“Con là Đá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.
* Thánh Phêrô và thánh Phaolô không giống nhau về tính khí, cũng không giống nhau về phạm vi hoạt động. Hoàn cảnh các vị gặp Chúa đã tạo nên nét đặc biệt cho sứ vụ tông đồ của mỗi vị. Rồi tài ba của thánh Phaolô quả là có một không hai trong Kitô giáo.
Nhưng hai vị liên kết với nhau nhờ lòng tin sâu xa và lòng yêu mến nhiệt thành đối với Đức Kitô. Các vị đã đổ máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô tại Rôma; có lẽ thánh Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.
Lời Chúa: Mt 16, 13-19
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.
SUY NIỆM 1: Giáo Hội phục vụ
Tin Mừng nói Giáo Hội phục vụ thế giới mới này, phục vụ nước trời: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa nước trời...”
Để làm gì?
Giáo Hội không phải mình là mục đích cho riêng mình, không phải để mình cai trị trần thế mặt đất, cũng không chinh phục tất cả loài người, Giáo Hội phục vụ mục đích cao cả hơn mình, vượt tầm mức của mình, phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa nơi thế giới, xây dựng nước Thiên Chúa.
Giáo Hội phục vụ gì? Giáo Hội phục vụ để đào tạo thế giới lên nước Thiên Chúa. Giáo Hội có bổn phận chuẩn bị thế giới ngay từ bây giờ, để thế giới lớn lên hằng ngày trong tương quan giữa người với người và với xã hội.
Giáo Hội đã làm đầy đủ sứ mạng của mình thế nào?
Theo chân Đức Giê-su, Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới não trạng trong tương quan giữa cá nhân. Trong xã hội, kinh tế, chính trị và trong đời sống gia đình. Đó là việc thực sự không thể nào, không ngược lại với đời sống xã hội, kinh tế hay chính trị. Thế giới mới được Đức Giê-su đến phục hưng, đó là một thế giới được thấm nhuần tinh thần của Đức Giê-su, sinh hoạt theo tâm trí của Người và được soi sáng bằng ánh sáng của Tin Mừng.
Là Giáo Hội, là Kitô hữu không phải chỉ lo bảo vệ đời sống cho chính mình mà chính là cùng một lúc biết chịu trách nhiệm làm cho nước Thiên Chúa lan rộng khắp chung quanh mình, chúng ta cần phải cho chính mình thấm nhuần tinh thần Đức Giê-su và não trạng của Người, đề tinh thần Đức Giê-su soi chiếu ra chung quanh chúng ta, biến đổi dần dần não trạng của những người gần bên chúng ta.
Điều thiết yếu của Giáo Hội, là chính các Kitô hữu phải tin vững chắc vào Đức Giê-su Ki-tô, sống theo não trạng của Người. Khi hoạt động thay đổi não trạng con người chính là lúc chúng ta biến đổi thế giới thành nước Thiên Chúa.
J.M
SUY NIỆM 2: Tranh cãi
Có một cặp vợ chồng sống trong chung cư. Họ thường xuyên tranh cãi nhau to tiếng, làm cho những người chung quanh cảm thấy bực bội, nhất là về khuya, cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Vậy phải làm thế nào để chấm dứt sự quấy rầy ấy, cũng như giúp cho cặp vợ chồng kia biết ăn nói nhỏ nhẹ với nhau?
Thế là vào một buổi tối, gia đình hàng xóm, ở sát phòng với cặp vợ chồng kia, cũng dàn cảnh một cuộc tranh cãi, để làm cho cặp vợ chồng kia biết thế nào là sự ồn ào đáng sợ. Họ đứng sát tường và bắt đầu la hét chửi bới. Và như một phép lạ, vợ chồng kia ngừng cãi nhau, lắng tai nghe và không còn rầy la nữa.
Như chúng ta thường nói: Nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi của mình. Hơn nữa: Bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Vì thế trong cuộc sống chung, chúng ta khó có thể tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội, những buồn phiền và những tranh cãi. Hơn thế nữa, không thể nào có hai người trong chúng ta hoàn toàn giống nhau, hay nhìn sự vật theo cùng một cách thức. Chúng ta có những khác biệt và chúng ta bày tỏ những sự khác biệt ấy ra.
Tuy nhiên có những tranh cãi chỉ tạo nên đổ vỡ và rạn nứt, nhưng đồng thời cũng có những tranh cãi lành mạnh và xây dựng, nếu chúng ta biết thực sự trao đổi tư tưởng, quan niệm và lý luận, nhờ đó mà học được những cái hay cái tốt nơi người khác. Hôm nay chúng ta mừng kính hai vị thủ lãnh của Giáo Hội, đó là thánh Phêrô và thánh Phaolô. Mặc dầu là những vị thánh, nhưng các ngài cũng đã có những tranh cãi.
Thánh Phêrô thì nghĩ rằng: Người nào muốn gia nhập cộng đoàn Kitô hữu, thì trước hết phải trở nên người Do Thái, nghĩa là họ phải chịu cắt bì và tuân giữ những lề luật của Do Thái giáo. Trong khi đó thánh Phaolô thì lại nghĩ khác, Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội cho cả dân ngoại và họ không cần phải bước qua khung cửa hẹp của Do Thái giáo.Ccác ngài đã tranh cãi công khai. Và tại Công đồng Giêrusalem, các ngài đã giải quyết sự tranh cãi bằng cách nhắc lại những điều Đức Kitô đã truyền dạy. Nghĩa là Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội không chỉ cho người Do Thái mà còn cho cả dân ngoại nữa.
Nếu chúng ta có tranh cãi với nhau, thì hãy tuân theo cái khuôn vàng thước ngọc này, đó là hãy làm cho người khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho chúng ta. Hãy biết lắng nghe. Hãy mở rộng tâm hồn để sẵn sàng đón nhận những ý tưởng khác với những ý tưởng của chúng ta. Hãy biết chấp nhận những cái đúng, những cái tốt nơi họ. Trong khi đó, đừng chửi bới, đừng nguyền rủa, đừng thiên vị. Trái lại, hãy giữ lời nói cho ôn tồn, cử chỉ cho hoà nhã.
Trong Công đồng Vatican II cũng đã có những sự tranh cãi giữa 2.500 giám mục. Nhiều lúc những cuộc tranh cãi cũng này rất căng thẳng và nặng nề, thế nhưng các ngài đã bình tỉnh giải quyết những khác biệt của mình theo đường lối của Đức Kitô.
Trong cuộc sống giữa chúng ta với người khác, hãy cố gắng giải quyết những khác biệt trong tinh thần của Đức Kitô, nhờ đó mà luôn có được sự bình an, hoà thuận và yêu thương.
SUY NIỆM 3: Ngài Là Cha Tôi
Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ của R. Veritas)
SUY NIỆM 4: Hủy bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới
(Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19)
Suy Niệm:
Kinh Thánh có nhiều đoạn về hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô; nhưng phụng vụ đọc cho chúng ta nghe 3 bài này trong thánh lễ hôm nay. Chắc chắn phải có một hay nhiều ý tứ nào đó. Chúng ta được tự do tìm hiểu. Và nếu chúng ta đồng ý, chúng ta thử xếp đặt lại thứ tự 3 bài đọc như sau để có một phương hướng suy nghĩ. Trước hết bài Phúc âm gợi lên vinh dự của hai thánh Tông đồ được đặt làm rường cột cho Hội Thánh Chúa, rồi bài sách Công vụ cho chúng ta thấy các ngài được bảo hộ mạnh mẽ như thế nào khi thi hành sứ vụ; và cuối cùng bài Thánh thư kêu gọi chúng ta hết thảy hãy tin tưởng phấn đấu như các ngài đã hy sinh không mỏi mệt.
A. Là Những Tông Ðồ Ðược Ðặc Cách
Bài Tin Mừng chỉ nói đến vinh dự đặc biệt đã được dành cho Phêrô. Nhưng vinh dự ấy một ngày kia cũng sẽ được trao tặng Phaolô qua lời Chúa phán với Hananya: Hãy đi tìm Saulô, vì nó là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại. Và Hananya đã ra đi làm theo lệnh Chúa, vì ông hiểu Phaolô đã được đặc cách, như Phêrô và các Tông đồ trước đây.
Phêrô hôm ấy cùng đi theo Chúa với đồng bạn... Cuộc truyền giáo của Chúa ở Galilê đã sửa soạn hoàn tất. Ngài sắp phải qua Yuđê để chịu thương khó. Ngài ý thức mọi sự và mọi việc. Ðể đánh dấu khúc quanh lịch sử quan trọng này, Chúa Yêsu đột xuất qua hỏi môn đệ: Người ta nói Con Người là ai? Ngài muốn đo kết quả của 3 năm truyền giáo. Ngài muốn biết môn đệ đã hiểu Ngài đến mức nào?
Người thì bảo Ngài là Yoan Tẩy giả; kẻ lại nói Ngài là Êlya; nhiều người khác nữa thì tưởng Ngài là Yêrêmya hay một tiên tri nào đó. Như vậy chung chung thiên hạ đã lờ mờ nghĩ rằng Ngài là Thiên sai cứu thế vì dư luận Dothái thời đó cho rằng các vị tiên tri như thế sẽ trở lại trong thời Ðấng Thiên sai và có thể một trong những vị đó sẽ chính là Ðấng muôn dân trông đợi. Ở đây chúng ta chỉ chú ý điều này: một mình sách Tin Mừng Matthêô nhắc đến tên tiên tri Yêrêmya, có lẽ muốn ngầm nói rằng: Ðấng Thiên sai sẽ đau khổ và bị bắt bớ như nhà Tiên tri đã có cuộc đời gian nan khổ sở, mà Chúa nhật XII Thường niên chúng ta đã nghe nói. Dù sao phần đông người ta vẫn chưa dám khẳng định dứt khoát Ðức Yêsu Kitô là ai.
Còn chính các môn đệ?
Chúa đã hỏi thẳng các ông. Chưa ai dám lên tiếng thưa, thì Phêrô đã nói: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chắc chắn mọi người đã phải giật mình. Chính Chúa Yêsu cũng thấy rõ không phải xác thịt đã nói lên được điều đó. Con người tự nhiên không thể biết được như vậy. Quả là Cha trên trời đã mạc khải cho Phêrô, đã nói qua miệng lưỡi người Tông đồ này. Vì lời tuyên xưng kia thật là chính xác, là chính sự thật, vượt quá mọi hiểu biết và suy tư của con người. Chỉ có Cha trên trời biết Con, thế mà cho đến nay Người chưa mạc khải ra. Ðúng hơn, Người đã có lần công bố Yêsu Kitô là Con Chí Ái, nhưng Thánh Thần chưa được ban xuống cho loài người thì làm sao ai hiểu được điều đó. Thế mà miệng lưỡi của Phêrô vừa nói lên niềm tin chính xác mà chỉ sau này, khi đã được tràn đầy Thánh Thần, Hội Thánh mới có thể tuyên xưng.
Như vậy Phêrô đã được ơn mạc khải đặc biệt. Chúa Cha đã tỏ ra đặc cách Phêrô. Thế thì luôn luôn thi hành Thánh ý Người, Ðức Yêsu liền tuyên bố sẽ chọn Phêrô làm nền tảng để xây Hội Thánh của Người. Và quả thật tên của Phêrô như đã được tiền định vì Phêrô trong tiếng Dothái có nghĩa là Ðá. Vậy Phêrô sẽ là đá tảng xây nên Hội Thánh. Và Ðá này sẽ được củng cố để ngay sức mạnh hỏa ngục dấy lên cũng không lung lay nổi. Nhưng không phải để Phêrô đè đầu thiên hạ; Hội Thánh của Ðức Kitô là để cứu thế. Và cứu thế, trước hết là tha tội. Thế nên Ðức Kitô lại tiếp: Ta sẽ ban cho con chìa khóa Nước Trời để con đóng mở cho người ta ra vào.
Chúng ta mừng cho Phêrô đã được những vinh dự như vậy. Ðó là những ơn hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho người, vì hạnh phúc của tất cả chúng ta. Sự lựa chọn hoàn toàn chỉ vì tình thương. Cũng như sau này, đang khi Phaolô hung hăng phi ngựa trên con đường Ðama để bắt đạo, Ðức Kitô đã từ trời cao phán gọi người, khiến người tức khắc ngã quỵ để rồi khi ngẩng lên, đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại.
Nhiều người đã muốn thử giải thích vì những lý do tâm lý, xã hội và tôn giáo nào đã khiến hai thánh Tông đồ được lựa chọn một cách đột xuất, và được trao phó những sứ mạng cao cả như vậy? Nhưng chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng, ngoại trừ công nhận chính mạc khải của lòng nhân nghĩa Chúa.
Do đó, ngày lễ hai thánh Tông đồ, trước hết chúng ta phải tuyên xưng điều ấy: chính Thiên Chúa đã đặc cách hai ngài. Và việc này khiến chúng ta phải hân hoan tạ ơn, bởi vì Hội Thánh chúng ta được xây trên nền tảng của hai ngài, mà hai ngài được Chúa đặc cách như vậy, thì tòa nhà Hội Thánh của chúng ta tốt đẹp, vinh dự và bảo đảm biết bao? Ngôi nhà của chúng ta không những vững bền mà còn đầy phúc, vì nền tảng của nó là hai vị Tông đồ đã được tuyển chọn một cách tuyệt diệu. Chúa Cha và Chúa Yêsu Kitô đã tỏ ra vô vàn ưu ái và rộng rãi, quyền năng đối với nền tảng của tòa nhà Hội Thánh chúng ta. Chúng ta phải hân hoan cảm mến. Và phải tiếp tục xem hai vị Tông đồ ưu tú đó đã thi hành sứ mệnh thế nào.
B. Các Ngài Tiếp Tục Ðược Chúa Bảo Hộ
Bài sách Công vụ cho thấy Lời Chúa nói với Phêrô khi đặt người làm nền tảng Hội Thánh, luôn luôn thực hiện. Phêrô quả thật là Ðá vững vàng trong mọi sóng gió. Hêrôđê bấy giờ bắt đạo. Hành động và thái độ của nhà vua rất đẹp lòng người Dothái. Hêrôđê liền mạnh tay, truyền bắt giam chính Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh mới. Sức mạnh của hỏa ngục rõ ràng mạnh mẽ. Nhưng bài sách nghe đọc hôm nay cho thấy Phêrô bình tĩnh lạ thường. Dường như ông không nhúc nhích. Mặc cho người ta cùm tay trói chân, và đặt lính gác trong ngoài cửa ngục, ông như chìm đắm trong suy nghĩ nhớ đến giáo đoàn và hiệp ý cầu nguyện với tất cả nhiệm thể. Bỗng dưng xiềng xích ở tay chân mở ra. Có người bảo Phêrô mặc áo, thắt lưng và xỏ giầy vào. Rồi bảo ông đi theo. Ông không ngần ngại khoan thai cất bước, chẳng cần tìm hiểu. Hai người tiến bước dễ dàng; đi đến đâu, người vật dường như đều nhường bước. Kể cả cửa sắt có lính canh gác, cũng tự động mở ra mời hai người ra phố. Ðến lúc thần Chúa biến đi, Phêrô mới nhận ra: quả thật Chúa đã giải cứu mình.
Và về sau, khi suy nghĩ lại sự việc, ông mới thấy câu chuyện thật là mầu nhiệm. Ông đã bị bắt vào dịp lễ Bánh không men và cũng đã được giải thoát trong dịp ấy. Chúa Yêsu cũng đã bị nộp, bị giết và được Thiên Chúa cho sống lại vào dịp lễ Bánh không men. Phải chăng sự việc đã chẳng có ngụ ý rằng: đầy tớ không trọng hơn Thầy và đường Thầy đi thì tớ cũng sẽ phải theo. Phêrô phải đi theo đường của Chúa và sẽ đưa Hội Thánh Chúa đi vào. Ðó là con đường bị bắt, bị nộp, bị giết... nhưng sẽ dẫn tới phục sinh vinh quang. Và những người đi trên con đường ấy đều như thể chiên cừu bị đưa đi xén lông mà không hề kêu la. Phêrô trong câu truyện bị bắt hôm nay đã bắt chước Chúa Yêsu, hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Và nếu chúng ta có đọc lại cuộc đời của Phaolô, chúng ta cũng thấy như vậy.
Những lời đầu tiên trong bài thư hôm nay xác định điều đó. Phaolô thấy mình là "tửu tế đã tiến", tức là cuộc đời mình đã trở thành lễ tế. Ðó là thứ rượu người ta dâng khi thuyền rời bến... Và chính Chúa Yêsu cũng đã nói với Hananya khi sai ông đi gặp Saulô. Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nó sẽ phải chịu vì Danh Ta. Nên tất cả cuộc đời của Phaolô là chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa. Người đã chạy đến cùng đường... Và nhìn lại người có thể đếm trên con đường ấy: bao nhiêu lần đắm tàu, nhịn đói, chịu khát, bị đánh, bị tù. Sức mạnh của hỏa ngục cũng tung ra mạnh mẽ, nhưng Ơn Chúa vẫn đủ cho Phaolô cũng như cho Phêrô. Ðến nỗi ngày hôm nay, nhắc lại việc tử đạo của hai ngài Hội Thánh hân hoan cử hành một ngày vinh quang.
Quả thật hôm nay chúng ta kính nhớ cuộc chiến vẻ vang của hai thánh Tông đồ. Gian khổ các ngài đã chịu thật là sức mạnh của hỏa ngục. Nhưng Chúa đã bảo hộ các ngài. Các ngài đã đưa con thuyền Giáo hội vượt xa qua bao sóng gió... Con thuyền ấy cứ mỗi ngày một lớn. Và nhìn khắp mặt biển trần gian, không chỗ nào mà ta không thấy nó. Có chỗ nó đang ung dung rẽ sóng. Chỗ khác, nó lại như thuyền của các Tông đồ gặp bão trên mặt hồ Tibêria. Chính trong những trường hợp khó khăn này, khuôn mặt của Phêrô và Phaolô như lại nổi lên, nhắc lại Lời Chúa hứa sẽ ở cùng Hội Thánh mãi mãi và sức mạnh của hỏa ngục sẽ chẳng làm gì được.
Chúng ta hãy lưu ý tỉ mỉ hơn đến điều nhắn nhủ của các ngài.
C. Các Ngài Kêu Gọi Chúng Ta Tin Tưởng
Ðối với chúng ta, các ngài có một tình yêu thương đặc biệt. Bài thư Phaolô gửi cho Timôthê làm chứng điều ấy. Phêrô chắc chắn cũng đồng ý khuyên nhủ chúng ta như vậy. Vì hôm nay là lễ của hai ngài, Giáo hội nhắc nhớ lại cuộc đời phấn đấu kiên trung và thành quả của các ngài. Sự kiện này nào muốn nói lên gì khác hơn việc kêu gọi chúng ta hãy bắt chước các ngài.
Phaolô nói với Timôthê, tức là với tất cả chúng ta. Chúa đã phù hộ và ban sức mạnh cho người. Chúa sẽ cứu và độ người vào Nước trên trời. Và hoàn lại cho người triều thiên công chính, không phải cho người mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc hiển linh của Chúa. Nói tắt, hai thánh Tông đồ đã muốn cho chúng ta cũng mến Chúa và tin tưởng phấn đấu cho Chúa.
Vì thế chúng ta phải nhìn lại đời sống các ngài để thấy từ đầu các ngài đã đón nhận ơn Chúa thế nào và đã tiếp tục làm sao để đi đến vinh quang ngày nay. Các ngài đã được Chúa chiếu cố một cách đặc biệt và đã được Người tiếp tục bảo hộ. Có thể nói các ngài chẳng có công trạng nào hết: Phêrô rõ ràng là người không có gì cả; còn Phaolô đã có lần khẳng định mọi điều người có theo xác thịt, thì người đã bỏ đi hết và coi như phân bón để được tình yêu nhưng không của Ðức Yêsu Kitô.
Ðó là thái độ căn bản của Kitô giáo. Người ta phải hủy bỏ con người cũ và mọi sự thuộc về nó để mặc lấy con người mới là Thần trí của Ðức Yêsu Kitô hầu chỉ còn sống cho Thiên Chúa. Khi đó người ta mới là người của Chúa và là lợi khí để Người dùng vào việc xây dựng Nước Trời. Và triều thiên công chính mới để dành cho người ấy.
Chúng ta có nên sợ trở thành những con người như vậy không? Có lẽ nhiều người ngại ngùng khi nghe nói đến thái độ từ bỏ. Nhưng ai có gì lắm mà sợ phải bỏ? Ðàng khác điều quan trọng là từ bỏ con người cũ; chứ từ bỏ những sự vật chất đâu đã là điều khó lắm. Và con người cũ là tinh thần không muốn đón nhận mạc khải của Chúa, không để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn và sinh động ở trong đó để dần dần đổi mới chúng ta từ bên trong. Cả Phêrô và Phaolô đều đã bắt đầu đi vào đường lối của Chúa khi đón nhận lời mạc khải. Phêrô đã để Chúa Cha nói lên ở trong mình. Phaolô đã để lời Chúa Yêsu lọt vào tai khiến mình quỵ xuống và trở nên con người mới. Chúng ta phải bắt đầu nên thánh từ thái độ đầu tiên ấy: tức là đón nhận lời mạc khải, đón nhận ơn Chúa vào mình và để cho chính ơn Chúa từ đó làm việc nơi chúng ta.
Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong thánh lễ. Mình Máu Thánh Chúa đến tăng cường cho Lời Chúa chúng ta vừa nghe. Ai đón nhận Lời Chúa và Mình Thánh Chúa thật sự, sẽ để Người tiếp tục sống trong mình. Chính Người sẽ hoàn thành công việc của Người nơi chúng ta như nơi hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng ta hãy cầu xin hai thánh cho chúng ta biết bắt chước các ngài.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
SUY NIỆM 5: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
Biến cố xảy ra gần thành Xêsarê thật quan trọng, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thêm một lần nữa nhân dịp lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ hôm nay.
Đây không phải chỉ có một lời tuyên xưng của Phêrô mà thôi, nhưng là hai lời tuyên xưng, đó là của Phêrô và của Chúa Giêsu.
Lời tuyên xưng thứ nhất của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ sai Con Một Người xuống thế để cứu rỗi nhân loại. Lời tuyên xưng của Phêrô nhìn nhận chương trình của Thiên Chúa đang diễn ra trong lịch sử con người: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.
Đáp lại lời tuyên xưng này, có thể nói dựa vào lời tuyên xưng Chúa Giêsu tuyên bố vinh hạnh của Phêrô, đồng thời cũng là vinh hạnh của con người, của tất cả mọi người được quy tụ trong đại gia đình của Thiên Chúa, trong một cộng đoàn con cái Thiên Chúa “Này Simon Phêrô, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.
Phêrô tuyên xưng vinh quang của Thiên Chúa, Chúa Giêsu tuyên xưng vinh quang của Phêrô. Phêrô được chọn làm đá tảng và sự lựa chọn đó bền vững muôn đời, cho dù Phêrô có thế nào đi nữa, nhưng Thiên Chúa không thay đổi chương trình, không hủy bỏ sự lựa chọn: “Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Vinh quang của Phêrô được Chúa Giêsu tuyên bố ra đây không phải là để Phêrô khoe khoang vinh quang hay hưởng thụ quyền lực và danh vọng, mà là vinh quang của Thập Giá, của hy sinh chiến đấu, của sự từ bỏ mọi sự cho đến cả mạng sống mình, và chúng ta biết rõ con đường vinh quang Thập Giá mà Phêrô đã trải qua.
Phêrô vừa mới tuyên xưng một sự thật “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, tiếp đó Chúa Giêsu tuyên bố một sự thật khác: “Trên đá tảng là chính con đây, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Phêrô mới nhìn nhận mầu nhiệm Con Thiên Chúa nơi chính con người Giêsu thành Nagiarét đang đứng trước mặt mình, thì Chúa Giêsu liền mạc khải thêm mầu nhiệm Nhập Thể thường hằng mãi mãi trong lịch sử, không phải cho một người mà cho nhiều người được quy tụ lại làm con Thiên Chúa trong một cộng đoàn, một Giáo Hội của Người. Giáo Hội là một mầu nhiệm nhập thể kéo dài mãi mãi của Con Thiên Chúa, đó là Giáo Hội mà mỗi người chúng ta đang là phần tử và đó cũng chính là Giáo Hội mà Chúa Giêsu muốn thiết lập.
Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài trong Giáo Hội, để chúng ta được biến đổi thành con cái Thiên Chúa, sống trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau. Tất cả mọi sinh hoạt của người đồ đệ Chúa đều được diễn ra trong Giáo Hội của Ngài và mọi Kitô hữu đều được quy tụ lại với nhau trong Chúa, trong một thân thể huyền nhiệm của Chúa. Đây là Giáo Hội của Thầy, trên đá tảng Phêrô, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được.
Giáo Hội yếu hèn vì gồm những con người tội lỗi, nhưng Giáo Hội cũng rất thánh thiện, tràn đầy thánh sủng của Chúa và được gìn giữ đến tận cùng: “Con là Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được”. Lời công bố long trọng của Chúa Giêsu đã trấn an các tông đồ, đồng thời mạc khải tính cách thường hằng mãi mãi. Giáo Hội sẽ hiện diện mãi mãi trong lịch sử cho đến tận thế, dù cửa hỏa ngục, tức quyền lực của hỏa ngục tấn công vào Giáo Hội, nhưng hỏa ngục sẽ không thắng được. Chúng ta hãy tin tưởng vào Giáo Hội cho đến cùng, chúng ta hãy chiến đấu với chính sự dữ nằm trong bản thân, để giúp Giáo Hội chiến thắng trên mọi sự dữ.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trên đường về cùng Chúa, xin tăng triển nơi con tình yêu thương tin tưởng vào Giáo Hội, xin củng cố đức tin và củng cố sự hiệp nhất giữa chúng con trong Chúa và trong Giáo Hội của Chúa. Amen.
SUY NIỆM 6: Phêrô
Tôi tên là Phêrô.
Đó là đầu đề tấm bích chương loan tin Đức Gioan Phaolô II đến thăm nước Pháp. Và chính Đức Gioan Phaolô II cũng đã tự giới thiệu như thế, khi ngài xuất hiện ở Genève, trước hội đồng hợp nhất các Giáo hội…
Thực vậy, dù Đức Giáo Hoàng có tên là gì chăng nữa thì người ta vẫn gọi ngài là Phêrô, vị giám mục đầu tiên của thành Rôma. Thực ra, ngay từ năm 180, thánh Irênê đã khẳng định:
- Cả hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cùng thiết lập Giáo hội Rôma và cả hai đều đã được diễm phúc tử đạo tại kinh thành muôn thuở này.
Chúng ta biết rằng Giáo hội Rôma, trong lễ kính ngày 29.6 hôm nay, đã liên kết chặt chẽ hai cột trụ ấy lại với nhau. Đồng thời mọi tuyên bố long trọng của Đức Giáo Hoàng đều được thực hiện chiếu theo quyền hành của thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.
Nhưng dần dần qua những góc độ khác nhau trên khuôn mặt thánh Phêrô, các cộng đoàn tiên khởi đã đo lường được kích thước đích thực mà Đức Kitô muốn trao phó cho Phêrô, cũng như sứ mạng phục vụ toàn thể Giáo hội mà chính Phêrô đã nhận lãnh.
Từ bên ngoài chúng ta nhìn thấy: Phêrô là một người thuyền chài, tuy cộc cằn nhưng năng động, một tông đồ tuy nhát đảm nhưng biết sám hối. Tuy nhiên vượt trên những điểm cá tính ấy, chúng ta cần phải nhấn mạnh đến một số đường nét nằm trong ơn gọi đặc biệt của ngài.
Trước hết, Phêrô là một nhà truyền giáo tuyệt hảo: Đây là những người mà từ nay con phải chăn giữ. Việc trao chìa khóa là một hình ảnh tượng trưng cho đặc ân mở cửa nước trời nhờ việc rao giảng Phúc âm của ngài và thị kiến tại Jopphê cho thấy cửa trời đã được mở rộng cho muôn dân. Thánh Phêrô còn là biểu tượng cho người chủ chăn mẫu mực, có trách nhiệm ưu tiên là chăn dắt đoàn chiên Chúa và quyền hành được xây dựng trên tình yêu mến, gắn bó mật thiết với Đức Kitô.
Hẳn chúng ta còn nhớ, sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra và đã hỏi Phêrô ba lần:
- Phêrô, con có yêu mến Thày hơn những người này không?
Và Phêrô đã xác quyết tình mến của mình:
- Lạy Thày, Thày biết con yêu mến Thày.
Sau đó Đức Kitô đã phán với Phêrô:
- Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thày.
Tiếp đến, Thánh Phêrô là thày dạy đức tin Kitô giáo, là phát ngôn viên chính thức của nhóm Mười hai. Tại địa hạt Cêsarêa Philipphê ngài đã tuyên xưng:
- Thày là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.
Rồi sau phép lạ bánh hóa nhiều, ngài cũng đã xác quyết:
- Lạy Thày, bỏ Thày chúng con biết theo ai vì chỉ mình Thày mới có những lời ban sự sống.
Chính Phêrô là người đầu tiên đã nhận ra Đức Kitô là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống như chúng ta vừa thấy.
Mặc dù yếu đuối, nhưng thánh Phêrô đã tiếp nhận từ nơi Đức Kitô một sứ mạng duy nhất. Sứ mạng duy nhất ấy đã làm cho Phêrô đồng hóa với Thày mình hơn ai hết, ngoài ra ngài còn là một khuôn mặt tiêu biểu cho người môn đệ, cho người tín hữu.
Mừng lễ thánh Phêrô tông đồ, chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, được hướng dẫn Giáo hội trên con đường thánh Phêrô đã đi, cũng như cho mỗi người chúng ta được trở nên những chứng nhân sống động cho Chúa giữa lòng cuộc đời.
SUY NIỆM 7: Suy Niệm Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô
"ST" nghĩa là sự thánh thiện
Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ "bần cùng sinh đạo tặc". Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự "ST", có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ "ST" đáng nguyền rủa này.
Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: "Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi". Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự "ST" vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.
Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: "Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)".
Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong hiện tại và suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối mình không phải là môn đệ của Thầy Giêsu. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ông chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống đổi mới con người theo như lòng Chúa mong ước.
Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: "Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vẫn hay sao?". Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: "trước khi gà gáy con đã chối Ta ba lần". Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: "dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ". Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.
Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được sáng tỏ. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: "Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết". Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những bước đi bị vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: "lầm lỗi là của con người", nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của "thánh nhân". Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng tin mừng". Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: "phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người". Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.
Ước gì cuộc đời các ngài soi sáng cho cuộc đời chúng ta để chúng ta không bao giờ thất vọng về lỗi lầm của mình, nhưng qua những yếu đuối bản thân, chúng ta càng nhận ra tình thương bao la của Chúa và cũng biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen.
Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Nguồn: http://gplongxuyen.org