Thứ ba tuần 24 thường niên.
“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.
Lời Chúa: Lc 7, 11-17
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.
SUY NIỆM 1: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống
Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.
Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".
Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Người cho kẻ chết sống lại
Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”Rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” (Lc. 7, 12-14)
Trong bốn Tin Mừng, chỉ một mình Thánh Lu-ca kể lại câu chuyện cho thanh niên con bà góa thành Naim sống lại.
Hôm đó, hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng Naim: một đoàn có vị dẫn đầu là Đấng ban sự sống và một đoàn tiễn đưa người chết. Người chết là một con trai duy nhất của một bà góa. Tình trạng càng đau khổ hơn nữa cho bà mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự mình trong xã hội trọng nam khinh nữ đó. Đó là lý do đau khổ cùng cực của bà khiến cho đoàn người đông đảo đã cảm thương đến tiễn đưa con bà, như bản văn lưu ý tới.
Đức Giêsu đã xúc động và cảm thương nỗi đau buồn lớn lao này. Người là con Thiên Chúa thấy rõ những khốn cực của loài người, người là con người nên càng vô cùng nhạy bén trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của loài người. Nhiều trang Tin Mừng đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Người dừng lại trước bà mẹ tuyệt vọng và thì thầm an ủi bà, với tấm lòng chân thành cảm thương nồng nàn qua giọng nói nghẹn ngào: “Bà đừng khóc nữa!”.
Rồi Người tiến về phía quan tài, sờ vào nó, Người kêu gọi với giọng nói lạ lùng: Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy chỗi dậy! Người chết liền chỗi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ! một sự thật vô cùng kinh ngạc! không phải chỉ xảy ra lúc này mà còn cho đến tận cùng lịch sử loài người, mãi mãi Đức Kitô còn cho người ta sống lại, mãi mãi sứ điệp sự thật về phục sinh vẫn còn tiếp tục cho loài người. Đức Kitô, nhờ sự sống lại của Người đã mặc khải một sự sống phục sinh muôn đời: Một sự sống không bao giờ phải chết nữa, một sự sống hoàn toàn mới, vượt trên mọi xác phàm trần gian.
“Đức Giêsu đã trao anh ta cho bà mẹ”, Thánh Lu-ca đã đặc biệt chú thích thêm, để nhấn mạnh đến vai trò các phụ nữ trong thế giới đã liệng bỏ phụ nữ vào bóng tối không còn đếm xỉa gì đến công lao của họ. Người ta có thể đoán rằng chính lúc đó, Đức Giêsu đã tha thiết nghĩ đến Mẹ Người biết chừng nào! quyền năng và tâm tình tế nhị cảm thương đi đôi với nhau khi các Ngài bởi Thiên Chúa đến với nhân loại.
SUY NIỆM 3: HÃY SỐNG LIÊN ĐỚI VÀ THƯƠNG XÓT (Lc 7, 11-17)
Xem lại CN 10 TN C
Đức Giêsu “chạnh lòng thương” và làm cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại. Qua phép lạ này, Đức Giêsu tiên báo về sự phục sinh mai ngày của chính Ngài, đồng thời, Ngài cũng nói lên quyền năng của mình trong vai trò là Con Thiên Chúa, và thể hiện bản chất của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Hãy vững tin vào Thiên Chúa, vì không có việc gì mà Chúa không làm được. Hãy học nơi Đức Giêsu bài học về lòng thương xót, để sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác. Không bao giờ được phép vô cảm và vô tình trước nỗi khốn cùng của anh chị em.
Sự nhạy bén với nhu cầu của người khác phải là tinh thần sống động nơi tâm hồn chúng ta.
Bên cạnh đó, hình ảnh chỗi dạy của con trai bà góa cho chúng ta một bài học về sự sám hối là: trở về với Chúa thì được sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ. Một tấm lòng biết “chạnh lòng thương” như Chúa khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 4: Thiên Chúa viếng thăm dân Người
Suy niệm :
Thánh Luca đã viết câu chuyện này như một người quay phim.
Ngài bắt đầu từ cảnh Đức Giêsu và các môn đệ cùng đi với một đám đông.
Thầy trò và mọi người đang trên đường tiến vào thành Nain.
Khi gần đến cửa thành thì lại gặp một đám đông khác đi ra.
Đây là một đám tang lớn có đông người theo ra mộ.
Sau đó là cận cảnh Đức Giêsu gặp bà mẹ của người chết.
Cuối cùng trở lại với cảnh của hai đám đông kinh sợ ngỡ ngàng,
và câu chuyện kỳ diệu lan ra khắp Giuđê và các vùng lân cận.
Chuyện Đức Giêsu gặp đám tang là chuyện tình cờ trên đường.
Nhưng điều đánh động trái tim Ngài lại không phải là chuyện người chết,
dù anh thanh niên này chết khi còn cả một tương lai.
Điều thu hút cái nhìn và mối quan tâm của Đức Giêsu chính là bà mẹ.
Đó là một bà góa không còn chỗ nương tựa.
Bà đã dự đám tang của người chồng.
Và bây giờ bà lại dự đám tang của đứa con trai duy nhất.
Chỗ dựa còn lại và cuối cùng cũng bị lấy đi.
Đức Giêsu hiểu rất nhanh về nỗi đau của người phụ nữ.
Bà biết mình bị trắng tay cả về tình cảm lẫn vật chất.
Có lẽ bà đã nhiều lần tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu?
Đức Giêsu trông thấy bà, thấy nỗi đau và nước mắt.
Ngài bảo: Bà đừng khóc nữa (c. 13).
Dường như Ngài không có khả năng chịu được nước mắt của người khác.
Khi thấy cô chị Maria khóc em là Ladarô đã chết (Ga 11, 33),
Đức Giêsu đã thổn thức và xao xuyến, rồi Ngài bật khóc (Ga 11, 34).
Sau này Ngài hỏi chị Maria Mađalêna khóc bên mộ vì mất xác Thầy:
Này bà, tại sao bà khóc? (Ga 20, 15).
Đức Giêsu hiểu rõ nỗi đau của sự chia ly bởi cái chết.
Ngài cũng hiểu rõ về nước mắt của phận người, dù vì bất cứ lý do gì.
Nhiệm vụ của Ngài là lau khô nước mắt và làm cho con tim vui trở lại.
Đức Giêsu đã chạm đến quan tài, hay đúng hơn,
chạm vào cái cáng khiêng xác được chôn theo kiểu người Do Thái.
Ngài nói với anh như ra lệnh: Tôi bảo anh, hãy trỗi dậy (c.14).
Anh thanh niên ngồi dậy và bắt đầu nói: anh đã được hoàn sinh.
Như Êlia ngày xưa, Ngài trao anh cho bà mẹ (1 V 17,23).
Ai là người vui nhất? Bà mẹ, người con, đám đông, hay Đức Giêsu?
Có lẽ là Đức Giêsu, người đã đem lại hạnh phúc cho người khác.
Khi đứa con lao vào vòng tay mẹ,
khó lòng Ngài giấu được giọt nước mắt vì vui.
Đám đông kêu lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (c.16).
Thiên Chúa không chỉ thăm dân Do Thái qua Đức Giêsu (Lc 1, 68.78; 19, 44),
Chương trình làm việc mỗi ngày của Ngài là thăm cả thế giới.
Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn đến thăm tôi qua bao người khác,
và Ngài muốn tôi đi thăm để lau khô nước mắt cho người bạn gần bên.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)