Suy niệm 20/12/2018 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng: Truyền tin cho Đức Maria.

Thứ Năm 20/12/2018 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng. – Truyền tin cho Đức Maria.

"Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 26-38

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

Nhưng Maria thưa với Thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên thần cáo biệt Bà.

  

Suy Niệm 1: Ngôi Lời Ðã Hóa Thành Nhục Thể

Gabriel trong tiếng Do Thái có nghĩa là: "Thiên Chúa là sức mạnh". Bởi thế, khi lãnh sứ mạng truyền tin cho Mẹ Maria, hình ảnh sức mạnh nổi bật nơi người mang sứ điệp và chính tại nội dung của sứ điệp. Mẹ Maria phân vân thắc mắc bằng những suy nghĩ thường tình của con người: "Việc ấy thành sự sao được? Vì tôi không biết đến người Nam". Tuy nhiên, thắc mắc này không làm nao núng vị sứ giả biểu tượng cho sức mạnh Thiên Chúa. Sứ giả đã trấn an Mẹ với lời khẳng định: Chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được". Dù cho tuổi già như Elisabeth thì Ngài vẫn cho sinh hạ một con trai để góp phần gia truyền ơn cứu độ. Ngài đã tạo dựng vũ trụ cho con người, Ngài đã gầy dựng một dân tộc từ một đôi vợ chồng son sẻ mà tuổi đã xế chiều, thế mà tại sao Ngài lại không thể tạo cho mình một thân xác từ trong cung lòng người Nữ được?

Thiên Chúa Quyền Năng làm được mọi sự, nhưng dù cho quyền năng thế nào đi nữa thì khi đứng trước tự do của con người Ngài cũng phải đành bó tay, vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Quả thật tự do là một món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Với lý trí và tự do con người đã vẽ lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân phận thụ tạo của mình. Có tự do mới có tình yêu, vắng bóng tự do thì chỉ còn là những áp đặt, trói buộc hoặc lợi dụng. Không gì làm đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng khi con người biết dùng tự do để đáp lại tình yêu của Ngài, và cũng không gì làm đau lòng Ngài cho bằng khi con người sử dụng tự do để phản bội Ngài. Dù Ngài Quyền Năng tuyệt đối thì Ngài vẫn không dùng Quyền Năng để ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế mà thảm cảnh đã đến với nhân loại khi nguyên tổ đã cản ngăn chương trình tốt lành của Thiên Chúa dành cho mọi thụ tạo.

Thế nhưng, Thiên Chúa lại không bỏ mặc con người nhưng Ngài đã hứa ban ơn cứu độ ấy được thể hiện qua dòng lịch sử. Khung cảnh được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là điểm cuối của hằng bao thế kỷ chuẩn bị ấy. Và dù phải bỏ công chuẩn bị suốt một thời gian dài như vậy, Thiên Chúa cũng không dùng quyền năng của mình để ép buộc Mẹ Maria chấp nhận chương trình của Ngài. Ngài đợi chờ hai tiếng "Xin Vâng" thốt ra từ môi miệng của Mẹ, Ngài tôn trong tự do nơi Mẹ. Về phần Mẹ Maria, Mẹ cũng dùng lý trí của Mẹ để tìm hiểu, thắc mắc. Tuy nhiên, khi dùng lý trí thì Mẹ vẫn không bước ra ngoài sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Câu hỏi của Mẹ là một thắc mắc chính đáng trong cái suy nghĩ thường tình của con người: "Làm sao một người nữ lại có thể sinh con khi không có sự tiếp tay của người nam". Sứ thần đã hướng dẫn lý trí của Mẹ suy nghĩ đến quyền năng của Thiên Chúa. Lúc này tâm trí của Mẹ không chỉ qui về sự việc bà chị họ mang thai nhưng bao gồm tất cả chiều dài của chương trình lịch sử cứu độ.

Nhờ thế mà hôm nay Giáo Hội mới có được lời kinh Magnificat để chúc tụng trong giờ kinh Phụng Vụ. Và rồi chẳng ngần ngại Mẹ đã thưa "Xin Vâng". Hai tiếng "Xin Vâng" tuy vắn gọn nhưng không mất tính chất quan trọng của một chiếc chìa khóa mở cửa cho nguồn ơn cứu độ đến với nhân loại. Chẳng gì là quá đáng khi chúng ta lập lại lời thơ của Hàn Mặc Tử:

"Lạy Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel!

Khi người xuống trần gian truyền tin cho Thánh Nữ.

Người có nghe xôn xao muôn vị tinh tú?

Người có nghe náo động cả phương trời?"

Vì do sự sử dụng tự do của nguyên tổ mà chương trình tốt lành của Thiên Chúa bị cản ngăn, thì lúc này với sự sử dụng tự do của Mẹ Maria chương trình cứu độ tình thương của Ngài được thiết lập.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta bắt chước ở nơi Mẹ Maria thái độ lắng nghe, tìm hiểu và rồi sẽ đáp trả trong tự do và tin tưởng. Vì mỗi ngày Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố của cuộc sống. Ngài chờ đợi một lời đáp trả trong "tin yêu", vì Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của ta. Nếu chúng ta biết thưa hai tiếng "Xin Vâng" như Mẹ Maria đã thưa thì chắc chắn Ngài sẽ đến và sẽ hành động trong chúng ta. Nhưng nếu một khi đã có Thiên Chúa đến ở với thì tôi tớ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng một khi được Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ chỉ là chi thể, là bạn hữu và là anh em của Ngài.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 2: Truyền tin cho Đức Maria

Người ta kể lại rằng: một hôm có người tìm đến thánh Don Bosco vấn kế về phương pháp xây dựng hoà bình thế giới. Nhằm lúc thánh nhân đang bận việc, con người thao thức về hoà  bình ấy gõ cửa mỗi lúc một mạnh hơn. Mãi một lúc sau, thánh nhân ra mở cửa và niềm nở mời khách vào phòng, Ngài kiên nhẫn lắng nghe, chờ cho người đó trình bày hết ý kiến, rồi mỉm cười nói: “Ông không nghĩ rằng một trong những phương pháp hữu hiệu để xây dựng hoà bình là gõ cửa phòng người khác nhẹ hơn sao?”.

Giai thoại trên minh hoạ phần nào thái độ đứng núi này trông núi nọ của rất nhiều người. Nhiều người chưa làm nổi những việc nhỏ đã nghĩ đến những việc lớn: nhiều người không đủ kiên nhẫn chịu đựng những việc thường ngày đã nghĩ đến việc tử đạo cho đại cuộc.

Trong lãnh vực đức tin cũng thế, nhiều người tưởng có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong bốn bức tường nhà thờ, trong những giờ phút thinh lặng, trong những giờ cầu nguyện liên tục. Thiên Chúa dường như không chấp nhận bị giam trong những giờ phút giờ phút hay khung cảnh giới hạn nào đó. Ngài đến trong từng giây phút và biến cố cuộc sống, trong những cái nhỏ nhặt thường ngày của cuộc sống.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta lặp lại xác tín đó. Sứ thần được sai đến với một Trinh nữ khiêm hạ, thuộc một ngôi làng nhỏ bé  Nazarét, xứ Galile. Nhưng chính từ khung cảnh âm thầm ấy, thánh Luca đã làm nổi bật những tước hiệu cuả Đấng Cứu Thế: “Ngài sẽ nên cao  trọng và được gọi là Con Đấng Tối cao. Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp”.

Một Thiên Chúa Toàn năng đã đến gặp con người, trong thân phận con người, trong khung cảnh bình thường, trong những bất ý nhất của cuộc  sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta mỗi khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chuá, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria”.

Nét độc đáo của niềm tin  Kitô là tuyên xưng Thiên Chúa đã mặc xác phàm. Và tin nhận Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong từng phút giây cuộc sống, là biến mỗi phút giây cuộc sống thành  cuộc gặp  gỡ với Đức Kitô.

 

Suy Niệm 3: Hỏi hay chiêm niệm

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xãy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Sứ thần đáp: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc. 1, 30-31. 34-35)

Nhiều câu hỏi được đặt ra:

Khi thiên thần Gáp-ri-en báo tin cho Maria sẽ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ không thể không hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào? Vì tôi khấn giữ đồng trinh”. Mẹ hài lòng vì câu trả lời của thiên thần nên nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Chúng ta tò mò hơn Đức Maria, không chỉ hỏi một câu mà nhiều câu thắc mắc liên quan đến sự sinh con đồng trinh của Đức Mẹ.

Người duy lý hỏi: “Làm sao Thiên Chúa có thể làm một việc nghịch với bản tính tự nhiên?”. Kẻ đa nghi hỏi: “Có thể xảy ra như thế không? hay thánh sử Tin mừng tô điểm thêm cho đẹp”. Tín hữu yếu đức tin cũng hỏi: “Tại sao chúng ta buộc phải tin điều như thế?”.

Câu trả lời chân chính: Chúng ta không chấm dứt được những câu hỏi đặt ra cho chúng ta về vấn đề sinh hạ Đức Giêsu cách lạ lùng. Những câu đó là vô ích. Trong khi tìm cách trả lời, chúng ta cố gắng chiêm niệm sâu xa hơn về mầu nhiệm của Thiên Chúa và nắm bắt lấy thánh ý Ngài một chút.

Nhưng câu hỏi chân chính nên đặt ra chính là câu hỏi: Chúng ta có nên hỏi hay nên chiêm niệm mầu nhiệm cưu mang đồng trinh? Điều nào là quan trọng hơn? Đức Maria nhất thiết chọn việc chiêm niệm mầu nhiệm hơn. Ngài đã đón nhận và suy niệm mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài không thử thách Thiên Chúa, không tìm cách thọc mạch những điều bí ẩn. Ngài đã hoàn toàn tin cậy Chúa. Mẹ đã nhận thấy điều căn yếu này: Thiên Chúa sẽ làm nơi Mẹ những điều lạ lùng.

Nếu chúng ta chăm chú chiêm niệm hơn về mầu nhiệm sinh ra Đức Giêsu, có thể chúng ta sẽ dễ dàng tìm được những câu đáp tốt lành cho những thắc mắc của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ được chìm vào sâu thẳm của mầu nhiệm khi chiêm niệm, và lúc đó những thắc mắc sẽ biến tan.

J.Y.G

 

Suy Niệm 4: “XIN VÂNG” (Lc 1,26-38)

Vào thời Đức Maria, luật lệ Dothái rất gắt gao đối với những phụ nữ bị phạm tội ngoại tình. Nếu bị mắc phải, tức là có thai trước hôn nhân hay trong thời kỳ đính hôn là bị án tử hình. Hình phạt chính là ném đá cho đến chết.

Trong hoàn cảnh như thế, Đức Maria cũng thuộc về thành phần trong dân tộc này, hẳn Mẹ không thể thoát khỏi tội chết khi tự nhiên trong bụng mình có một Thai Nhi ngày càng lớn dần theo theo năm tháng...

Ai là người hiểu được Mẹ ngoài Thiên Chúa là chủ thể của Thai Nhi trong bụng Mẹ! Như thế, khi không chồng mà chửa là chắc chắn chết. Mẹ biết rõ điều đó. Tuy nhiên, khi Mẹ nhận được lời giải thích của Sứ Thần, Mẹ đã chấp nhận đi vào cuộc phưu lưu với Thiên Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Quyết định này là một hành vi can đảm, bởi vì khi quyết định như vậy, Mẹ sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn đến từ gia đình, xã hội và nhất là với Giuse, bạn trăm năm của mình. Nhưng, vì tin vào Thiên Chúa tuyệt đối, nên Mẹ đã buông theo ân sủng để Thiên Chúa rợp bóng trên cuộc đời của Mẹ.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, đức tin nhiều khi bị lung lay vì những thử thách đến với chúng ta từ nhiều phía...

Đôi khi chính chúng ta cũng thử thách ngược lại Thiên Chúa để thỏa mãn sự hiếu tri của mình trước khi tin, và như thế, hẳn khó có thể chấp nhận nghịch lý ân sủng của Thiên Chúa.

Nguyên nhân sâu xa chính là việc chúng ta không nhạy bén với ơn Chúa, còn nghi ngờ quyền năng của Ngài, và cũng có thể do sự kiêu ngạo phủ lấp tâm trí chúng ta, nên Lời Chúa khó biến đổi tâm hồn trai đá của mình. Vì thế, nhiều khi còn uốn nắn Lời Chúa theo thiển ý của ta nữa.

Sở dĩ Đức Mẹ trở thành Nữ Tỳ Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận lời “xin vâng” với Thiên Chúa là vì Mẹ nhạy bén với ơn Chúa đã được loan báo từ trong thời Cựu Ước. Mẹ cũng khiêm tốn khi thấy điều này là kế hoạch đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người, nên Mẹ đã “xin vâng” để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng, phó thác cuộc đời cho Chúa như Đức Mẹ. Khiêm tốn để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng ta. Sống trung thành với Chúa dù có phải gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Can đảm đón nhận thánh ý Chúa và trung thành với Thiên Ý.

Lạy Mẹ Maria, xin phù trợ chúng con để chúng con khiêm tốn, can đảm, nhạy bén và trung thành với Chúa như Mẹ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa

Suy niệm :

Cách đây gần chín tháng, chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này

vào lễ sứ thần Gabrien Truyền Tin cho Đức Mẹ.

Hôm nay chúng ta nghe đọc lại bài này trong bầu khí rộn ràng

của những ngày gần đại lễ Giáng Sinh.

Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời gian Đức Mẹ mang thai.

Luca chỉ nói về chuyện Mẹ đi thăm bà chị họ hiếm muộn (Lc 1, 39-45).

Còn Mátthêu nói về chuyện thánh Giuse nằm mộng và được sứ thần mời

đón nhận Maria làm vợ và thai nhi Giêsu làm con của mình (Mt 1, 18-24).

Nhưng thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng,

nhất là đối với người mẹ trẻ sinh con so.

Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm,

mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình.

Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi

và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận.

Thai nhi trở thành người trọn vẹn

nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ.

Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế.

Ngài không từ trời hiện xuống bất ngờ trong quyền năng,

nhưng Ngài đã là một thai nhi yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ.

“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã tạo cho con một thân thể…

Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây,

con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 5-7).

Con Thiên Chúa đã cất lên tiếng Xin Vâng đối với kế hoạch của Cha.

Tiếng Xin Vâng khiến Ngài chấp nhận hủy mình ra không,

để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7).

Khi trở thành một thai nhi sống nhờ lòng mẹ,

Con Thiên Chúa như cất giấu đi vinh quang chói ngời của thần tính.

Ngài vui lòng đồng hành với mọi con người trên mặt đất

để Ngài thực sự là anh em của họ.

“Tôi đây là nữ tỳ của Chúa.

Xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38).

Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống,

và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời (c. 35).

Ngài từ từ có trái tim, khuôn mặt, vân tay riêng…

Đấng Cứu Độ sung sướng trở nên một sinh linh nhỏ bé,

để nói cho nhân loại biết về sự cao quý của một thai nhi.

Đức Maria trở thành Hòm Bia Thiên Chúa, nơi Ngôi Hai hiện diện.

Chúng ta ít khi nghĩ đến thời gian Mẹ Maria mang thai.

Thời gian cưu mang chẳng bao giờ nhẹ nhàng hay dễ dàng.

Để có thể sinh ra Đức Giêsu cho môi trường ta đang sống,

cũng cần thời gian thai nghén lâu dài và vất vả.

Chúng ta phải mang Ngài trong lòng mình,

kiên nhẫn và chăm chút để Ngài lớn lên, trước khi sinh Ngài cho thế giới.

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi” (Mc 3, 35).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa

ít là một lần trong đời.

Khi tương lai con đang vững vàng ổn định,

xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lêvi

và mời gọi con đứng lên theo Chúa,

bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa.

Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Simon,

xin hãy quay lại nhìn con

bằng ánh mắt xót thương, tha thứ,

để con òa khóc như trẻ thơ.

Khi con khao khát sống cuộc đời hoàn thiện,

xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương

như Chúa đã trìu mến

nhìn người thanh niên giàu có.

Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa,

xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con,

như Chúa đã ngước lên nhìn Dakêu

và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.

Lạy Chúa Giêsu,

xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay

bằng ánh mắt của Chúa.

Chúa động lòng thương

khi thấy bao người yếu đau,

thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử.

Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người.

Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá,

nhưng Chúa cũng vui

khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả.

Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ

trước cái chết của người bạn thân là Ladarô,

và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu.

Lạy Chúa, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.

Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org