Suy niệm 27/11/2018 – Thứ Ba tuần 34 thường niên: Gắn bó với Chúa từng giây phút.

Thứ Ba 27/11/2018 – Thứ Ba tuần 34 thường niên. – Gắn bó với Chúa từng giây phút.

"Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào".

 

Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

  

Suy Niệm 1: Thời gian chuyển tiếp

Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.

Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng ta hằng gắn bó với Chúa và sống hết tình con thảo từng giây phút đời sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ngôn ngữ khải huyền

Trong thời điểm tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm những đoạn Kinh Thánh trình bày chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Những người nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố này thì xem ra như muốn biết rõ về thời gian, lúc biến cố xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ của Chúa: phải sống thế nào để có thể đón Chúa ngự đến vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.

Ngôn ngữ được Chúa Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và tiếng Việt dịch ra là Khải huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm. Mọi chi tiết, mọi sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn ngữ Khải huyền đều không nên được chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng, một hình bóng cho một ý tưởng nào đó. Những biến cố, những tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn nói lên cho chúng ta biết vũ trụ, thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời đời mãi mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối cùng đó, là giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải huyền không phải là để làm cho người ta lo sợ, lo sợ tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi, một lời thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức một cách tích cực để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế giới. Một niềm hy vọng về trời mới và đất mới, nơi công bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người đồ đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm, kiên trì giữa những thử thách xảy đến, và nhất là cần sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa để vượt thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những vị tiên tri giả, những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con người, những kẻ mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến, để có thể khám phá ra Chúa đang ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu rỗi chúng ta vì Ngày yêu thương chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Đền thờ sụp đổ

Nhân có mấy người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc. 21, 5-6)

Đoạn Tin mừng này khá phức tạp: hai phần không liên hệ với nhau. Trong đoạn đầu, Đức Giêsu loan báo sự tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong đoạn hai, người ta đặt câu hỏi mong Người trả lời: “Bao giờ xảy ra và có điềm gì báo trước?”. Nhưng Người không trả lời như họ mong muốn, Người lại nói đến những điềm báo về ngày tận thế. Chúng ta nhận xét vài điều liên hệ tới đền thờ sụp đổ.

Hai kiểu giải thích:

Tại sao đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá? Tại sao Đức Giêsu nói tiên tri “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” của lâu đài tráng lệ này được người Do thái tôn kính?

Đức Giêsu đã giải thích hai lần về vấn đề này. Trong Luca đoạn 19, 44 Người coi biến cố này là một hình phạt đổ xuống dân thành vì họ không nhận ra Đấng Thiên sai Cứu thế của Thiên Chúa. Lần thứ hai, trong Tin mừng theo thánh Gio-an đoạn 2, 19-22 giải thích sâu sắc hơn ẩn chứa một chút mầu nhiệm: “Hãy phá đền thờ này, và trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu muốn cho hiểu rằng: Đã đến thời Thiên Chúa ngự ở khắp mọi nơi và tỏ mình ra không chỉ ở đền thờ. Người quả quyết rằng đền thờ phải biến đi để Ngài hiện rõ ràng trước hết và trên hết trong chính Con Người của Con Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu phục sinh là đền thờ, đền thờ mới và duy nhất. Ngày phục sinh là ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem suy tàn đi, biến đi.

Con người là đền thờ Thiên Chúa.

Thánh tông đồ Phao-lô đã bổ túc tư tưởng của Đức Giêsu khi giải thích: Mỗi Kitô hữu và toàn bộ mọi Kitô hữu hình thành Giáo hội, là đền thờ mới để Thiên Chúa ngự. Chúng ta có thể nói mà không nghịch lại với tư tưởng của thánh Phao-lô rằng: Thực sự chính trong con tim của bất cứ người nào đều là nơi Thiên Chúa ngự.

Nếu quả thật như vậy, chính trong con tim mỗi người phải đi tìm Thiên Chúa trước hết. Ai không gặp được Thiên Chúa ở với mọi người thì họ không gặp được Ngài bao giờ.

R.C

 

Suy Niệm 4: NGÀY PHÂN BIỆT... (Lc 21, 5- l1)

Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái... Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!

Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một  kỷ niệm buồn tủi với nước mắt...

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc... Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.

Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Anh em làm chứng cho Thầy

Suy niệm:

Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,

có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.

Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo,

bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.

“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.

Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,

sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”

Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.

Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,

quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.

Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.

Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,

bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.

Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,

đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,

bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:

“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,

mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,

người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam

là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã làm điều phi thường

nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.

Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay

trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,

bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.

Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,

vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,

dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,

không đòi hy sinh mạng sống,

nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,

trước thập giá của Ðức Giêsu,

y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,

đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.

Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo

gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp

mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin

được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,

và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy

cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.

 

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org