THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG, CHÚA GIÊSU
VÀ HÌNH ẢNH CỦA CHÚNG TA VỀ THIÊN CHÚA[1]
Giới thiệu
Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta khi chỉ lấy một phương diện nào đó của Thiên Chúa và coi là tất cả. Hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa sẽ đưa đến hậu quả là có cái nhìn sai lạc và tai hại về con người. Vì thế, theo ông, rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người. Cái nhìn đúng đó sẽ giúp chúng ta đón nhận cuộc sống như nó vốn có và đạt được bình an và tự do nội tâm.
Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long xuyên
Phần bốn
- Từ bỏ mình
Câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu cho lời đồng cảm của Phêrô làm ông bị sốc: “Ai muốn làm môn đệ tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình và theo tôi”. (Mt. 16, 24). Ngày nay, người ta thường nhận định rằng: câu “hãy từ bỏ mình” của Chúa Giêsu đã gây tai hại cho rất nhiều người trong việc đánh giá sai về họ. Điều đó không đúng, bởi vì họ lẫn lộn giữa sự từ bỏ mình với thất vọng và với hình ảnh méo mó về mình. Nhưng dù cho câu Chúa Giêsu nói đôi khi bị hiểu sai đi nữa, thì nó vẫn rất có ý nghĩa trước lối sống trưởng giả, giàu sang của các kitô hữu, và trước một linh đạo muốn dùng Thiên Chúa phục vụ cho đời sống sung túc cá nhân.
Nhưng thực sự Chúa Giêsu muốn nói gì? Từ gốc hi lạp aparneisthai có nghĩa là “nói không với, từ chối, đối lập”. Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải biết chống lại, phải biết nói không với những khuynh hướng muốn chiếm đoạt tất cả, muốn dùng tất cả mọi sự cho mục đích cá nhân. Ai muốn sống hòa hợp với chính mình, phải có thể nói không với những sức mạnh đối lập với sự sống. Người ấy phải biết chống lại sự thèm khát muốn sở hữu mọi sự, để học biết là một con người - theo cách nói của Eric Fromm. Đó là từ chối bản năng sinh tồn bệnh hoạn để cái tôi đích thực trở nên thấy được. Ai chỉ tập trung vào mình, không bao giờ đạt đến cái tôi đích thực của mình. Theo Chúa Giêsu, chúng ta trở nên một con người thực sự khi loại bỏ được những mặt ích kỷ và ham muốn chiếm đoạt để tìm thấy cái tôi đích thực, cái tôi đó là một hình ảnh độc đáo phản chiếu nét đẹp khôn tả và khôn lường của Thiên Chúa, Để tìm thấy chính mình, thì trước hết tôi phải rời xa chính mình, tôi phải lui ra xa chính mình, để nhận biết tôi thực sự là ai, và nhận ra những gì chỉ là mơ mộng viễn vông, và những gì chỉ là ước muốn trẻ con.
- Vác thập giá mình
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để sống thành công thực sự. Sự sống thực không phải là chiếm đoạt mọi sự cho bản thân và né tránh mọi đòi hỏi. Nhưng đối với Chúa Giêsu, sống cũng không có nghĩa là đi tìm những gì làm cho cuộc sống trở nên đặc biệt khó khăn. Ai muốn sống theo tiếng vang vọng từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn và cũng là tiếng nói của Chúa Giêsu, người đó phải sẵn sàng vác thập giá mình, sẵn sàng chấp nhận những mâu thuẫn nơi chính mình, vì Thập Giá là hình ảnh của sự hợp nhất mọi mâu thuẫn. Nơi chúng ta, chứa đầy sự mâu thuẫn: chúng ta không chỉ có tình yêu mà còn có ghen ghét; chúng ta vừa sống theo kỷ luật, vừa muốn lách luật; chúng ta không chỉ sống với những thành công mà còn cả với những thất bại; chúng ta vừa khỏe mạnh, vừa đau ốm; chúng ta vừa sống đạo đức mà cũng vừa sống trong tội lỗi. Chỉ những ai biết chấp nhận mặt trái của mình, người đó mới thật sự trở nên con người đúng nghĩa.
Vác thập giá có nghĩa là chấp nhận bị đóng đinh mỗi ngày, và cũng có nghĩa là giải thoát tôi khỏi một số biểu thị mà có lẽ tôi cho rằng đời tôi phải như thế. Vác thập giá giúp tôi sẵn sàng để tìm thấy hình ảnh mà Thiên Chúa có về tôi, trong sự bị đóng đinh hàng ngày của tôi, trong những thất bại của tôi, trong những xung đột thường xuyên, cũng như những thiếu sót của tôi. Đời sống của người chấp nhận vác thập giá sẽ vững vàng dù có rất nhiều sự sụp đổ xung quanh và trong chính người đó. Trong thập giá, tôi không chỉ chấp nhận những mặt tối, mặt tiêu cực của tôi, mà còn chấp nhận những mâu thuẫn phát sinh từ cuộc sống trong xã hội. Nếu tôi đi trên con đường cuộc đời tôi, thì dù muốn dù không, tôi sẽ gặp thập giá. Nếu tôi can đảm đối diện với thập giá, Thiên Chúa sẽ mặc khải Ngài theo một cách thế mới trên con đường cuộc đời tôi.
- Thách thức cho thập giá: tìm thành công trong cuộc sống.
Đặc biệt là ngày nay, những lời Chúa Giêsu vừa nói là một thách thức chưa từng có, bởi vì chúng ta luôn bị cám dỗ nghe theo hàng ngàn hàng vạn lời khuyên về cách thành công trong cuộc sống. Người ta hứa hẹn chúng ta sẽ thành công rực rỡ, nếu chúng ta tham dự những lớp học họ dạy, nếu chúng ta theo sát chế độ ăn uống họ chỉ, nếu chúng ta năng tập gym theo phương pháp của họ; hoặc nếu chúng ta tập thiền định … Người ta như muốn cho chúng ta thấy rõ rằng mình có thể làm chủ cuộc đời mình. Còn Chúa Giêsu thì quả quyết ngược lại: ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, hay ai quá lo lắng cho đời sống sung túc của mình thì sẽ không ngừng thấy mình bất hạnh. Ai đi tìm sự sống bên ngoài mình, sẽ không bao giờ thấy nó. Không thể mua được sự sống. Nó không hệ tại sự sở hữu mọi sự; không hệ tại quyền lực, cũng như danh vọng. Sự sống quý hơn vàng. Nó là sự quý giá nhất. Nó quý giá tự bản chất của nó. Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng không phải là thành công trong cuộc sống, mà là khám phá chính sự sống, không phải từ những suy tư tích cực, mà là dò xét kỹ càng những suy tư của mình, và rút ra mọi hệ quả từ đó. Không phải là khám phá ra những sức mạnh của mình, mà là khám phá chính mình với những mạnh mẽ, những yếu đuối, những thăng trầm. Ai muốn có sự sống, người ấy phải dấn thân vào đó. Không phải là để rút ra tối đa lợi ích từ nó, nhưng là đặt con tim vào đó và sống hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực. Người như thế sẽ dấn thân cho cuộc sống với mặt sáng và cả mặt tối, với sự tiến bộ và cả sự thụt lùi, và người đó sẽ được nếm hưởng sự sống.
- Kết
Chúa Giêsu muốn khai mở cho chúng ta biết thế nào là sự sống đích thực, hướng dẫn chúng ta nghệ thuật để sống cách đích thực. Sự sống sẽ triển nở, nếu chúng ta dành cho nó thời gian, nếu chúng ta cho phép nó làm điều đó, nếu chúng ta cảm nhận được nó, nếu chúng ta đủ tự do để sống trong giây phút hiện tại. Theo Eric Fromm, sự sống không thuộc trật tự sở hữu, mà thuộc trật tự hữu thể; không phải là CÓ mà là LÀ. Nghệ thuật sống cũng giúp chúng ta có một kinh nghiệm khác về Thiên Chúa. Ai luôn sống đích thực, người đó sẽ khám phá Thiên Chúa là Đẫng Hằng Sống. Chúa Giêsu đã chỉ ra những điều kiện để có một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa. Chỉ người nào chấp nhận những thăng trầm, những mâu thuẫn, những nỗi vui nỗi buồn của cuộc đời mình, và chỉ người nào vác thập giá mình, mới có thể trải nghiệm về Thiên Chúa trong mọi mặt của cuộc sống. Người đó không đóng băng Thiên Chúa trong thành công của mình, Người đó tìm kiếm Thiên Chúa ở mọi nơi, ngay cả ở nơi mà người đó bị tước đoạt tất cả.
Chỉ ai chấp nhận chính mình vô điều kiện, mới có thể chấp nhận Thiên Chúa dưới mọi phương diện, ngay cả phương diện mờ mịt, khó hiểu nhất. Và chỉ có người như thế, mới có thể quên đi chính mình, giũ bỏ ý muốn sở hữu của mình, để mở lòng ra gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta không thể sử dụng Thiên Chúa tùy thích. Chỉ ai để cho thiên Chúa là Thiên Chúa, mới có thể học được rằng Ngài là Đấng thực sự đem đến cho mình một điều gì đó, là Đấng giải thoát mình thực sự, là Đấng chữa lành các vết thương của mình, là Đấng lôi cuốn mình vào màu nhiệm tình yêu của Ngài, và là Đấng ban cho mình sự sống đích thực. Chỉ người nào từ bỏ mình trong Chúa, mới tìm thấy chính mình. Chỉ ai buông bỏ sự sống để kết hợp với Đức Kitô, người đó mới nhận được sự sống viên mãn. Đó là nghịch lý của kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, đồng thời cũng là kinh nghiệm đích thực về con người. (hết)
[1] Chuyển ý từ “Ouvre tes sens à Dieu” (Hãy mở các giác quan của bạn cho Thiên Chúa), Anselm Grun, Mediaspaul, Paris 2006, trang 115-131.
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/