Suy niệm 28/03/2020 – Thứ bảy tuần 4 Mùa Chay. – Dư luận về Chúa Giêsu.

Thứ bảy 28/03/2020 – Thứ bảy tuần 4 Mùa Chay. – Dư luận về Chúa Giêsu.

"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

 

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?"

Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người.

Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Ông này là Đấng Kitô

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô

vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.

Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).

Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu.

Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng

đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).

Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15).

Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).

Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,

còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).

Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.

Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.

Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).

Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,

chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.

“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).

Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.

Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.

Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế.

Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,

Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.

Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,

nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).

Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.

Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.

Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).

Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17).

Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.

Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.

Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:

“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).

Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê.

Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25).

Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.

Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.

Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô.

Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.

Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,

và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.

 

Cầu nguyện :

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Dư luận về Chúa Giêsu.

Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh ta là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Nirgara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không? Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên: “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai, thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta cũng sẽ trả lời: “Thày là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa. Thái độ của chúng ta có lẽ cũng giống như của những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay: người thì xem Ngài như một tiên tri, kẻ nhận Ngài là Chúa Kitô, đa số thì dựa vào những hiểu biết trong Kinh Thánh để lý giải về thân thế của Ngài.

Sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải là một hiểu biết trên lý thuyết hoặc chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải là vác Thánh giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và Ngài đề ra như một mệnh lệnh: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và đi theo Ta”. Danh hiệu Kitô gắn liền với Thập giá. Không thể tuyên xưng Chúa Kitô mà lại chối bỏ Thập giá của Ngài, không thể tự cho mình biết Chúa Kitô mà không liên kết với Ngài trong cuộc tử nạn. Thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm của ngài: “Phần tôi, tôi chỉ biết có một Đức Kitô chịu đóng đinh”. Biết theo nghĩa Kinh Thánh là môt sự kết hợp thâm sâu. Biết do đó phải là một cam kết. Biết Đức Kitô như thánh Phaolô diễn tả chính là nên một với Chúa Kitô trong mầu nhiệm tử nạn. Biết Đức Kitô chịu đóng đinh chính là bổ túc nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Ngài.

Mùa chay là mùa thanh luyện, chúng ta được mời gọi để sống một cách ý thức hơn bản sắc đích thực của người kitô hữu, đó là để Đức Kitô chiếm hữu và sống bằng chính sức sống của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là người kitô hữu không chỉ mang danh hiệu của Đức Kitô, lời tuyên xưng của họ không chỉ đọng lại trên môi miệng, mà phải là một cuộc sống kết hiệp với Ngài, với những cố gắng không ngừng của từ bỏ, quảng đại, yêu thương và phó thác.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Ðón nhận sự thật

Những người chống đối Chúa Giêsu kiên quyết bảo vệ lập trường sai lầm của mình. Họ tự hào rằng mình am hiểu Kinh Thánh, rằng mình thông thạo lề luật, và họ khư khư căn cứ vào sự hiểu biết của họ để mô tả hình ảnh của một Chúa Kitô theo trí tưởng tượng của họ và kết quả là họ đã không gặp được Ngài.

Nhóm người tán thành Chúa Giêsu thì ứng xử theo lối khác. Họ lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói, quan sát những việc Chúa Giêsu làm. Họ thấy cả những lời nói và việc làm này có một sự thật, một tình thương, một sức giải phóng tâm hồn. Thế là họ tin vào Người, họ không lý luận bằng chữ nghĩa, họ chỉ nghe ngóng với con tim. Lời lẽ của họ thật là đơn sơ: "Ông này là vị ngôn sứ. Ông này là Ðấng Kitô". Người ta có thể nói rằng hãy nhắm mắt lại để thấy, hãy bịt tai lại để nghe. Quả thật, có nhiều điều chúng ta chỉ có thể thấy được, nghe được, hiểu được bằng cách vượt lên khỏi lối nhìn, lối nghe và lối hiểu thông thường dựa vào hình tướng bên ngoài.

Lạy Chúa, lắm lúc con cũng thường đánh giá mọi chuyện dựa theo cái vỏ bên ngoài của chúng và giải thích chúng dựa theo những kiến thức tôn giáo xã hội mà mình thụ đắc được, những lúc đó, con tưởng mình đã nắm gọn chân lý trên tay và con lớn tiếng phê phán chỉ trích đủ điều, con không ngờ rằng nhiều lúc mình chỉ như gã mù xem voi. Mù vì thiên kiến hẹp hòi, mù vì kiêu căng tự mãn, mù vì những ghen ghét giận hờn. Làm nô lệ cho những tật xấu, những tội lỗi, những mù quáng tinh thần này, con không thể nào gặp được Chúa. Xin Chúa cho con biết đón nhận sự thật với tâm hồn đơn sơ và một con tim đổi mới, cởi mở. Xin ban cho con Thánh Thần Chúa, thanh tẩy con với mọi tội lỗi, giúp con thoát khỏi mọi sự mù quáng để nhận ra Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Họ chia rẽ vì Người

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? nào kinh thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. (Ga. 7, 40-43)

Không phải hôm qua họ đã chia rẽ vì Đức Giêsu. Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy họ chia rẽ nhau. Họ đã chia rẽ ở thời Đức Giêsu, họ vẫn còn chia rẽ nhau cho đến ngày nay. Một ngày nào đó, chỉ cần đến Đền thờ Mộ Thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì thấy rõ sự chia rẽ đó. Tất cả đều nói về Đức Kitô, nhưng lại tranh luận xem những phần nền nhà này, bến đậu kia là đất thuộc về tôn giáo nào! Xin Người mau chóng lập lại trật tự đi.

Hẳn đó không phải là điều Đức Kitô đến dạy chúng ta. Nhưng đó là sự kiện thật như Đức Kitô đã nói: “Tôi mang gươm giáo đến, ai thuận với Tôi và ai chống lại Tôi”. Không có chuyện nửa vời. Thuận với Người thì phải từ bỏ những lý lẽ của lý trí, ít ai chịu bỏ. Muốn nhận biết Người cần phải trở nên bé nhỏ và khiêm nhường mới hợp với giáo lý và những đòi hỏi của sứ điệp Đức Giêsu và đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Người.

Bản văn thánh Gio-an cho chúng ta thấy những ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề Đức Giêsu, còn xa mới đi tới nhất trí.

Kết cục, chính các vệ binh có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự công cộng, tuy ít học, nhưng đã có những suy nghĩ rất chính xác và rất rõ nét: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Câu nói ngây ngô trước những ông biệt phái, đã xúc phạm nặng nề đến các ông nhưng nhận xét của những kẻ mà các ông coi là dân đen lại thật sáng suốt và có lương tri rất tốt.

Các ông trách họ tàn tệ: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh và giới trí thức biệt phái có ai tin vào tên ấy đâu? Chỉ có bọn hạ lưu cặn bã như các anh mới phạm sai lầm xét đoán như thế thôi”. Các ông biệt phái luôn luôn có thái độ kiêu ngạo, khinh bỉ quá khích đối với những người đã khâm phục sự khôn ngoan của Đức Giêsu.

Đức Kitô sẽ không bao giờ đạt tới kết quả là quy tụ được tất cả loài người. Xin đừng ngạc nhiên vì Người đã tiên báo về chính Người: “Tôi sẽ là dấu chỉ gây ra sự mâu thuẫn”.

Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ hiểu dấu chỉ đó, chúng ta sẽ chịu đau khổ vì thế, nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận: “Cùng chịu hấp hối với Người cho đến tận thế”. Câu nói tuyệt vời của Pascal.

G.F.

 

SUY NIỆM 5: TẠI SAO LẠI VẤP NGÃ?  (Ga 7, 40-53)

Đã có lần Đức Giêsu nói Ngài đến không phải để đem bình an, nhưng là đem chia rẽ: cha chống lại con trai, và ngược lại. Con dâu chống lại mẹ chồng và mẹ chồng chống lại nàng dâu. Anh em chống đối nhau...

Hôm nay, sự xuất hiện và lời giảng dạy của Ngài cũng làm cho dân chúng trong mọi tầng lớp chia rẽ.

Họ chia rẽ bởi vì có những nhận định về Đức Giêsu khác nhau. Kẻ thì cho rằng Ngài là vị ngôn sứ; người khác lại khẳng định Ngài là Đấng Kitô, nhưng lại có nhóm phủ nhận tính Kitô nơi Ngài vì cho rằng Ngài không xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít mà lại từ Galilê!

Rồi đến những nhận định về tài giảng dạy của Ngài, trong đó phải kể đến nhóm vệ binh, họ nói: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Nicôđêmô, một người trong nhóm Pharisêu thì đứng lên bênh vực Ngài nhưng không mạnh mẽ, mà chỉ khơi khơi...

Trước những phản ứng đó, các thượng tế và người Pharisêu không tin vào dân chúng và tỏ ra tức tối khi dân này ca ngợi Đức Giêsu...

Lý do họ không tin vào đám dân này là vì họ gọi những người ấy là lũ dân xứ này. Với họ, những người dân này chỉ như là hạng bọt bèo, hạ đẳng, không đáng để họ khinh miệt chứ đừng nói gì đến chuyện tin hay không! Họ còn khinh bỉ những người thường dân này đến độ coi họ không có chút học thức hay đạo đức gì, bởi vì nếu có thì không thể tin vào Đức Giêsu được, chỉ những người ngu xuẩn mới tin vào Đức Giêsu mà thôi!

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn có nhiều người như Pharisêu và Thượng Tế, họ vẫn tự hào là người học cao hiểu rộng, có một số vốn kiến thức đây đó, rồi từ đó sinh ra tự tôn, kiêu ngạo, để rồi Đức Giêsu là Đấng chỉ để họ bàn tán, còn tin và yêu mến cũng như thực hành những điều Ngài dạy thì không có. Hay có những người cho mình là đạo đức, sống đạo tại tâm, không cần đi lễ, nhà thờ hay cầu kinh sớm tối, cho rằng những chuyện đó là dư thừa, phù phiếm...

Nghĩ như thế, ấy là lúc chúng ta tách đạo ra khỏi đời sống, mà đạo của chúng ta là đạo sống, tức là gắn liền với mọi chiều kích cũng như các mối tương quan trong xã hội, chứ không phải là một mớ ý niệm, định nghĩa...

Trong khi đó, nhiều người bình dân học vụ thì họ lại nhận ra Thiên Chúa cách rõ nét ngang qua tình thương của Ngài ban cho họ trên cuộc sống.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật và can đảm làm chứng bằng cả cuộc sống. Mặt khác, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để được ơn cứu độ từ Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong Mùa Chay này biết ý thức rằng: “Đức tin mà không có hành động thì đức tin chết”. Amen.

Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News