50.000 tín hữu từ Singapore và các nước lân cận đã tham dự thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế vào thứ Năm ngày 12/9/2024 tại sân vận động quốc gia. Trong bài giảng của mình, ngài nhắc lại sự cao cả và uy nghi của các dự án của chúng ta có thể khiến chúng ta quên rằng nếu không có tình yêu, chúng ta chẳng là gì cả.
Ngài lưu ý rằng “có một kỳ công vĩ đại cần được đón nhận với lòng kính trọng và ngưỡng mộ” còn hơn “các công trình của con người”, đó là “những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mọi ngày trên đường chúng ta đi”. Và “toà nhà đẹp nhất, kho tàng quý giá nhất, việc đầu tư sinh lời nhất dưới con mắt của Thiên Chúa”, đó “chính là chúng ta, là hết thảy mọi người”.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn tình yêu thì xây dựng” (1Cr 8, 1). Thánh Phao-lô nói những lời này với anh chị em của cộng đoàn Ki-tô hữu ở Cô-rin-tô. Trong các thư gửi cho cộng đoàn này, vốn phong phú về nhiều đặc sủng (x. 1Cr 1, 4-5), thánh Tông đồ thường khuyên nhủ công đoàn nuôi dưỡng sự hiệp nhất trong tình bác ái.
Chúng ta hãy lắng nghe những lời này của thánh Phao-lô khi chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa cho Giáo hội ở Singapore, vốn dồi dào quà tặng, một Giáo hội năng động, phát triển và tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với nhiều Tín ngưỡng và Tôn giáo khác nhau mà Giáo hội cùng sẻ chia vùng đất tuyệt vời này.
Vì lẽ đó, tôi muốn suy niệm về những lời của thánh Phao-lô, lấy vẻ đẹp của thành phố này lẫn kiến trúc đậm nét và vĩ đại của nó như là điểm khởi đầu, đặc biệt tổ hợp Sân vận động Quốc gia đầy ấn tượng này, điều đã góp phần làm nên đất nước Singapore rất đỗi nổi tiếng và hấp dẫn. Trước tiên, chúng ta hãy nhớ lại rằng, cuối cùng, nguồn gốc của những toà nhà ấn tượng này, cũng như với bất kỳ công việc khác để lại dấu ấn tích cực trên thế giới của chúng ta, trong khi nhiều người có thể nghĩ rằng chúng chủ yếu liên quan đến tiền bạc, kỹ thuật hoặc thậm chí khả năng xây dựng, vốn chắc chắn là hữu ích, rất hữu ích, thì những gì chúng ta thực sự tìm thấy được là tình yêu, chính xác là ‘tình yêu xây dựng’.
Trong khi một số người có thể nghĩ đây là một phát biểu ngây thơ, thì qua việc suy niệm về lời này, chúng ta thấy rằng không phải như thế. Thật vậy, trong khi những công việc tốt lành có thể có những con người đầy sáng tạo, giàu có, mạnh mẽ và tài giỏi ở phía sau, thì bao giờ cũng có những người nam người nữ yếu ớt, như chúng ta đây, vì nơi đâu không có tình yêu, ở đó chẳng có sự sống, động lực, chẳng có lý do để hành động, chẳng có sức mạnh để dựng xây.
Anh chị em thân mến, nếu có bất cứ điều gì tốt tồn tại và kéo dài trong thế giới này, chỉ có thể là tình yêu, bởi trong vô số những tình cảnh, tình yêu đã vượt thắng thù hận, tình liên đới vượt trên sự lãnh đạm, lòng quảng đại vượt trên thói ích kỷ. Không có điều này, chẳng ai ở đây đủ khả năng để gầy dựng nên một thủ đô lớn lao, vì các kiến trúc sư sẽ chẳng thiết kế nó, các công nhân cũng không bắt tay làm việc và chẳng có gì được hoàn thành.
Vì thế, những gì chúng ta thấy được là dấu chỉ, và đằng sau mỗi một công trình trước mặt chúng ta, vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện về tình tình yêu được khám phá: những người nam người nữ hợp nhất lại với nhau trong một cộng đoàn, những công dân cống hiến cho đất nước của mình, những phụ mẫu lo lắng quan tâm cho gia đình của mình, những người thầy người thợ của mọi ngành nghề đang hết lòng góp phần trong những vai trò lẫn nhiệm vụ khác nhau của họ. Thật hữu ích cho chúng ta để học cách đọc được những câu chuyện này, được viết trước cửa nhà và trên đường phố của chúng ta, và truyền đạt lại ký ức về chúng, để nhắc nhớ chúng ta rằng không có gì trường cửu được sinh ra hay lớn lên mà không có tình yêu.
Đôi khi xảy ra là sự vĩ đại và lớn lao nơi những dự án của chúng ta có thể khiến chúng ta quên đi điều này, và đánh lừa chúng ta khi nghĩ rằng mỗi người có thể trở thành tác giả duy nhất của đời mình, của sự giàu sang, sự hiện hữu lẫn hạnh phúc của mình. Tuy nhiên, sau cùng, cuộc sống luôn đưa chúng ta trở về với một thực tại: không có tình yêu, chúng ta chẳng là gì cả.
Và rồi, đức tin chứng thực và soi sáng cho chúng ta một cách sâu sắc hơn về niềm xác tín này, bởi vì đức tin cho chúng ta biết rằng cội rễ của khả năng yêu thương và được yêu thương của chúng ta là chính Thiên Chúa, Đấng với tấm lòng của một Người Cha đã muốn và ước mong đưa chúng ta vào cuộc sống theo cách hoàn toàn nhưng không (x. 1Cr 8, 6), và cũng là Đấng đã cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết một cách nhưng không, nhờ sự chết và sự sống lại của Con Một Người. Chính trong Đức Giê-su mà tất cả những gì chúng ta là và có thể trở thành, đều có nguồn gốc và sự hoàn thành của chúng.
Như thế, trong tình yêu của mình, chúng ta nhìn thấy sự phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa, như Thánh Gioan Phao-lô II đã nói trong chuyến viếng thăm của ngài đến vùng đất này (x. Bài giảng trong Thánh lễ tại Sân vận động quốc gia Singapore, ngày 20/11/1986). Ngài tiếp tục thêm vào một điểm quan trọng rằng, ‘tình yêu được đặc trưng bởi lòng tôn trọng sâu xa dành cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, niềm tin của họ, hoặc bất cứ những gì làm cho họ khác biệt với chúng ta’ (ibid.).
Thưa anh chị em, đó là những lời quan trọng đối với chúng ta, bởi vì vượt xa hơn sự ngỡ ngàng mà chúng ta cảm thấy trước những công trình của con người, thì chúng nhắc nhở chúng ta rằng vẫn có một kỳ công vĩ đại hơn cần được đón nhận với lòng kính trọng và ngưỡng mộ hơn nữa: cụ thể, là những anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mọi ngày trên đường chúng ta đi, mà không phân biệt đối xử, khi chúng ta nhìn thấy ở xã hội Singapore và trong Giáo hội, vốn đa dạng về sắc tộc nhưng vẫn hiệp nhất và liên đới với nhau!
Toà nhà đẹp nhất, kho tàng quý giá nhất, việc đầu tư sinh lời nhất dưới con mắt của Thiên Chúa, đó là gì? Chính là chúng ta, hết thảy mọi người, vì chúng ta là con cái được yêu thương của cùng một Cha (x. Lc 6, 35), đến lượt chúng ta cũng được kêu gọi lan toả tình yêu thương. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nói với chúng ta về điều này theo những cách khác nhau. Từ những góc nhìn khác nhau, các bài đọc mô tả cùng một đức ái, vốn dịu dàng trong việc tôn trọng tính dễ bị tổn thương của người yếu thế (x. 1Cr 8, 13), lo liệu trong việc nhận biết và đồng hành với những ai bấp bênh trên đường đời (x. Tv 138), và quảng đại, tử tế trong việc thứ tha vượt trên những tính toán và đong đếm (x. Lc 6, 27-38).
Tình yêu mà Thiên Chúa tỏ bày cho chúng ta, và mời gọi chúng ta sẻ chia với người khác, “đáp ứng cách quảng đại những nhu cầu của người nghèo… được ghi dấu bởi lòng trắc ẩn dành cho những ai đang đau buồn… mau chóng biểu lộ lòng hiếu khách và kiên trì trong những lúc thử thách. Tình yêu đó luôn sẵn sàng tha thứ, hy vọng”, thứ tha và hy vọng đến chỗ chúc phúc cho lời nguyền rủa… tình yêu chính là trung tâm của Tin Mừng” (Thánh Gioan-Phaolô II, Bài giảng trong Thánh lễ tại Sân vận động quốc gia Singapore, ngày 20/11/1986).
Thật vậy, chúng ta có thể nhìn thấy điều này nơi nhiều vị thánh lớn, những người được lòng thương xót của Thiên Chúa chinh phục đến độ các ngài trở thành phản chiếu của lòng xót thương đó, một âm vang, một hình ảnh sống động. Ở đây, để khép lại, tôi muốn mời gọi lưu tâm đến chỉ hai nhân vật.
Trước hết là Đức Maria, mà chúng ta cử hành Danh Thánh của Mẹ hôm nay. Mẹ đã trao ban niềm hy vọng cho nhiều người qua sự trợ giúp và hiện diện của Mẹ, điều mà Mẹ vẫn không ngừng thực hiện! Biết bao miệng lưỡi đã cao rao Danh Mẹ, và còn tiếp tục cao rao trong những lúc vui tươi lẫn buồn sầu! Đó là vì nơi Mẹ, nơi Đức Maria, chúng ta nhìn thấy tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ một cách đẹp đẽ và trọn vẹn nhất, vì nơi Mẹ chúng ta thấy được sự dịu hiền -chúng ta đừng quên sự dịu hiền đó! – của một người mẹ, người luôn hiểu và tha thứ mọi sự và chẳng bao giờ ruồng bỏ chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta hướng về Mẹ!
Thứ đến là một vị thánh thân thương với vùng đất này, người đã tìm được sự hiếu khách ở đây nhiều lần trong hành trình sứ mạng của mình. Tôi đang nói đến Thánh Phanxicô Xaviê, người đã được đón tiếp tại vùng đất này nhiều lần, lần cuối cùng vào ngày 21 tháng 7 năm 1552.
Chúng ta vẫn có một bức thư thật hay mà thánh nhân đã viết cho thánh Inhaxiô và những người bạn đồng hành của ngài, trong đó thánh Phanxicô bày tỏ ước muốn đi đến mọi trường đại học vào thời của mình để la lên “như một kẻ điên… với những người có học thức hơn là lòng bác ái” để họ có thể cảm thấy bị thôi thúc trở nên những nhà thừa sai vì tình yêu thương anh chị em của họ, và cũng để “kêu lên với trọn tâm lòng: ‘Lạy Chúa, này con đây! Chúa muốn con làm gì?’” (Thư, Cochin, tháng Giêng năm 1544).
Chúng ta cũng có thể biến những lời này nên của mình, theo gương mẫu của ngài và của Đức Maria: “Lạy Chúa, này con đây; Chúa muốn con làm gì?”, để những lời đó có thể đồng hành với chúng ta không chỉ trong những ngày này, nhưng luôn mãi, như một lời cam kết liên lỉ lắng nghe và sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi yêu thương và sống công chính vốn không ngừng đến với chúng ta ngày hôm nay từ tình yêu vô tận của Thiên Chúa.
————————————
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
trích đăng lại từ Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/