Suy niệm 30/05/2019 – Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh: Nỗi buồn sẽ thành niềm vui.

Thứ năm 30/05/2019 – Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh. – Nỗi buồn sẽ thành niềm vui.

“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

Lời Chúa: Ga 16, 16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Nỗi buồn sẽ thành niềm vui.

Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu truyện như sau: Một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đem đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết có thứ thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và cảm thông mà thôi. Nhưng cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.

Người đàn bà khốn khổ tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một liều thuốc. Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”. Nghe thế, người đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca. Nhưng vừa thấy những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào không có tang chế đến lấy những hạt cải này. Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời gọi mọi người lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại không có người thân đã ra đi.

Khi người đàn bà trở về nhà thi đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác con vào rừng và chôn cất.

Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ đau của con người.

Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau, nhưng trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Không thấy rồi lại thấy

Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đoạn Tin mừng này. Đức Giêsu nói: “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy. Thầy về cùng Chúa Cha”. Phải nghĩ gì về ẩn ngữ này? Đức Giêsu đi du lịch một thời gian ngắn ư? Sự vắng mặt của Người giống như một cuộc hành trình đến miền nhiệt đới ư? Hay lời Người như trò chơi hú tim của trẻ em, lúc ẩn, lúc hiện bất ngờ ư? Những lời này tàng chứa một mặc khải phong phú. Hôm nay, chúng ta nghe biết sự mặc khải trọn vẹn về sinh lực của Đức Kitô: Thầy về cùng Cha. Đức Kitô đang chuẩn bị sẵn sàng khởi hành về Đấng là nguồn sự sống, nguồn sinh lực.

Cuộc sống của Đức Kitô không ngừng ra đi và trở về. Không đi bằng con đường đất đá, nhưng bằng con đường huyền diệu sâu thẳm và gắn bó mộ mến. Đức Giêsu càng ngày càng hiệp thông sâu xa vào kế hoạch của Cha Người. Đó là con đường hiệp thông thực hiện cứu độ để lật ngược lại sức nặng bất phục tùng của con người.

Tuy nhiên, trở về cùng Cha, Đức Giêsu vẫn không xa lìa chúng ta. Càng hiệp thông với Chúa Cha sâu thẳm bao nhiêu, Đức Giêsu càng ban tặng sự sống dồi dào. Vì Chúa Cha là nguồn sự sống, đã ban sự sống lại và sự sống vinh quang cho Chúa Con để Chúa Con làm cho mọi người được sống và sống lại với Người.

Chúng ta cũng được mời trở về cùng Chúa Cha để tham dự vào chính nguồn sống đó. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng thực hiện được sứ vụ từ Chúa Cha trao cho để trở nên người thông truyền sự sống của Chúa Cha và ra đi hiệp thông với người khác trong Chúa Con.

Thánh lễ lôi cuốn chúng ta vào dòng sống trở về này. Trong dòng sống này chúng ta được liên kết với Đức Kitô, để thấy được nguồn vui về cùng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta ở tột đỉnh con đường trở về của Chúa Con.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Mầu nhiệm cao cả

Chúa Giêsu mạc khải trước cho các môn đệ về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa và các ông trong mầu nhiệm vượt qua. Sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh với các môn đệ đòi hỏi các ngài phải có cái nhìn mới đối với Chúa và có thái độ sống mới. Sống thấy niềm vui vì xác tín có Chúa luôn hiện diện bên cạnh, cả trong những lúc gian nan bị thử thách, bị bách hại. Lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa các con sẽ lại thấy Thầy” loan báo trước về thực tại mới sau biến cố vượt qua của Chúa. Trong vòng ba năm theo sống bên cạnh Chúa Giêsu, các môn đệ đã trông thấy Chúa Giêsu, nhưng có thể nói là các ông chưa thực sự thấy Chúa, vì các ông không hiểu được Chúa thực sự là ai. Ðức tin chưa được trọn vẹn, các ông còn cần Chúa Thánh Thần đến trợ giúp để được đưa vào trong sự thật trọn vẹn để hiểu thấu đáo hơn, để được thấy Chúa Phục Sinh. Khi nghe Chúa loan báo người sắp ra đi chịu khổ nạn thì các ông buồn. Những kẻ thù của Chúa khi giết chết Chúa trên thập giá thì vui mừng tưởng rằng mọi sự việc sẽ chấm dứt từ đây. Phần Chúa Giêsu, người báo trước cho các môn đệ là mọi sự sẽ được đổi mới, Chúa vẫn sống, sẽ đến với các ông, sẽ hiện diện với các ông cách mãnh liệt, vững chắc hơn nữa.

Chỉ “ít lâu nữa, các con lại thấy Thầy”, đây là mầu nhiệm cao cả của đời sống Kitô. Chúng ta sẽ không thấy được Chúa Giêsu, không thể tin nhận Người cho đến khi nào được Chúa Thánh Thần soi sáng để thấy Chúa, hiểu và tin nhận Chúa. Cần phải có sự thay đổi nội tâm, có cái nhìn mới về Chúa Giêsu, phải có niềm vui đích thực. Các tông đồ được mời gọi nâng tâm hồn lên, vượt qua được những cảm giác thường tình, để có thể khám phá ra Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời các ông, và từ đó nếm hưởng niềm vui đích thực, không phải niềm vui thế gian ban cho, nhưng là niềm vui từ Chúa, niềm vui mà không quyền lực thế gian nào có thể lấy mất đi được. Cần phải bước vào trong mối tương quan mới với Chúa Giêsu. “Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không một ai lấy mất được”. Ðó là vì Chúa Giêsu hiện diện cách mới mẻ trong đời sống các môn đệ. Các ông phải thay đổi để đón nhận sự hiện diện mới mẻ này: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng”. Chúng ta phải thể hiện và phải sống làm sao để cho thế gian, cho anh chị em chung quanh được trông thấy những sự thật chúng ta đang có trong tâm hồn mình, do sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình.

Lạy Chúa, xin hãy đến ngự trong con, cho con được sống mối tương quan mới với Chúa và sống vững mạnh trong niềm vui, mọi nơi và mọi lúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: CHÚA LUÔN YÊU TA (Ga 16,16-20)

Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh. Nhưng những lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân!

Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?”

Chúa trả lời: “Ta không bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có một đôi chân của Ta nữa mà thôi’”.

Hôm nay, các môn đệ biết Đức Giêsu sắp rời xa mình, nên các ông buồn sầu và lo lắng! Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông và báo cho các ông về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Đây là niềm vui vô cùng to lớn, bởi vì nhờ Người, mà các ông hiểu được con người, lời giảng dạy và sứ vụ của Đức Giêsu đúng theo chương trình và ý định của Thiên Chúa Cha. Như vậy, sự ra đi của Đức Giêsu sẽ đem lại cho các môn đệ niềm vui trọn vẹn qua Chúa Thánh Thần.

Trong đời sống đức tin của mình, nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy Chúa như xa dần chúng ta! Nhất là khi túng ngặt về kinh tế hay đau yếu bệnh tật, bị hiểu lầm, vu vạ cáo gian hay cô đơn... Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta vững tin rằng, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, những khi ta rối trí ngã lòng và cảm thấy lạc lõng, chúng ta hãy tin tưởng rằng: lúc đó chúng ta đang được Chúa bồng ẵm trên tay, để chỉ còn có một đôi chân của Chúa mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, dù cuộc đời lắm nỗi khổ đau. Xin cho chúng con hiểu rằng, những lúc đó Chúa đang gần chúng con hơn cả, và xin cho chúng con được gần Ngài nhờ niềm tin. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Nỗi buồn trở thành niềm vui

Suy niệm :

Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,

Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,

rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).

Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta

vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,

cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.

Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,

Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.

Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.

Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.

Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định

để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.

Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,

tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.

Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?

Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.

Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần

vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.

“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).

Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,

khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,

liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?

“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)

và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).

Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh,

lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,

và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.

Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,

thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.

Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng

Thầy mới là người chiến thắng.

Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.

Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.

Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.

Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.

Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.

Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn:http://gplongxuyen.org/News