Chúng ta sống trong thế giới của Thiên Chúa
Chính khi ta khao khát ý thức hơn về sự Hiện Diện của Thiên Chúa thì từng giác quan trong ta đang không ngừng được ban cho những dấu chỉ hầu nhận thấy sự Hiện Diện và Hoạt Động sáng tạo của Thiên Chúa. “Đi mãi nơi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?” (Tv 139:7). Mọi thứ xung quanh con người đều có thể giúp họ nhận ra Thiên Chúa, Đấng hiện hữu đúng như niềm tin của họ cho phép. Lý tưởng tuyệt vời của thánh Inhã, “Tìm thấy Chúa trong mọi sự,” có thể trở nên một thực tại và phương cách sống cho mỗi người chúng ta. Để giúp các thao viên trở nên mẫu người “chiêm niệm trong hoạt động,” thánh Inhã đã đưa ra một số đề nghị trong bài “Chiêm niệm để được Tình Yêu.” Trong bài chiêm niệm này, ngài mời gọi thao viên “nhìn xem cách thứcThiên Chúa ngự trong các loài thụ tạo như thế nào, trong các nguyên tố bằng cách ban cho thực thể, trong thảo mộc bằng cách ban cho sức tăng trưởng, trong thú vật bằng cách ban cho cảm giác, trong loài người bằng cách ban cho trí khôn, …” (Lt 235). Họ còn được mời gọi “suy xét cách Thiên Chúa làm việc và hành động vì tôi như thế nào nơi mọi loài thụ tạo trên mặt đất… Do đó, trong các nguyên tố, thảo mộc, trái cây, thú vật, v.v., Ngài ban cho chúng thực thể, sự sinh tồn, sức tăng trưởng và cảm giác, v.v.” (Lt 236). Đây chắc chắn là một phương cách giúp mỗi người “tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự.”
Sẽ là sai lầm nếu ta nghĩ cầu nguyện cũng giống như việc mời Thiên Chúa đi vào trong sự hiên hữu, trong thế giới và trong cuộc sống của ta. Không phải Thiên Chúa đi vào sự hiện hữu của con người, nhưng chính con người tiến vào sự Hiện Hữu vinh hiển của Ngài. Thiên Chúa hiện diện gần gũi và gắn liền với cuộc sống chúng ta, và điều ấy vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Càng nhìn ngắm thế giới như nó thực sự là, nghĩa là nhìn nó như thế giới thuộc về Thiên Chúa, ta càng dễ dàng tìm thấy Ngài nơi ấy, đơn giản chỉ vì Ngài luôn hiện diện trong thế giới. Nếu Thiên Chúa không hiện diện nơi thế giới này, thì thế giới chẳng hiện hữu, và con người cũng chẳng hiện hữu. “Người không ở xa chúng ta, vì chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17:27-28).
Mọi sự chúng ta thấy, đụng chạm và sử dụng đều thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta thường nghĩ mọi thứ như thể chúng thuộc về mình, thuộc về bản thân tôi: quần áo của tôi, chiếc đồng hồ của tôi, căn phòng của tôi, v.v.. Những ai tuân giữ lời khấn khó nghèo có thể nghĩ mọi thứ thuộc về Hội Dòng của họ: quần áo của chúng tôi, chiếc đồng hồ của chúng tôi, căn phòng của chúng tôi, v.v.. Nhưng sự thật, mọi thứ đều thuộc về Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự. Ngài làm cho muôn loài hiện hữu. Mọi loài đều đáng trân trọng vì chúng được thánh hóa ngay từ thuở ban đầu. Mọi loài nhắc nhớ chúng ta về chính Đấng làm ra chúng. Bằng ánh nhìn Đức tin, con người có thể thấy mọi sự không chỉ như vẻ bề ngoài của chúng, nhưng như chúng thực sự là, tất cả do Thiên Chúa Toàn Năng tạo dựng, tất cả thuộc về Ngài. Nếu chúng ta trân trọng những thứ thuộc về ai đó được xem là quan trọng, ắt hẳn chúng ta phải trân trọng hơn những gì thuộc về Thiên Chúa.
Khi khởi sự giờ cầu nguyện, ta có thể dành vài phút nhìn ngắm những thứ xung quanh và tự nhủ tất cả chúng đều thuộc về Đấng mà ta đang kiếm tìm. Tỉ dụ, khi ngắm nhìn một bông hoa, ta nhủ thầm bông hoa xinh đẹp ấy là của Thiên Chúa, và rồi tiếp tục thưởng lãm, thậm chí đụng chạm vào nó với thái độ ngỡ ngàng và trân quí. Chúng ta cũng có thể nhìn những thứ khác với cùng một cách thức như vậy, hầu gia tăng niềm tin vào sự Hiện Diện của Thiên Chúa nơi muôn loài thụ tạo.
Dường như sẽ đơn giản hơn nếu ta nghĩ về Thiên Chúa như Đấng dựng nên muôn loài muôn vật trong thiên nhiên. Cũng thế, sẽ dễ dàng hơn để ta nhận ra Ngài hiện diện nơi bông hoa, khóm trúc, đàn chim, núi đồi và biển cả. Nhưng thực sự Ngài cũng chính là nguyên nhân của mọi sản phẩm con người làm ra như những tòa cao ốc, đồ nội thất, sách vở, áo quần. Con người sử dụng những chất liệu của Thiên Chúa như gỗ, kim loại cùng tất cả các nguyên tố khác, để từ đó làm nên những hình mẫu mới và những kết hợp mới hợp thời trang. Bất cứ thứ gì tình cờ xuất hiện trước mắt ta như cỏ cây, hoa lá, từng bức tường hay những ô cửa sổ, tất cả đều tỏ lộ cho ta về Đấng tạo dựng muôn loài mà trong cầu nguyện, chúng ta hướng về sự Hiện Hữu của Ngài.
Ngắm nhìn mọi sự dưới lăng kính Đức tin như thế còn là cách thức dễ dàng đưa tâm trí vốn thường xuyên lơ đãng của chúng ta thoát khỏi sự chia trí. Người ta có thể trở nên ý thức hơn với sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong suốt ngày sống bằng cách nhìn thấy nơi những đồ vật thông thường như chiếc bàn, cây viết và những thứ họ được phép sử dụng, tất cả đều thuộc về Thiên Chúa. Theo cách thức ấy, mỗi người sẽ lớn lên hơn trong thái độ ngỡ ngàng, trân quí và biết ơn như con trẻ. Với cùng một lối nhìn như thế, thái độ trân trọng, cảm kích của mỗi người dành cho người khác cũng sẽ lớn lên hơn nhờ việc chiêm ngắm những con người không chỉ theo vẻ bề ngoài, nhưng trong Đức tin, nhận biết họ thật sự là loài thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, và họ thuộc riêng về Ngài.
Tất cả những gì được nói đến liên quan tới việc tìm thấy Chúa trong mọi sự ngang qua việc nhìn ngắm những đồ vật hay những đối tượng cụ thể dưới ánh nhìn Đức tin, thì cũng có thể dùng để nói về việc lắng nghe những âm thanh khác nhau hầu thấy sự Hiện Diện của Ngài trong đó. Mọi âm thanh ta nghe được đều là tiếng muôn loài thụ tạo ca ngợi Thiên Chúa bằng chính bản chất chúng được tạo thành, và bằng chính việc tạo ra những âm thanh như khả năng được ban cho chúng. Chúng ta có thể nghe thấy lời ngợi khen ‘Ha-lê-lu-ia’ trong tiếng một động cơ đang nổ, trong tiếng chó sủa, tiếng trẻ em cười, hay bất cứ âm thanh nào ta tình cờ nghe được. Nơi muôn loài thụ tạo, Thiên Chúa đang nói với con người rằng: “Ta ở cùng con vì Ta yêu con!” Và như thế vị giác, xúc giác, khứu giác, tất cả đều có thể được dùng như phương thế cho cuộc chiêm niệm của chúng ta.
Ban Truyền thông Dòng Tên
[Xin mời quí độc giả theo dõi những phần tiếp theo trong các số sau]
Tác giả: Bill Schock, SJ
Lược dịch từ: Bill Schock, SJ, Prayer and Personal Growth, (Makati: St. Paul Publications, 1990), 22-25.
Nguồn: https://dongten.net