...Thời đại 5G mà còn cầu nguyện à ?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 95: THỜI ĐẠI 5G MÀ CÒN CẦU NGUYỆN À?

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ

Hỏi: Con nghe nói cầu nguyện là đến gặp gỡ Thiên Chúa. Với con điều ấy khó khăn vô cùng. Là người trẻ luôn bận rộn: điện thoại, mạng xã hội, việc làm, cà phê, lễ hội, v.v. làm sao có thể để tâm đến việc gặp gỡ Thiên Chúa?

Trả lời:

“Thời đại 5G mà còn cầu nguyện à? Bạn mà cầu nguyện là bạn đang lãng phí thời gian đó”.Một số bạn trẻ suy nghĩ như vậy! Bạn có đồng ý với suy nghĩ đó không?

Là người Công giáo, bạn nghĩ gì về cầu nguyện? Cầu nguyện quan trọng như thế nào đối với bạn? Cầu nguyện là tâm sự với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta bước ra khỏi cuộc độc thoại với chính mình, để bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng là trung tâm điểm của cuộc sống.

Khi đón nhận bí tích rửa tội, chúng ta được rửa trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta được đưa vào sống trong mái nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi. Để ý chúng ta sẽ nhận ra sự sống động của tương quan cao cả nhưng rất dễ thương này: làm dấu tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi lần vào nhà thờ, mỗi lần bắt đầu bữa cơm và kết thúc bữa cơm, mỗi lần đi máy bay và hơi sờ sợ…

Như thế, với dấu Thánh Giá người Công giáo luôn sống gần gũi và thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời sống như vậy còn được gọi là đời sống cầu nguyện liên lỉ. Trong cầu nguyện và kết hiệp với Thiên Chúa, cuộc sống sẽ khác đi, bình an và niềm vui bên Chúa luôn ở bên, dù chúng ta có phải bơi vào trong những “nhánh sông” nhiều hiểm nguy và nhơ bẩn.

Thiên Chúa giàu lòng xót thương không bao giờ bỏ rơi chúng ta, như lời Thánh Vịnh nói: “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại” (Tv 138,3). Người sẽ mở đôi tay giàu lòng xót thương và quyền năng để cứu thoát chúng ta: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).

Có người phụ nữ trẻ mới lập gia đình, đã trải nghiệm việc cầu nguyện, dù lúc đó chị chưa là người Kitô hữu. Truyện kể rằng, trong tình yêu thương vợ chồng, chị được hồng phúc đón nhận một bào thai đầu tiên. Người vợ trẻ vui mừng khôn siết và chuẩn bị lo cho bào thai được lớn lên tốt đẹp. Nhưng không may, người chồng lại nghi ngờ vợ, và đặt vấn nạn về chiếc bào thai này. Chị giải thích nhiều lần, nhưng sự nghi ngờ kia không hết mà mỗi ngày lại lớn hơn. Chị đau buồn và ngày càng thất vọng. Tư tưởng “giữ lại bào thai này hay sẽ phá nó đi” loanh quanh luẩn quẩn trong đầu chị. Mỗi ngày từ hãng xưởng về nhà, nỗi buồn và tư tưởng kia lại chạy đến với chị. Trên con đường từ hãng xưởng về nhà, chị đi qua một nhà thờ. Tâm sự cùng ai và ai có thể hiểu được nỗi lòng của chị đây?

Một lần chị dừng bước trước hàng rào nhà thờ. Ngó vào và chị thấy tượng một người phụ nữ đang bế một Hài Nhi trên tay. Người Công giáo thường nói đó là Đức Mẹ và chị chỉ biết vậy. Hôm nay với “cái biết” nhỏ bé đó, chị bỗng chợt thốt lên những lời tâm sự với Đức Mẹ mà chị chưa bao giờ quen biết. Lần tâm sự đầu tiên đó là một trải lòng thấm thía với những hàng nước mắt trào dâng. Hoa quả của lần tâm sự đó là sự an ủi sâu xa trong tâm hồn. Từ đó, mỗi ngày trên đường từ hãng về nhà, chị lại dành thời gian cho “cuộc hẹn dễ thương” này. Cuối cùng, chị đã được thúc đẩy gìn giữ thai nhi trong bụng. Sau khi sinh em ra, chị đã tri ân cảm tạ người phụ nữ kia. Nhưng tương quan đó đâu dừng lại. Vời thời gian trôi đi, chị đã tìm hiểu, học đạo và cùng với đứa con của mình, chị đã được đón nhận bí tích Rửa Tội.

Người Kitô hữu là người không bao giờ buông bỏ lòng trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Tin tưởng và luôn cầu nguyện với lòng thương xót của Thiên Chúa là bản chất chính yếu của người Kitô hữu.

Tác phẩm “Chuyện người hành hương” kể lại kinh nghiệm của một người lữ hành. Trên cả hành trình anh luôn miệng thốt lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”. Anh đã chia sẻ như sau: “Mỗi nhịp đập bình thường của trái tim con như thể đang bắt đầu đập với từng tiếng từng lời của lời cầu nguyện ấy… Con không còn đọc lời đó trên môi nữa. Con chỉ còn biết chăm chú lắng nghe cõi lòng con đang nói”.

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con”. Phúc thay những ai trung kiên bám chặt vào lòng thương xót của Thiên Chúa, dù dòng chảy của khúc sông cuộc đời có mạnh mẽ và có nhiều cơn xoáy đang manh nha cuốn mất chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta và Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thánh Biển Đức đã nhắc nhớ: “Anh em đừng bao giờ tuyệt vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” .

Sống trong lòng thương xót và trong sự hiện diện gần gũi với Thiên Chúa, người Kitô hữu còn học biết “gạn đục khơi trong” cho đời sống.

“Nếu là một chậu nước đục, ta cứ để yên dưới sức nóng của mặt trời một thời gian, thì những cặn bã sẽ lắng xuống đáy chậu và phần trên sẽ là nước trong. Đời sống Kitô hữu của bạn cũng tương tợ như thế: nó sẽ được gạn lọc trong lành dần dần trong sự cầu nguyện và dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Nếu bạn trung thành sống dưới ánh sáng Phúc âm thì những khuynh hướng đã đâm rễ sâu trong con tim bạn sẽ được rọi chiếu và bạn nhận diện được chướng ngại vật cản trở tác động của Thiên Chúa ở trong bạn”. Lời trên giúp cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa tiếp theo của việc cầu nguyện. Đó là “gạn đục khơi trong”.

Truyện Kiều có câu: “Thân tàn, gạn đục khơi trong. Là nhờ quân tử khác lòng người ta.” Gạn đục khơi trong là một hành động đầy ý thức và khôn ngoan, nghĩa là người biết gạn đục khơi trong là người biết chọn lọc, để loại bỏ hết cái không hay, cái xấu, và chỉ giữ lại và phát huy cái hay, cái tốt, cái tinh hoa giúp thăng tiến cuộc sống làm người. Có thể nói rằng: Gạn đục khơi trong là hành động của phân định thiêng liêng, mà thánh Inhã thành Loyola đã chú ý đến.

Mỗi người đều phải bươn chải trong cuộc đời, phải vật lộn với biết bao cơn sóng, đôi khi phải bơi vào cả những nơi mà nguồn nước bị ô uế bởi biết bao nhiêu thứ rác rưởi. Làm sao vẫn giữ được căn tính Kitô hữu trong “khúc sông” nhơ bẩn đây? “Gạn đục khơi trong” chính là điều mà người Kitô hữu cần có. Nhưng làm sao để có thể có được khả năng này? Cầu nguyện và cầu nguyện. Trong cầu nguyện chúng ta trình bày với Chúa về hoàn cảnh chúng ta đang gặp phải “ở giữa khúc sông nhơ bẩn”, tâm sự với Người về những “thứ rác rưởi nào đang trôi và đang bám vào chúng ta”, và có nguy cơ chúng làm cho chúng ta phải “mang bệnh”, phải chịu ảnh hưởng bởi những mùi hôi thối của chúng. Chúng ta hỏi Chúa xem, phải làm gì hay có thái độ nào đối với hoàn cảnh và với những điều tiêu cực đang vây quanh chúng ta. Thiên Chúa chắc chắn sẽ vui mừng khi Người được chúng ta tâm sự, khi chúng ta mời Người vào hành trình “gạn đục khơi trong” này.

Ai càng biết “gạn đục khơi trong”, người đó càng vui sống trong an bình.

Ai càng ý thức “lãng phí thời gian cho cầu nguyện”, người đó luôn có được “cái phao” cần thiết cho cuộc sống, giúp cho người đó vượt qua được những “nhánh sông nguy hiểm và nhơ bẩn”.

Hơn hết, cầu nguyện chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất cho đời sống làm người, vì trong cầu nguyện, chúng ta được sống trong tương quan thân yêu và gần gũi với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và Đấng luôn đồng hành cùng chúng ta trên hành trình cuộc đời này.

Cuối cùng chúng ta ý thức rằng: “Dù thời đại 5G hay thời đại nào đi nữa, cầu nguyện luôn là điều rất quan trọng và nền tảng. Ai khôn ngoan ‘lãng phí’ cho việc cầu nguyện, người đó không bao giờ lỗi thời”.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (01.08.2023)

Đọc thêm những câu hỏi đã được trả lời:

Bài 95: Thời đại 5G mà còn cầu nguyện à?

Bài 94: Đức tin hay mê tín

Bài 93: Khủng hoảng đức tin có tội chăng?

Bài 92: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong vụ nổ Big Bang?

Bài 91: Khi nào đến ngày tận thế?

Bài 90: Thiên đàng hỏa ngục hai bên

Bài 89: Đòi hỏi của Chúa Giêsu có còn hợp với thời đại công nghệ?

Bài 88: Kính lão đắc thọ

Bài 87: Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

Bài 86: Người ngoại đạo chết, linh hồn sẽ đi đâu?

Bài 85: Con nhà người ta

Bài 84: Quan điểm của Giáo hội về hôn nhân đồng tính

Bài 83: Vấn đề ly hôn của người Công giáo

Bài 82: Để trở nên cha mẹ Công giáo tốt

Bài 81: Thánh Giuse - Đấng bảo hộ gia đình

Bài 80: Kinh Thánh có thật là Lời Chúa?

Bài 79: Hỗ trợ sinh sản thông qua y học, nên hay không?

Bài 78: Người kitô hữu sống đức tin giữa lòng thế giới

Bài 77: Không biết không thể phục vụ

Bài 76: Một Giêsu cho người trẻ

Bài 75: Cách Giáo hội đồng hành với con người

Bài 74: Vấn đề độc thân của linh mục

Bài 73: Tình yêu thực sự là gì?

Bài 72: Sống trung thành trong giao ước hôn nhân

Bài 71: Nhẫn nhục làm nên hạnh phúc gia đình

Bài 70: Bất khả phân ly

Bài 69: Gia đình khác đạo

Bài 68: Vượt qua lười biếng

Bài 67: Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa

Bài 66: Chúa ơi! Con là người ngoại giáo

Bài 65: Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc

Bài 64: Giáo hội và vấn đề đồng tính

Bài 63: Kitô hữu là ai?

Bài 62: Chỉ một lần sống trên đời, nên sống sao cho trọn vẹn?

Bài 61: Hoàn thiện trong Đức Kitô

Bài 60: Nghe là làm theo Lời Chúa

Bài 59: Vấn đề sự sống đời sau

Bài 58: Các Thánh trong Cựu Ước và Tân Ước

Bài 57: Ươm mầm đức tin

Bài 56: Tự do

Bài 55: Sống chiều sâu

Bài 54: Bận lòng cùng Chúa

Bài 53: Đức Mẹ đồng trinh trọn đời

Bài 52: Tóm lược đạo Công Giáo

Bài 51: Vợ, hay "con vợ"?

Bài 50: Gia đình Công Giáo đóng góp cho xã hội Việt

Bài 49: Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình

Bài 48: Khôn ngoan thì tha thứ

Bài 47: Thủ dâm có phạm tội không?

Bài 46: Chúa dựng nên con cách lạ lùng

Bài 45: Người Công Giáo có nên đi xem bói?

Bài 44: Thiên Chúa và sự đau khổ

Bài 43: Nguyên nhân người trẻ rời xa Thiên Chúa

Bài 42: Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?

Bài 41: Làm sao tu? Tu làm sao?

Bài 40: Con người trực giác về Thiên Chúa

Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?

Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh

Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội

Bài 36: Những nơi thờ phượng

Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?

Bài 34: Robot thánh

Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội

Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo

Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai

Bài 30: Có Thiên Chúa thật không?

Bài 29: Cám dỗ tính dục

Bài 28: Chết trong an bình?

Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba

Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)

Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)

Bài 24: Giống nhau không?

Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn

Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Bài 21: Một đời để sống

Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!

Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta

Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo

Bài 16: Tương thân tương ái

Bài 15: Áo giáp chống nạn

Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội

Bài 13: Vấn đề truyền giáo

Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

Lời giới thiệu: Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/