “men” để nói đến tính kiêu ngạo và thái độ mù quáng ấy. Thế nhưng, các môn đệ đã không hiều được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.

3. Từ thời Ai cập cổ đại, người ta đã dùng men để làm bánh mì, làm rượu. Mãi đến năm 1857 nhà khoa học Louis Pasteur mới khám phá ra rằng men thực ra là một thứ vi sinh vật thuộc loài nấm, âm thầm mọc rễ đam chồi trong các chất hữu cơ và làm biến chất chúng. Có những loài men hữu ích loài người biết được và sử dụng, nhưng cũng có hàng ngàn thứ men có hại như men chua, men thối làm hư hỏng thức ăn, thậm chí gây nhiễm độc chết người.

Chúa Giêsu cho biết về mặt thiêng liêng cũng có nhiều thứ “men”. Có thứ “men Nước Trời” mà người môn đệ Kitô đem thấm nhập vào trong thúng bột thế giới và âm thầm làm nó dậy men. Cũng có thứ men mà Chúa cảnh giác các môn đệ phải coi chừng, phải loại bỏ men biệt phái và men Hêrôđê (5 phút Lời Chúa).

4. “Anh em phải coi chừng, phải đề phong men biệt phái và men Hêrôđê” (Mc 8,150.

Khi xuống  thuyền vội vàng, các ông quên mang bánh theo, trên thuyền chỉ có một chiếc thì không đủ cho mọi người. Các ông bàn tán việc đi mua bánh. Nhân dịp này, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ hãy dè giữ cho khỏi men người biệt phái và men Hêrôđê.

Như chúng ta đã biết “Men” là hình ảnh những gì gây nên tình trạng biến chất, làm hư hại các chất hữu cơ). Các rabbi coi đó là những những hướng chiều xấu nơi con người. Ngày nay men biệt phái và men Hêrôđê vẫn còn sinh sôi nảy nở trong thời đại của chúng ta. Đó là thói kiêu căng giả hình, đánh mất lòng nhân nghĩa. Đó là “men” thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, sống hưởng thụ và ích kỷ, men dâm ô, qua sách báo phim ảnh xấu khiến chúng ta vì đam mê chúng mà trở nên lãnh đạm thù nghịch với tình yêu Chúa và ơn cứu độ của Người. Vậy chúng ta đang “say” thứ men nào, “men trần tục” hay “men Kitô”?

5. “Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư”?

Câu hỏi này là lời Chúa trách móc các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, họ đã phân phát bánh hóa nhiều mà họ còn lo lắng để tiếp tế lương thực, trong lúc Chúa Giêsu còn ở bên cạnh họ! Thế nhưng họ đã không ý thức rằng có Chúa Giêsu ở với họ, là họ có tất cả.

Điều này thật đúng tâm lý chúng ta. Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng: dĩ vãng, Thiên Chúa đã can thiệp cứu giúp chúng ta, ở với chúng ta. Nhưng hiện tại, khi chúng ta gặp khó khăn, gặp thử thách, phản ứng đầu  tiên của chúng ta là lo lắng hốt hoảng, nghi ngờ, bối rối, chứ chúng ta có giữ bình tĩnh và tin chắc rằng Chúa vẫn tiếp tục ở với chúng ta không?

6. Truyện: Hãy nhìn ra dấu chỉ của thời đại.

Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Tây phương, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành”.

Tại sao lại có chuyện thế này? Nhưng người bạn lắc đầu giải thích: “Ông ta là người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng”.

Thảm trạng của con người thời đại: con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại (Mỗi ngày một tin vui).

 nguon:hhttp://gplongxuyen.org/NewsD