Suy niệm 30/03/2018 – Thứ Sáu tuần thánh – Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa. – Thủ phạm giết Chúa.

Thứ sáu 30/03/2018 – Thứ Sáu tuần thánh – Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa. – Thủ phạm giết Chúa.

"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

 

Lời Chúa: Ga 18, 1 - 19, 42

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa lại: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu bảo: "Ta đây". C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu đáp lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi". C. Như thế là trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: J. "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!" C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: S. "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?" C. Ông đáp: S. "Tôi không phải đâu".

C. Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: J. "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói". C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: S. "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư". C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?" C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: S. "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?" C. Ông chối và nói: S. "Tôi không phải đâu". C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: S. "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?" C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: S. "Các ngươi tố cáo người này về điều gì". C. Họ đáp: S. "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan". C. Philatô bảo họ: S. "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông". C. Nhưng người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả". C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" C. Philatô đáp: S. "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này". C. Philatô hỏi lại: S. "Vậy ông là Vua ư?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi". C. Philatô bảo Người: S. "Chân lý là cái gì?" C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: S. "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?" C. Họ liền la lên: S. "Không phải tên đó, nhưng là Baraba". C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: S. "Tâu Vua Do-thái!" C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: S. "Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án". C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. "Này là Người". C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. "Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!" C. Philatô bảo họ: S. "Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông". C. Người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa". C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. "Ông ở đâu đến?"

C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn". C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa". C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. "Đây là vua các ngươi". C. Nhưng họ càng la to: S. "Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!" C. Philatô nói: S. "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?" C. Các thượng tế đáp: S. "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa". C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.

Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

S. Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'". C. Philatô đáp: S. "Điều ta đã viết là đã viết". C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy". C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.

Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: J. "Hỡi Bà, này là con Bà". C. Rồi Người lại nói với môn đệ: J. "Này là Mẹ con". C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: J. "Ta khát!" C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: J. "Mọi sự đã hoàn tất". C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

 

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

 

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua".

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

 

SUY NIỆM 1: Thủ phạm giết Chúa

Từ đầu Mùa Chay đến nay, cuốn phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson đã được công chiếu trên khắp nước Mỹ, rồi đến các nước ở Âu Châu và cả tại Trung Đông nữa. Cuốn phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh là phim đắt khách nhất và đạt doanh thu kỷ lục, chỉ vì cuốn phim đã gây tranh cãi về tính cách “bài Do Thái”. Chính nhà đạo diễn Mel Gibson đã khẳng định rằng: “Bộ phim của tôi nói về đức tin, đức cậy, đức mến và sự tha thứ. Đó là nội dung sứ điệp của bộ phim. Tôi không có tinh thần bài Do Thái, tinh thần bài Do Thái không phải là tinh thần Kitô, mà là một tội lỗi”. Trả lời cho câu hỏi: “Ai đã giết chết Chúa Giêsu?”, Mel Gibson nói: “Câu trả lời chính là tất cả chúng ta đã giết chết Chúa Giêsu. Tôi là kẻ đầu tiên có phần trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu đánh đòn “vì những tội lỗi của chúng ta”. Ngài chịu thương tích vì những lỗi phạm của chúng ta, nhưng những vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta”.

Đó là sứ điệp chính của bộ phim. Bộ phim không nhằm quy trách nhiệm cho ai là kẻ đã giết chết Chúa Giêsu”.

Nhà đạo diễn nhìn nhận rằng bộ phim của ông có những cảnh “quá bạo lực” và ông giải thích rằng ông có ý làm như vậy để nhằm gây phản ứng nơi khán thính giả, nhằm giúp họ hiểu được tầm mức hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. “Tôi muốn làm cho khán thính giả hiểu được rằng có một người đã chịu đựng được những hành hạ đến mức tận cùng như thế, mà vẫn còn có thể yêu thương và tha thứ. Tôi hy vọng bộ phim sẽ cổ võ suy tư, làm cho khán thính giả trở về với nội tâm, suy nghĩ về chính bản thân mình”.

Thưa anh chị em,

Khi cử hành cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu bị trên trên Thập giá, Giáo Hội không chỉ nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử đã xảy ra hơn 2000 năm nay, nhưng còn nhắc nhở đến trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta về cái chết của Chúa Giêsu.

Thật vậy, dưới cái nhìn lịch sử, chúng ta lên án một Giuđa đã phản nộp Thầy, một Philatô nhát đảm, vì sợ mất chức quyền mà vội vàng kết án tử hình cho Chúa, một Phêrô hèn yếu đã chối bỏ Thầy, một đám đông vô ơn bạc nghĩa đã hò hét đòi đóng đinh Chúa, dầu biết rằng Chúa chẳng có tội gì để phải chịu một cái án quái gở đó…

Thế nhưng, cái chết của Chúa không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng đó còn là một Mầu nhiệm Cứu Độ, trải dài hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nó mang một chiều kích phổ quát, có giá trị cứu rỗi cho hết mọi người tin và Danh Chúa Kitô. Do đó, nó được hiện tại hoá trong mọi thời gian. Và vì thế cái chết trên Thập giá của Chúa Kitô có trách nhiệm của chúng ta.

Chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Ngài đã chịu vì chúng ta và để cứu chuộc chúng ta”, nghĩa là vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải chịu treo lên. Tội lỗi của chúng ta chính là những tiếng reo hò đòi đóng đinh, là những sự xỉ vả, là lời phản bội, là lời tuyên án Chúa.

Do đó, khi tưởng niệm cái chết của Chúa hôm nay, Giáo Hội cũng thiết tha kêu gọi các tín hữu hãy đấm ngực ăn năn, nhận phần trách nhiệm của mình, để rồi, như một Phêrô “ra ngoài ăn năn khóc lóc” có nghĩa là chúng ta phải tháo gỡ cái án tử hình của Chúa, bằng cách thay đổi nếp sống cũ, trở về với Chúa. Xa tránh những lối sống thấp hèn, trở về lối sống con cái của Chúa, và thân thưa với Chúa như anh trộm sám hối bên Thập giá của Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, khi vào Nước Chúa, xin nhớ đến con.” Amen.

 

SUY NIỆM 2: Thập Giá Đức Kitô.

Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau: Những người lính Đức Quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên: “Thiên Chúa đang ở đâu?”. Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên: “Bây giờ Chúa ở đâu?”. Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi: “Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia”.

“Bây giờ Thiên Chúa đang ở đâu?”. Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là: “Ngài đang có mặt đó”. Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đi đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã man đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.

Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bởi vì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.

Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, những để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát”. Đó phải là xác tín của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.

Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người chung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những nghĩa cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Bài Suy Niệm của ÐTC Gioan Phaolô II

trong Buổi Ði Ðàng Thánh Giá

Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2002

(Ga 18,1-19,42)

1. Crucem tuam adoramus, Domine!  - Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Ở cuối của lời cầu xúc động này về cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, tia nhìn của chúng ta vẫn hướng về Thánh Giá. Chúng ta suy niệm trong đức tin mầu nhiệm cứu độ được mạc khải cho chúng ta. Khi chết đi, Ðức Giêsu vén lên bức màn trước mắt chúng ta, và giờ đây Thánh Giá đứng thẳng trên thế giới trong tất cả sự huy hoàng của nó. Sự yên lặng đem lại an bình của Ðấng mà sự dữ thế gian đã treo lên Cây này đang hé lộ ra hòa bình và yêu thương. Trên Thánh Giá, Con Người đã chết, mang theo với Ngài gánh nặng của mọi khổ đau và bất công nhân thế. Trên đồi Golgotha, Ðấng, mà qua cái chết của Ngài đã cứu rỗi thế giới, chết vì chúng ta.

2. "Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37).

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chứng kiến những lời các tiên tri được nên trọn, những lời mà Thánh Sử Gioan, một chứng nhân tận mắt, đã thấy được sự chính xác khi suy niệm trong lòng, Thiên Chúa làm người, Ðấng vì yêu thương đã chấp nhận hình phạt nhục nhã nhất mà bao nhiêu chủng tộc và các nền văn hóa ngày nay đang chứng kiến. Khi tia nhìn của họ được dẫn dắt bởi cảm nhận sâu sắc của đức tin, họ nhận ra trong Ðấng Bị Ðóng Ðinh một "chứng nhân" vô địch của yêu thương.

Từ Thánh Giá, Ðức Giêsu gom lại thành một dân tộc, Dân Do Thái và Dân Ngoại, hiển thị ý chí của Cha Ngài trên trời muốn tạo ra một gia đình duy nhất cho nhân loại được tụ họp dưới Danh Ngài.

Trong nỗi đau tê tái của Người Ðầy Tớ Thống Khổ, chúng ta đã nghe tiếng kêu khải hoàn của Thiên Chúa Trỗi Dậy. Ðức Kitô trên cây Thánh Giá là nhân loại mới đã được chuộc khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết. Bất chấp những bóp méo và ngộ nhận của lịch sử, có thể có, chúng ta biết rằng nếu bước theo chân của Người Nazarét bị đóng đinh này, chúng ta sẽ đạt được mục đích. Giữa những xung đột của một thế giới thống trị bởi ích kỷ và thù hận, chúng ta, như những tín hữu, được kêu gọi để công bố vinh quang của Yêu Thương. Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta làm chứng cho vinh quang của Ðức Kitô bị đóng đinh.

3. Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!

Vâng, chúng con thờ lạy Ngài, Lạy Chúa, Ðấng đã bị treo lên Thánh Giá giữa trời và đất, Ðấng Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ chúng con. Thánh Giá Ngài là bích chương của vinh quang chúng con!

Chúng con thờ lạy Ngài, Con của Ðức Trinh Nữ Rất Thánh, đang đứng bất khuất bên cạnh Thánh Giá, can đảm chia sẻ trong lễ hy sinh cứu chuộc của Ngài.

Qua Gỗ Thánh Giá trên đó Ngài bị đóng đinh, niềm vui đã đến với toàn thế giới - propter Lignum venit gaudium in universo mundo. Hôm nay chúng con tất cả nhận thức hơn về điều này khi tia nhìn của chúng con được nâng về phía sự kỳ diệu khôn tả của sự Phục Sinh của Chúa. "Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, Lạy Chúa, chúng con tán tụng và thờ lạy sự Phục Sinh thánh thiện của Ngài!".

Với những tình cảm này, anh chị em thân mến, tôi gỡi đến anh chị em lời chúc Phục Sinh với phép lành Tòa Thánh.

+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng

(Bản dịch Việt Ngữ của J.B Ðặng Minh An)

 

SUY NIỆM 4: NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ

(Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

 Nghịch lý của Thánh Giá

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.

Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!

Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết chóc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi.

Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.

Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.

Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.

Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.

Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.

Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).  Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,  thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).

Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi

Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? “ (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.

Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.

Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.

Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20).

Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM 5: Thế là đã hoàn tất

Suy niệm :

Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó

trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.

Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan.

Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông.

Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.

Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động.

Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự.

Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?”

Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).

Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn,

vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11).

Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn,

chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21).

Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).

Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.

Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động.

Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh,

bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do thái giáo đang ở ngoài dinh.

Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6).

Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xêda” mà ông đang nắm giữ (19, 12).

Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này.

Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13).

Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37),

một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực.

Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật,

sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.

“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14)

và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ :

“Giêsu Nadarét, Vua dân Do thái” (19, 19).

Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.

Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.

Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu.

Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.

Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).

Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13),

tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34).

Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).

Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi.

Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp.

Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

 Nguồn: http://gplongxuyen.org