"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".
Lời Chúa: Lc 20, 27-40
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng.
Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Đời này, đời sau
Suy niệm:
Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia Ðức bảo con người sinh ra để chết.
Cái chết là số phận của mỗi người,
nhưng nói chung ai cũng muốn sống.
Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi.
Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.
Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống.
Chính cuộc đời duy nhất này
định đoạt số phận vĩnh cửu của ta.
Không có một cơ hội thứ hai để làm lại.
Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này
để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.
Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.
Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục.
Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe.
Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau.
Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất,
và sống như thể chỉ có đời này.
Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết
linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ.
Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng
đời sau là sự kéo dài của đời này.
Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.
Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau.
Ðời sau khác hẳn đời này.
Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi,
nhưng sống như các thiên thần,
nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.
Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh.
Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác.
Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian,
nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu
để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,
chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau.
Cái chết dạy tôi biết cách sống.
Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo,
và những nỗi khổ đau do mê lầm.
Tôi đang đi về đời sau
để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời.
Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.
Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa,
và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi ra thăm nghĩa địa,
khi vào viếng phòng hài cốt,
con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao
mới dám nghĩ một ngày nào đó
những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.
Con người trở về bụi tro,
nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,
vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
trần gian này quá đẹp
khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;
thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.
Con loay hoay vun vén cho đời sống cá nhân,
như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.
Xin khơi dậy nơi con
niềm khát khao những điều cao cả.
Xin đừng để con
mãn nguyện với những cái tầm thường.
Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt ngào của trời cao,
khi con quên mình
để sống cho anh em trên mặt đất. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Có sự sống lại
Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 3: Chân lý của đời sống đức tin
Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen".
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.
Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.
Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Kiếm cớ gây chuyện
Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)
Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.
Câu hỏi cạm bẫy
Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.
Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.
Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi
Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.
Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.
Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.
RC
SUY NIỆM 5: SỐNG TRINH KHIẾT (Lc 20, 27-40)
Xem lại CN 25 TN C
Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc.
Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.
Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: theo luật Môsê, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dòng.
Vậy cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì họ đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.
Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ gả chồng nữa”.
Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.
Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới là vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc hiện nay, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News