Thứ Ba 04/08/2020 – Thứ ba tuần 18 thường niên năm A. – Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Bổn mạng các Linh mục. Lễ nhớ.– Trở nên dơ bẩn.

"Cây nào Cha Ta không trồng thì sẽ bị nhổ đi".

 

Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.

 

Lời Chúa: Mt 15, 1-2. 10-14

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy có những luật sĩ và biệt phái từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà nói: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân? Vì họ không rửa tay khi dùng bữa".

Và Người gọi dân chúng lại mà bảo: "Các ngươi hãy nghe và hãy hiểu lấy: Không phải cái gì vào trong miệng mà làm cho người ta ra dơ nhớp đâu, nhưng cái từ miệng phát xuất ra cái đó mới làm cho người ta ra dơ nhớp". Bấy giờ các môn đệ của Người tiến lại thưa với Người rằng: "Thầy có biết các người biệt phái lấy làm chướng tai khi nghe Thầy nói lời đó không?" Người đáp lại rằng: "Tất cả cây nào Cha Ta trên trời đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Các con hãy để mặc chúng: chúng là những người mù dẫn dắt những người mù. Mù mà dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố".

 

Suy Niệm 1: Hãy nghe và hiểu

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Suy niệm:

Do Thái giáo coi trọng những nghi thức thanh tẩy bằng nước.

Aharon và các tư tế con của ông, trước khi tiến đến bàn thờ để dâng lễ,

phải rửa tay chân bằng nước đựng trong một cái vạc đồng.

“Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó là điều luật vĩnh viễn

cho Aharon và dòng dõi ông qua muôn thế hệ” (Xh 30, 20-21).

Khi khám phá ra những di tích ở Qumran, phía tây bắc Biển Chết,

người ta thấy có nhiều hồ tắm (mikvah) được đào dưới lớp đất sét giữ nước.

Cộng đoàn những người sống ở đây coi việc tắm rửa hằng ngày tại hồ

như một nghi thức thanh tẩy không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

Bài Tin Mừng hôm nay bàn đến chuyện thanh tẩy trước khi ăn.

Nhóm Pharisêu trách Đức Giêsu vì môn đệ Ngài không rửa tay khi dùng bữa.

Thật ra trong Kinh Thánh Cựu Ước chẳng có luật nào dạy như vậy.

Người Pharisêu đã dựa trên một truyền thống truyền khẩu có từ thời ông Môsê.

Họ coi truyền thống tiền nhân này cũng ràng buộc chẳng khác nào Kinh Thánh.

Đức Giêsu nặng lời vì họ đặt truyền thống của mình lên trên Lời Chúa (cc. 3-9).

Khi để ý chi li những điều bên ngoài để giữ cho mình khỏi bị ô uế,

họ xao lãng việc để ý đến cái ô uế bên trong con người.

Khi nói với đám đông, Đức Giêsu nhắc họ hãy nghe và hiểu cho rõ (c. 10).

“Không phải cái vào trong miệng làm ô uế con người,

Nhưng cái ra từ miệng, cái đó mới làm con người ô uế” (c. 11).

Cái ra từ miệng lại là cái trào ra tự nhiên từ trái tim, từ cái tâm.

“Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34).

“Cái ra từ miệng là cái đến từ tim, chính cái ấy làm con người ô uế ” (c. 18).

Đức Giêsu mời chúng ta để ý hơn đến sự ô uế trong lời nói,

từ đó khám phá ra cái tâm ô uế của mình.

Thanh tẩy lời nói và cái tâm thì quan trọng hơn và khó hơn rửa tay.

Trong thánh lễ, vị linh mục rửa tay trước khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.

Ngày nay, khi cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái có nghi thức rửa tay (rachaz).

Lúc rửa tay, họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Vua vũ trụ,

là Đấng đã thánh hóa chúng con bằng các điều răn

và đã ra lệnh cho chúng con tuân giữ luật rửa tay.”

Tôn giáo nào cũng cần có những nghi lễ, luật lệ, truyền thống, phụng tự.

Làm thế nào để tất cả những điều ấy không chỉ ngừng lại ở bên ngoài

nhưng là những phương thế giúp con người thay đổi nội tâm cách sâu xa?

Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế.

Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy.

Có cách nào thanh tẩy được thế giới tôi đang sống không?

 

Cầu nguyện:

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,

xin gìn giữ mắt con.

Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,

xin dạy con biết trân trọng thân xác.

Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,

xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao

vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,

để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực

vào những chuyện tình cảm chóng qua,

nhưng giúp con tự rèn luyện mình

để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ thân xác con thanh khiết.

 

Suy Niệm 2: XÁC THỊT VÀ THẦN KHÍ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

My-ri-am đối đầu với Mô-sê. Về phương diện con người thì My-ri-am chiếm ưu thế ở 3 điểm. Về xã hội: Tập tục không cho phép người Do thái kết hôn với ngoại kiều, thế mà Mô-sê đã cưới một người xứ Cút. Về gia đình: My-ri-am là chị cả trong gia đình và Mô-sê phải vâng lời bà. Về cá nhân: My-ri-am là ân nhân cứu mạng Mô-sê và chăm sóc ông từ bé. Thế nhưng Chúa lại cho rằng My-ri-am đã đối đầu với Chúa vì dám xúc phạm đến Mô-sê là tôi tớ của Chúa. Hơn nữa, bà ghen tị vì Mô-sê được Chúa gặp trực tiếp. Đó chính là cuộc đối đầu giữa xác thịt và Thần Khí. My-ri-am đã để cho tính ghen tức xác thịt bùng nổ nên nói xấu Mô-sê. Mô-sê là người của Thần Khí vì ông tràn đầy ơn Chúa và ông cư xử theo Thần Khí, hiền lành khiêm nhường không đối đáp lại My-ri-am (năm lẻ).

Tin Mừng cũng tường thuật lại cuộc đối đầu giữa nhóm Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su. Pha-ri-sêu cũng vận dụng tập tục tiền nhân để chống lại Chúa Giê-su. Họ cũng tự cho mình có quyền giảng dậy và cắt nghĩa lề luật để dậy dỗ Chúa và các môn đệ. Cuối cùng họ cũng bộc lộ tính xác thịt, chống lại Chúa vì ghen tức với Chúa. Chúa Giê-su cho biết ai sống theo xác thịt sẽ đi vào chỗ chết: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”. Bà My-ri-am lập tức bị phong cùi, tức là đi vào đất kẻ chết.

Sống theo xác thịt sẽ chết theo xác thịt. Như Chúa nói với Giê-rê-mi-a: “Không ai biện hộ cho vụ kiện của ngươi…Mọi nhân tình của ngươi đều quên ngươi hết, chúng không kiếm tìm ngươi nữa…Ngươi kêu la vì thương tích của ngươi làm gì? Nỗi thống khổ của ngươi thật hết đường cứu chữa. Ấy chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, và tội lỗi của ngươi quá nặng”. Nhưng khi dân ăn năn sám hối, từ bỏ con đường xác thịt để sống theo Thần Khí, Chúa lại cho phục hồi. Sống theo Thần Khí họ được tự do vì làm chủ lấy mình: “Thủ lãnh của nó sẽ từ nó xuất thân, và người thống trị nó sẽ từ giữa nó mà ra”. Họ thuộc về Chúa: “Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”. Biết thờ phượng, ngợi khen Chúa: “Từ các nơi ấy, sẽ vọng ra lời cảm tạ và tiếng reo mừng” (năm chẵn).

Sống theo xác thịt thì mù quáng. Sống theo Thần Khí thì sáng suốt. Sống theo xác thịt thì lăn xuống hố. Sống theo Thần khí thì thanh thoát vươn lên. Sống theo xác thịt là đi vào cõi chết. Sống theo Thần Khí đi vào đời sống. Sống theo xác thịt bị nô lệ. Sống theo Thần Khí tự do vì tự mình làm chủ lấy mình.

 

Suy Niệm 3: XÁC THỊT VÀ THẦN KHÍ

(https://tinmungmoingay.com/)

Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc người Biệt phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn.  Người Biệt phái thắc mắc không vì việc Chúa Giê-su không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về việc sạch dơ. Chính vì thế mà Chúa Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pharisêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.

Vì quá câu nệ luật nên Biệt phái Pharisêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”, “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”. Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản về phụng dưỡng cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa.

Lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay lên án chuyện sạch – dơ, xem ra chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giê-su dùng chính cái lối quan niệm sai lầm về tập tục của Do-thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch.

Chuyện đồ ăn thức uống hằng ngày chỉ là nhu cầu nuôi sống thể xác, nhưng đã bị các Kinh sư đẩy lên thành một thứ luật lệ và thậm chí đặt nó thành định chế tôn giáo. Họ phân định ra những thức ăn nào là dơ và thức ăn nào là sạch, thức ăn nào bị cấm và thức ăn nào được ăn, thức ăn nào thành tội và thức ăn nào là thánh…

Chúa Giê-su không đồng tình với cách phân biệt này, Người khẳng định mọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế.

Đành rằng có thể có những đồ ăn thức uống có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vì có độc hoặc không đảm bảo vệ sinh, nhưng chắc chắn không có thứ thực phẩm nào làm cho tâm hồn ra ô uế được. Sự ô uế của tâm hồn chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động xấu mà Chúa Giê-su đã liệt kê ra hôm nay: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng.

Lời Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Tàu Cộng. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.

Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.

Chúa Giê-su kết luận: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi”. Nghĩa là, những gì đem đến mối tương giao với Thiên Chúa thì mới là đến từ Thiên Chúa, còn những thứ lề luật được vẽ ra để kỳ thị đánh giá và kết án nhau thì không phải đến từ Thiên Chúa. Và đương nhiên điều không đến từ Thiên Chúa thì không thể tồn tại.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 4: Nâng cấp tâm hồn

(https://giaophanthaibinh.org/)

Suy niệm: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Người ta đã chế tạo ra kính thiên văn để nhìn những ngôi sao thật xa, kính hiển vi để nhìn những vi khuẩn nhỏ xíu, máy siêu âm để có thể nhìn thấy vật dụng trong va ly túi xách, nhưng chưa có dụng cụ nào để biết rõ lòng người! Đức Giê-su nói với chúng ta rằng chính lòng người hay tâm hồn lại là bộ chỉ huy điều hành tất cả những gì xuất phát ra bên ngoài; và chính lòng người phải chịu trách nhiệm về những điều đó. Nếu tâm hồn chúng ta nghiêng về tình dục, thì từ đó sẽ phát sinh những tư tưởng dâm ô ngoại tình. Nếu tâm hồn chúng ta hiểm độc, thì sẽ có những bạo động, ganh ghét, hận thù. Còn nếu lòng chúng ta quảng đại, thì từ đó sẽ có bao nghĩa cử yêu thương, chia sẻ, tha thứ…

Mời Bạn: Loại bỏ khỏi tâm hồn mình những tư tưởng dâm ô, hận thù, tham lam, hưởng thụ; và thay vào đó, nuôi dưỡng những ước muốn sống quảng đại, yêu thương, chia sẻ, tha thứ. Sau một thời gian “nâng cấp tâm hồn” như vậy, bạn sẽ cảm thấy lòng bạn thanh thản hơn, cuộc sống với người khác an vui hơn, và chắc chắn bạn sẽ dễ thương hơn trước mặt Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày loại bỏ một ước muốn bất chính đang chế ngự mình, và thay thế bằng một ước muốn lành thánh theo các giá trị của Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng thấu suốt lòng người. Chúa biết rõ chúng con đang ước muốn gì. Xin thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những ước ao bất chính, và thay thế bằng những ước muốn đạo đức, tốt lành.

 

Suy Niệm 5: Nâng cấp tâm hồn

(http://tinvuixuanloc.vn)

Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, nhất là trước khi ăn để đề phòng bệnh tay chân miệng được khuyến cáo rất nhiều trong bối cảnh xã hội hội hiện nay, nhất là trong những trường học và nơi tập thể. Thật ra, đối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Họ đã quá chi li giữ luật bên ngoài đến nỗi đôi khi đồng hóa vi - rút làm ô uế về thể lý lẫn với vi-rút làm ô uế tinh thần-loại vi-rút này có thể hũy hoại không những về tinh thần mà cả về thể lý.

Tôn giáo nào cũng cần có những nghi lễ, luật lệ, truyền thống, phụng tự. Làm thế nào để tất cả những điều ấy không chỉ ngừng lại ở bên ngoài mà nên đặt trọng tâm và ý nghĩa bên trong. Chắc chắn mọi sự đều có hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, thế nhưng cái nào quan trọng hơn? Chắc chắn mọi người ai cũng rõ: tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Chúa Giê-su muốn nhắc nhở cho họ cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay về mầm móng của bệnh tật bên trong tâm hồn: “Không phải cái vào trong miệng làm ô uế con người, nhưng cái ra từ miệng, cái đó mới làm con người ô uế” (c. 11). Vì từ trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ trong xuất ra, và làm cho người ta ra ô uế" (x. Mt 15, 17-20).

Có một câu chuyện rằng, hai thầy dòng ẩn tu nọ, trên đường đi làm về gặp một cô gái đẹp chẳng may bị ngã, dính đầy bùn và máu me. Hai thầy dòng đã dìu cô gái đến chỗ có nước để lau chùi và băng bó sạch và đưa cô về nhà. Một trong hai vị thầy dòng nọ, cứ áy náy và xưng tội nhiều lần với linh mục: con áy náy vì tội đã chạm vào người một cô gái. Linh mục bảo: con không có tội vì tay con đã chạm vào cô gái, nhưng có tội vì tâm và tim con đã liên tục “chạm” vào cô gái….

Minh Tứ