Thứ Ba 06/07/2021 – Thứ Ba tuần 14 thường niên. – Cánh đồng truyền giáo.

Thứ Ba 06/07/2021 – Thứ Ba tuần 14 thường niên. – Cánh đồng truyền giáo.

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

 

Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.

Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Sai thợ ra gặt lúa

Suy niệm :

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối

của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.

Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.

Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.

Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.

Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.

Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.

Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.

Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”

Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).

Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,

thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.

Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:

“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).

Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.

Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,

nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).

Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.

Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược

về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).

Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.

Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.

Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.

Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.

Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).

Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.

Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.

Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.

Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.

Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.

Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.

Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.

Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.

Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.

Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.

Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.

Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.

Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.

Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.

Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.

Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.

Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?

Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,

đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.

Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy

đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay

những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ

biết quên hạnh phúc và tương lai của mình

để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.

Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,

cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,

thấy được những mất mát của bao người đau khổ,

và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ

để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,

sống như Ngài đã sống

và tiếp tục làm những gì

Ngài đã làm trên trần gian.

Cũng xin Cha

gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,

thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,

để tất cả trở thành những môi trường tốt

giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Lúa chín đầy đồng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian đau khổ vì chống lại Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en có nhiều kinh nghiệm về điều này. Khi vâng nghe Lời Chúa, họ được hạnh phúc. Khi phản bội Chúa, họ lâm vào cảnh nô lệ lầm than khốn khổ. “Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn, tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết, dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan”. Từ bỏ Chúa thì họ sẽ phải chịu nô lệ các thế lực ma quỉ, xác thịt, thế gian: “Giờ đây, Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng, chúng đã phạm tội, thì chúng sẽ phải đền: chúng sẽ phải trở về Ai-cập” (năm chẵn).

Chúa Giê-su xuống trần để giải thoát con người khỏi ách nô lệ. Chúa xua trừ ma quỷ để con người được sống tự do: “Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Chúa rao giảng cho mọi người biết Nước Trời. Chúa cứu họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Đức Giê-su…rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chúa đến để đưa mọi người vào Nước Trời. Toàn dân là những bông lúa chín cần được đưa vào kho Nước Trời: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gựt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Chúa muốn có người cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời. Nhưng việc xây dựng Nước Trời là của Chúa. Vì thế người cộng tác phải có lòng khiêm tốn. Phải cầu nguyện và được sai đi. Đó chính là thái độ của tổ phụ Gia-cóp. Khi từ nơi lưu lạc trở về, ông đắc thắng như một người thành công nhờ sức mình. Có hai bà vợ. Mười một đứa con trai. Còn gia súc thì hàng ngàn hàng vạn. Nhưng đêm trước khi bước vào Đất Hứa, ông phải trải qua một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ông phải cầu nguyện xin Chúa chúc phúc: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi…Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy”. Để tổ phụ Gia-cóp khiêm tốn, Chúa đã cho ngài bị thọt chân: “người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật”. Nhờ đó ông được đổi tên và trở tổ phụ dân riêng được Chúa chọn: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en”. Đó chính là tên của dân tộc mới được Chúa thành lập (năm lẻ).

Xin cho con biết khiêm tốn cầu nguyện để được Chúa sai đến nơi Chúa muốn và làm việc Chúa cần.

 

Suy Niệm 3: Nhu cầu truyền giáo

Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".

Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.

Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?

Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chúng ta đều là thợ gặt

Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)

Một mùa gặt bội thu

Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.

Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.

Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.

Mỗi người đều có phần trách nhiệm

Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.

Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.

 

Suy Niệm 5: XIN MỞ MIỆNG CON (Mt 9, 32-38)

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.

Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.

Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.

Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.

Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình  khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Trái tim mục tử nhân hậu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim của người mục tử nhân hậu. Chúa chạnh lòng thương xót và cứu vớt đàn chiên lầm than vất vưởng. Chúa còn dạy ta cầu nguyện để Chúa Cha ban những người nối tiếp sứ mạng mục tử ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhìn thấy những nỗi lầm than vất vưởng của đàn chiên Chúa, và Chúa đã đến cứu giúp chúng con. Với trái tim giàu lòng thương xót, Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để chúng con được sống và sống sung mãn. Chúa quan tâm chăm sóc từng người chúng con. Con tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa, khi xưa chính Chúa đã tiêu diệt sự thống trị của ma quỷ. Chính Chúa đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã đi tìm những con chiên lạc, đã nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, và chính Chúa đã chữa lành những bệnh nhân.

Ngày nay, con tin rằng chính Chúa cũng đang yêu thương chăm sóc con qua sự hiện diện của các mục tử. Con tạ ơn Chúa vì qua các mục tử, chính Chúa đang dạy dỗ, an ủi và khích lệ con, chính Chúa tha thứ tội lỗi và vỗ về ôm ấp con như con chiên lạc trở về, chính Chúa quy tụ và nuôi dưỡng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp con cảm nhận được lòng thương xót bao la của Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho Hội Thánh có được những mục tử như lòng Chúa mong muốn, những mục tử giàu lòng thương xót và tận tình phục vụ đàn chiên. Đặc biệt xin Chúa thương xót những đàn chiên thiếu vắng mục tử. Xin Chúa an ủi họ và ban cho họ sớm có chủ chăn. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt. Amen.

Ghi nhớ : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

 

Suy Niệm 7: Thợ gặt niềm tin

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một công nhân hầm mỏ được một anh bạn hỏi:

- Anh làm gì trong Hội Kinh Thánh Hải Ngoại vậy ?

- Tôi làm việc dịch thuật.

- Anh mà đòi dịch thuật ?

- Đúng, tôi lo dịch Lời Chúa trong Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày của tôi.

Suy niệm

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa lành những người bệnh tật... Ngài thấy dân chúng sống bơ vơ không người chăn dắt, lòng Ngài thổn thức trước cánh đồng lúa chín vàng của nước Trời nơi trần gian, cần những thợ gặt. Ngài đã gọi các môn đệ như thợ chuyên nghiệp đến mùa gặt đức tin. Không có thợ kịp gặt thì những cơn lũ cuộc đời sẽ cuốn trôi đi tất cả. Ngài mời gọi mọi người đều góp phần bằng lời cầu xin với đức tin tín thành vào Chúa Cha: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Lòng tha thiết của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng trong thế giới hôm nay. Qua mọi thời đại, Chúa Giêsu luôn thao thức về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin. Nếu không có thợ gặt cho kịp, lúa niềm tin sẽ rơi rụng và cơn lũ của thế gian sẽ cuốn trôi vụ mùa.

Theo lời Ngài, chúng ta cầu nguyện với lòng tin tưởng, phó thác, cậy trông vào nơi Chúa Cha - Đấng luôn đồng hành, sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo rao truyền lời Chúa để người chưa tin chấp nhận Tin Mừng.

Thật thế, như lời Chúa Giêsu dạy: Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có những thợ rành nghề... có ánh lửa nhiệt huyết nơi tâm hồn của người thợ, để họ đến với các cánh đồng, làng mạc...

Có những thợ gặt rành nghề, thì mùa gặt đức tin sẽ báo hiệu một mùa gặt bội thu - con người của mọi nền văn hóa được thu hoạch.

Ý lực sống:

… Lạy Chúa, chỉ mình Chúa, tự Ngài đã thực sự viên mãn. Nhưng Ngài lại ưa thích cho con được cộng tác trong công việc của Ngài…

Nhưng Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con để cứu độ mọi người (Trích Lời Nguyện Không Thể Thiếu).

 

Suy Niệm 8: Chữa người câm bị quỉ ám (Mt 9,32-38)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ... Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.

Mở đầu Tin mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin mừng phải được loan báo cho muôn dân.

Sự ghen tị của người biệt phái

Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thoả hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”

Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng Tin mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.

“Chúa Giêsu chạnh lòng thương”

Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giàu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những Lazarô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.

Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Kitô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giêsu đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không?

Có lần Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.

Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.

Truyện: Người hành khất bất đắc dĩ

Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thật.

Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tuỵ của ông khiến người đi đường ngỡ ông là người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên, vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo hèn ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

nguon:http://gplongxuyen.org/tin-tuc/thu-ba-06072021-thu-ba-tuan-14-thuong-nien-canh-dong-truyen-giao.html