Suy niệm 25/02/2019 – Thứ Hai tuần 7 thường niên: Điều kiện trừ quỷ.

Thứ Hai 25/02/2019 – Thứ Hai tuần 7 thường niên. – Điều kiện trừ quỷ.

“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”.

 

Lời Chúa: Mc. 9, 14-29

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.

Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến.

Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.

Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay".

 

 

Suy Niệm 1: Quỷ vẫn còn ám

Có một người suốt đời chỉ biết chăm lo cho mình, vì thế tuy là người giàu có nhưng anh cũng là người keo kiệt nhất. Ngày nọ, sau khi dự đám tang của người thân trở về, anh quyết định đổi mới cuộc sống. Ít lâu sau đó, một người láng giềng bị cháy sạch nhà cửa, đây là cơ hội tốt để anh học biết cho đi. Thế nhưng, khi đứng trước kho lẫm, có tiếng nói thầm vào tai anh: "Hãy cho ít thôi". Một lần nữa anh phải chiến đấu với tính keo kiệt của mình, nhưng lòng quảng đại trong anh đã chiến thắng. Dù vậy, khi người láng giềng cám ơn và ra về, lòng anh vẫn còn vọng lại dư âm như muốn chế nhạo anh: "Chỉ có người điên mới làm như vậy, người láng giềng cũng có đôi tay để làm việc, tội gì phải cho đi như thế, lúc ốm đau thì lấy đâu lo cho thân mình".

Ngày nay, vẫn còn có nhiều người lưu tâm đến việc thờ ma quỷ, không những trên báo chí, phim ảnh, mà còn cả phong trào tôn thờ ma quỷ nữa. Ðiều này dễ làm con người lầm tưởng rằng ma quỷ ở đâu đâu hoặc ở trong một số người nào đó. Kỳ thực, không có những hiện tượng bên ngoài, như bị vật ngã, xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ thân thể, mà Tin Mừng hôm nay ghi lại, nhưng thực tế con người cũng bị ma quỷ ám ảnh tâm trí một cách nào đó. Những quỷ kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, mê ăn uống... không hiện nguyên hình, nhưng ngụy trang thành những bộ mặt đáng yêu để quyến rũ con người: với những lý luận đủ sức thuyết phục con người, như: thu tích tiền của có gì là xấu, có tiền củ tại sao tôi không hưởng thụ. Những ý tưởng đó dần dà chiếm hữu con người hoàn toàn, khiến họ bịt tai nhắm mắt trước những khốn khổ của người khác.

Thật không dễ gì trị được hiện tượng quỷ ám này, nếu không thực hiện Lời Chúa dạy là ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay để nâng con người lên khỏi sức nặng của thân xác và của cám dỗ vật chất; cầu nguyện để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, Ðấng đã đánh bại được quyền lực của Satan. Cầu nguyện là để cho con người cũ của chúng ta chết đi và để cho Chúa Giêsu mỗi ngày một lớn lên trong chúng ta.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thêm ý thức về thân phận tội lỗi, yếu hèn của chúng ta, và trong mọi sự, chúng ta biết hướng nhìn lên Chúa là sức mạnh, là lẽ sống duy nhất của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Các môn đệ thất bại

Bất cứ ở đâu, hể quỷ nhập vào là vật cháu xuống; Cháu xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi. Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” (Mc. 9, 18-19)

Đang lúc Chúa Giêsu và ba tông đồ còn ở trên núi, thì các môn đệ đã được Chúa sai đi truyền giáo gặp một trở ngại lớn. Đó là chuyện một đứa trẻ bị quỷ ám, quỷ thường hành hạ, xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho chết. Cha đứa bé đã đưa nó đến cho các môn đệ, nhưng các ông này không thể thắng được tên quỷ kia. Bệnh tật khốn khổ của đứa bé, có lẽ là chứng động kinh, đã lôi kéo đám đông và các kính sư, họ bắt đầu tranh luận với các môn đệ. Chắc hẳn mấy ông kinh sư nọ phải vui sướng vì sự thất bại này và phải hỏi các môn đệ ấy xem liệu Ông Thầy của họ sẽ đuổi được tên quỷ này không. Câu truyện tới đây thì Chúa Giêsu xuất hiện và thu hút mọi người. Cha đứa nhỏ len lỏi đến được với Chúa Giêsu và trình bày cho Người hay tình cảnh. Sau khi đã thử lòng tin của ông, Chúa Giêsu chữa cho con trai ông ta được lành. Phép lạ này đặt sức mạnh của Thầy đối chọi với sự yếu kém, bất lực của các môn đệ. Đức Giêsu mặc dầu đang tiến đến cái chết, như Người đã loan báo, thì Người vẫn cứ thảnh thơi hành động nhờ vào tính toàn năng của Thiên Chúa.

Mặt dưới của sự thất bại

Sự các môn đệ thất bại không trừ được quỷ cho Chúa Giêsu cơ hội giáo huấn về lòng tin và sự cầu nguyện, cả hai đều là nền tảng của việc truyền giáo cũng như đời sống Kitô giáo. Về phương diện này, ba giai đoạn của trình thuật thật quan trọng: lời trách móc đám đông, nói chuyện với người cha và nói chuyện với các môn đệ. Khi người cha mô tả cho Chúa Giêsu cơn bệnh của đứa con trai ông và sự bất lực của các môn đệ Người, thì Chúa Giêsu đưa ra một lời trách móc: “Oi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin!”. Các ngôn sứ trước thái độ bất trung và cứng lòng của dân Do thái thường kêu lên như vậy. Căn nguyên của sự thất bại nằm trong sự thiếu lòng tin, và điều này khiến Chúa phâỉ bực mình nổi giận: “Tôi còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”

Cha của người bệnh nói: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Lời kêu gọi xin thương xót này làm động lòng Chúa, mặc dầu có một sự ngờ vực nào đó về quyền năng của Người. Chúa Giêsu bắt bẻ lại: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin”, có nghĩa là Thiên Chúa toàn năng phục vụ cho kẻ tin. Chúa Giêsu nắm giữ quyền năng thay đổi thực tại vì lợi ích của người tín hữu chân thật. Người cha đã hiểu được tiến trình Chúa Giêsu đề nghị cho ông: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Thay vì xin chữa khỏi cho con mình, ông lại xin được tăng thêm lòng tin vốn là điều kiện cho phép lạ được thực hiện.

Cầu nguyện cho có lòng tin đã là một thái độ tin rồi và không có được lòng tin vững chắc, nếu không dựa vào ân sủng của Chúa.

 

Suy Niệm 3: THỨ HAI TẠI SAO CÁC MÔN ĐỆ KHÔNG TRỪ ĐƯỢC QUỶ? (Mc  9, 14-29)

Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được thánh thiện. Thánh nhân hỏi: "Ngài đã làm gì ?" Cha kia đáp: "Con tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu... Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối".

Thánh Vianney hỏi lại: “Thế cha đã ăn chay và cầu nguyện chưa?". Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa hề nghĩ tới.

Thấy vậy, cha Gioan Vianney đã chỉ ra cho cha kia biết nguyên nhân là chưa cầu nguyện và ăn chay nên không thành công...

Câu hỏi: "Tại sao chúng con không trừ được quỷ” mà các môn đệ cất lên hỏi Đức Giêsu có lẽ cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay!

Khi các môn đệ đang phân vân và không thiếu kinh ngạc trước sự cứng đầu của quỷ, Đức Giêsu đã nói ngay: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”.

Tại sao vậy? Thưa! Rất đơn giản, vì các môn đệ chỉ là người thừa tác để trừ quỷ chứ tự thân, các ông không thể trừ được. Vì thế, các ông phải nhân danh người sai mình. Cầu nguyện chính là sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời của người sai và người được sai. Khi cầu nguyện, người thi hành chỉ biết làm khi có lệnh hay đúng hơn là làm theo ý chủ.

Chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỷ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về mình thay về Chúa.

Thật vậy, "Không cầu nguyện thì không có đức tin.

Không có đức tin thì không có tình mến.

Không có tình mến thì sinh kiêu ngạo.

Khi đã kiêu ngạo thì hoàn toàn thuộc về ma quỷ”.

Đây là mấu chốt các môn đệ không trừ được quỷ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện. Cần xác định rõ rằng: việc trừ quỷ là việc của Chúa, chúng ta chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Tuy nhiên, dụng cụ phải vừa tay ông chủ, tức là chúng ta chỉ hữu dụng khi biết phụ thuộc vào Chúa qua cầu nguyện.

Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ý thức được sự cao quý của việc cầu nguyện, để đức tin, cậy, mến ngày càng lớn mạnh trong con người và nơi sứ vụ của chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Nếu Thầy có thể

Suy niệm:

Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.

Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường

khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).

Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại

khi bà xin Ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha

có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.

Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.

Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).

Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.

Tiếc thay họ không làm được (c. 18).

Bây giờ gặp được Ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.

Mỗi lần quỷ nhập - hay mỗi lần lên cơn động kinh -

con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).

Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).

Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,

nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.

Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong Ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.

“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”

Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.

“Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.

Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.

“Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).

Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).

Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.

Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.

Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.

Đức tin là lời đáp trả của con người,

nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.

Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với :

“Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”(c. 24).

Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.

Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.

Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).

“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).

Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết, xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn:http://gplongxuyen.org