Suy niệm Thứ năm 23/05/2019 – Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh. – Niềm vui được trọn vẹn.

Niềm vui được trọn vẹn.

23/05 – Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

"Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

 

SUY NIỆM 1: Niềm vui được trọn vẹn

Chúng ta tiếp tục những tâm sự của Chúa Giêsu trao gửi cho chúng ta sau khi đã cùng nhau suy nghĩ về hình ảnh cây nho và cành nho mà Ngài đã dùng để kêu gọi chúng ta gắn bó với Ngài nơi Tin Mừng hôm qua. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta noi gương Ngài như Ngài đã giữ luật truyền của Chúa Cha và ở lại trong Chúa Cha, thì chúng ta cũng hãy giữ luật truyền của Ngài để được ở trong Ngài. Chính vì được ở trong nhau như thế đã làm nên niềm vui và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn vì tất cả chúng ta đều có Thiên Chúa ở với mình. Thiên Chúa có niềm vui hoàn hảo, niềm vui viên mãn, niềm vui tràn đầy cho tất cả những ai yêu mến và ở trong Ngài.

Những lời của Chúa Giêsu mời gọi các đồ đệ hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh về thái độ sống của mình. Mỗi đồ đệ Chúa đã được chọn, được huấn luyện sống tình thương theo mẫu gương của Chúa. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, lời Chúa luôn mời gọi, khuyến khích, và ân sủng không thiếu cho những ai cầu xin để được nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin thương giúp mỗi người chúng con chừa bỏ khuyết điểm của mình. Xin cho chúng con mỗi ngày một sống tình yêu thương của Chúa nhiều hơn. Xin thương ban cho toàn thể Giáo Hội Chúa ơn hiệp nhất và bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Yêu mến và vâng phục

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thế chiến thứ II chấm dứt, Đức Gioan Phaolô đã mạnh mẽ kết án các ý thức hệ độc tài và kêu gọi thế giới rút ra bài học từ cuộc chiến dã man ấy. Ngài mời gọi mọi người hướng nhìn về bao nhiêu trại tập trung trên thế giới, đó là biểu trưng của những hậu quả tàn khốc do các ý thức hệ độc tài.

Nhân loại có lẽ vẫn chưa học được bài học từ thế chiến thứ hai. Ngày nay nhiều cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn xâu xé nhiều miền trên thế giới. Đức thánh cha đặc biệt kêu gọi giới trẻ hãy từ bỏ những ý thức hệ bạo động, những hình thức chủ nghĩa quốc gia quá khích và những hình thức bất khoan dung, vì đó là con đường dẫn đến chiến tranh. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tựu trung là một lời kêu gọi học sống yêu thương.

Tin mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con, Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chua Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có một suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm cách hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.

Hãy thay đổi tâm lòng, hãy mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều  mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Vui lên: Thiên Chúa yêu anh em

Những lời của Đức Giêsu là một mặc khải đem lại vui mừng cho chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được đầy tràn”. Thường thường mặc khải cho thấy chúng ta là bạn của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, không phải để mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Tin mừng chỉ trao cho ta một tấm vé nhỏ in câu: “Cười đi Chúa yêu bạn đấy”, rồi lại để cho chúng ta rơi vào buồn chán, buồn tủi.

Thế là khiến ta mỉm cười … một nụ cười chế diễu, ngây ngô, vô hạn. Tình yêu Thiên Chúa đem lại cho chúng ta có vẻ vô ích, hư thực, dường như tình yêu trong tiểu thuyết nực mùi nước hoa hồng.

Chúng ta bị cản trở khi tìm hiểu thực chất của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không thấu triệt được, không kết hợp được với tình yêu Thiên Chúa, dù có cố gắng tìm tòi với bao mồ hôi, với những lý sự vụn vặt và công sức mạo hiểm. Cho dù có những ông bác học, ông Mỹ, ông Pháp tài giỏi đến đâu muốn giúp chúng ta hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, thì tình yêu đó vẫn quá xa ta, vẫn vô nghĩa và chẳng giúp được gì.

Tình yêu của Thiên Chúa được thấu hiểu tường tận, tình yêu mà Chúa Cha ban cho ta, sẽ trở nên nguồn vui vô tận. Bởi vì đây là tình yêu bác ái giúp chúng ta đi tới kết hợp với Thiên Chúa trong sự toàn thiện bản tính loài người chúng ta, dẫn chúng ta đến kết quả mỹ mãn, làm chúng ta hoàn hảo trọn vẹn.

Nếu chúng ta hiểu được mặc khải mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên bạn hữu của Ngài, tham dự vào gia nghiệp của Ngài, chúng ta sẽ càng hy vọng trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, lúc đó chúng ta sẽ trung thành hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Tới lúc đó, những khô khan và nghi ngờ sẽ chấm dứt và chúng ta sẽ vui mừng xưng hô lên rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu này trở thành sinh lực dồi dào và gắn bó chặt chẽ Thiên Chúa với chúng ta. Lúc đó niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.

C.G

 

SUY NIỆM 4: NẾU... THÌ SẼ...! (Ga, 15, 9-11)

Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.

Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình... Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.

Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng... đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót... Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?

Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!

Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Niềm vui trọn vẹn

 

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.

Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.

Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,

mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,

từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.

Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,

nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.

Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,

để niềm vui của Thầy ở trong anh em,

và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).

Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.

“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian

để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).

Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.

Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.

Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,

và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,

bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.

Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,

“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,

vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.

Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,

Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).

Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,

để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).

Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,

nên ai giữ lệnh Thầy truyền

cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.

Và con người tưởng mình có thể tìm được

bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.

Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.

Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!

Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!

Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.

Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc

ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nguồn: http://gplongxuyen.org