"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Lời Chúa: Mc. 9, 29-36
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Suy Niệm 1: Làm tôi tớ mọi người
Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.
Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.
Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Để làm người lớn
Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu những lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc. 9, 30-32)
Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh gay gắt, một thế giới mà con người giành giật nhau, tiêu diệt nhau khi người này làm trở ngại cho thành công của người kia. Điều đó được thấy rõ trong quảng cáo. Bạn có thể đọc trong mục rao vặt cúa những tờ nhật trình, những yêu cầu cần người đại loại như sau: “Cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng.” Đây không phải là một thông tin của quân đội mà là của một xã hội bán những cái máy hút bụi. Người ta cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng đối với những khách hàng tình cờ. Người thanh niên càng năng nổ, có tinh thần chiến thắng càng sẽ được tuyển vào làm trong công ty. Hoàn cảnh trong Phúc âm hôm nay cũng gần tương tự. Các tông đồ coi Nước Trời như chuyện buôn bán cạnh tranh vậy… thế là Chúa Giêsu phải lên tiếng can thiệp.
Đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu có ý loan báo cho các ông về cái chết và phục sinh của Người. Giáo huấn này thật vô vị: Các ông chẳng hiểu, tệ hơn nữa, cũng chẳng thèm hỏi han gì. Lời Chúa chẳng vang dội trong tâm khảm các ông. Các ông bàn tán về đề tài các ông ưa thích: ai là người lớn hơn cả?
Về tới nhà
Về tới nhà, Chúa Giêsu ngồi xuống, quy tụ các môn đệ lại chung quanh Người. Lần này, Người muốn cho các ông phải hiểu. Người dùng chính lời lẽ của các ông để diễn tả: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Các ông muốn làm người lớn, là người quan trọng trong Giáo hội, điều này chẳng phải là xấu. Các ông là người thế nào, có tham vọng làm lớn tới đâu, thì Chúa nhận như vậy thôi, nhưng Chúa Giêsu chỉ cho các ông phương thế làm lớn trong Giáo hội. Làm lớn, chính là trở nên người bé nhỏ; làm người quan trọng, chính là coi mình chẳng là gì; là ông chủ, thì phải làm người phục vụ; làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết.
Để cho các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Chúa Giêsu làm một dụ ngôn bằng động tác: Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…” Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho lại được cái gì.
Chúa Giêsu hàm ý rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng tiếp đón bản thân Người và khi người ta tiếp đón vì danh Người, một người yếu đuôí, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần.
Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tước đọat nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.
Suy Niệm 3: THỨ BA “TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ” (Mc 9,30-37)
Đã từ lâu, chúng ta rất quen với cụm từ: “Tôi tớ các tôi tớ” được ký bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau mỗi văn kiện hay tông huấn...
Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.
Muốn làm lớn và trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo kiểu trần thế.
Vì thế, khi vừa nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, liền sau đó, các ông đã chăm chú vào chuyện bàn tán xem ai là người lớn nhất?
Lẽ ra, khi nghe thấy thầy của mình loan báo về cái chết sắp xảy đến, các ông phải là người an ủi, động viên, chia sẻ..., Không! đằng này sự vụ lợi, thực dụng và ích kỷ đã làm cho họ mờ mắt và vơi cạn đi sự cảm thông, các ông chỉ còn nghĩ đến mình mà thôi.
Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ của các môn đệ khi nói: người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm. Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất là khi các ngài lớn tuổi.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 4: Cãi nhau
Suy niệm :
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại - nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em ;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người. Amen. (Michel Quoist)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Nguồn:http://gplongxuyen.org