Suy niệm ngày 19/03/2018 – Thứ hai tuần 5 Mùa Chay – Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria. Lễ trọng. Lễ Họ. Cầu cho giáo dân. – Người Công Chính.

Thứ hai 19/03/2018 – Thứ hai tuần 5 Mùa Chay – THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Người Công Chính.

"Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền".

 

* Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, có sứ mạng “chăm sóc Đức Giêsu như một người cha”. Nhưng Chúa đã muốn người chủ Thánh Gia ở Nagiarét tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh, thân thể của Chúa Kitô. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh thì thánh Giuse là Đấng che chở Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Mt 1, 16. 18-21. 24a

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây:

Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

  

SUY NIỆM 1: Thánh Giuse, người đi trong đêm tối

(Suy niệm của TGM. Ngô Quang Kiệt)

Trong các bức vẽ thánh Giuse, tôi thích nhất bức tranh vẽ Thánh Giuse đưa Ðức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập. Bầu trời đen thẫm, một vài tia chớp lóe lên ở cuối chân trời vừa soi đường cho Thánh Giuse, vừa báo hiệu cơn giông bão sắp tới. Ðức Maria bồng Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse dắt lừa. Cả người, cả lừa như lẩn vào màn đêm. Bức tranh không chỉ đẹp ở nét vẽ gợi cảm mà còn đẹp về ý nghĩa. Ngắm nhìn bức tranh, tôi thấy hiện lên cả cuộc đời Thánh Giuse, một đời bước đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối đức tin, Ngài đã sống chung với Ðức Maria và Chúa Giêsu, những con người của huyền nhiệm. Một người bình thường đã là một thế giới huyền bí. Một con người của huyền nhiệm lại càng sâu xa bí ẩn hơn bội phần. Ði bên những huyền nhiệm cũng như đi trong đêm tối, Thánh Giuse không hiểu gì hết. Không hiểu mà vẫn phải đón nhận. Không hiểu mà vẫn phải tin, phải yêu. Không hiểu mà vẫn phải đồng hành hết suốt cuộc đời. Thánh Giuse giống như một người lính canh, được cấp trên giao cho một chiếc hộp đóng kín. Người lính canh chỉ có nhiệm vụ canh giữ mà không được phép mở ra. Trong hộp có gì? Có thể là một kho tàng quí giá. Nhưng cũng có thể chỉ là một chiếc hộp rỗng không. Không biết, nhưng vẫn phải canh giữ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối im lặng. Ngài đi trong sự im lặng của Ðức Maria người bạn yêu quí. Trước những mầu nhiệm cao cả, Ðức Maria đã lặng thinh không nói. Ngài đi trong sự im lặng của Ðức Giêsu. Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm ẩn giấu vì Ðức Giêsu không hề hé lộ thân phận. Ngài đi trong sự im lặng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp nói với Ngài. Chỉ có vài lần mà chỉ là những tiếng vọng mơ hồ giữa đêm khuya trong giấc ngủ, vẫn là ngôn ngữ của im lặng. Ngài đi trong im lặng của chính mình. Im lặng đáng sợ nhất là khi phải đối đầu với nguy hiểm, với nghi ngờ, với những vấn đề hệ trọng của đời sống. Im lặng khó hiểu. Khi những gì thân thiết nhất trong đời trở nên bí ẩn, cách xa. Im lặng nguy hiểm. Nó có thể đốn ngã cây cổ thụ, làm chao đảo những niềm tin vững mạnh nhất.

Trong cả 4 Phúc Âm không thấy ghi lại lời nào của Thánh Giuse. Ngài bước đi trong âm thầm lặng lẽ. Thánh Giuse đã đi trong đêm tối lãng quên. Ngài bị lãng quên trong một làng quê nhỏ bé, trong thân phận nghèo hèn của bác thợ mộc. Người ta không bao giờ nhắc đến Ngài. Nếu có nhắc đến cũng chỉ để chê bác ái, dè bĩu, hạ thấp thân phận của Ðức Giêsu: "Giêsu con của bác Giuse thợ mộc tầm thường ấy mà. Có làm gì nên chuyện". Ngài bị lãng quên luôn luôn ở phía sau, luôn luôn chìm trong bóng tối.

Phúc Âm kể về Ðức Maria, sách Tông đồ Công vụ kể về Ðức Maria. Nhưng từ khi Ðức Giêsu khôn lớn không ai nói gì về Thánh Giuse nữa. Ngài chìm vào đêm tối quên lãng. Ngài luôn luôn đóng vai phụ, như hình ảnh người dắt lừa đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối thử thách thân phận nghèo hèn. Sống trong im lặng và lãng quên, nhưng những thử thách Ngài phải đương đầu lại rất cam go. Rất hiền lành, nhưng phải đương đầu với Hêrôđê hung hãn. Mình giữ mình chưa xong, lại còn phải che chở cho một hài nhi sơ sinh và một sản phụ yếu ớt. Nhưng những thử thách khốn khó về thể lý, dù cam go thế nào cũng còn chịu được, những thử thách đức tin mới thật là khủng khiếp. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa ư? Ðức Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ư? Thật khó mà tin được. Sao Con Thiên Chúa quyền uy dường ấy lại bé nhỏ yếu ớt nghèo hèn thế này? Sao Vua Trời vinh hiển lại phải trốn chạy một ông vua trần thế. Các thử thách làm cho đêm tối càng đen hơn, càng dày hơn, càng sâu hơn.

Tuy đêm có đen, tuy chân có mỏi, tuy lòng có xao xuyến nhưng Thánh Giuse vẫn bước đi. Tuy thử thách còn nặng nề nhưng Thánh Giuse vẫn chiến đấu. Cha Teilhard de Chardis nói "Người chiến đấu giống như người bơi lội ngoài biển ban đêm. Ban đêm người bơi lội vùng vẫy làm dao động mặt nước biển có ánh sáng lóe lên chung quanh mình".

Thánh Giuse đã chiến đấu. Những chiến đấu mạnh mẽ cũng làm lóe lên ánh sáng soi bước cho chân Ngài đi.

Ði trong đêm tối đức tin. Ngài có ngọn lửa đức mến soi đường. Ðêm đen lắm nhưng Ngài cứ yêu mến Chúa, cứ gắn bó với Chúa và cứ bước đi với Chúa.

Trong đêm tối im lặng, Ngài đốt lên trong tâm hồn ngọn đèn thao thức, lắng nghe đón chờ. Niềm thao thức khiến tâm hồn Ngài nhạy bén như một phần mỏng. Lời Chúa chỉ thoáng nhẹ như làn gió thoảng phím đàn đã rung lên. Ý Chúa chỉ mờ ảo trong giấc mơ Ngài đã đọc được và mau mắn thi hành.

Trong đêm tối lãng quên, Ngài có đèn khiêm nhường dẫn lối. Khiêm nhường chìm vào quên lãng, khiêm nhường phục vụ. Khiêm nhường sâu thẳm. Ngài cũng có tâm tình như thánh Gioan Tẩy Giả: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".

Trong đêm tối thử thách Ngài thắp lên ngọn đèn tin yêu phó thác. Tin vững vàng vào lời Chúa, hoàn toàn phó thác cho Chúa, để Chúa dẫn đường qua đêm đen mù mịt.

Lạy Thánh Giuse, con cũng đang đi trong đêm đen. Xin hãy thắp lên trong con những ngọn đèn của Thánh Cả, soi đường cho con đi đến nơi bình an.

 

SUY NIỆM 2: Người Công Chính

"Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo".

Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

Ðược Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha.

Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương, thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.

Trong chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương.

Trước tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.

Tiếp đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.

Qua đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu cho Thánh cả Giuse, xin Chúa chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – R. Veritas)

 

SUY NIỆM 3: Trung Thành Với Thánh Ý Thiên Chúa

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cả Giuse, mặc dù thánh nhân chỉ xuất hiện vài lần trong các sách Tin Mừng. Nhưng chừng ấy cũng đủ để Giáo Hội có cơ sở để tôn vinh Người trong vai trò cha nuôi của Chúa Giêsu và là bạn trăm năm của Ðức Maria.

Thánh Giuse là mẫu người thầm lặng ít nói. Các sách Tin Mừng không ghi lại lời nào của Người, ngay cả lúc tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thờ, thì cũng chính Ðức Maria là người lên tiếng nói với Chúa Giêsu. Thánh Giuse ít nói nhưng người chăm chú lắng nghe các lệnh truyền của Chúa và mau mắn làm theo, nhiều khi các lệnh truyền ấy có vẻ ngang trái bất ngờ. Khi nhận Ðức Maria làm vợ và đưa Mẹ về nhà mình; khi đem gia đình trốn sang Ai Cập; khi hồi hương trở về Nazareth, thánh Giuse luôn luôn trung thành với thánh ý Thiên Chúa mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Hễ Thiên Chúa gọi thì Người lắng nghe; Thiên Chúa nói thì Người vâng lời. Thánh Giuse đúng là một người sống đức tin bằng hành động, không lý luận, không thắc mắc, tâm hồn và thân xác Người luôn sẵn sàng dâng hiến để thánh ý Thiên Chúa được thi hành. Và quả thật, nhờ sự cộng tác đắc lực của thánh Giuse, mà kế hoạch nhập thể của Chúa Giêsu được diễn ra hết sức tốt đẹp. Không đòi hỏi được tuyên dương, thánh Giuse đã làm trọn sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó cho Người.

Lạy Thánh Cả Giuse, nhiều khi con ham nói mà ít chịu lắng nghe tiếng Thiên Chúa, ham suy luận mà ít chịu vâng phục cách triệt để thánh ý Thiên Chúa. Xin thánh nhân dạy con biết noi gương Người, biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thinh lặng và biết sống đức tin bằng hành động. Xin thánh nhân nâng đỡ những người cha trong gia đình để họ sống trọn sứ mạng làm chồng, làm cha. Xin thánh nhân phù trợ Giáo Hội Việt Nam trong vai trò hướng dẫn những người Kitô và làm chứng cho đức tin Kitô giữa lòng dân tộc.

 

SUY NIỆM 4: Khủng hoảng gia đình

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong cuộc sống của mọi người chúng ta. Theo Công đồng, thì gia đình chính là trường học đầu tiên dạy chúng ta những bài học làm người. Thực vậy, mỗi khi nghĩ về gia đình tôi thường cảm thấy một cái gì thật êm đẹp và ấm cúng, những điều mà bà mẹ dạy cho con khi nó còn ngồi trên gối, những bài học mà người cha đã chỉ bảo cũng như những kỷ niệm, những mẫu gương của đời sống gia đình. Tất cả những cái đó sẽ không bao giờ tàn phai trong cõi lòng chúng ta. Một khi cá nhân đã được canh tân, thì xã hội và Giáo Hội cũng được mang lấy một bộ mặt mới. Chính vì vậy gia đình đã góp một phần rất lớn vào công cuộc xây dựng một Giáo Hội thánh thiện và một xã hội lành mạnh. Gia đình là viên gạch, là nền tảng cho xã hội, gia đình là một tế bào sống của Giáo Hội hay nói một cách khác, gia đình chính là một Giáo Hội được thu nhỏ lại.

Thế nhưng hơn bao giờ hết, hiện nay gia đình lại rơi vào một tình trạng khủng hoảng trầm trọng và bị lung lay đến tận gốc rễ. Nào là tình yêu bị đe doạ với những bộ luật cho phép được ly dị, xoá bỏ những hôn nhân trong đời. Nào là những thai nhi không được bảo đảm với những phương thuốc ngừa thai và phá thai. Bên Âu châu, vợ chồng thay đổi nhau như thay đổi áo. Có những cô đào đã trải qua bảy tám đời chồng mà vẫn chưa tìm thấy một nơi để dừng lại. Cha mẹ thì đau khổ vì con cái, nhưng con cái lại cảm thấy bực bội trước những cấm đoán của cha mẹ. Giữa cha mẹ và con cái có một vực thẳm ngăn cách mà không có lấy một nhịp cầu thông cảm. Con cái nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt trong bầu khí gia đình vì những sự la hét, chửi bới của cha mẹ, để rồi thoát ly gia đình, đi bụi đời, sống một cuộc sống lang thang, để rồi giết hại đời minh trong những vui thú tệ hại như cần sa, như ma tuý. Nếu chịu khó ngồi xuống và trong yên lặng hãy suy nghĩ về thực trạng đó, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều lý do tạo nên. Nhưng trong giây phút này tôi chỉ muốn nêu lên một lý do chính yếu đó là thiếu sự nhường nhịn.

Thực vậy, bá nhân bá tánh, mọi người đều có một tính tình riêng, và hơn thế nữa nhân vô thập toàn, mọi người đều có những sai lỗi của mình. Nơi đó trong một nếp sống chung, không thể nào tránh khỏi những bực bội, những buồn phiền, những sai lỗi của người khác. Ngay như đến Thánh gia cũng không thoát khỏi cái định luật chung ấy: Bấy giờ Giuse nhận thấy Maria mang thai không bởi hành động của mình. Sự kiện này đã làm cho Giuse đau khổ không ít, chắc hẳn Giuse cũng đã trải qua những đêm không ngủ để tìm hiểu, để đặt ra những câu hỏi và tìm lấy những câu trả lời, Giuse đã âm thầm chịu đựng. Nếu như chúng ta, thì sẽ phải làm cho ra lẽ. Và trong sự ghen tương, chúng ta sẽ đánh đập người vợ ấy một trận nên thân, rồi đuổi người vợ ấy về với cha mẹ, hay lôi người vợ ấy ra toà để ly thân, ly dị, vì chúng ta không thể chấp nhận được một sự chia sẻ tình yêu như vậy, và chắc hẳn gia đình chúng ta sẽ tan rã. Chính trong sự yên lặng và nhường nhịn, Giuse đã tìm ra chân lý, Giuse đã hiểu được sự thật, Giuse đã vượt qua cơn sóng gió, để rồi chấp nhận và yêu thương Maria như người bạn trăm năm của mình.

Kinh nghiệm bản thân cũng cho ta thấy, một sự nhịn là chín sự lành: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Chính sự nhường nhịn ấy sẽ tạo nên tình yêu và một bầu khí ấm cúng trong gia đình. Làm sao mà người chồng có thể còn bực tức trước một cử chỉ yêu thương như thế: chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận gì. Chúng ta hãy học cùng thánh Giuse để biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái. Đồng thời chúng ta hãy xin Thánh Giuse sửa đổi những sai lỗi trong gia đình chúng ta.

Có một người vợ trẻ âm thầm chịu đựng những đau khổ do một ông chồng chơi bời trác táng gây nên ông ta bỏ nhà ra đi không kể ngày và đêm. Người vợ trẻ ấy chỉ còn biết tìm an ủi trong việc tíao dục đứa con duy nhất và xin thánh Giuse hoán cải người chồng của mình. Một buổi tối ông ta trở về nhà nghe thấy có tiếng nói chuyện. Ông ta nhìn qua khe cửa và thấy được một cảnh tượng cảm động: Người vợ đang dạy đứa con cầu nguyện: Con hãy cầu xin cho ba con, người mà má hằng yêu thương và con cũng sẽ yêu thương, con hãy xin thánh Giuse hướng dẫn ba con. Ông ta vô cùng xúc động trước cảnh tượng đó và đã dứt khoát trở về với mái ấm gia đình. Chúng ta cũng hãy xin thánh Giuse phù trợ cho gia đình chúng ta.

 

SUY NIỆM 5: Suy Niệm về Thánh Giuse

(Suy niệm của Cao Huy Hoàng)

Tháng 3 về, chúng ta cùng tạ ơn Thánh Giuse là Đấng bảo trợ mỗi gia trưởng chúng ta trong thời gian qua, và còn sẽ bảo trợ chúng ta trong suốt cuộc đời làm chồng, làm cha, làm ông nội, ông ngoại.

Tỏ lòng tri ân ấy, Chúa không muốn chúng ta chỉ nói lên bằng lời, mà còn phải nói lên bằng cuộc sống gia trưởng theo mẫu gương gia trưởng nhân đức của Ngài. Vì thế, suy niệm về những ngày đời thánh thiện của Thánh Giuse, làm bài học quí giá cho mỗi gia trưởng là thật cần thiết.

Đón nhận nhau trong đức tin

Thiên Chúa đã chọn Thánh Giuse cộng tác vào chương trình cứu chuộc, chương trình mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, nên có thể nói, người được Thiên Chúa chọn hẳn phải là một người đủ phẩm cách đẹp lòng Thiên Chúa. Và điều đẹp lòng Chúa nhất là Tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

Quả thật, nếu đức tin của Mẹ Maria được thể hiện bằng sự khiêm tốn và vâng phục để Thiên Chúa thực hiện mầu nhiệm nhập thể: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như Lời sứ thần truyền. Xin hãy thành sự trong tôi, như Lời Ngài đã phán”, thì Thánh Giuse âm thầm không nói gì, không trả lời gì, mà Ngài chỉ làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Điều Thánh Giuse đã làm là một câu trả lời “vâng phục” bằng “đức tin” hùng hồn nhất (x. Rm 1,5; 16,26; 2Cr 10,5-6).

Thế thì, Lời chúc của Elizabet dành cho Mẹ Maria “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45) cũng chính là lời mà mọi miệng lưỡi phải chúc tụng Thánh Giuse như vậy.

Thánh Giuse và Mẹ Maria đã đón nhận và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa là đón nhận nhau, và cả hai cùng đón nhận Phôi Thai Đấng Cứu Thế bằng một đức tin. Từ đó, làm thành một cộng đoàn mới của Thiên Chúa, trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Việc thánh Giuse đón Đức Maria về làm vợ trong lúc Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế, quả là một gương đức tin hùng hồn vào Thiên Chúa quyền năng: Thiên Chúa chọn cho Giuse một người vợ. Thiên Chúa chọn cho Maria một người chồng. Thiên Chúa chọn cho Đấng Cứu Thế những người làm Cha Mẹ. Vì quả thực, nếu để tự Giuse chọn, có lẽ Giuse không chọn Maria, vì ngại những tiếng đời dị nghị. Nhưng việc ấy không xảy ra theo ý của Giuse, mà đã xảy ra ngược lại theo ý của Thiên Chúa.

Còn chúng ta, có tin rằng Thiên Chúa đã tham gia vào việc chọn lựa của mình không? Có nhiều người đã sống với nhau bao nhiêu năm rồi, mới ngộ ra là có bàn tay Thiên Chúa định liệu cho việc của Chúa nơi gia đình mình. Có nhiều người cho là chuyện ông trời xe định, nồi nào vung nấy. Nhưng thiết tưởng đức tin công giáo đòi hỏi chúng ta phải xác tín ngay từ buổi đầu của cuộc hôn nhân rằng Thiên Chúa tham dự vào việc tuyển chọn cho mình một người bạn đời theo ý Chúa. Và từ ấy, cuộc sống của vợ chồng trải ra trong sự quan phòng của Thiên Chúa, để tiếp tục công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và tiếp tục thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài. Chỉ trong đức tin, cuộc sống của hôn nhân mới có đủ nghị lực để vượt qua những thử thách và bền vững cho đến cùng.

Như vậy, việc đón nhận nhau trong đức tin là bài học trước tiên của đời sống gia đình công giáo. Đón nhận một người bạn đời về chung sống với nhau nên nghĩa vợ chồng, đón nhận con cái Chúa ban trong ánh sáng đức tin, có thể nói là đón nhận tình yêu Thiên Chúa, hồng ân của Thiên Chúa nhằm đến việc thực hiện chương trình mạc khải của Thiên Chúa nơi gia đình là: Tình yêu và cứu độ.

Nhìn lại đời sống gia đình chúng ta, mỗi người có thể suy xét lại và trả lời trước mặt Chúa, rằng ngày ấy con yêu nàng, con cưới nàng làm vợ, có phải vì Đức Tin là để có một gia đình nhằm thực hiện chương trình của Chúa, hay có một gia đình thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta đã đón nhận nhau vì Chúa hay vì ta? để sống cho Thiên Chúa hay cho chúng ta?

Thánh thiện trong đức cậy

Mẹ Maria đã tin tưởng và ký thác toàn thân mình cho Thiên Chúa để Ngài thực hiện ơn cứu độ, thì thánh Giuse cũng cậy trông hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa để vượt thắng những nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp tinh tuyền thánh thiện của gia đình Con Thiên Chúa. Việc giữ đức khiết tịnh cho mình và cho người bạn đời, thiết tưởng phải việc ưu tiên hơn cả. Bởi vì thánh ý của Thiên Chúa đã khởi đầu bằng việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng một trinh nữ. Và trinh nữ ấy đã khấn nguyện giữ mình đồng trinh đến trọn đời. Như thế, đời sống gia đình của Thánh Giuse, Mẹ Maria và Con Thiên Chúa phải là một đời sống tinh tuyền tuyệt đối nơi cả ba con người.

Với loài người, thì không thể, nhưng với Thiên Chúa thì việc gì cũng có thể. Và chúng ta tin rằng, đức cậy trông nơi Thánh Giuse phải là tuyệt hảo. Chính vì đức trông cậy và nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, mà Thánh Giuse vượt thắng những yếu hèn của đời người, gìn giữ được đức công chính, vẻ đẹp nguyên tuyền của mình trong trắng thanh cao như nhành huệ, đồng thời bảo bọc được sự đồng trinh trọn đời của người bạn đời chí thiết.

Hình ảnh người con mà đức tin cho biết là “Con Thiên Chúa” trong gia đình, có thể nói là yếu tố quan trọng vào bậc nhất trong việc hình thành đức cậy trông nơi Thánh Giuse. Người “con làm việc của Cha trên trời” và “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” là hoa trái của đức cậy trông mà Thánh Giuse đã miệt mài ký thác.

Gia đình chúng ta hôm nay quên nhắm đến hạnh phúc do sự công chính, thánh thiện mang lại, mà chỉ nhắm đến hạnh phúc do những giá trị trần thế ban phát cho. Thật đáng trách cho mỗi gia trưởng chúng ta, khi không hướng gia đình đến đời sống thánh thiện thuần khiết, lại còn vướng vào những trào lưu tục hóa làm mất đi vẻ thánh thiện nguyên tuyền của hôn nhân công giáo. Thêm vào đó, lại không hướng niềm cậy trông vào Chúa mà lại đặt hy vọng nơi những thực tại hão huyền.

Chu toàn trách nhiệm trong đức mến

Hoa trái của Đức tin là đức mến. Đức Mến thôi thúc thánh Giuse chu toàn vai trò làm chồng làm cha trong gia đình. Từ việc đưa vợ về làm sổ bộ, lo cho vợ sinh nở, đưa vợ con trốn sang Ai cập, hồi cư, cắt bì và đặt tên cho con, dâng con vào đền thờ, tìm con khi lạc mất, cùng vợ con kiếm có cái ăn cái mặc… tất cả đều được thể hiện với tình yêu mến.

Chúa Giêsu lớn lên và trưởng thành mặt nhân tính trong cung lòng Mẹ Maria, thực ra trong trái tim yêu thương của Mẹ Maria và trong tấm lòng từ ái của Cha Thánh Giuse. Cả hai đầy tình yêu thương và tính trách nhiệm.

Tình thương đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa, và cụ thể nơi vợ chồng Maria, Giuse: Tình thương đó là hy sinh cho người mình yêu được hạnh phúc. Sự hy sinh ấy bao gồm cả tự do, ý chí, sự sống, thời gian và tất cả những gì tưởng như mình phải được, cũng bằng lòng mất đi. Sự hy sinh ấy được thể hiện với lòng khiêm cung, lịch sự, khoan dung, nhẫn nại. Và sự hy sinh ấy chính là nét họa bản tính của Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi con người có lòng yêu mến Ngài.

Cả Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đều đã thắm đẫm tình yêu của Thiên Chúa. Vì yêu nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa, nên việc chu toàn trách nhiệm với đứa con được sinh ra cũng chính là chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó trong nhiệm cuộc của Ngài.

Tình mến không vị kỷ. Tình mến không huênh hoang. Tình mến không nóng nảy…. là tình mến của Thánh Giuse. Tình mến chứa chan sự công chính thánh thiện, tràn đầy niềm hân hoan, vẻ dịu dàng, nét khiêm tốn là tình mến của Thánh Giuse. Tình mến ấy phải là tình mến chuẩn mực cho các gia trưởng hôm nay.

Nghĩ về mình, có thể có đôi người trong chúng ta đang được niềm vui mừng vì đã theo gương nhân đức của Thánh Giuse trong đời sống gia đình, nhưng thiết tưởng, đa số trong chúng ta chưa chọn lấy tình mến chuẩn mực của Ngài làm tiêu chí sống đời vợ chồng gia đình. Thật đáng tiếc.

Tháng 3 lại về, tháng kính Thánh Giuse, cho chúng ta một cơ hội nhìn vào gương sống của thánh quan thầy các gia trưởng mà suy nghĩ về:

* Mầu nhiệm gia đình, trước tiên, phải xác tín gia đình là một mầu nhiệm trong nhiệm cuộc sáng tạo và cứu rỗi nhân loại.

* Đức tin của chúng ta, Đức tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng, đã chọn lựa và chỉ định cho chúng ta người bạn đời, để sống với nhau mà thực hiện thánh ý Chúa.

* Đức trông cậy của chúng ta, đức trông cậy duy nhất nơi sức mạnh của Thiên Chúa mới giúp chúng ta sống công chính thánh thiện và bình an hạnh phúc.

* Đức mến của chúng ta, đức mến phải được mặc lấy lòng khoan dung từ bi nhân hậu của Thiên Chúa mà chu toàn bổn phận Chúa giao phó trong sứ mệnh sáng tạo và cứu rỗi ngay trong chính gia đình mình.

Nguyện xin Thánh Giuse cầu thay nguyện giúp cho mỗi gia trưởng chúng con biết noi gương nhân đức Ngài, mà thăng hoa cuộc lữ hành trần thế của chúng con trên đường công chính.

 

SUY NIỆM 6: Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II Nói Về Gương Thánh Giuse

Anh chị em rất thân mến,

Ngày 19 tháng 3, chúng ta cử hành Lễ Thánh Giuse. Vào trung tâm của Mùa Chay, Phụng vụ trình bày cho chúng ta vị thánh vĩ đại này như là gương mẫu để noi theo, và như là Ðấng bảo vệ để chúng ta cầu khẩn.

Trước hết, thánh Giuse là mẫu gương sống Ðức Tin cho chúng ta. Như Tổ Phụ Abraham, thánh Giuse đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa; vì thế Ngài là mẫu gương khích lệ, nhất là khi chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, dựa trên "Lời Ngài" đã phán, mà không nhìn thấy được rõ ràng Ý Ðịnh của Chúa.

Hơn nữa, chúng ta được mời gọi noi gương Ngài, trong việc khiêm tốn thực thi sự vâng phục, một nhân đức chiếu sáng nơi Ngài trong nếp sống thinh lặng và trong việc làm ẩn khuất. Trường học Nazareth quý giá biết bao cho con người thời nay, bị bao vây bởi một nền văn hóa rất thường đề cao vẻ bề ngoài và sự thành công, đề cao sự độc lập và một quan niệm sai lầm về tự do cá nhân. Ngược lại, thật là cần thiết biết bao, việc phục hồi lại giá trị của sự đơn sơ và vâng phục, sự tôn trọng và yêu mến đi tìm thánh ý của Thiên Chúa.

Thánh Giuse đã sống phục vụ cho vị hôn thê của mình và cho Con Thiên Chúa; và như thế, đối với các tín hữu, thánh Giuse trở thành chứng tá hùng hồn cho biết phải cai trị hay phục vụ như thế nào. Ðặc biệt, tất cả những ai, trong gia đình, trong trường học và trong giáo hội, có trách vụ sống làm cha, làm người hướng dẫn, đều có thể nhìn về thánh Giuse, để được huấn luyện sống tốt lành. Nhất là tôi nghĩ đến những người cha, mừng lễ của họ vào đúng ngày lễ dành cho thánh Giuse. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai mà Thiên Chúa đã thiết lập trong giáo hội để thực hiện "tình cha thiêng liêng".

Nguyện xin thánh Giuse, vị thánh mà dân Kitô tin tưởng khẩn cầu, luôn hướng dẫn những bước tiến của đại gia đình Thiên Chúa. Xin thánh nhân hãy đặc biệt trợ giúp cho những ai đang chu toàn vai trò làm cha tự nhiên hoặc thiêng liêng. Xin thánh Giuse hãy cùng đồng hành với những lời khẩn cầu của chúng ta và xin Mẹ Maria khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta, Mẹ là vị hôn thê đồng trinh của thánh Giuse và là Mẹ của Ðấng Cứu Chuộc.

+ Gioan Phaolô II

(bản dịch của Nguyễn Việt Nam)

 

SUY NIỆM 7: Yên lặng, làm việc và vâng phục

Cuộc đời thánh cả Giuse có thể được tóm kết trong ba nhân đức, đó là yên lặng, làm việc và vâng phục.

Trước hết thánh cả Giuse là một con người yên lặng.

Phúc Âm đã không để lại một lời nói nào của thánh cả. Phải chăng đó cũng là một sự kiện đặc biệt đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thực vậy, thế giới hôm nay là một thế giới của âm thanh, của ồn ào. Con người thời nay thường nhìn sự vật theo những lời quảng cáo và đánh giá kẻ khác theo những lời tuyên bố nóng bỏng. Nhất là nhìn vào đời sống, chúng ta thấy rằng mình đã sai lỗi quá nhiều trong lời nói. Đúng thế, với lời nói, chúng ta có thể vấp phạm bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ với ai và bất kỳ về vấn đề nào. Bởi đó, có người đã đưa ra một so sánh thật buồn cười: nếu mỗi lần chúng ta nói hành nói xấu người khác, mà Chúa khiến chúng ta phải hắt hơi, thì chắc hẳn tiếng hắt hơi của chúng ta đã át cả tiếng ồn ào của xe cộ, của thác nước, của sóng biển. Chúng ta thường nói nhiều và đã nói nhiều thì cũng thường nói bậy và nói sai, như người xưa đã bảo: đa ngôn thì đa quá. Hơn thế nữa, nói nhiều thì cũng thường hay nói dai và nói ẩu khiến cho người khác phải buồn phiền, tình yêu thương bị sứt mẻ và sự cảm thông không còn nữa. Ném một nắm lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại được. Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp. Bởi đó, hay thận trọng trong lời nói, bởi vì:

– Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Và nhất là chúng ta hãy học cùng thánh cả Giuse bài học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng và sóng gió, bởi vì nếu biết yên lặng đúng lúc, thì có thể chặn đứng được 90% những đổ vỡ đáng tiếc, vì yên lặng là vàng, là thái độ khôn ngoan nhất của con người và là phương thuốc chữa lành những tội lỗi xấu xa.

Tiếp đến thánh cả Giuse là một con người cần cù lao động.

Phúc Âm cũng không để lại cho chúng ta nhiều chi tiết về vấn đề này. Nhưng chắc chắn ngài là một người thợ siêng năng và nổi tiếng. Thực vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, những người cùng quê với Ngài đã ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Ngài và họ đã bàn tán: Bởi đâu Ngài được như thế? Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó ư? Tại Nagiarét, thánh cả Giuse đã làm việc bằng đôi tay của mình để phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Với chúng ta cũng vậy. Lao động và sản xuất đó là những ngôn từ được nghe nói đến rất nhiều và chúng thực sự có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống hôm nay. Con người sinh ra để làm việc, như cánh chim sinh ra để tung bay. Nhờ làm việc, con người biến đổi bộ mặt trái đất và đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa. Nó là như một thứ muối mặn làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống.

Nhưng cụ thể hơn, đó là nhờ làm việc chúng ta mới có được chén cơm manh áo, như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Ai không làm thì không đáng ăn.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn về nàng ve và chị kiến: Nàng ve chỉ biết ca hát suốt cả mùa hè, đến khi mùa đông tới thì liền bị chết đói và chết rét. Trong khi đó, chị kiến cần cù tích trữ từng hột gạo, thì dù gió bấc có thổi cũng không lo sợ bị túng thiếu.

Sự nghèo túng gõ cửa nhà người làm việc, nhưng không bao giờ dám bước vào. Hay như ca dao cũng bảo:

– Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho.

– Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

Với xã hội, thì lao động là một cách thức chúng ta trả nợ cho đời, đồng thời cũng là một cách thức chúng ta góp phần xây dựng quê hương đất nước. Thực vậy, sống trong xã hội, chúng ta liên hệ mật thiết với nhau và nương tựa vào nhau nhiều lắm. Chẳng hạn hằng ngày chúng ta hưởng dùng đường sữa, xăng dầu…do công lao của người khác, thì bây giờ đến lượt chúng ta phải đóng góp bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta đem lại.

Còn đối với Thiên Chúa, thì lao động chính là một cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong cộng cuộc sáng tạo như lời Ngài đã phán: Hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi loài trong vũ trụ.

Sau cùng, thánh cả Giuse là một con người luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Phúc Âm đã kể lại ba lần thiên thần hiện ra trong giấc mộng để báo cho thánh cả biết ý định của Thiên Chúa và lần nào thánh cả cũng đã cúi đầu xin vâng mà không hề phản đối. Lần thứ nhất thánh cả đã xin vâng, đón nhận Maria về nhà làm bạn mình, dù đang phân vân và nghi ngờ. Lần thứ hai thánh cả đã xin vâng đưa Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu lên đường trốn sang Ai Cập. Và lần thứ ba thánh cả đã xin vâng trở về Palestine, định cư tại Nagiarét. Cả ba lần, thánh cả đều vâng lời mau mắn, không đặt vấn đề, không hỏi tại sao.

Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình hơn là ý Chúa. Và mỗi khi gặp phải những tai ương hoạn nạn, chúng ta thường kêu trách và xúc phạm đến Chúa, vì chúng ta cho rằng Chúa bất công và vâng lời chỉ là một hành động hèn nhát, mất tự do và chôn vùi nhân phẩm. Vì thế, hãy sống yên lặng, làm việc và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta sẽ trở nên là những tôi tớ trung thành và khôn ngoan như thánh cả Giuse ngày xưa.

 

SUY NIỆM 8: Thánh Giuse, người công chính – TGM. Ngô Quang Kiệt

Khi mừng lễ thánh Giuse, tôi thường tự hỏi. Không biết thánh Giuse, người sống cách đây 2000 năm có còn thích hợp với thời đại chúng ta không? Không biết thánh Giuse, Đấng đã coi sóc một gia đình gồm toàn những đấng thánh có thể làm gương mẫu cho gia đình chúng ta, những gia đình gồm toàn những con người phàm trần không?

Tin Mừng hôm nay nói thánh Giuse là người công chính. Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse, ta có thể hiểu được nội dung tính từ công chính. Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Nói khác đi công chính là không dám nhận những gì không phải của mình. Thánh Giuse định trốn đi khi biết Đức Maria mang thai. Theo lối giải thích xưa kia thì thánh Giuse trốn đi vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời mới thì thánh Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu Thế. Chức vị làm cha Đấng Cứu Thế là một chức vị quá cao trọng, thánh Giuse thấy mình không phải là Cha Đấng Cứu Thế, không xứng đáng làm Cha Đấng Cứu Thế, nên Ngài bỏ trốn.

Công chính là chu toàn nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của thánh Giuse là gìn giữ Đức Giêsu và Đức Maria. Chúa đã trao cho Ngài nhiệm vụ đó và Ngài đã hết sức chu toàn. Chu toàn với tinh thần trách nhiệm cao, không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Chu toàn với sự tế nhị, kính cẩn, nâng niu, hãy nhìn cảnh Thánh Gia trốn sang Ai cập, Đức Maria bế Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse dắt lừa đi trong đêm tối. Không còn cảnh tượng nào đẹp đẽ hơn. Thánh Giuse trân trọng kho tàng Chúa trao cho Ngài gìn giữ. Thánh Giuse kính cẩn nâng niu Đức Maria và Đức Giêsu, ngài chu toàn nhiệm vụ với tinh thần dấn thân hy sinh không ngại gian khổ. Đang đêm mà Chúa bảo thức dậy trốn sang Ai cập, ngài cũng thức dậy lên đường ngay tức khắc.

Những nhiệm vụ của thánh Giuse xem ra tăm tối, không có gì vinh quang. Nhưng thánh Giuse vẫn chăm chỉ chu toàn, và không đòi cho mình nhiệm vụ nào khác. Chẳng hạn sau này các Tông đồ được mọi người kính phục, thánh Giuse vẫn không ghen tị và đòi cho mình quyền đó. Ngài thật là người công chính.

Sau cùng, công chính là trung tín với nhiệm vụ. Thánh Giuse được Chúa trao cho nhiệm vụ gìn giữ Đức Maria và Đức Giêsu, gìn giữ gia đình, ngài đã hết sức chu toàn trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như trong hoàn cảnh khó khăn. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải lao động vất vả để nuôi sống gia đình. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải chung sống với súc vật trong ngày Đức Maria hạ sinh Đức Giêsu. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải vất vả bồng bề Đức Giêsu chạy trốn sang Ai cập. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse kiên trì tìm kiếm khi Đức Giêsu đi lạc 3 ngày trong Đền thờ. Trung tín không hề xao nhãng, không hề lẩn tránh, không hề lùi bước trước nhiệm vụ khó khăn, thánh Giuse thật là người công chính.

Ngày nay thánh Giuse vẫn hợp thời, vẫn là gương mẫu cho con người, vẫn là niềm mơ ước của con người. Vì thế giới ngày nay đang thiếu vắng sự công chính. Người ta gian tham nhận những gì không phải của mình. Không phải chỉ gian tham tiền bạc mà còn gian tham chức quyền, danh vọng. Vì thiếu công chính mà người ta hãm hại người khác, chiếm đoạt tiền của, danh dự của người khác. Vì thiếu công chính mà người ta sống giả dối, làm hàng giả, nói dối, mượn bằng giả. Vì thiếu công chính nên người ta trốn tránh nhiệm vụ. Chỉ thích những việc nhàn tản, phô trương, trốn tránh những việc nặng nhọc, hèn kém.

Các gia trưởng nhiều khi lười biếng, ham vui mà thiếu trách nhiệm với gia đình, với vợ con. Sự trung tín ngày nay đang là một vấn đề lớn, người ta bất tín, lừa đảo, gian dối trong đời sống xã hội, trong kinh doanh buôn bán, người ta thiếu trung tín cả trong gia đình. Chỉ một vài thử thách, thiếu thốn, người ta sẵn sàng từ bỏ nhiệm vụ, từ bỏ người thân.

Nên thánh Giuse vẫn còn là gương mẫu cần thiết cho người thời nay. Những đức tính của ngài, sự công chính của Ngài rất hữu ích để chấn chỉnh, xây dựng xã hội hôm nay.

Thánh Giuse, người đi trong đêm đen

Trong các bức tranh vẽ thánh Giuse, tôi thích nhất bức tranh vẽ thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Đức Giêsu trốn sang Ai cập. Bầu trời đen thẫm. Một vài tia chớp loé lên ở cuối chân trời vừa soi đường cho Thánh gia, vừa báo hiệu cơn giông bão sắp tới. Đức Maria bồng Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse dắt lừa. Cả người cả lừa như lẩn vào màn đêm. Bức tranh không chỉ đẹp ở nét vẽ gợi cảm, mà còn đẹp về ý nghĩa, Ngắm bức tranh, tôi thấy hiện lên cả cuộc đời thánh Giuse: một đời bước đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối đức tin. Ngài đã sống chung với Đức Maria và Đức Giêsu, những con người của huyền nhiệm. Một người bình thường đã là một thế giới huyền bí. Một con người của huyền nhiệm lại càng sâu xa bí ẩn hơn bội phần. Đi bên những huyền nhiệm cũng như đi trong đêm tối. Thánh Giuse không hiểu gì hết. Không hiểu mà vẫn phải đón nhận. Không hiểu mà vẫn phải tin, phải yêu. Không hiểu mà vẫn phải đống hành cho đến mãn đời. Thánh Giuse giống như người lính canh được cấp trên trao cho một chiếc hộp đóng kín. Người lính canh chỉ có nhiệm vụ canh giữ mà không được phép mở ra. Trong hộp có gì? Có thể là một kho tàng quý giá. Nhưng cũng có thể là chiếc hộp rỗng không. Không biết. Nhưng vẫn phải canh giữ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối im lặng. Ngài đi trong sự im lặng của Đức Maria, người bạn yêu quý. Trước những mầu nhiệm cao cả, Đức Maria đã lặng thinh không nói. Ngài đi trong sự im lặng của Đức Giêsu. Thiên Chúa làm người vẫn là một mầu nhiệm ẩn dấu và Đức Giêsu không hề hé lộ thân phận. Ngài đi trong sự im lặng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp nói với Ngài. Chỉ có vài lần. Mà chỉ là những tiếng vọng mô hồ, giữa đêm khuya, trong giấc ngủ. Vẫn là ngôn ngữ của im lặng. Im lặng đáng sợ. Nhất là khi phải đối đầu với nguy hiểm, với nghi ngờ, với những vấn đề hệ trọng của đời sống. Im lặng khó hiểu khi những gì thân thiết nhất trong đời lại trở nên bí ẩn, cách xa. Im lặng nguy hiểm. Nó có thể đốn ngã thân cổ thụ, làm chao đảo những niềm tin vững mạnh nhất. Ngài đi trong im lặng của chính mình. Trong cả bốn Phúc Âm, không thấy ghi lại lời nói nào của thánh Giuse. Ngài bước đi trong âm thầm lặng lẽ.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối lãng quên. Ngài bị lãng quên trong làng quê nhỏ bé, trong thân phận nghèo hèn của bác thợ mộc. Người ta không bao giờ nhắc đến Ngài. Nếu có nhắc đến, cũng chỉ để chê bai, dè bỉu, để hạ thấp thân phận của Đức Giêsu: “Giêsu con của bác Giuse thợ mộc tầm thường ấy mà. Có làm gì nên chuyện”. Ngài bị lãng quên vì luôn luôn ở phía sau, luôn luôn chìm trong bóng tối.

Phúc Âm kể về Đức Maria. Sách Tông Đồ Công Vụ kể về Đức Maria. Nhưng từ khi Đức Giêsu khôn lớn không ai nói gì về Thánh Giuse nữa. Ngài chìm vào đêm tối quên lãng. Ngài luôn luôn đóng vai phụ, như hình ảnh dắt lừa đi trong đêm tối.

Thánh Giuse đã đi trong đêm tối thử thách. Thân phận nghèo hèn. Sống trong im lặng và lãng quên, nhưng những thử thách Ngài phải đương đầu lại rất cam go. Rất hiền lành, nhưng phải đương đầu với Hêrôđê hung hãn. Mình giữ mình chưa xong, lại phải che chở cho một hài nhi sơ sinh và một sản phụ yếâu ớt. Nhưng những thử thách, khốn khó về thể lý dù cam go thế nào cũng còn chịu được. Những thử thách đức tin mới thật là khủng khiếp. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ư? Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ư? Thật khó mà chấp nhận được. Sao này? Sao Vua Trời vinh hiển lại phải trốn chạy một ông vua trần thế. Các thử thách làm cho đêm tối càng đen hơn, càng dầy hơn, càng sâu hơn.

Tuy đêm có đen, tuy chân có mỏi, tuy lòng có xao xuyến nhưng Thánh Giuse vẫn bước đi. Tuy thử thách có nặng nề, Thánh Giuse vẫn chiến đấu. Cha Teilhard de Chardin nói: người chiến đấu giống như người bơi lội ngoài biển ban đêm: “Ban đêm, người bơi lội vùng vẫy trong làn nước biển có chất lân tinh, làm ánh sáng loé lên chung quanh mình”.

Thánh Giuse đã chiến đấu. Những chiến đấu mạnh mẽ cũng làm loé lên chung quanh Ngài những làn ánh sáng soi bước chân Ngài đi.

Đi trong đêm tối đức tin, Ngài có ngọn lửa đức mến soi đường. Đêm đen lắm, nhưng Ngài cứ yêu mến Chúa, cứ gắn bó với Chúa, và cứ bước đi với Chúa.

Trong đêm tối im lặng. Ngài đốt lên trong tâm hồn ngọn đèn thao thức, lắng nghe, đón chờ. Niềm thao thức khiến tâm hồn Ngài nhạy bén như một phím đàn mỏng. Lời Chúa chỉ thoáng nhẹ như làn gió thoảng, phím đàn đã rung lên. Ý Chúa chỉ mờ ảo trong giấc mơ, Ngài đã đọc được và mau mắn thi hành.

Trong đêm tối lãng quên, Ngài có đèn khiêm nhường dẫn lối. Khiêm nhường chìm vào quên lãng. Khiêm nhường phục vụ, khiêm nhường sâu thẳm. Ngài có cùng tâm tình như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.

Trong đêm tối thử thách, Ngài thắp lên ngọn đèn tin yêu phó thác. Tin vững vàng vào Lời Chúa. Hoàn toàn phó thác cho Chúa. Để Chúa dẫn đường qua đêm đen mù mịt.

Lạy Thánh Giuse, con cũng đang đi trong đêm đen. Xin hãy thắp lên trong con những ngọn đèn của Thánh Cả, soi đường cho con đi đến nơi bình an.

 

SUY NIỆM 9: Thánh Giuse, gương mẫu thời đại – TGM. Ngô Quang Kiệt

Khi chọn một vị thánh bảo trợ, ta đặt mình dưới sự chở che cứu giúp của Người và cũng mong noi gương bắt chước đời sống đức hạnh của Người. Tất cả những ai xin thánh cả Giuse bảo trợ chắc chắn sẽ được Người chở che gìn giữ, như xưa Người đã gìn giữ Đức Giêsu và Đức Maria trong cuộc đời dương thế. Nhưng ít có ai noi gương được đời sống của Người. Đó là một đời sống thánh đức chiếu toả ra những nét đẹp cao quý mà ta khó bắt chước.

Nét đẹp thứ nhất ở nơi thánh Giuse mà ta khó bắt chước, đó là đức tính ít nói. Lần giở những trang Tin Mừng, ta thấy diễn tả nhiều hành động của thánh cả Giuse, nhưng không thấy trích dẫn lời nói nào của Người. Người làm nhiều nhưng nói ít. Còn ta, ta thương nói nhiều và làm ít. Tục ngữ Việt nam có câu: Đa ngôn đa quá. Ai nói nhiều sai lỗi nhiều. Thực vậy trong đời sống có biết bao hiểu lầm phát sinh từ những lời nói thiếu trung thực. Biết bao đổ vỡ do những lời nói thiếu trách nhiệm gây nên. Biết bao lời nói trống rỗng không chứa đựng nội dung xây dựng. Biết bao lời nói làm vẩn đục tâm hồn, vẩn đục môi trường đạo đức, làm ô nhiễm bầu khí bác ái. Thánh Giacôbê thật chí lý khi nói: “Ai không sai lỗi trong lời nói thì đó là người hoàn hảo. Người ấy có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2). Thánh Cả Giuse đã kiềm chế được lời nói, chứng tỏ Người hoàn toàn làm chủ được bản thân. Sự im lặng của Người là sự im lặng của kẻ mạnh. Sự im lặng của Người là sự im lặng của một đời sống nội tâm phong phú. Sự im lặng của Người là sự im lặng hoạt động đem lại những kết quả tốt đẹp.

Nét đẹp thứ hai ở nơi thánh Cả Giuse mà ta khó bắt chước, đó là sự vâng lời tuyệt đối. Người luôn vâng lời Chúa, dù lệnh Chúa truyền chỉ mơ hồ trong cơn mê ngủ, dù lệnh Chúa truyền nhiều khi rất khó chấp nhận. Làm sao chấp nhận được một phụ nữ đã có thai làm bạn? Không bao giờ Người thắc mắc, chối từ. Không bao giờ Người tỏ ý ngần ngại trước những mệnh lệnh khó khăn. Trong mọi nơi mọi lúc, Người luôn vâng lệnh Chúa một cách mau chóng, tức khắc, vui tươi. Thấy Đức Maria đã mang thai, Người muốn trốn đi, nhưng khi Chúa tỏ ý muốn Người ở lại nhận Đức Maria làm bạn, Người vâng lệnh ngay tức khắc. Khi Chúa muốn Người đưa Đức Giêsu và Đức Maria trốn sang Ai cập, Người đã thức dậy và tức khắc lên đường giữa đêm khuya. Thật là một sự vâng lời tuyệt đối. Còn ta, trước những lệnh truyền của Chúa, ta có thái độ nào? Nếu ta không chối từ thì cũng uốn nắn theo ý riêng. Ít nhất cũng thắc mắc, giảm nhẹ. Nếu có vâng lời thì cũng ngần ngại, chậm trễ thi hành. Sự vâng lời tuyệt đối nói lên đức tin mãnh liệt vào Chúa. Vì hoàn toàn tin tưởng nên hoàn toàn phó thác. Vì hoàn toàn phó thác nên hoàn toàn vâng phục. Dù không hiểu, nhưng cứ dấn bước lên đường. Sự vâng lời tuyệt đối nói lên một lòng mến yêu tha thiết. Vì mến yêu tha thiết nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì, cho dù không hiểu, cho dù khó khăn. Thánh Cả Giuse có lòng tin tưởng tuyệt đối và lòng yêu mến tha thiết đối với Chúa, nên đã vâng lời Chúa một cách tuyệt đối.

Nét đẹp thứ ba ở nơi thánh Cả Giuse mà ta khó bắt chước, đó là sự khiêm nhường quên mình. Đọc trong Tin Mừng, ta không bao giờ thấy Người xuất hiện ở những nơi công khai được nhiều người biết đến, trái lại Người luôn có mặt ở những nơi tối tăm âm thầm. Người không làm những việc lớn lao trọng đại, nhưng chỉ chu toàn những bổn phận nhỏ bé thông thường. Một hình ảnh quen gặp là bức vẽ hoạ cảnh Thánh gia trốn sang Ai cập. Đức Mẹ bế Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse đi bộ, dắt lừa âm thầm trong đêm tối. Tôi có cảm tưởng Người đã tự nguyện hạ mình xuống để Chúa được tôn vinh. Người đã tự nguyện sống âm thầm để Chúa được nhận biết. Người đã tự nguyện lùi vào bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Người đã chấp nhận bị quên lãng để Chúa được yêu mến. Còn chúng ta, chúng ta thường làm ngược lại. Ta luôn muốn nâng mình lên, nên Chúa thường bị hạ xuống. Ta luôn muốn phô trương bản thân, nên Chúa bị chìm trong âm thầm. Ta luôn muốn xuất hiện trong ánh sáng, nên Chúa bị đẩy lùi vào bóng tối. Ta luôn tìm cho mình được yêu mến, nên Chúa bị chôn vùi trong quên lãng.

Những nhân đức của thánh Cả Giuse thật khó bắt chước, nhưng đó là những đức tính rất cần cho thời đại chúng ta. Thế giới ngày nay quá ồn ào, cần có những con người hành động. Thế giới ngày nay đã chán ngán những lý thuyết, cho dù rất hay, rất đẹp, nên cần có những con người thực hành, làm chứng nhân. Thế giới ngày nay đang đánh mất niềm tin yêu phó thác, cần có thánh Cả Giuse như mẫu gương trung tín và khôn ngoan. Thế giới càng ngày càng tiến đến hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, đang cần những con người khiêm nhường, phục vụ, quên mình. Nếu ta biết noi gương những nhân đức của thánh Cả Giuse, ta sẽ có thể thánh hoá bản thân, củng cố gia đình và góp phần cải tạo xã hội.

Lạy thánh Cả Giuse, xin hãy chở che gìn giữ giáo phận chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM 10: Uy quyền và thương xót – TGM. Ngô Quang Kiệt

Hãy đến cùng Giuse

Thánh cả Giuse được chọn giữa muôn người để làm cha nuôi Chúa cứu thế. Ngài là một người khiêm nhường về công chính, được diễm phúc chăm lo cho Chúa Giêsu mọi thứ, từ nhà ở đến của ăn thức uống, đã dâng Chúa Giêsu vào đền thờ và cứu thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hêrôđê. Ngài đã làm việc bằng đôi tay chai cứng để đem lại một đời sống vật chất ấm no cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Ngoài tước vị là cha nuôi Chúa Giêsu, ngài còn là bạn thanh sạch Đức Maria. Điều đó phải giả thiết rằng, ngài hội đủ những nhân đức trổi vượt. Và sự thánh thiện của ngài phải tương xứng với sự thánh thiện của Mẹ Maria. Chắc hẳn thánh cả Giuse đã thương yêu mẹ Maria bằng một tình thương trong trắng. Đã an ủi Mẹ trong những giây phút đau khổ, đã hướng dẫn Mẹ trên những nẻo đường xa lạ, và đã bảo vệ Mẹ khỏi mọi mưu toan hãm hại.Chính vì thế mà Đức Hồng y Fulton Sheen đã quả quyết:

– Mẹ Maria và thánh cả Giuse đã đem vào trong cuộc hôn nhân của các ngài không chỉ lời hứa trong sạch mà còn là hai trái tim ngập tràn thương yêu, không ai có thể có được.

Thực vậy, không một người chồng, cũng như không một người vợ nào có thể yêu thương nhau đến thế. Và Mẹ Maria cũng không thể trao gửi trái tim mình cho một người nào xứng đáng hơn. Đó là một cuộc hôn nhân thực sự, nhưng được miễn trừ những quyền lợi xác thịt, đồng thời cân bằng về nhân đức.

Từ hai tước vị này chúng ta thấy ngài thực sự là đấng quyền thế.

Đúng thế, ngài là đấng quyền thế nơi cõi lòng Chúa Cha vì Chúa Cha đã cho ngài tham dự vào chức vụ làm cha, cũng như trao phó cho ngài sứ mạng cao cả, xứng với niềm tin tưởng tuyệt vời.

Ngài còn là đấng quyền thế nơi cõi lòng Chúa Con, là Đấng ngài đã yêu thương và chăm sóc suốt những tháng năm sống nơi trần thế.

Sau cùng, ngài còn là đấng quyền thế nơi cõi lòng Mẹ Maria, vì ở dưới đất các ngài đã yêu thương và làm đẹp lòng nhau thế nào, thì bây giờ ở trên trời, chẳng lẽ Mẹ Maria lại không thể đoái nhìn đến lời cầu bầu của thánh cả Giuse hay sao?

Là đấng quyền thế mà thôi chưa đủ, ngài còn là đấng đầy lòng xót thương.

Như chúng ta thường nghe nói:

– Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Thánh cả Giuse là đấng đã trải qua mọi khổ cực, mọi cay đắng của kiếp người, nên ngài cảm thông với chúng ta hơn hết. Bởi vậy, cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, thánh cả Giuse, sẽ đặc biệt chăm sóc đến chúng ta và bầu cử cho chúng ta trước ngai toà Thiên Chúa.

Chính vì thế, hãy chạy đến cùng thánh cả Giuse trong mọi cơn gian nguy thử thách, vì ngài là đấng quyền thế và đầy lòng xót thương.

 

SUY NIỆM 11: Thánh Giuse thinh lặng – GM. Bùi Tuần

Đọc Phúc Âm để tìm hiểu thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài. Có một chọn lựa khiêm nhường trong bầu khí đó. Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.

Ngắm nhìn các ảnh tượng thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất phong phú và đa dạng.

Nhưng năng lui tới thánh Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy, tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương. Có một điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của Ngài.

Sự thinh lặng của Ngài là trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi gọi đây là sự thinh lặng thánh. Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng. Thinh lặng vì lập dị. Thinh lặng vì dốt nát. Thinh lặng vì sợ sệt. Thinh lặng vì bất cần. Thinh lặng vì dửng dưng. Thinh lặng vì hờn giận. Thinh lặng vì ích kỷ vv… Trái lại, sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.

Trước hết sự thinh lặng của thánh Giuse tích cực ở chỗ Ngài luôn vâng phục đức tin.

Ngài tin con trẻ mà thiên thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Đức Maria, đúng thực là “Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Cho dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Con trẻ đó chính là Đấng cứu thế.

Ngài tin Thiên Chúa thương yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt. Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.

Ngài tin vào sứ vụ Chúa trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao. Sứ vụ đó là bảo vệ Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì là lớn. Thực nhiệm mầu. Ngài chỉ biết tin. Ngài chưa hiểu hết. Nhưng không thắc mắc. Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.

Bảo vệ Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề, đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng. Ngài đã tin vững vàng và khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng. Thinh lặng đó không phải vì sợ. Nhưng vì vâng phục đức tin.

Tin Mừng là một mầu nhiệm “vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16,25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì phải tuỳ ở Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí mà thôi. Chúa muốn như vậy (Rm 16,27).

Tôi thiết nghĩ thánh Giuse đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó. Vì thế mà Ngài khiêm tốn thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo, mà là bảo vệ và giữ kín.

Ngoài ra, sự thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực ở chỗ Ngài được âm thầm đào tạo để có một sự tự do mới.

Đọc Sách Thánh và chuyện các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của Ngài. Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường đưa họ vào sa mạc. Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng. Hoặc sa mạc tâm hồn là nơi phải thinh lặng.

– Ông Môisen vào sa mạc Madian.

– Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê.

– Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.

– Thánh Benedictô lên núi Subiacô.

– Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi.

– Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.

Đối với thánh Giuse, sa mạc là tâm hồn thinh lặng của Ngài. Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới. Đó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất cả, chọn ý Chúa là trên hết. Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực thi ý Chúa.

Đọc Phúc Âm, tôi gặp thấy một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng phục ý Chúa. Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ. Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1,24). Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2,21). Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một tâm hồn rất tự do. Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho Chúa và cho những việc Chúa muốn.

Tôi có cảm tưởng là Chúa đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ. Không có những trang trọng vật chất. Không có cả những nhân đức cần có. Chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng. Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.

Sau cùng, tôi thấy thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực trong sự hiện diện phong phú của Ngài giữa đời.

Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn một sự hiện diện nhiều lời. Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng. Tôi có cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm. Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ, biết tế nhị.

Điều đó không có nghĩa là thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói. Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn nói là một chọn lựa tuỳ ơn gọi. Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau. Con đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.

Riêng tôi, trong năm Mân Côi này, tôi xin thánh Giuse cho tôi và mọi người chúng ta

– biết thinh lặng hơn để nghe ý Chúa,

– biết thinh lặng hơn để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi,

– biết thinh lặng hơn để đón nhận ơn cứu độ,

– biết thinh lặng hơn để cộng tác vào chương trình cứu độ,

– biết thinh lặng hơn để khám phá ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,

– biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.

Hình như nhiều linh hồn đang được ơn ấy. Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh Giuse. Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

Nguồn: http://gplongxuyen.org