Suy niệm 23/02/2019 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Bảy 23/02/2019 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Chúa biến hình trên núi cao.

"Người biến hình trước mặt các ông".

 

* Thánh Pôlicáp là môn đệ của thánh Gioan và là chứng nhân cuối cùng của thời các Tông Đồ.Người đã chết trên giàn hoả thiêu, giữa hí trường Miếcna, trước mặt dân chúng. Đang lúc đó, người dâng lời tạ ơn Chúa “vì mình đã được xét là xứng đáng được kể vào số các chứng nhân (tử đạo) và được chia sẻ chén đắng của Chúa Kitô”.

Hôm đó là ngày 23 tháng 02 năm 155, thánh nhân được tám mươi sáu tuổi.

 

Lời Chúa: Mc 9, 2-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".

 

 

Suy Niệm 1: Biến hình với Chúa

Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn cho người dậm chân tại chỗ: Ngài kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không biết; Ngài thúc đẩy Môsê rời bỏ cung điện nguy nga để tìm đến nơi hoang vắng, Ngài ra lệnh cho ông phải đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; Ngài kêu gọi Êlia hãy lên ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi: Ngài rời bỏ ngôi nhà của Cha để đến cư ngụ giữa loài người.

Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, xin Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Không được phép dựng lều

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. (Mc. 9, 2-3)

Trèo lên núi cao, có nghĩa là ra khỏi quê hương hay nơi cư trú của mình, là nâng mình lên cao khỏi những lo lắng thường ngày, là cắt nhịp sống tầm thường để tiến tới cuộc sống phi thường. Thánh Phêrô đã thấy rõ khía cạnh này khi đi lên núi cùng với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan. Ông cảm thấy khoan khoái khi được ở trên ngọn núi này. Vì thế ông đề nghị dựng lều cho Chúa Giêsu ở đây. Chúa Giêsu từ chối lời đề nghi này của Phêrô, bởi lẽ đối với Chúa không có vấn đề du lịch, cũng không phải ra khỏi xứ. Việc lên núi này tham dự vào sứ mạng của Người. Thực vậy, biến cố Chúa hiển dung trước tiên là vì các môn đệ, và củng cố niềm tin của các ông đối với Chúa Giêsu. Chúa biến đổi hình dạng sáng láng, y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh có nghĩa là Người được bao trùm vinh quang của Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc đàm đạo của Chúa với những nhân vật có thế giá của Cựu ước là Elia và Mô-sê cũng là cách nói cho các môn đệ hiểu rằng Đức Giêsu được nhập vào hàng ngũ và đang đi theo đường lối của hai vị đại ngôn sứ này. Thánh Luca nói đến đề tài của cuộc đàm đạo này: “Các ngài nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.” Cả hai vị Môi-sê và Elia đều là những người từng trải về xuất hành: vị thứ nhất đã đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập; còn vị thư hai đã đi khỏi trần gian này một cách huyền bí vào lúc cuối đời. Bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu phải thực hiện một cuộc xuất hành mới sẽ cho phép những kẻ thuộc về Người tiến đến cùng Thiên Chúa làm một với Người

Tiếng Chúa Cha phán

Trong chương chín, thánh Maccô đã trình bày cho ta thấy các tông đồ đã gặp ngày xui: các ông chậm hiểu, và Phêrô lại còn bị Chúa quở trách. Tình trạng đó hẳn làm cho các tông đồ mất tinh thần và khiến các ông phải tự hỏi liệu Người có phải đúng vị kinh sư mà mình đã chọn để đi theo không. Vì thế việc Chúa biến đổi hình dạng sáng láng đến đúng lúc. Phêrô đã trả lời nói lên căn tính của Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây, Thiên Chúa Cha cho câu trả lời đầy đủ: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Chứng từ này của Chúa Cha làm cho vẻ tăm tối ảm đạm nơi định mệnh của Chúa Giêsu là chân chính, xác thực. Đó là “những tư tưởng của Thiên Chúa “và các tông đồ chỉ có chọn lựa để chấp nhận: “Hãy vâng lời Người!” Dừng lồng khuôn Chúa Giêsu theo hình ảnh đấng thiên sai của các ông, đừng gán cho Người sứ mạng của một Đấng Kitô mang tính cách chính trị phải chiến thắng và phục thù. Các ông phải đón nhận Đấng-Thiên-Chúa-sai như Thiên Chúa sai đến: một Đấng thiên sai phải chịu đau khổ rồi mới vinh quang. Phải có điều này vì điều kia.

 

Suy Niệm 3: MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI

Cuộc biến hình hôm nay được diễn ra sau sáu ngày Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ.

Giờ đã đến, Đức Giêsu hé mở vinh quang của Ngài trong tư cách là Đấng Thiên Sai - Con Thiên Chúa. Qua cuộc biến hình của Ngài với Êlia và Môsê, Đức Giêsu muốn dạy cho các ông bài học rằng: chính Ngài phải chịu đau khổ rồi mới đến vinh quang; phải trải qua cái chết rồi mới phục sinh. Đây cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc dành cho người môn đệ nếu muốn chung phần với Thầy của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa. Luôn biết quy chiếu cuộc đời chúng ta trong niềm hy vọng phục sinh. Biết đón nhận thử thách và đau khổ trong cuộc đời với lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó, chúng ta được hạnh phúc như Chúa đã mặc khải cho các môn đệ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, để mai sau được phục sinh với Ngài. Amen.

 Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Hãy nghe Người

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần:

lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).

Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.

Lần thứ nhất, khi Ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).

Lần thứ hai, sau khi Ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).

Lần thứ ba, sau khi Ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).

Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy

thì Ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.

Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Ba ông này đã được thấy Ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),

và sẽ được ở bên Ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).

Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục Ngài trắng tinh rực rỡ.

Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,

vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.

Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,

mà là vén mở trong một thời gian ngắn

để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi Ngài.

Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.

Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.

Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).

Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.

Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.

Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.

Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).

Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.

Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe Ngài.

Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này

họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,

và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.

Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.

Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.

Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.

Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.

Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao

để con sống tình bạn với Chúa.

Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,

khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.

Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.

Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.

Chúa cho con gặp những nét sáng tươi

để con nở một nụ cười với cuộc sống.

Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,

yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.

Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi

nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hằng ngày.

Và ước gì khi xuống núi,

con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn:http://gplongxuyen.org